Jack Ma và nỗ lực cải cách giáo dục nông thôn Trung Quốc

CẢNH CHÁNH 26/09/2018 02:09 GMT+7

TTCT - Đúng vào Ngày nhà giáo Trung Quốc 10-9, chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma (Mã Vân) đã gửi tâm thư đến các khách hàng, nhân viên và cổ đông công ty tuyên bố sẽ từ chức vào ngày này sang năm, khi Alibaba tròn 20 tuổi và ông 55 tuổi.

Jack Ma là một nhà giáo trước khi là một doanh nhân. Ảnh: Baboon Creation
Jack Ma là một nhà giáo trước khi là một doanh nhân. Ảnh: Baboon Creation

 

Jack Ma nói ông muốn quay về với công tác giáo dục và cảm thấy hạnh phúc được làm công việc mình yêu thích: một nhà giáo. Nhưng lần này sẽ khác, Jack Ma sẽ không còn là một giáo viên tiếng Anh tầm tầm ở một tỉnh lẻ Trung Quốc như khi ông khởi nghiệp nữa. Lần này những gì ông làm được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ nền giáo dục ở quốc gia 1,3 tỉ dân, bắt đầu trước hết từ nông thôn.

Thực trạng

Nói đến giáo dục nông thôn Trung Quốc, nhiều người sẽ còn nhớ câu chuyện cậu bé 8 tuổi Vương Phú Mãn, lớp 3 Trường tiểu học Hi Vọng Sơn Bao, thị trấn Tân Nhai, tỉnh Vân Nam. Với mái tóc và lông mày phủ đầy băng tuyết, bức ảnh cậu bé đến trường đã lan truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc đầu năm 2018.

Phú Mãn nói cậu đã đi bộ hơn một giờ trên quãng đường dài 4,5km để đến trường trong buổi sáng mùa đông khắc nghiệt -9oC vì hôm đó đúng ngày thi học kỳ. Bố cậu đi làm xa, trong nhà chỉ có mấy anh chị em tự chăm sóc nhau, những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn khi các trung tâm công nghiệp đòi hỏi lao động giá rẻ mọc lên như nấm ở các đô thị Trung Quốc. Trường của Phú Mãn không có lò sưởi, bao năm nay thầy trò khi lên lớp đều phải chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt.

Ông Vương Định Huê, vụ trưởng Vụ Công tác giáo viên Bộ Giáo dục Trung Quốc, nói với youth.cn rằng sự việc cho thấy giáo dục nông thôn đang cần rất nhiều thay đổi: tạo điều kiện cho trẻ học gần nhà, tính toán lại việc sáp nhập các trường học quy mô nhỏ ở nông thôn. Ông Chu Vĩnh Tân, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách giáo dục Trung Quốc, cho rằng khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn lớn nhất là vấn đề giáo viên, vì giáo viên giỏi đều đi dạy ở tỉnh thành lớn, làng quê nghèo không tìm đâu ra giáo viên.

Những năm gần đây, chênh lệch tỉ lệ học sinh nông thôn và thành thị vào đại học đang ngày càng tăng, theo Sách xanh về giáo dục 2018 của Trung Quốc. Bài viết của giáo sư Dư Tú Lan, Viện nghiên cứu giáo dục Đại học Nam Kinh trong Sách xanh giáo dục, cho biết không chỉ tỉ lệ vào đại học của học sinh nông thôn thấp, mà chất lượng giáo dục của trẻ em nông thôn đang có xu hướng giảm.

Vì hoàn cảnh gia đình, đa phần phụ huynh ở nông thôn phải đi làm xa nhà, theo số liệu thống kê năm 2016 thì nông thôn nước này có đến 89% (8,5 triệu) trẻ em bị cha mẹ bỏ lại nhà để ông bà chăm sóc. Do phụ huynh có trình độ văn hóa thấp, họ cũng không kỳ vọng nhiều vào con cái, dẫn đến tình trạng bỏ học đi làm sớm. Nhiều giáo viên trẻ không trụ được ở nông thôn, theo tờ Nam Phương Cuối Tuần, vì cuộc sống buồn tẻ, cô đơn, trong khi công việc quá nhiều thách thức: giáo viên thường phải kiêm luôn chức năng một người cha, người mẹ.

Ý tưởng của Jack Ma

Xuất thân nhà giáo, Jack Ma rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Ông luôn nhấn mạnh phải cải cách giáo dục. Ông đã lập một trường đại học và đầu tư lớn cho giáo dục bậc cao, đào tạo và giáo dục các công nghệ hiện đại, vốn gắn với Tập đoàn Alibaba của ông. Tuy nhiên, Jack Ma muốn một sự thay đổi nền tảng hơn thế.

Nhân tố quyết định tương lai thế giới không phải kỹ thuật mà là con người, là lý tưởng, ước mơ và hệ thống giá trị đằng sau kỹ thuật. Phải quan tâm nhiều hơn đến giáo dục mầm non, tiểu học, trung học. Phải áp dụng phương pháp giáo dục mới phù hợp với tâm thái người học, đặc điểm từng đối tượng học sinh. Chỉ có như vậy, bắt đầu từ công cuộc cải cách giáo dục, Trung Quốc mới có thể giành thắng lợi trong tương lai” - ông nhận định ở đại hội Thế giới thông minh lần thứ 2 tổ chức tại Thiên Tân ngày 16-5-2018.

Và ông đã biết phải bắt đầu từ đâu. “Một học sinh sẽ hạnh phúc cả đời nếu gặp được người thầy tốt. Một quốc gia có đội ngũ giáo viên tốt sẽ là quốc gia hạnh phúc. Nền tảng phát triển của quốc gia là giáo dục, nền tảng phát triển giáo dục là trường sư phạm, học sinh ngành sư phạm. Chỉ khi những học sinh xuất sắc trở thành giáo viên, giáo dục mới có thể phát triển, nghề giáo mới được tôn trọng” - Jack Ma khẳng định.

Theo ông, đánh giá mức độ phát triển của nền giáo dục một quốc gia không liên quan đến việc có bao nhiêu trường đại học nổi tiếng, mà chính là trình độ phát triển của giáo dục nông thôn. Quỹ từ thiện mang tên ông, vì thế tập trung rất nhiều vào hàng loạt dự án giáo dục nông thôn như các chương trình: Giáo viên nông thôn Mã Vân, Hiệu trưởng nông thôn Mã Vân, Sinh viên sư phạm nông thôn Mã Vân. Và đầu năm nay là chương trình Xây ký túc xá cho các trường nông thôn.

Đến tháng 12-2017,

trong vòng 5 năm, quỹ thoát nghèo của Tập đoàn Alibaba đã đóng góp cho công tác giáo dục trên toàn Trung Quốc số tiền hơn 10 tỉ nhân dân tệ (1,45 tỉ USD).

 

Giải thưởng giáo viên nông thôn giỏi

Chương trình Giáo viên nông thôn Mã Vân khởi động năm 2015 đang ngày càng mở rộng. Hằng năm, chương trình sẽ bình chọn 100 giáo viên nông thôn xuất sắc, tài trợ 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD) và đào tạo chuyên môn liên tục trong ba năm. Jack Ma nói ông không chỉ muốn tìm kiếm những giáo viên nông thôn trẻ giỏi, mà còn giúp họ cải thiện cuộc sống, nâng cao trình độ, động viên họ tiếp tục con đường đã chọn và hi vọng có thể qua đó kêu gọi toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến giáo dục nông thôn.

Tiêu chí bình chọn là giáo viên nông thôn có thời gian công tác trên 5 năm, yêu thích công tác giáo dục nông thôn, tôn trọng và yêu mến trẻ em nông thôn, tạo điều kiện và môi trường cho trẻ em nông thôn trưởng thành, sáng tạo trong công tác giảng dạy... Giáo viên đoạt giải phải cam kết trong vòng ba năm tiếp tục công tác ở cơ sở đào tạo nông thôn, tham gia các khóa đào tạo chuyên môn.

Theo Tân Hoa xã, ngoài vấn đề tiền bạc, giải thưởng được đầu tư rất nhiều công sức với quy trình bình chọn nghiêm ngặt, Quỹ từ thiện Mã Vân sẽ phối hợp với 31 cơ quan báo chí xác minh 300 giáo viên nông thôn được đề cử và tự ứng cử vào vòng sơ tuyển. Sau đó, ban giám khảo gồm các chuyên gia giáo dục, báo chí, cơ quan từ thiện thông qua phỏng vấn chấm điểm chọn ra 180 giáo viên vào vòng trong.

Cuối cùng, 180 giáo viên phải tự trình bày quá trình công tác và trả lời câu hỏi của hội đồng giám khảo; ở mục hợp tác đồng đội họ phải chia làm hai đội để giải quyết các tình huống giáo dục, mỗi giáo viên phải hướng dẫn thảo luận và đưa ra cách giải quyết. Ban giám khảo chấm điểm và chọn ra 100 gương giáo viên nông thôn xuất sắc. Riêng chi phí cho quy trình đó có thể cũng bằng với số tiền tài trợ.

Báo Công Ích đã đăng tải câu chuyện của cô Mã Quân (34 tuổi), giáo viên Trường trẻ em bị bỏ lại Mã Tháp, thị trấn Chu Gia Kiểm, tỉnh Thiểm Tây, một gương mặt điển hình của Giải giáo viên nông thôn Mã Vân 2017.

Cô giáo Mã Quân xuất thân ở nông thôn, với mong muốn thoát nghèo đầu tiên là con đường thể thao: cô được chọn vào đội tuyển vật của Thiểm Tây, nhưng chấn thương đã khiến cô không thể tiếp tục thi đấu và chuyển sang nghề giáo. Năm 2005, cô được nhận vào làm giáo viên thể dục Học viện công nghệ Thiểm Tây. Tuy nhiên, bốn năm sau, cô lại quay về vùng quê nghèo bởi cha cô đã thành lập một ngôi trường nhỏ, vốn là giấc mơ mà ông đã theo đuổi suốt 26 năm. “Cha tôi học hành không nhiều, nhưng ông luôn hi vọng mọi đứa trẻ đều được đi học. Ông đi vay mượn khắp nơi thành lập ngôi trường với ba giáo viên và 90 em học sinh. Vì ngôi trường của mình, cho dù có khó khăn đến đâu ông cũng quyết không từ bỏ” - cô Mã Quân chia sẻ.

Tết năm 2010, khi về nhà nhìn thấy cảnh người cha tất bật với công việc của trường sau ngày tết, cô đã quyết định ở lại giúp ông. Sau khi bàn bạc với chồng, cô xin nghỉ việc để cả nhà quay về làng, trở thành giáo viên của trường. Lúc đó trường chỉ có một dãy nhà xây bằng đất nện gồm 8 phòng và 3 căn nhà gạch, với hơn 200 học sinh theo học. Do thanh niên trong làng đều đi làm xa, rất nhiều trẻ em bị bỏ lại nên ngoài việc dạy học, cô kiêm luôn việc giặt giũ, nấu cơm, cắt tóc, chăm sóc các em. Hiện nay số học sinh đã lên đến 315 em. Hiện chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây thêm 7 phòng học cho trường, và mỗi năm đều cấp một ít kinh phí hỗ trợ với kế hoạch xây dãy phòng nội trú mới.

Sẽ có rất ít thầy cô giáo trở thành một tỉ phú công nghệ như Jack Ma, nhưng đổi lại cũng không có nhiều tỉ phú công nghệ lại trở về với những gì khiến họ hạnh phúc nhất trước khi trở thành tỉ phú. Có một khác biệt: lần đến với giáo dục này của Jack Ma chắc chắn sẽ tạo ra khác biệt lớn hơn nhiều so với 30 năm trước, khi chàng sinh viên Mã Vân vừa chân ướt chân ráo rời Trường đại học Sư phạm Hàng Châu.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận