Mạnh tay hơn với hành vi xâm hại trẻ em

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI (GHI) 02/12/2016 03:12 GMT+7

TTCT - LTS: Diễn đàn “Chúng ta - người lớn sai gì?” trong việc giáo dục con em mình trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, xin được khép lại bằng góp ý của các chuyên gia trong ngành luật. Đa số cho rằng phải mạnh tay hơn trong xử lý.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Cần quy định quấy rối tình dục là một tội (Thạc sĩ Vũ Thị Xuân Nhuệ, phó trưởng phòng 1, Viện KSND TP.HCM)

Hiện nay, quấy rối tình dục chưa được quy định trong luật, chưa được coi là một tội. Nhưng, theo định nghĩa của từ điển thì hành vi quấy rối được mô tả bằng cả hành động và lời nói. Và để chứng minh một người có hành vi quấy rối thì phải có bằng chứng cụ thể.

Nhưng dù có chứng minh được thì ở nước ta cũng chưa có chế tài xử phạt. Khi không có chế tài xử phạt, dù có hành vi quấy rối, lời nói quấy rối cũng không có cách nào để xử lý, dù hậu quả của những hành vi này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tình cảm của người bị quấy rối.

Bản thân tôi cũng đã tiếp xúc rất nhiều đơn tố cáo từ những đứa trẻ về hành vi quấy rối tình dục của những người thân.

Đó là chuyện những ông cha dượng liên tục quấy rối con gái riêng của vợ, nhưng đứa trẻ lại không tố cáo ngay, mà sau một thời gian mới đi tố cáo. Việc này khiến cho cơ quan chức năng rất khó chứng minh lỗi của người thực hiện hành vi, bởi dấu vết không còn, lời nói cũng đã không ghi lại được.

Hoặc cũng có những đối tượng bị tố cáo liên tục có hành vi, lời nói quấy rối tình dục đối với trẻ em, nhưng trẻ em rất ngây thơ và không biết mình đang bị quấy rối, khi về kể cho người thân thì người thân mới biết và khi đó, chẳng có cách gì thu thập được bằng chứng.

Hoặc cũng có những trường hợp nạn nhân cung cấp những tin nhắn tục tĩu từ người quấy rối nhưng pháp luật lại không có chế tài. Nếu thật sự chứng minh được thì cũng chỉ giáo dục thôi. Ngay cả hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em cũng cần phải có bằng chứng. Bởi nếu chỉ căn cứ vào lời nói thì không đủ căn cứ buộc tội.

Mặt khác, trẻ em không nhận thức được đó là quấy rối, vốn từ của trẻ không đủ để mô tả chính xác, trẻ con nhanh quên, trừ một số trường hợp có lẽ bị ám ảnh sâu sắc nên mô tả được.

Bản thân tôi làm kiểm sát viên, nhiều lúc rất đau lòng khi nghe những câu chuyện trẻ bị quấy rối tình dục, thậm chí là xâm hại tình dục nhưng không thể xử lý được.

Chúng tôi cần có sự thống nhất giữa các cơ quan. Ví như có một bản án lệ xử tội này trong đó quy định hành vi thế này, người bị hại mô tả thế nào thì bị xử lý... Nếu không có, không ai dám buộc tội khi luật mới quy định theo hướng suy đoán vô tội.

Chúng tôi có niềm tin nội tâm mà không có chứng cứ thì không xử lý được. Nếu căn cứ vào lời khai thì nay khai thế này, mai lại khai khác, lúc ấy cơ quan tố tụng chỉ có... chết!

Viện KSND TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị nên quy định thêm tội quấy rối tình dục nhưng không được chấp nhận. Nhiều vụ rất khủng khiếp, ví như đầu tiên chỉ là quấy rối tình dục, nhưng sau đó là xâm hại tình dục, rồi cưỡng hiếp với trẻ em. Tội này ở nước ngoài quy định xử phạt rất nặng và có hình phạt kèm là không được đến gần trẻ em, bởi họ cho áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt như gài, nghe lén để có bằng chứng.

Việt Nam cũng có thể làm được nếu luật cho phép. Nếu chúng ta không quy định được đây là một tội, trẻ em sẽ trở thành những đối tượng dễ bị xâm hại nhất.

Chích thuốc những đối tượng hiếp dâm trẻ em (Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM)

Phần lớn đối tượng phạm tội trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người trong gia đình, hoặc thân quen với gia đình. Theo tôi biết từ số liệu của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), mỗi năm có từ 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em xảy ra tại Việt Nam.

Đa số nạn nhân chỉ từ 12-15 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của đời người. Nhưng số lượng trẻ em dưới 6 tuổi cũng không ít (chiếm 13%). Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Hằng ngày, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tiếp nhận rất nhiều đơn, thư, trong đó có những trường hợp bé gái bị chính những người thân của mình xâm hại tình dục suốt nhiều năm liền, nhưng vì bị đe dọa và không muốn để người khác biết nên các em thường chọn cách im lặng chịu đựng. Những em bé nhỏ hơn bị tổn thương trầm trọng không chỉ về thể xác.

Những vụ án này thường để lại những tổn thương nặng nề về mặt tâm lý lẫn sức khỏe của các em. Các em thường trở nên lầm lì ít nói, thu mình lại, không gần gũi với cha mẹ như trước đây và thường có biểu hiện đang che giấu điều gì đó.

Biện pháp phòng tránh tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu vẫn là tuyên truyền kiến thức, kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình.

Trong gia đình, cha mẹ phải dạy con không để người khác đụng chạm, sờ, nắm, hôn... vào cơ thể mình, đặc biệt là những vùng nhạy cảm, vùng kín; dạy con không được tùy tiện ngồi vào lòng người khác giới, cho dù đó là những người thân quen với mình; không đi cùng người lạ đến những nơi vắng vẻ; phải chống cự, la lên, chạy đến nơi đông người để được mọi người giúp nếu người đó có ý định xấu.

Cha mẹ phải giáo dục trẻ về tình dục an toàn, không để trẻ tự mò mẫm, xem phim sex. Đồng thời, nên trang bị cho con những kỹ năng cần thiết như học võ... để tự vệ trong những trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, đối với những người từng nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm trẻ em, tôi kiến nghị nên chích thuốc để giảm ham muốn tình dục. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có thông tin và hiểu biết về những đối tượng từng hiếp dâm trẻ em hay xâm hại tình dục trẻ em để quản lý, giám sát, không để những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận