Những người phụ nữ đâu rồi?

TỊNH ANH 09/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Có một điểm chung trong những tranh cãi liên quan chuyện xác định thế nào là hàng thiết yếu gây xôn xao và bức xúc trong thời gian qua: những người đưa ra quyết định đều là đàn ông. Đó thật ra là một vấn đề mang tính toàn cầu, khi các quyết sách liên quan đến COVID-19 đều do đa số nam giới quyết định.

 
 Ảnh: The Economist

Năm 2018, một nghiên cứu so sánh nhận định về tính cần thiết của 23 món hàng khác nhau của đàn ông và phụ nữ Phần Lan rút ra kết luận: có khác biệt trong quan điểm giữa những người tham gia khảo sát, và quan điểm của mỗi cá nhân được định hình bởi hoàn cảnh của chính cá nhân.

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, khi phải đưa ra quyết định băng vệ sinh, nước yến, tủ lạnh có phải hàng thiết yếu không, trong khi không có một danh sách cụ thể để đối chiếu, một người chưa từng vào bếp, không phải chăm sóc gia đình, hiếm khi đi mua sắm vật dụng cho nhà cửa - khi dựa vào kinh nghiệm và hoàn cảnh cá nhân - có thể dễ dàng cho rằng chúng chẳng quan trọng gì.

Đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ cho thấy hệ quả của việc thiếu cân bằng giới trong việc hoạch định chính sách và đưa ra quyết định, hiện tượng đang trở nên trầm trọng hơn kể từ khi có COVID-19, theo nhận định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres. “Đại dịch đã lại mang đến một cơ hội khác để nam giới thống trị việc đưa ra quyết định. Và khi thiếu vắng phụ nữ, chúng ta nhìn thế giới chỉ qua một góc” - ông Guterres nhấn mạnh trong diễn từ khai mạc phiên họp thứ 65 của Ủy ban về địa vị của phụ nữ ngày 15-3.

Từ khi xảy ra đại dịch, các quốc gia đều thành lập lực lượng tác chiến, với thành viên là các chuyên gia y tế, lãnh đạo kinh tế, nhà hoạch định chính sách để tìm giải pháp phòng chống và tái thiết sau đại dịch, nhưng các đơn vị này “thiếu sự cân bằng giới, hay trong nhiều trường hợp, thiếu hẳn sự tham gia của phụ nữ” - Raquel Lagunas, giám đốc vấn đề giới thuộc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), nhận xét trong một bài xã luận hồi tháng 3.

Trong bài viết với tựa đề “Những người phụ nữ đâu rồi? Các quyết định liên quan đến đại dịch đang củng cố định kiến giới toàn cầu như thế nào?”, Lagunas dẫn số liệu từ UNDP, Phụ nữ LHQ và Đại học Pittsburgh cho biết tỉ lệ nhân sự nam nữ trong các lực lượng tác chiến COVID-19 khắp thế giới hiện là 3:1. Trung bình, thành viên nữ chỉ chiếm 24% trong số 225 lực lượng tác chiến COVID-19 được khảo sát ở 137 quốc gia. Đáng chú ý là có 26 lực lượng trong số này hoàn toàn không có thành viên nữ.

 
 Nguồn: UNDP

Năm 2020, nhóm tác giả Đại học Cambridge (Anh) khảo sát 115 lực lượng tác chiến, nhóm chuyên gia cố vấn về COVID-19 tại 87 quốc gia và nhận thấy nam giới chiếm đa số trong 85,2% đơn vị được khảo sát. Chỉ có 11,5% số đơn vị là phụ nữ chiếm đa số, và 3,5% có sự cân bằng giới trong đội ngũ thành viên. Nếu xét riêng vị trí lãnh đạo thì đến 81% đơn vị có người đứng đầu là nam giới.

“Việc nam giới chiếm đa số trong những người đưa ra quyết định sẽ dẫn đến các chính sách do nam giới thống lĩnh. Với mỗi khuyến nghị hay chính sách được đề xuất để khôi phục sau đại dịch, các giả định sẽ được [nam giới] đưa ra thay cho phụ nữ, vì họ không được dự phần” - Lagunas nhấn mạnh.

Chẳng hạn, Lagunas đặt câu hỏi, khi một nhóm tác chiến đa số là đàn ông bàn đến các giải pháp phục hồi kinh tế, liệu họ có tính đến những người phụ nữ đã phải từ bỏ công việc để ở nhà chăm lo cho gia đình trong thời gian xảy ra dịch hay không?

Còn theo nhóm tác giả Đại học Cambridge, việc nam giới lấn át phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo trong ngành y tế toàn cầu từ lâu đã là một “chế độ mặc định”, và không có ngoại lệ nào khi COVID-19 xảy ra.

Các tác giả cho rằng đây là triệu chứng của một “hệ thống đã hỏng”, trong đó việc quản trị không mang tính bao trùm, loại bỏ những người có góc nhìn độc đáo, chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. “Điều này không chỉ củng cố cấu trúc quyền lực bất bình đẳng mà còn làm giảm tính hiệu quả của các nỗ lực ứng phó với COVID-19, và cái giá cuối cùng là mạng sống con người” - nhóm tác giả viết trên tạp chí BMJ Global Health.

Tháng 9-2020, UNDP ra mắt COVID-19 Global Gender Response Tracker, dự án theo dõi vấn đề giới trong chính sách ứng phó COVID-19 của các chính phủ thuộc 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến tháng 3-2021, dữ liệu của hệ thống đã phân tích hơn 3.100 chính sách liên quan đến ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, chỉ có 13% trong số biện pháp về tài khóa, thị trường lao động, an sinh xã hội được phân tích là hướng đến an toàn tài chính cho phụ nữ, theo Lagunas.

Có thể lấy một ví dụ cụ thể, nóng sốt từ Vương quốc Anh. Michael Howie, thứ trưởng y tế phụ trách sức khỏe tâm thần của Anh, đã rất sốc khi phát hiện ra phụ nữ có thai không nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. WHO đã tuyên bố phụ nữ đang mang thai nhiễm COVID-19 sẽ có nguy cơ gặp triệu chứng nặng hơn so với phụ nữ cùng tuổi không mang thai.

“Sau khi sốc và tự hỏi vì sao lại thế, tôi đã liếc qua cơ cấu của JCVI [Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng và chủng ngừa], để rồi phát hiện ra nó gồm 14 thành viên nam và chỉ có 3 nữ. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi JCVI không chú trọng và ưu tiên chuyện tiêm ngừa [COVID] cho phụ nữ có thai” - báo Evening Standard tường thuật lời bà bức xúc tại một cuộc tranh luận về chủ đề trẻ em tử vong hôm 20-7.

Theo tờ báo này, trang web của JCVI cho biết ủy ban này có 16 thành viên, 12 nam và 4 nữ. Có lẽ bà Howie đã nhầm một chút, nhưng dù sao thực tế vẫn là nam giới đang chiếm đa số tại cơ quan phụ trách các chính sách tiêm chủng của Anh. Nó cũng không ảnh hưởng lời kêu gọi của bà thứ trưởng: “Tất cả các ủy ban khoa học đưa ra quyết định về sức khỏe phụ nữ phải có sự cân bằng về giới”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận