Giáo dục trong những ngày chưa bình thường: Sự phi thường đến từ đâu?

T.L (*) 07/10/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Sức mạnh của con người là cố gắng lấy lại những bình thường nho nhỏ trong khung cảnh bất thường khổng lồ.

 
 

 Gần hai năm qua, gạt sang một bên những gì tiêu cực, đại dịch COVID-19 khiến ta phải công nhận một điều: con người quả là một giống loài phi thường. Bi kịch đến từ sự hoảng sợ và quá đà trước dịch cũng ngang với bi kịch đến từ sự coi nhẹ và lơ là, nhưng rồi như một thứ cỏ cây bền bỉ và “không thể chết”, vượt lên khỏi đống đổ nát mà rất nhiều phần do chính mình gây nên, con người đã lần lượt hình thành những “bình thường mới” để mà đi tiếp.

Một trong những hoạt động sau khi “thoát nạn” là kể lại những trải nghiệm và bài học rút ra. Trong cả năm nữa, có lẽ ta sẽ được đọc nhiều câu chuyện như thế. Mới đây The New York Times đã đăng một chùm những câu chuyện thật của những người làm giáo dục - một lĩnh vực có lẽ bị xáo trộn nhiều nhất và hậu quả sẽ rất dài lâu. 

Đọc những câu chuyện ấy, ta hiểu sự phi thường của con người đến từ đâu: từ sự tích cực muốn làm điều gì đó tốt hơn, vượt lên khỏi những gì mà hoàn cảnh “xô” vào. Không cần to tát và cốt lấy nước mắt, những việc nho nhỏ nhưng mạnh mẽ đầy lý trí mới đưa được “bình thường” quay về.

 

 CHUYỆN CỦA ADAMS

Daena Adams là hiệu trưởng của một trường trung học tại Chicago. Câu chuyện của cô là ở vị trí người quản lý, khi các giáo viên báo cáo có tình trạng học sinh vừa đi làm thêm vừa dự lớp trên Zoom. Đúng ra cả lớp phải bật camera, nhưng học trò thường lách luật bằng cách hướng lên trần. Nhìn vào đấy, giáo viên biết ngay là trần nhà xưởng, nơi học sinh đang làm việc kiếm tiền.

Adams kể trường hợp một học sinh rất giỏi vừa học trực tuyến vừa lái xe đi làm thêm. Đúng lúc giáo viên gọi em phát biểu thì nghe tiếng đụng xe chát chúa, điện thoại em rơi xuống sàn. Tất cả ngưng bặt. Cả lớp sững sờ... 

May mắn là vụ đụng xe không làm ai bị thương, nhưng Adams đã phải gọi điện yêu cầu một công ty chuyển phát và một siêu thị đừng thuê học trò của cô nữa, hoặc ít nhất không thuê chúng vào giờ học, không cho chúng làm ca đêm vì hôm sau sẽ ngủ gà ngủ gật trong lớp.

Đại dịch khiến tài chính các gia đình thành eo hẹp, Adams không thể cấm học sinh của mình làm thêm, một phần vì cô không có quyền với những gì chúng làm ngoài giờ học. Cô chỉ có thể dành thật nhiều thời gian để thuyết phục các em hiểu cái gì cần ưu tiên, “con cá lớn” phải là gì, có muốn vào đại học hay vào đời buôn bán thì cũng phải tốt nghiệp đã.

Adams cũng nói chuyện với các phụ huynh, và đôi khi cô bị họ mắng té tát. Họ khăng khăng con mình phải đi làm để kiếm tiền về cho nhà. Adams thì muốn “bố mẹ cho ra bố mẹ”: nghĩ tới việc học của con. Họ thách cô đánh rớt con họ; và cô thách thức lại rằng nếu học trò mải đi làm để học kém thì cô sẽ đánh cho rớt đấy.

Học trực tuyến khiến học sinh có thể phân thân, cùng lúc tranh thủ làm việc khác. Các gia đình hết tiền, trẻ con phải bươn chải sớm. Biết làm sao, Adams cùng các giáo viên đành phải đi trước một bước, xây dựng những bài học vào đời sớm: dạy cho học trò về quản lý thời gian, về ra quyết định, về cách hoàn tất các bài tập được giao nếu các em sau giờ lên lớp vẫn phải làm thêm kiếm tiền.

CHUYỆN CỦA VAZQUEZ

Joann Vazquez, 60 tuổi, là một trong 39 chuyên gia trợ giúp công nghệ cho các trường trung học công ở quận Beaverton. Oregon, nơi có rất nhiều sắc tộc khác nhau với 94 ngôn ngữ; một phần tư các gia đình vùng đó nói tiếng Tây Ban Nha.

Bước vào dạy và học trực tuyến, Vazquez biết ngay là mình sẽ vất vả: học sinh và phụ huynh nhiều người mới nhập cư, không dùng máy tính, chỉ dùng điện thoại. Trường phải cho họ mượn iPad hoặc Chromebook để trẻ con học bằng các nền tảng Canvas, Seesaw và Zoom.

Suốt 10 tuần đầu tiên của COVID, Vazquez rối nùi vì giáo viên nhờ hỏi phụ huynh sao trẻ con không lên lớp, phụ huynh thì hỏi sao không vào Zoom được, hoặc cố vào Seesaw nhưng mất code lớp học rồi... Rất nhiều việc và cần phải có người biết tiếng Tây Ban Nha giúp một tay. Đội của Vazquez tại trường có mỗi hai người, quay cuồng sáu tiếng mỗi ngày chỉ có trả lời điện thoại cho phụ huynh về những vấn đề linh tinh ấy.

“Chúng tôi cần thêm người!”. Theo đề xuất của Vazquez, trường nhận thêm bốn người nói tiếng Tây Ban Nha, trong đó có hai tài xế xe buýt, Vazquez đào tạo về IT cho họ.

Việc đâu cũng vào đấy, các cuộc gọi về kỹ thuật bớt rối rít, trẻ con đã lên lớp đều và làm bài tập. Khi trường học mở cửa trở lại, những người trợ giúp chia tay trở về công việc gốc của mình, riêng hai anh tài xế được giữ lại làm trợ giúp kỹ thuật. Họ còn làm công việc đó lâu dài, vì qua đại dịch trường của Vazquez càng thấy rõ, các phụ huynh song ngữ trong vùng cần được trao đổi với ai đó bằng thứ ngôn ngữ mà họ có thể bày tỏ được.

 
 

 CHUYỆN CỦA ROYSTER

Patricia Royster, 55 tuổi, là nữ tài xế xe buýt đưa đón học sinh tại Baltimore, tiểu bang Maryland. Royster rất tự hào về công việc của mình: là người đầu tiên mà đám học trò gặp vào buổi sớm khi rời nhà tới lớp, và là người sau chót chúng thấy vào buổi chiều khi về nhà. Đại dịch COVID-19 với phong tỏa và giãn cách đã giáng cho bà một đòn choáng váng: lần đầu tiên trong suốt 30 năm làm công việc này, Royster không được phục vụ lũ học trò.

Thế rồi một hôm, sếp của Royster thông báo họ nhận một chương trình mới do chính quyền đề xuất: chở sách vở, bút, thước, kiêm trao đổi máy tính xách tay giúp học sinh; cung cấp rau củ quả và thông tin trong vùng cho phụ huynh đang bó giò chẳng đi đâu được. Quy định là tài xế phải tự bốc dỡ hàng. Đổi với Royster, điều ấy chẳng đáng gì so với niềm vui được gặp lại bọn trẻ con.

Royster kể bà muốn để lại ấn tượng thật đẹp trong những cuốc xe ấy, muốn được thấy trẻ con vui khi nhận tập vở, được thấy các bà nội trợ có rau nấu xúp. Royster càng vui hơn khi tham gia tiếp chương trình “kéo” học sinh bỏ học tới trường. Có khoảng bốn, năm em cần phải học cho xong lớp 12 và cần dự lớp đàng hoàng. 

Chở các em tới trường, Royster hỏi: “Thế các cháu định làm gì khi tốt nghiệp trung học?”. Có em nói cho bà nghe chi tiết, có em bảo: “Cháu chưa nghĩ xa được thế. Lần sau đón chắc cháu sẽ nói bác nghe”.

Dịch lui dần, mọi người đã lại ra đường. Ở chợ, thường có cảnh một em bé chạy tới Royster và hỏi: “Nhìn bác quen quen, cháu gặp đâu rồi...”. Royster tự hào bảo: “Bác là người lái xe buýt hồi nọ đem sách vở, rau củ cho nhà cháu”.

CHUYỆN CỦA HOWARD

Gallaudet Howard, 54 tuổi, giáo viên môn nhân văn của một trường tư nhân thuộc bang Massachusetts, kể lại một trải nghiệm có một không hai trong cuộc đời đi dạy.

Vào tháng 10 năm 2020, khi cha ông trở nặng và khó lòng qua khỏi, Howard phải mang máy tính vào phòng bệnh dạy trên Zoom cho học sinh lớp 11, 12. Hôm ấy họ học sử thi “Gilgamesh”.

Howard nói cho học trò biết cha mình bị lú lẫn, vỡ xương chậu, có bệnh ở tiền liệt tuyến; rằng có thể ông cụ sẽ hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi, còn cái máy trong phòng có thể sẽ luôn kêu bíp bíp, và nếu bỗng dưng cụ trở nặng thì lớp sẽ phải ngưng đột ngột. Howard cũng kể cho học sinh nghe những điều mà cha ông - một học giả chuyên về Shakespeare và một nhà văn viết về tôn giáo - đã nói ông nghe về việc viết lách, rằng “tất cả đều để diễn đạt tình yêu và cái chết”.

Buổi học bất đắc dĩ ấy hóa ra là một món quà mà học sinh của Howard dành tặng cho cha ông. Ông cụ lắng nghe, vui thích, vì gặp lại khung cảnh quen thuộc của những cuộc thảo luận xưa kia. Howard nói với học trò: “Nhìn xem các em đã tặng cha tôi điều gì kìa. Cảm ơn các em”.

Howard quan sát học trò mình học thiên anh hùng ca cổ nói về cái chết, trước một ông cụ đang đi đến cái chết. Thiên anh hùng ca “Gilgamesh” dằn vặt với câu hỏi “Vì sao phải chết?” nhưng không đưa ra câu trả lời. Nó chỉ cho thấy làm người là chấp nhận sẽ có lúc đau khổ. Rồi người ta chỉ có thể xoay xở mà sống qua sự đau khổ. 

Khi chia sẻ điều này với những học sinh tuổi thiếu niên - lứa tuổi thiếu niên trải qua điều gì cũng ở cấp độ mãnh liệt, Howard có chút ngại ngần, nhưng rồi nhận ra bộ môn mình đang dạy là về con người, về trải nghiệm của con người, những câu chuyện hạnh phúc và đau thương của con người. Dạy học không phải chỉ cho học sinh đọc lên những câu chuyện ấy, mà còn cho học sinh sống trong những câu chuyện ấy.

Howard nói, nếu đại dịch COVID quái đản không xảy ra, sẽ không bao giờ có một tiết học như thế, bởi như bình thường phòng bệnh và phòng học là tách rời. Khi đã trở lại với trường lớp “thật”, những gì “học” được qua đại dịch ông quyết vẫn giữ: đó là phải say mê với chủ đề mình dạy, sẵn sàng mở lòng đến hết mức cho sự say mê ấy dẫu có thể bị nó làm tổn thương. Mọi chuyện có thể thô tháp đấy nhưng cốt sao khiến học sinh yêu việc học, trở thành những người nhạy cảm hơn, tốt đẹp hơn. 

(*) Phỏng dịch từ The New York Times

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận