Mùa lũ ngóng cá linh về

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ 06/10/2013 22:10 GMT+7

TTCT - Mùa nước nổi những năm trước, cá linh “chảy” về vùng châu thổ sông Cửu Long với trữ lượng nhiều. Thế nhưng giờ đây không phải người dân miền Tây nào muốn ăn loài cá đặc trưng mùa nước lũ này cũng có thể thỏa ước nguyện.

Phóng to

Nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với cá linh như mắm kho cá linh, cá linh kho lạt dầm me, canh chua cá linh…

Tìm về vùng Đồng Tháp Mười cùng với bà con giăng lưới, dựng đăng, đặt đáy bắt cá linh, chúng tôi không còn thấy cảnh khoang ghe đầy cá, không còn rực sáng ánh bạc từng đàn cá linh theo con nước lũ về ăn bóng, ăn rong rào rào như mưa sa trên cánh đồng mênh mông nước nổi. Cũng chẳng còn cảnh trên bến dưới thuyền người dân í ới buôn bán cá linh như trước đây. Miền Tây vào mùa nước nổi giờ buồn hiu khi dần vắng bóng cá linh.

Kiếm cá linh trần ai

Cuối tháng 9, tức chỉ còn ít bữa nữa mực nước sẽ đạt đỉnh lũ nơi đầu nguồn sông Sở Thượng (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), khi đi qua huyện Tháp Mười, tới Tam Nông, sang Tân Hồng rồi về Hồng Ngự, chúng tôi chỉ bắt gặp những cánh đồng với con nước lé đé liếm bờ ruộng, bờ mương. Lũ nhỏ đã làm nghèo đi cơ hội đánh bắt cá linh của bà con nơi đây.

Từ thị xã Hồng Ngự đi ngược dòng Sở Thượng về phía đầu nguồn với chiều dài hơn 10km, chúng tôi hỏi mua cá linh nhưng chẳng ghe nào có bán. Trước khi xuống Hồng Ngự, ngay bận chúng tôi ghé huyện Tân Hồng, giáp biên giới Campuchia, ông Sáu Phương, nhà gần bên chợ Tân Hồng, đã cảnh báo: “Tụi tui ở miệt này muốn kiếm dăm gam cá linh về lai rai ba xị đế còn trần ai nè. Đầu mùa, cá linh non ngoài chợ bán tới 100.000 đồng/kg, nay có giảm chút nhưng hiếm có cá để mua chú ơi”.

Ở đầu nguồn sông Sở Thượng, ông Lê Văn Hùng, ngụ cụm tuyến dân cư Giồng Duối (xã Thường Thới Hậu A), cho biết muốn ăn cá linh, gia đình phải đợi những ngày cá chạy (theo con nước) mới mua được cá. “Cá linh không chạy thì tui cũng nhịn thèm món canh chua bông điên điển luôn chứ biết đâu mà tìm!” - lão nông 64 tuổi này ngó lùm điên điển trổ hoa vàng ruộm trước nhà, nói buồn hiu.

Cách Trạm biên phòng Cả Sách khoảng 150m, cửa sông Sở Thượng loe ra rộng như cái phễu khổng lồ hứng nước lũ cùng các sản vật mùa nước nổi từ phía Campuchia đổ về. Phía đất bạn Campuchia là cánh đồng Coosupư (huyện Pencho, tỉnh Prey Veng) đón lũ về sớm từ dòng Mekong nên nước ngập mênh mông ngút tầm mắt. Từ đây, nước lũ đổ thẳng vào sông Sở Thượng và kênh Ba Nguyên để rồi hòa vào dòng sông Tiền.

Lão ngư Bảy Cưng (Lê Văn Cưng) quả có con mắt tinh: đã 33 năm nay ông chọn ngay cái phễu của sông Sở Thượng để dựng đáy hứng cá linh.

Năm nào cũng thế, đầu tháng 7 âm lịch, khi con lũ chụp đồng Coosupư, ông Bảy Cưng căng dây thép, thả phao, hạ lưới, mở đáy đón những đàn cá linh đầu mùa. Sở đáy của ông có miệng đáy gác lên phần đất bạn Campuchia, còn đú (đuôi) đáy xuôi về đất Việt. Mỗi năm ông Bảy Cưng đều phải đấu thầu và trả phí khai thác thủy sản cho phía Campuchia.

Thuê một chiếc ghe tam bản, chúng tôi ngược dòng nước ra sở đáy của ông, người được dân địa phương phong danh “vua cá linh” trên sông Sở Thượng. Ở đúng mùa cao điểm đánh bắt, sở đáy của ông chỉ có duy nhất chiếc ghe khoảng 4 tấn cập mạn đáy chờ lấy hàng. Trên sở đáy, những người làm công rảnh đến mức phải đánh bài tiến lên tính điểm (ăn thuốc hút) để giết thời gian.

Ngồi trên nhà bè ngó mông lung ra đồng nước quạnh hiu, ông Bảy Cưng nói: “Năm nay lượng cá linh ngó chừng giảm khoảng 80% so với năm rồi. Nếu như năm rồi, tới thời điểm nước lũ gần đạt đỉnh, tui đã đánh bắt được chừng 80 tấn cá non. Đợt này chỉ còn độ hơn một tuần nữa là nước lũ đạt đỉnh, sở đáy của tui mới bắt được khoảng 10 tấn”. Theo kinh nghiệm của ông, nước lũ đạt đỉnh cũng là lúc mùa cá linh non khép lại. Điều đó cũng có nghĩa ông cầm chắc lỗ ở mùa đánh bắt năm nay.

Một miệng lưới đánh bắt có 20kg cá linh

Mùa lũ buồn

Trên kênh Ba Ánh (nhánh rẽ của kênh Long An) thuộc xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự, chúng tôi gặp ông Lê Văn Sang, 58 tuổi, người đã có hơn 40 năm làm nghề chài lưới trên đoạn kênh này. Ông Sang cho biết năm nay nước đã gần đạt đỉnh rồi mà chẳng thấy bóng dáng cá linh.

Ngó lung ra cánh đồng trong ánh đêm khuya lơ khuya lắc, ông Sang bồi hồi: “Mùa lũ năm 2012 mỗi ngày tui lưới được ít nhất 20kg cá linh, còn năm nay ngày nào trúng lắm chỉ được tròm trèm 2kg, bán kiếm bạc cắc, đong vài lít gạo ăn qua bữa. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này chắc tui phải lên bờ tìm nghề khác”.

Trên chiếc xuồng ba lá xuôi theo con kênh Tân Thành - Lò Gốm thuộc xã Tân Hội Cơ, huyện Tân Hồng, ông Đặng Văn Hồng (ngư dân đến từ Tân Châu, An Giang) kể rằng 20 năm qua, cứ đến mùa lũ là gia đình ông qua đây cắm sào thả lưới bắt cá. Mấy năm trước lũ lớn nhỏ gì cũng có cá để bắt, lo chi phí trang trải cuộc sống, cuối mùa lũ còn dư chút đỉnh. Năm nay cá lưới được chỉ lèo tèo ít con. Tính đến nay vợ chồng ông Hồng đã ăn thâm vào số tiền gia đình mang theo hết gần 3 triệu đồng.

Như những ngư dân giăng lưới nhỏ lẻ, ông Bảy Cưng đã tính chuyện bỏ miệng đáy sau hơn 30 năm hành nghề. Nhắc lại mùa lũ năm 1992, ông trúng bể tay với gần 600 tấn cá linh. “Năm đó, mỗi lần vô đợt cá chạy, tám người làm công thay phiên nhau dỡ đú đáy đổ cá vào ghe, cứ hút chưa hết điếu thuốc là dỡ một lần, ghe 100 tấn neo vào chỉ cần một đêm là đầy” - ông nói.

Nhưng rồi qua từng năm, lượng cá linh về ngày càng giảm dần. Hai mùa lũ năm 2005 và 2006 ông chỉ đánh bắt được trên 100 tấn, năm 2012 còn khoảng 80 tấn. Với tình hình năm nay, ông ước đoán đến cuối mùa giỏi lắm chỉ đạt chừng 20 tấn.

Cạnh bên đáy của ông Bảy Cưng là miệng đáy của ông Tư Bé (Nguyễn Văn Bé) hứng cá từ kênh Ba Nguyên (cặp biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc xã Thường Thới Hậu A đến xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự). Sau gần 15 năm đánh bắt cá linh, năm rồi ông Tư Bé đã phải sang lại sở đáy, chia tay mùa lũ chờ cá về.

Ngồi trên cầu bến trước nhà, ông Tư Bé vọc tay xuống nước, quả quyết: “Cá linh dưới sông Sở Thượng mà không còn thì đừng mong tìm đâu ra. Tốt nhất nên giải nghệ để tìm đường khác mưu sinh, chứ đeo đuổi miệng đáy không có cá như vầy hoài thì có ngày cũng theo ông bà ông vải luôn”.

Từ sáng đến trưa với năm lần mở đú, những ngư dân của sở đáy trên kênh Ba Nguyên mới kiếm được vài ký cá linh

Con nước giảm do đập thủy điện

Giải thích việc cá linh về ngày càng ít, TS Lê Anh Tuấn (Viện Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ) cho rằng do các nhà máy thủy điện đầu nguồn sông Mekong chặn dòng, cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, con nước về cuối nguồn giảm dần làm hẹp phạm vi môi trường hoạt động của cá linh. Việc khai thác đánh bắt quá dễ dàng khiến cá linh bố mẹ ngày càng ít đi và lượng cá bơi ngược lên được đầu nguồn để sinh sản do đó giảm mạnh. Vì vậy, cá linh về Việt Nam ít là điều đương nhiên.

“Bữa rồi tôi vô nhà hàng tại Cao Lãnh gọi món lẩu cá linh mà nhà hàng hét đến 150.000 đồng/kg cá!” - TS Tuấn kể.

Qua nhiều năm nghiên cứu dòng Mekong, TS Lê Phát Quới, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), công nhận một phần cá linh giảm cũng vì các công trình thủy điện nơi đầu nguồn. Mặt khác, trong những năm gần đây người dân Campuchia, Lào cũng ra sức đánh bắt cá linh ngay từ khi chúng còn rất nhỏ.

Muốn khắc phục tình trạng này, theo TS Quới, các quốc gia trong lưu vực cần phải liên kết để hạn chế tác động vào dòng chảy của sông Mekong. Và chỉ có “tránh khai thác tận diệt như thế mới mong mai sau còn có cá linh để ăn”, như ước nguyện của lão ngư Bảy Cưng.

Trước mắt, nuôi cá linh có thể là giải pháp giúp khỏa lấp phần nào tình trạng cá cạn kiệt trong thiên nhiên. TS Dương Nhật Long, trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước ngọt (khoa thủy sản ĐH Cần Thơ), cho biết ông và các cộng sự đã cho cá linh đẻ theo phương pháp nhân tạo thành công và đang hướng tới việc triển khai mở rộng mô hình nuôi trong dân.

Tại chợ Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười), chợ mua sản vật mùa lũ lớn nhất Đồng Tháp, các chủ vựa cho biết lượng cá linh hiện về chợ giảm hơn phân nửa so với năm trước. Mỗi ngày chủ vựa cá Điền Út chỉ mua được chừng 50kg cá linh (cả sống và chết).

Cá linh sống tại chợ được mua với giá 18.000-20.000 đồng/kg, nhưng về đến chợ Mỹ Tho (Tiền Giang) được đẩy lên 50.000-70.000 đồng/kg. Vậy mà một số chị bán cá tại đây cho rằng “không phải lúc nào muốn mua cũng có”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận