Hết tiền mã hóa đến tranh mã hóa

TRÚC ANH 01/04/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Chi 69,3 triệu USD chỉ để được quyền khẳng định “ta đã sở hữu” một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số mà ai cũng có thể dễ dàng tải về, lưu trữ, nhân bản một cách dễ dàng và hoàn toàn miễn phí - điều này nghe có điên rồ không?

Vậy mà nhà đấu giá nổi tiếng Christie’s hôm 11-3 đã bán được một tác phẩm như thế - bức tranh Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ kỹ thuật số Beeple.

Người mua - có biệt danh Metakovan - không mang được cái gì hữu hình về nhà, cũng chả độc quyền lưu trữ tập tin đó; anh ta chỉ nhận được một dãy mã số (token) chứa thông tin xác thực bức tranh là bản gốc, độc nhất và anh là người sở hữu tác phẩm gốc. Đó là cách NFT (non-fungible token) và thị trường cryptoart, tạm gọi là “mỹ thuật mã hóa”, vận hành.

 

 Bức tranh Everydays

NFT là gì?

Trong kinh tế học, fungible chỉ loại tài sản có thể thay thế được - ví dụ với tiền, một tờ 100.000đ đổi lấy hai tờ 50.000đ thì giá trị không thay đổi. Trái lại, non-fungible là tài sản không thay thế được, mỗi cái là duy nhất - ví dụ một bức tranh, một ngôi nhà, một thẻ bài sưu tập. Ta có thể chụp ảnh bức họa Mona Lisa hay mua bưu thiếp có hình tác phẩm đó, nhưng dưới vòm trời này chỉ duy nhất có một bức tranh gốc mà thôi.

Hiện nay, có thể công nghệ blockchain để “token hóa” mọi thứ tồn tại ở dạng kỹ thuật số - từ file hình ảnh, đoạn nhạc, video, bài báo online, dòng trạng thái trên Twitter thành các NFT, và mua bán các NFT đó, sử dụng tiền mã hóa. Hiện tại, đa số NFT là tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, vì thế mới sinh ra cryptoart.

Các NFT có thể được mua bán, xem như “sang tay” chứng nhận quyền sở hữu. Cũng như cách vận hành của tiền ảo, thông tin ai đang sở hữu cái gì sẽ được lưu vào blockchain. Nội dung này không thể bị chỉnh sửa hay can thiệp vì sổ cái được hàng ngàn máy tính khắp thế giới tham gia giám sát, xác thực.

Điều đặc biệt của người bỏ tiền ra mua NFT là họ chỉ được cái quyền nói “tôi là chính chủ sở hữu tác phẩm được xác nhận là bản gốc”, ngoài ra không thực sự nắm giữ, được phép sở hữu bản quyền, quyền thương mại… của tác phẩm đó. Chẳng hạn, trang Quartz biến một bài báo thành NFT và đem bán trên sàn giao dịch Open Sea nhưng vẫn giữ toàn quyền biên tập, chỉnh sửa, thậm chí xóa luôn bài gốc ngay cả khi có người đã bỏ tiền ra mua.

Một điều khó hiểu của thế giới cryptoart là không cần chi cả đống tiền vẫn có thể dễ dàng tiếp cận (miễn phí) các tài liệu kỹ thuật số đó (ví dụ với bức tranh Everydays, cứ lên mạng search là ra, cỡ nào cũng có, tha hồ tải về, gửi cho bạn bè… ).

Những người ủng hộ NFT cho rằng điều này chả có gì phải xoắn - miễn là nghệ sĩ được trả tiền, chứ tác phẩm bị sao chép thì có sao đâu? Trong đời thường, các tác phẩm cũng được sao chép, thương mại hóa đầy ra, nhưng đâu có làm giảm giá trị nguyên bản? Mua NFT cũng như mua một bản sao, có xác thực sở hữu đàng hoàng của tác phẩm gốc, còn ngoài kia có bao nhiêu bản nhái không cần biết.

Loạn xà ngầu

Càng đào sâu vào thế giới NFT, càng gặp những điều khó hiểu. Chẳng hạn không chỉ tác phẩm nghệ thuật mới được bán dưới dạng NFT. Rao bán các dòng tweet đã đăng cũng là một xu hướng, mà người khởi xướng không ai khác chính là nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey.

Đầu tháng 3, ông này đấu giá dòng tweet đầu tiên của mình hồi năm 2006 trên sàn Valuables. Giá chào mua liên tục tăng, và đến ngày 23-3 người chiến thắng là CEO Hãng Oracle Sina Estavi sau khi trả 2,5 triệu USD. Dorsey sẽ chuyển tiền này (sau khi chia lại 5% tiền phí cho Valuables) thành Bitcoin và tặng quỹ hỗ trợ gia đình bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ở châu Phi.

Tới đây, phải lưu ý là báo chí nước ngoài thường dùng đơn vị USD để miêu tả những cuộc bán mua NFT hàng chục triệu đôla nghe rất hoành tráng nhưng thực ra đó là giá quy đổi. Các giao dịch đều tiến hành bằng đồng tiền mã hóa, cụ thể là đồng Ethereum (đơn vị ether). Vì thế mà tác phẩm được Christie bán thực chất có giá 42.329,453 ether, còn tweet của Dorsey là 1.630 ether.

Tuy nhiên, điều thú vị là ở chỗ đó. Ta mua một NFT và có thể bán lại chốt lời nếu đồng tiền kỹ thuật số đó tăng giá. Và chuyện đổ tiền vào mua “các bức tranh NFT mà thậm chí ta chả thể treo trên tường”, như cách nói của The Guardian, vì thế chính là một hình thức đầu tư/đầu cơ. Bỏ ra 69,3 triệu USD nhưng người mua tác phẩm của Beeple tin rằng “có ngày nó sẽ đáng giá 1 tỉ USD”.

 
 Tác phẩm cryptoart này bán được 600.000USD

Trong khi người ta hồ nghi hiện tượng NFT sẽ dẫn đến kết cục như cơn sốt hoa tulip hồi thế kỷ 17 ở Amsterdam, khi giá hoa bị thổi lên ngang giá một căn nhà sang trọng bong bóng đầu cơ, thì mỉa mai thay, nghệ sĩ có biệt danh @jtbxl trên Twitter đã rao luôn bộ sưu tập 113 hoa tulip NFT trên sàn Open Sea.

Người ta đâm đầu chạy theo giá hoa tulip tăng phi mã để mong bán lại kiếm lời. Điều đó cũng đúng với cryptoart, nhưng còn có nhiều lý do khiến người ta chi tiền để sở hữu mà như không sở hữu các tác phẩm kỹ thuật số mà ai cũng có thể tiếp cận hoàn toàn miễn phí.

Nhà sưu tập NFT Aftab Hossain cho rằng con người vốn thích sưu tầm, nhất là những thứ cổ quái. “Bà ngoại bạn thích sưu tập chén đĩa xưa… thì bây giờ ta cũng thế, chỉ là trên không gian ảo thôi” - Hossain nói với Wired.

Tweet của Dorsey là thương vụ đắt giá nhất trên Valuables, là bằng chứng cho thấy dịch vụ kỳ quái này có thể có chỗ đứng, vì có người thực sự muốn trả tiền để có “chứng nhận sở hữu” các bài viết trên mạng xã hội của người khác.

Tác giả Kate Knibbs của Wired đã thử bán một tweet của trên Valuables và có người trả 500 USD (0,3 ether). Nếu người này bán lại quyền sở hữu cho một người khác, Knibbs sẽ tiếp tục được chia một phần tiền lời.

NFT cũng là một cách để công chúng ủng hộ bằng vật chất cho sức sáng tạo và công lao động của các nghệ sĩ kỹ thuật số. Thay vì gửi tiền trực tiếp, hay thông qua các nền tảng như Patreon, ta có thể mua NFT của họ, vừa hợp thời, vừa được khâu oai, mà mục đích chính là nghệ sĩ có thêm tiền cũng được bảo đảm.

Đương nhiên đã có những người hoài nghi. Cựu đấu giá viên nhà Christie’s Charles Allsopp nói với BBC việc mua bán NFT chả có nghĩa lý gì. “Tôi nghĩ những người đầu tư vào nó là những người nhẹ dạ, nhưng tôi hi vọng họ không mất tiền” - Allsopp nói.

Ngay cả Beeple, người “kiếm bộn” từ NFT, cũng thừa nhận với BBC: “Thật lòng mà nói, tôi có nghĩ là sẽ có bong bóng, mà có khi chúng ta đang ở trong cái bong bóng đó luôn rồi”.

 
 Tranh: Nelly Baksht’s

Hay là tại COVID?

Cần nhìn lại NFT bùng nổ trong bối cảnh nào - thế giới chật vật vì COVID-19, kinh tế đình trệ, người người mất việc, nhà nhà đổ bể chuyện làm ăn, các chính phủ phải bơm tiền kích thích kinh tế, song cũng có những người ngày càng giàu thêm và những kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu hay trái phiếu lại trở nên kém hấp dẫn.

Tiền nhiều không biết đổ vào đâu, lại đang chán nản vì đại dịch, muốn làm gì đó liều lĩnh cho đời sống vui lên tí. Theo New York Times, những người rủng rỉnh tiền đã tìm vui trong các cộng đồng bàn thảo chuyện làm ăn trên Reddit hay Discord, chơi cổ phiếu trên Robinhood hay mua bán vật phẩm ảo trên sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase.

Trong bối cảnh ấy, NFT, thật tự nhiên, là một kênh “tuyệt vời” để đổ tiền vào. “Khi đang bí bách vì tiền không biết bỏ vào đâu, ta có thể làm những điều xuẩn ngốc” - nhà đầu tư và bình luận thị trường Howard Lindzon nói với New York Times.

Tâm lý đám đông cũng góp phần tạo ra những nhà đầu tư NFT máu lửa. Một ví dụ điển hình là Matthew Schorr, một luật sư 35 tuổi ở New Jersey (Mỹ). Schorr không hứng thú với chứng khoán và luôn muốn bỏ tiền vào những kênh đầu tư “nóng bỏng”.

Ông từng chơi Bitcoin nhưng bỏ cuộc sớm vì nghe lời bạn nói rằng tiền mã hóa là “tiền rởm”. Giờ thì Schorr tiếc hùi hụi vì 8 đồng Bitcoin vốn chỉ đủ mua một cái pizza năm 2011 giờ đã có giá đến 450.000USD.

Vì thế mà nghe NFT rần rần như thế, Schorr không muốn lặp lại sai lầm cũ, bèn ném ngay 5.000 USD hồi tháng 1-2021 để mua 351 video các pha bỏ rổ đỉnh cao của giải NBA, được bán dưới dạng NFT, vì nghe đồn sẽ bán lại được vài chục nghìn đôla. Thực tế thì đến đầu tuần này, giá của chúng đã vọt lên 67.000 USD, theo trang Momentranks.com. “Mới 6 tuần mà lời như vậy thì quả là mới thấy trên đời” - Schorr hào hứng.

New York Times gọi những hiện tượng lạ lùng như tấm thẻ sưu tập có hình quarterback Tom Brady bán với giá kỷ lục 1,3 triệu USD, tổng giá trị các đồng Bitcoin đạt 1 ngàn tỉ USD, hay vụ đấu giá NFT 69,3 triệu USD đình đám ở nhà Christie’s là “những cơn cuồng bùng nổ giữa thời khó khăn kinh tế, mang lại rủi ro lớn cho nhiều nhà đầu tư”.

NFT vẫn còn quá mới và độ hào hứng với nó vẫn còn cao, có lẽ là quá sớm để dự đoán tương lai của nó. Những người lạc quan nhất có nghĩ đến ngày hình thức sở hữu này là điều bình thường, vì khi đó hầu hết mọi hoạt động của con người đều diễn ra trên môi trường trực tuyến. Người ta cũng kỳ vọng NFT sẽ làm thay đổi cách mua bán tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Nhưng biết đâu, khi thế giới bước vào tương lai hậu đại dịch nhờ các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng khắp, cơn sốt NFT cũng theo đó mà phai đi?■

Việc mua NFT cũng có thể xem là một hình thức đầu tư thuần túy để đạt các lợi ích về thuế (được giảm thuế nếu tặng tác phẩm mỹ thuật cho bảo tàng), tăng uy tín làm ăn, hay đơn giản là chuyển tài sản từ nơi này sang nơi khác vì mục đích riêng tư hay quản lý danh mục đầu tư, theo Bloomberg.

Lấy ngay ví dụ Metakovan là thấy. Anh này giờ đã có danh tiếng như một nhà sưu tập chịu chơi trong giới NFT, xét ra thì tài sản đã tăng so với trước khi mua bức Everydays và “các nghệ sĩ và nhà buôn khác tới đây có thể sẽ chào bán những tác phẩm tốt nhất cho Metakovan, để được tham gia bộ sưu tập danh giá của anh ta”. Vậy thì món đầu tư 69,3 triệu USD (cần nhắc lại là bằng tiền kỹ thuật số) không phải quá cao tay hay sao?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận