Thảm sát Christchurch: Lịch sử chỉ là sự lặp lại chính nó

SÁNG ÁNH 25/03/2019 20:03 GMT+7

TTCT - Vụ thảm sát ở Christchurch, New Zealand khiến 49 người thiệt mạng là vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia nổi tiếng yên bình này. Sự thật rằng mục tiêu chính của vụ xả súng, hai hội đường Hồi giáo, nêu bật một thực trạng mang tính lịch sử đã hàng nghìn năm.

Kỵ binh Ottoman (áo đỏ), tức sipahis, và kỵ binh Ba Lan, tức hussar, trong trận Vienna 1683, tranh của họa sĩ người Ba Lan Józef Brandt.-Ảnh: Pinterest
Kỵ binh Ottoman (áo đỏ), tức sipahis, và kỵ binh Ba Lan, tức hussar, trong trận Vienna 1683, tranh của họa sĩ người Ba Lan Józef Brandt.-Ảnh: Pinterest

 

732 là một năm mang tính cột mốc trong lịch sử, chí ít là với các học trò lớp 3 ở Pháp. Đây là một trong những sự kiện mà người Pháp nào cũng thuộc nằm lòng, nếu không thì lưu ban và không được lên lớp 4.

Tại Poitiers (cạnh Tours), bên bờ sông Loire bình thản, vào năm đó, vương Charles Martel thống lãnh đế quốc Frank (một trong nhiều bộ lạc Đức) đánh bại vương Al Ghafiqi, tổng đốc Hồi giáo của vùng Andalus (nay thuộc Tây Ban Nha). Al Ghafiqi tử trận và cuộc bành trướng của người Ả Rập ở Tây Âu dừng lại, khiến đến ngày nay vẫn còn câu đùa là người sinh ra ở bờ nam sông Loire không phải là người chính gốc Pháp.

Đằng sau mâu thuẫn tôn giáo

Mâu thuẫn Hồi giáo - Kitô giáo bắt đầu từ thế kỷ thứ 8, vào giai đoạn đế triều Hồi giáo đang bành trướng mạnh mẽ nhất, từ bán đảo Ả Rập, họ chinh phục Ba Tư rồi Ai Cập, Libya, Bắc Phi, để đến năm 711, tướng Hồi giáo Tariq đổ 7.000 quân sang Tây Ban Nha (núi Gibraltar ở biên giới châu Âu - Bắc Phi, theo tiếng Ả Rập là Djebel al Tariq, nghĩa là ngọn núi của Tariq).

21 năm sau, quân Hồi đã chiếm hết bán đảo Iberia và 60% nước Pháp ngày nay, đến bên bờ sông Loire. Phía đông, đế quốc Kitô chính thống, tức Đông La Mã, bị đe dọa, để rồi rốt cuộc thủ đô Constantinople (Istanbul) rơi vào tay Hồi giáo Ottoman năm 1453, sự kiện mà trẻ con nào ở châu Âu học xong lớp 4 cũng phải nhớ.

Mâu thuẫn giữa Kitô và Hồi giáo giống như mâu thuẫn giữa mọi đế quốc là về đất đai, kinh tế và quyền lợi các vương triều, nhưng hay mang màu tôn giáo cho dân đen dễ hiểu. Đạo Hồi là phiên bản thứ ba của dòng tôn giáo độc thần Trung Đông.

Theo Hồi giáo, Muhammad là thiên sứ cuối cùng của tôn giáo độc thần này. Cựu ước và Tân ước cũng là sách Thánh của người Hồi, các thiên sứ trước Muhammad đều là thiên sứ của Hồi giáo, kể cả Jesus. Khi người Hồi hô “Allahu Akbar”, Thượng đế là tối thượng, thì Thượng đế Allah này chính là Jehovah, là Đức Chúa trời của Kinh Thánh chứ chẳng phải ai khác.

Người Hồi không thờ “Thánh Allah”, họ thờ Thượng đế chung và gọi người Do Thái và Kitô là “những người chung sách Thánh”, tuy không phải đồng đạo. Nói thế, cả ba tôn giáo này cùng chung một tổ và như vậy có mâu thuẫn là chuyện thường tình, nếu không nói là tự nhiên.

Các thế kỷ 11-14, Âu châu chìm trong tăm tối và u mê Trung cổ giáo điều. Tây Âu thời đó kém phát triển về mọi mặt so với Cận Đông và ánh sáng Phục hưng sau này là từ phương Đông đến, nhờ văn minh Hồi giáo giữ gìn và khai triển các hiểu biết khoa học hay các giá trị nhân văn Hi-La.

Các trung tâm văn hóa thế giới lúc ấy là các vương triều Hồi giáo, nơi mà các vương hầu không khoe nhau ai nhiều dầu mỏ hơn, mà tị hiềm về số học giả và thư viện.

Trong bối cảnh đó, với nông dân lam lũ và đói kém, bệnh dịch hoành hành thì cuồng tín hóa là một lối thoát cho giai cấp cai trị Âu châu. Bèn nảy ra cái gọi là Thập tự chinh đòi chiếm lại đất Thánh Jerusalem. Quan trọng hơn chuyện tôn giáo, của cải, tiền rừng bạc biển, doanh thương và lộng lẫy phát triển đều là ở phương Đông!

Nay ta khó mà hình dung ra được, nhưng người phương Tây đối với người Hồi vào thời đại đó là mối lo tựa như các bộ lạc rợ Đức đe dọa văn minh thành La Mã chói lòa và nhung lụa, hay như “rợ” Hung Nô phải ngăn bằng Vạn Lý Trường Thành để không vào tàn phá Hoa Hạ - Trung Nguyên rực rỡ vậy. Vào thế kỷ 13, khi kỵ binh Mông Cổ tràn ngập vùng Cận Đông, giáo hoàng đã gửi sứ giả tới với niềm tin người Mông Cổ là Kitô đồng đạo ở Á châu xa vời.

Các hoàng đế Mông Cổ chẳng coi thông điệp của giáo hoàng ra gì vì họ là một đạo quân chinh phạt và cướp bóc, chứ không phải thánh chiến.

Cuộc chiến Kitô - Hồi giáo tiếp diễn với những cột mốc 1491, khi Granada (nay là miền nam Tây Ban Nha) bị vương quốc Castile Kitô giáo chinh phục, chấm dứt hơn 7 thế kỷ Hồi giáo ở Tây Âu. Rồi sau đó là năm 1683, khi liên quân Kitô giáo Áo - Đức, Ba Lan, Lithuania chặn đứng cuộc bành trướng của đế quốc Ottoman ngay dưới cổng thành Vienna.

Từ Tours tới Christchurch

Những cột mốc này, Tours 732, Granada 1491, Vienna 1683... đều được ghi trên vũ khí của Brenton Tarrant, nghi phạm chính 28 tuổi của cuộc thảm sát Christchurch (cùng tên họ và “thành tích” của những kẻ khủng bố da trắng khác).

Nghi phạm hẳn đã học hết tiểu học và giỏi môn lịch sử: Tarrant thảo cả một tuyên ngôn 87 trang chống lại Hồi giáo để bảo toàn lẽ sống của văn minh và con người da trắng. Đấy không gì khác là phiên bản ngược lại của thành phần Hồi giáo quá khích và triệt để, điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện nay.

Sau một thế kỷ bị phân chia và hà hiếp bởi các đế quốc thực dân cũ và mới Tây phương, thành phần cực đoan thuộc đại đế quốc Hồi giáo xa xưa chỉ còn tìm thấy giải pháp trong quá khứ.

Đế quốc Hồi giáo hùng mạnh của 10 thế kỷ trước đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tổ chức Hồi giáo cực đoan mới. Ngoài IS, Al Qaeda hay phong trào Salafi cũng xây dựng tư tưởng dựa trên quá khứ đó, dĩ nhiên là bóp méo sao cho vừa với lăng kính của họ.

Tuy nhiên, thực tế rất phũ phàng. Thay vì những đại đế quốc Hồi giáo là trung tâm của thế giới như thời xa xưa, giờ đây vùng này đầy những bất ổn và hoang tàn. Đơn cử là Syria: trong 18 triệu dân, 6 triệu đã bỏ quê hương, 6 triệu nữa mất nhà cửa ở trong nước và nửa triệu người đã thiệt mạng vì cuộc nội chiến.

Vì những lẽ đó, thật lạ lùng khi một kẻ cực đoan da trắng Tây phương lại có nỗi lo bị “diệt chủng” như hồi năm 732!

Đến mức phải tự ra tay cầm súng bảo vệ “giống nòi” ở Christchurch xa xăm (vốn cũng chẳng phải đất của người da trắng: thổ dân Maori của vùng Polynesia đã sống ở New Zealand từ giữa thế kỷ 13, trong khi người da trắng đầu tiên đặt chân lên quần đảo này là thuyền trưởng James Cook, mãi tới tận năm 1769).

Cũng lạ lùng không kém, trên nòng một khẩu súng của Tarrant đề tên Charles Martel: ông nội của đại đế Charlemagne! Người da trắng ở Tây phương không tan hoang đất nước, không ăn bom lãnh pháo, mất vợ mất con, không bị hà hiếp, chà đạp. Iran, như ta biết, không có căn cứ hải quân ở Canada hay không quân ở Mexico, và Iraq không có lính đồn trú ở Florida hay Queensland.

Năm 2015, một thanh niên da trắng vào một nhà thờ Kitô ở Charleston, Hoa Kỳ nổ súng sát hại mục sư đang hành lễ và 8 người. Vụ đó không phải từ nỗi sợ người Hồi hay Ả Rập, mà kẻ thủ ác 21 tuổi theo thuyết “ưu sinh da trắng”.

Dylann Roof sợ có ngày tộc da trắng bị hủy diệt sau mấy thế kỷ đã buôn bán dân da đen như súc vật để xây nên nước Mỹ đàng hoàng to đẹp ngày nay. Một kẻ khác, ở Na Uy, vì tìm không ra hội đường Hồi giáo hay nhà thờ Kitô da đen, năm 2011 đã sát hại 69 trẻ em da trắng ở một trại hè của thanh niên Đảng Lao động.

Mẫu số chung của ba kẻ này là họ muốn giữ gìn vị thế làm cha trăm họ của màu da, một vị thế theo họ là đang suy đồi và bị đe dọa.

Trở lại với vụ thảm sát ở New Zealand, trong tuyên ngôn chống Hồi giáo, hung thủ có nhắc đến vai trò của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông này không dàn quân trước sông Danube như liên quân kháng Hồi, mà trước sông Rio Grande để ngăn chặn cuộc “xâm lược” từ phương nam.

Với ông, những người vượt biên mới này là kẻ cướp của, giết người, hãm hiếp và buôn ma túy, mà ông quyết xây trường thành để ngăn chặn họ lọt vào Trung Nguyên - Hoa Kỳ giàu có và thịnh vượng. Đáng nói, trong đoàn “thập tự chinh” mới này chẳng có ai Hồi giáo cả, thậm chí 100% là Kitô, phần lớn ngoan đạo hơn cả dân Mỹ!

Không nói đến những toan tính chính trị, thực dân, đế quốc, những tranh chấp quyền lợi, đất đai thì thuần túy về mặt tôn giáo và văn hóa, 3 đạo độc thần Do Thái, Kitô và Hồi chung một nhà.

Trong trạng thái bài Hồi thấp thỏm hiện nay trên thế giới, vừa rồi người viết bài này đáp phà sang đảo Buyukada ở Istanbul. Đây là Constantinople cũ của đế quốc Đông La Mã, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là một anh cả trong những nước Hồi giáo.

Tại bến phà, tôi giật mình thấy 5-6 bạn áo chùng đen bết đất, râu ngang ngực kiểu chiến sĩ IS. Nhìn kỹ ra thì họ là tu sĩ của chủng viện Saint George, chủng viện Kitô chính thống giáo được thành lập từ năm 963 và giờ vẫn còn hoạt động. May cho họ là Christchurch ở xa, chứ hung thủ đến đây mắt nhắm mắt mở đã có thể có nhầm lẫn đáng tiếc!■

Nếu nhìn lịch sử, được Tarrant đọc kỹ và say mê đắm đuối, thì trong chiều dài nhân loại, sự thượng phong hoàn toàn của phương Tây chỉ là 300 năm gần đây sau thời cách mạng công nghiệp.

Đến thế kỷ 17, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai nước giàu có nhất thế giới và đế quốc Ottoman chỉ tan rã sau Thế chiến thứ nhất. Khi đại nguyên súy Ottoman Kara Mustafa Pasha ra lệnh triệt thoái trước thành Vienna, ngoài của cải, ngựa xe và võ khí để lại còn có... cà phê, mà dân Áo sau đó tập tành uống theo. Món đồ uống đó nhanh chóng lan khắp châu Âu, được cho thêm sữa thành cà phê sữa, để nhúng bánh sừng bò vào đó ăn sáng (bánh sừng bò, croissant, cũng là một món đậm màu Hồi giáo với hình trăng lưỡi liềm).

Thế sự xoay vần, người Pháp lại mang cà phê sang Việt Nam, nơi dân tình bỏ thêm đá lạnh thành cà phê sữa đá, món đồ uống hiện quay lại... Hoa Kỳ, trong các tiệm Starbucks, với giá gấp 5 gấp 10!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận