TTCT - Ngày càng có nhiều bằng chứng miễn dịch học hiện đại cho thấy các yếu tố căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cách khối u phát triển và lan rộng. Ung thư là căn bệnh đa yếu tố: di truyền, tiếp xúc với chất gây ung thư, lối sống, môi trường, nhiễm trùng… Tuy nhiên, nhiều người trẻ, khỏe mạnh, không có các yếu tố nguy cơ trên vẫn mắc bệnh. Liệu có yếu tố nào từ chính người bệnh, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ung thư? Tác động tâm lý đến ung thư: Căng thẳng trong công việc/liên quan đến phẫu thuật; cô lập, lo âu xã hội; khó khăn tài chính; tiếp xúc với bạo lực; và căng thẳng do bản thân mắc bệnh ung thư. Theo Nature Reviews Cancer 2021 (A. Eckerling et al). Đồ họa: KnowableNhững người mắc ung thư có thể phải đối mặt với nhiều yếu tố gây căng thẳng, cả liên quan lẫn không liên quan đến bệnh. Gần 2.000 năm trước, các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại như Galen (130-201) cho rằng u sầu có thể dẫn đến sự hình thành khối u. Ngày càng có nhiều bằng chứng miễn dịch học hiện đại cho thấy những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến cách khối u phát triển và lan rộng.Cơ chế căng thẳngPhản ứng căng thẳng sinh lý liên quan đến hệ thống thần kinh nội tiết và miễn dịch, thông qua hai con đường tương đối phức tạp. Hệ thống nội tiết điều chỉnh phản ứng căng thẳng thông qua trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận và hệ thần kinh giao cảm, giải phóng các hormone như catecholamine và glucocorticoid (cortisol).Các hormon này kích thích hệ thống tim phổi, tăng cường quá trình tân tạo glucose, phân giải glycogen, protein, lipid và tăng quá trình dị hóa. Ví dụ, khi gặp tình huống nguy hiểm cơ thể sẽ đáp ứng lại bằng tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, tăng lượng máu lưu thông, tăng cường trao đổi chất để tạo năng lượng… Tất cả nhằm giúp cơ thể chống lại căng thẳng.Mặt khác, các hormone trên có tác dụng kép với chức năng miễn dịch. Trong thời gian ngắn, nó tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch cụ thể, chẳng hạn như tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và thúc đẩy sản xuất các cytokine tiền viêm, bao gồm IL-6 và TNF-α... Tuy nhiên, khi lượng hormone căng thẳng ở mức cao kéo dài trong căng thẳng mãn tính, có thể dẫn đến rối loạn miễn dịch và gây bệnh.Theo tạp chí Knowable ngày 7-4, hơn 100 nghiên cứu dịch tễ học - có nghiên cứu lên tới hàng chục nghìn người tham gia - đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm, địa vị kinh tế xã hội thấp và các nguồn căng thẳng tâm lý khác với nguy cơ ung thư gia tăng, cũng như tiên lượng xấu hơn đối với những người đã mắc bệnh. Tuy nhiên, "tài liệu nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn còn đầy mâu thuẫn, đặc biệt là về khả năng gây bệnh ban đầu", cây bút khoa học Diana Kwon lưu ý.Ngoài ra, do thiếu một thước đo bên ngoài để xác định mức độ căng thẳng của từng kích thích và mức độ căng thẳng lại tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người, dẫn đến sự khác biệt đáng kể trong phản ứng của hệ thần kinh nội tiết giữa các cá nhân. Từ đó, gây ra sự mâu thuẫn, không nhất quán trong một loạt nghiên cứu dịch tễ trên người trước đây.Trong vài thập niên gần đây, các nhà khoa học tiếp cận vấn đề này theo một hướng khác: thí nghiệm trên tế bào và động vật. Những nghiên cứu này cho thấy các yếu tố tâm lý có thể tác động đến một số khía cạnh của sinh học khối u, theo Julienne Bower, nhà tâm lý học sức khỏe tại UCLA. Bower là đồng tác giả một bài viết năm 2023 trên Annual Review of Clinical Psychology về mối liên hệ giữa não bộ và hệ miễn dịch trong các bệnh lý, bao gồm ung thư.Ở chiều ngược lại, các nghiên cứu trên người và động vật cũng cho thấy rằng việc chặn các tín hiệu hóa học của stress có thể giúp cải thiện kết quả điều trị ung thư.Mối liên quan phức tạpNgày càng có nhiều nhà nghiên cứu tin rằng các yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến tiến triển của ung thư khi bệnh đã khởi phát. Điển hình trong bệnh ung thư vú, căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ và phụ nữ cũng là đối tượng thường xuyên bị căng thẳng kéo dài.Ở giai đoạn hình thành khối u, một nghiên cứu đăng trên JAMA Network Open hồi tháng 2-2025 đã đánh giá căng thẳng mãn tính liên quan đến tình trạng viêm và miễn dịch ở 121 phụ nữ da đen và da trắng mắc ung thư vú. Căng thẳng mãn tính gồm căng thẳng nhận thức, hỗ trợ xã hội không đầy đủ, phân biệt chủng tộc và sự thiếu thốn nơi ở. Các mẫu máu, khối u vú và các mô không phải ung thư lân cận được thu thập.Kết quả cho thấy có 92 dấu ấn protein miễn dịch ung thư và hàng nghìn dấu ấn ADN và RNA. Đây là một cách tiếp cận mạnh mẽ, rõ ràng cho thấy căng thẳng làm tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch và mức độ căng thẳng càng cao, càng gây nhiều đột biến, tạo thuận lợi cho tế bào chuyển sang trạng thái ác tính. Hoặc có thể khiến các tế bào ung thư trước đây không hoạt động có nhiều khả năng phân chia và hình thành khối u mới.Ở giai đoạn phát triển và di căn, nhiều nghiên cứu chỉ ra căng thẳng giúp tạo môi trường xung quanh khối u và liên kết với mạch máu thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển và di chuyển. Điển hình, trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer Cell hồi tháng 2-2024, các tác giả đã sử dụng hai phương pháp để mô hình hóa căng thẳng ở chuột bị ung thư vú. Một phương pháp được thiết kế để mô phỏng sự tiếp xúc với căng thẳng liên tục, mức độ thấp, có thể dự đoán được. Phương pháp còn lại mô phỏng căng thẳng không liên tục, không thể dự đoán được, nhẹ. Kết quả, những con chuột này đều có khối u vú lớn hơn và di căn phổi nhiều hơn so với những con chuột không tiếp xúc với căng thẳng.Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phân tích mô phổi từ những con chuột bị căng thẳng cho thấy các tế bào miễn dịch bị thay đổi. Nguyên nhân có thể do glucocorticoid - hormone do căng thẳng tiết ra, làm thay đổi hoạt động của bạch cầu trung tính - loại tế bào tiêu diệt tác nhân lạ trong máu. Tiếp xúc với căng thẳng hoặc tiêm trực tiếp glucocorticoid vào chuột khiến bạch cầu trung tính di chuyển vào mô phổi, thúc đẩy sản xuất một loại protein gọi là fibronectin, có khả năng tạo môi trường thuận lợi cho các tế bào ung thư di căn.Mặt khác, một nghiên cứu đăng trên Nature từ tháng 3-2016 cho biết căng thẳng mãn tính ở chuột làm tái cấu trúc các mạng lưới bạch huyết bên trong và xung quanh khối u, làm tăng số lượng kết nối giữa hệ thống bạch huyết và khối u vú, khiến các tế bào ung thư có nhiều khả năng lây lan hơn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cho thấy căng thẳng mãn tính giúp yếu tố kích thích sự phát triển mạch máu xung quanh khối u tăng cao hơn, cho phép các mạch máu mới cung cấp chất dinh dưỡng cho khối u và tạo ra con đường cho các tế bào ung thư có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.Cuối cùng, vào tháng 1-2025 trên trang Springer Nature Link, một nghiên cứu phân tích toàn diện về mối liên quan căng thẳng mãn tính và ung thư từ năm 2014-2024, tập hợp hơn 600 bài báo liên quan với trọng tâm đánh giá tác động của căng thẳng mãn tính lên các loại ung thư khác nhau, các cơ chế phân tử cơ bản và giá trị của các phương pháp điều trị liên quan.Kết quả cho thấy căng thẳng mãn tính ngày càng được công nhận là yếu tố nguy cơ gây ung thư và nhấn mạnh phương pháp điều trị ức chế hormone do căng thẳng tiết ra, nổi lên như một chiến lược đầy hứa hẹn.Từ phân tích trên cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa căng thẳng mạn tính, hệ thống miễn dịch suy yếu và ung thư. Tuy nhiên, vẫn chưa khẳng định được đầy đủ rằng chỉ riêng yếu tố tâm lý căng thẳng có thể gây ra ung thư. Bởi lẽ còn nhiều yếu tố khác tác động, ví dụ khi tâm lý căng thẳng sẽ thúc đẩy hành vi không lành mạnh đi kèm như hút thuốc lá, uống rượu… Do vậy, cần có các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khẳng định mối quan hệ này.Trước đây không ai lường được mức độ nghiêm trọng mà ngay cả stress nhẹ, nếu kéo dài, cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ung thưElizabeth Repasky (nhà miễn dịch học ung thư)Tín hiệu hứa hẹnDựa trên cơ chế tác động của căng thẳng mạn tính với ung thư mà ngày càng có nhiều nghiên cứu tập trung vào loại thuốc chẹn beta giao cảm - loại thuốc thường dùng trong tim mạch, nhưng có tác dụng ngăn chặn các các hormone gây căng thẳng.Ví dụ, một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng, giai đoạn II đăng trên ResearchGate tháng 11-2019 sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm với Propranolol trước phẫu thuật làm giảm các dấu hiệu sinh học của di căn ở ung thư vú. Hơn 60 bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên, dùng propranolol đường uống hoặc giả dược trong 7 ngày trước phẫu thuật. Kết quả thấy thuốc chẹn beta giao cảm làm giảm các dấu ấn sinh học liên quan đến khả năng di căn của khối u.Gần nhất là vào tháng 4-2025, trên trang MDPI, một nghiên cứu tổng hợp và phân tích một cách có hệ thống các dữ liệu hiện có đến tháng 9-2023, để đánh giá tác động của thuốc chẹn beta giao cảm đến sự sống còn ở bệnh nhân ung thư, với gần 500.000 bệnh nhân mắc nhiều loại ung thư khác nhau. Kết quả cho thấy mặc dù chưa thấy lợi ích rõ ràng cải thiện khả năng sống sót sau ung thư, song thuốc chẹn beta giao cảm kéo dài thời gian giữa thời điểm khởi phát và tiến triển của ung thư. Mặt khác, thuốc cũng có thể mang lại tác dụng bảo vệ tim khi được sử dụng ở những bệnh nhân đang dùng liệu pháp điều trị ung thư toàn thân gây độc cho tim.Hiện tại, các nghiên cứu ngẫu nhiên và có triển vọng lớn đang diễn ra và kết quả sẽ cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối liên quan giữa chẹn beta giao cảm với các nhóm bệnh nhân ung thư cụ thể và bối cảnh lâm sàng rõ ràng. Nếu thành công, đây sẽ là phương pháp điều trị bổ sung dễ tiếp cận với chi phí rẻ cho người bệnh. Tất nhiên trong lúc chờ đợi kết quả tích cực trên, biện pháp làm giảm căng thẳng hằng ngày các can thiệp tâm-thân như yoga hay thiền chánh niệm… đều hữu ích cho tất cả mọi người. Tags: Căng thẳngNghiên cứuUng ThưTế bào miễn dịch
Làn khói đen ở Nhà nguyện Sistine, chưa có Giáo hoàng mới UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Sau lần bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng đầu tiên, làn khói đen vừa xuất hiện tại ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine vào lúc 21h tối 7-5 (tức 2h sáng 8-5 theo giờ Việt Nam).
Chủ tịch Quốc hội: Ai là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND cấp xã, bố trí cán bộ là việc khó THÀNH CHUNG 07/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính thì dễ, nhưng việc chọn, bố trí cán bộ mới khó.
Mật nghị hồng y 2025 bắt đầu: Lời thề thinh lặng trong nhà nguyện Sistine UYÊN PHƯƠNG 07/05/2025 16h30 chiều 7-5 (21h30 giờ Việt Nam), 133 vị hồng y cử tri chính thức bước vào mật nghị hồng y năm 2025, bầu chọn ra Giáo hoàng.
Khởi tố vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở Vĩnh Long tử vong CHÍ HẠNH 07/05/2025 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở huyện Trà Ôn tử vong.