Tầm nguyên vaccine

CHIÊU VĂN 24/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Công cụ tạo ra sự miễn dịch với vi trùng ở người làm thay đổi hoàn toàn thế giới xuất phát từ một con virus ở bò và cuộc tiêm chủng hàng loạt đầu tiên trong lịch sử dưới thời Khang Hy ở đế quốc Mãn Thanh.

Thuật ngữ “vaccine”, và chích vaccine (“vaccination”) xuất phát từ tên một loại virus đậu mùa (“pox virus”), chính xác là virus đậu mùa ở bò, có tên khoa học là vaccinia.

Bác sĩ Edward Jenner thực hiện cuộc chủng ngừa đậu mùa đầu tiên của ông với James Phipps, 14-5-1796, sơn dầu trên vải toan. Tranh của Ernest Board. -Ảnh: The New York Times

 

Từ nguyên

Từ điển Oxford English Dictionary ghi nhận người Pháp đã nghĩ ra từ “vaccine” vào năm 1800 và “vaccination” vào năm 1803. 

Dù các thứ tiếng phương Tây đôi khi có biến thể một chút, như tiếng Bồ Đào Nha là “vacina” còn Tây Ban Nha là “vacuna”, tất cả đều xuất phát từ gốc Latin là “vacca”, nghĩa là “con bò”. 

Một nguồn khác, tạp chí chuyên ngành British Medical Journal cho biết từ vaccine được sử dụng lần đầu như một tính từ, bởi bác sĩ người Anh Edward Jenner vào năm 1799.

Khi nói về bất kỳ loại vaccine nào, nhất thiết phải bắt đầu cuộc thảo luận với công trình của Jenner (1749 - 1823). 

Vào cuối thế kỷ 18, Jenner quan sát được một điều đáng kinh ngạc: những người phụ nữ làm nghề vắt sữa bò bị nhiễm virus đậu mùa ở bò, với triệu chứng là nổi ban ở tay và cánh tay, miễn nhiễm với dịch đậu mùa đang hoành hành trong giáo khu của ông. (Nhiều loài động vật có virus đậu mùa của riêng chúng). 

Jenner được cho là lần đầu nghe chuyện này vào cuối những năm 1770, khi một người vắt sữa bò khoe với ông rằng do cô đã nhiễm đậu mùa từ bò nên cô “sẽ không bao giờ bị đậu mùa [ở người] và sẽ không phải đeo một khuôn mặt xấu xí”. 

Jenner làm nên lịch sử vào năm 1796 khi ông kê cho một bệnh nhân của mình liều thuốc sau này sẽ được gọi là “liều vaccine” đầu tiên trong lịch sử - vaccine làm từ virus đậu mùa ở bò. 

Kỹ thuật của thời đó, tất nhiên, hoàn toàn “hữu cơ” và “thuận tự nhiên”: vị bác sĩ lấy mủ ở vết thương trên tay người vắt sữa bị nhiễm bệnh từ bò và bôi nó lên vết cắt ông tạo ra trên cánh tay một cậu bé 8 tuổi tên là James Phipps.

6 tuần sau, Jenner cho cậu bé tiếp xúc với người bị bệnh đậu mùa - lúc bấy giờ là một căn bệnh cực kỳ đáng sợ, với tỉ lệ tử vong 30% và còn cao hơn ở trẻ em. 

Nhưng sau 20 lần tiếp xúc liên tiếp, Phipps vẫn khỏe mạnh. Sau này cậu lớn lên, kết hôn, sinh hai con và sống tới khi dự đám tang của Jenner vào năm 1823 (Phipps qua đời ở tuổi 65).

Từ 1796 tới 1798, Jenner đã thu thập được 23 trường hợp người bị nhiễm virus đậu mùa ở bò (tất nhiên lúc đó chưa có khái niệm virus, nên đúng ra là những người từng bị bệnh đó), rồi xuất bản một bài viết kết luận rằng “đậu mùa ở bò bảo vệ con người khỏi nhiễm đậu mùa”. 

Đó là kết luận sẽ khai phá cho ngành y sinh miễn dịch và trị liệu vaccine làm thay đổi hoàn toàn thế giới của con người.

Thật ra, trước khi Jenner phát triển phương pháp của ông, nhiều bác sĩ đã biết tạo sự miễn dịch cho bệnh nhân với bệnh đậu mùa bằng phương pháp chủng đậu (“variolation”), tức gây nhiễm có kiểm soát bằng vảy hoặc mủ người nhiễm đậu mùa cho người khỏe mạnh (tiếp xúc hoặc hít vật nhiễm). 

Biện pháp mới của Jenner đột phá ở chỗ nó không chỉ hiệu quả mà còn gây ít tác dụng phụ và an toàn hơn rất nhiều.

Cuộc đại chủng ngừa ở Trung Hoa

Hơn 100 năm trước Jenner, phương pháp chủng đậu đó từng làm thay đổi lịch sử Trung Hoa và qua đó là lịch sử thế giới.

Tháng 2-1662, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh nhuốm màu tang tóc khi hoàng đế Mãn Thanh Thuận Trị hấp hối trên giường vì đậu mùa. 

Hình vẽ mô tả phương thức chủng đậu mùa ở Trung Hoa thời Thanh. Ảnh: Scholar Gate

 

Mẹ của Thuận Trị, Hiếu Trang hoàng thái hậu, và bà nội của hoàng đế kế vị Khang Hy lo sợ cuộc cung đấu khốc liệt giành ngai vàng sẽ nổ ra một khi Thuận Trị nằm xuống. Nguy cơ một cuộc nội chiến hủy diệt đế chế Mãn Thanh còn non trẻ, vừa “nhập quan lập quốc” mới 18 năm trước, là hiển hiện.

Hoàng đế mới sẽ là một trong 6 người con trai của Thuận Trị, tất cả đều dưới 10 tuổi. Đó là một lựa chọn không dễ dàng: đứa trẻ lớn nhất, Dụ Hiến Thân vương Phúc Toàn, khỏe mạnh nhưng mù một mắt và chưa từng bị đậu mùa. 

Chứng kiến những đau khổ của Thuận Trị trên giường bệnh, quyết định của hoàng thái hậu chịu ảnh hưởng lớn bởi một dữ liệu duy nhất: cháu nội trai thứ hai của bà Khang Hy từng bị đậu mùa và đã vượt qua được, điều đó đồng nghĩa vị tân hoàng đế không còn phải đối mặt với nguy cơ mắc căn bệnh tai ác đó nữa.

Khang Hy đại đế, được nhiều sử gia Trung Quốc công nhận là đệ nhất quân chủ của nước này trong thời phong kiến, sẽ trị vì hơn 60 năm với nhiều kỳ công hiển hách cho đế quốc Mãn Thanh. 

Nhưng trong khi những câu chuyện trừ Ngao Bái, bình Ngô Tam Quế, dẹp Mông Cổ, thâu Đài Loan... của ông đã khá quen thuộc, còn ít người biết vai trò của Khang Hy trong cuộc chủng đậu lớn nhất lịch sử trước thời hiện đại.

Khang Hy, chứng kiến cái chết thảm khốc của cha mình, đã hạ lệnh tìm kiếm khắp cả nước để có được những thầy thuốc giỏi môn chủng đậu nhất. 

Thầy thuốc Phó Vị Các đã có cơ hội trình bày với hoàng đế phương pháp của ông vào năm 1678 và thực hiện nó trên chính các con của Khang Hy. Năm 1681, đến lượt Chúc Thuần Hỗ tham gia nhóm ngự y chuyên về chủng đậu. 

Chúc sau này viết cuốn Đậu chẩn định luận tuyên bố phương pháp chủng đậu của ông thành công 100%. Dựa trên những hạt nhân đó, Khang Hy cho lập trong Thái y viện một khoa chuyên về chủng đậu.

Sau khi đã chủng đậu cho cả hoàng gia, Khang Hy còn ra lệnh chủng đậu cho quân đội của đế chế và gia đình quân lính Mãn Thanh, mở ra cuộc đại chủng ngừa đầu tiên trong lịch sử. 

Dọc theo Vạn Lý Trường Thành lúc đấy, trong bối cảnh căng thẳng liên tục giữa Mãn Thanh và Mông Cổ cũng như đế quốc Nga, có khoảng 700.000 quân lính Trung Hoa đồn trú thường trực. Tổng dân số cần chủng ngừa, ước tính ở mức dè dặt là bốn trẻ em cho một đơn vị gia đình sáu người, sẽ là 4,2 triệu người.

Đế thành Bắc Kinh và các tỉnh lân cận có lực lượng quân đội thường trực khoảng 120.000, và các tài liệu của những giáo sĩ phương Tây sống và làm việc cho triều đình thời Khang Hy bấy giờ ghi nhận cả lính thường cũng được chủng đậu. 

Năm 1682, Thanh thực lục thậm chí cho biết Chúc Thuần Hỗ được cử ra khỏi trường thành để chủng đậu cho cả quân đội những nước phiên thuộc Mãn Thanh phía bắc.

Sau đó, việc ngự y Mãn Thanh tới triều đình Mông Cổ chủng đậu và tổ chức chủng đậu trở thành thông lệ được sử sách ghi chép suốt thời những người kế vị của Khang Hy là Ung Chính và Càn Long. 

Tác động xã hội của một cuộc chủng đậu như vậy với hàng triệu người sống ở Trung Hoa và các nước lân cận vào thế kỷ 17 là khó mà tưởng tượng được. 

Nó chắc chắn góp phần không nhỏ giúp dân số Trung Hoa tăng từ gần 40 triệu người khi Mãn Thanh lập quốc lên gấp 10 lần, gần 400 triệu người, vào năm 1850. 

Công cuộc kéo dài suốt 200 năm đó cũng là yếu tố quyết định ngăn chặn hiệu quả sự xuất hiện và lan tràn của dịch bệnh đậu mùa không chỉ ở Trung Hoa hay Mông Cổ mà cả châu Á, đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự gia tăng dân số của châu lục này trước thời hiện đại.

Một số sử gia Trung Quốc hiện đại thậm chí cho rằng kỹ thuật chủng đậu đã lan tiếp sang Nga, rồi châu Âu. Dù điều đấy hiện còn tranh cãi, có một điều chắc chắn: cuộc chủng ngừa quy mô lớn đầu tiên đã diễn ra ở Trung Quốc, sớm hơn rất nhiều so với tuyên bố nổi tiếng của tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington về việc ông đã chủng ngừa cho toàn bộ đạo quân các thuộc địa Mỹ của mình 100 năm sau.■

Gần một thế kỷ sau Jenner, vào năm 1885, nhà bác học lớn người Pháp Louis Pasteur đã thử nghiệm ở Paris điều mà ông gọi là “vaccine bệnh dại”, dù thời bấy giờ từ “vaccine” hay “vaccination” là dùng để chỉ cụ thể việc bôi mủ lấy từ bò bị bệnh đậu mùa lên người nhằm ngăn ngừa bệnh. 

Thực ra, Pasteur đã chế ra chất kháng độc tố (“antitoxin”) với bệnh dại, tức một loại thuốc chữa trị cho những người bị bệnh dại. Dẫu vậy, ông vẫn dùng từ “vaccine”.

Chính ảnh hưởng toàn cầu của Pasteur là yếu tố quan trọng dẫn tới việc mở rộng nghĩa của từ “vaccine” để bao gồm một danh sách dài các loại “thuốc” chứa vi trùng (vi khuẩn hoặc virus) còn sống, đã bị làm yếu đi hoặc đã chết, thường sử dụng bằng cách tiêm vào cơ thể người nhằm ngăn ngừa những chứng bệnh lây nhiễm cụ thể.

Về bệnh đậu mùa, nhờ một chiến dịch tiêm chủng quy mô cực lớn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh này đã được xóa sổ trên hành tinh vào năm 1980.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận