Tin giả và ký ức thật

CHIÊU VĂN 08/09/2019 17:09 GMT+7

TTCT - Một nghiên cứu vừa công bố cho thấy việc thao túng tâm trí con người bằng tin tức giả mạo và tuyên truyền sai sự thật dễ dàng tới mức nào.

Ảnh: nbcnews.com
Ảnh: nbcnews.com

Nghiên cứu do Gillian Murphy, giảng viên Trường Tâm lý ứng dụng (Đại học County Cork, Ireland), đứng đầu diễn ra một tuần trước cuộc trưng cầu ý dân năm 2018 về việc bãi bỏ điều 8 hiến pháp Ireland, vốn quy định nạo phá thai là hoàn toàn bất hợp pháp, trừ trường hợp tính mạng người mẹ bị đe dọa nghiêm trọng. 

Các nhà nghiên cứu đã hỏi hơn 3.140 người trong độ tuổi bỏ phiếu xem họ định bỏ phiếu thế nào, rồi cho họ xem 6 tin tức về cuộc trưng cầu ý dân, 2 tin trong đó là giả mạo, mô tả hành vi cực đoan của cả hai phe. Những người tham gia nghiên cứu sau đó được hỏi là họ từng nghe câu chuyện đó chưa, và nếu có nghe thì họ nhớ gì về nó.

Mục tiêu của nghiên cứu không chỉ là để tìm hiểu xem các đối tượng nghi ngờ “tin tức giả mạo” tới mức nào, mà còn để xem liệu những tin tức nhất định có để lại ký ức sâu sắc hơn với họ hay không - dù cho nó đúng hay sai sự thật.

Kết quả là một nửa các đối tượng nghiên cứu vẫn còn nhớ đã đọc những tin tức ngụy tạo, một số thậm chí còn nhớ các sự kiện hoàn toàn không có trong các tin tức ngụy tạo đó! Điều đáng sợ ở đây là người ta có nhiều khả năng lưu lại trong trí nhớ những thông tin sai lạc nếu nó phù hợp với nhãn quan chính trị của họ.

Điều này đúng với cả phổ chính trị: những người ủng hộ hợp pháp hóa phá thai nhiều khả năng vẫn còn nhớ thông tin ngụy tạo bài bác phe chống đối, trong khi những người chống phá thai nhiều khả năng nhớ các chi tiết sai lạc bài bác phía bên kia.

Nói cách khác, người ta có xu hướng lưu ký ức và nhớ lại những thông tin xác quyết cho quan điểm của họ, dù thông tin đó sai lạc. Còn tệ hơn, ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã nói với họ rằng một số tin tức đó là giả, họ vẫn không xác định được tin nào là ngụy tạo.

Những ngụ ý của nghiên cứu thật rõ ràng: việc thao túng tâm trí con người và khai thác những thiên kiến của họ bằng tin giả không chỉ hết sức dễ dàng mà những người đã đọc và tin các tin giả không dễ điều chỉnh được góc nhìn của họ, thậm chí ngay cả khi họ đã được thông báo rõ ràng rằng họ đọc tin giả.

Một thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 23% người Mỹ từng chia sẻ một tin tức giả mạo trên mạng xã hội, và 14% chia sẻ những điều mà chính họ biết là giả, nhưng nghiên cứu ở Ireland là lần đầu tiên vấn đề được thử nghiệm qua một cuộc trưng cầu ý dân ngoài thế giới thực.

“Ký ức là một quá trình tái tạo và chúng ta dễ tổn thương trước những sự bóp méo ký ức mà chúng ta không hề ý thức được - tiến sĩ Murphy nói - Ngụ ý cho những cuộc bầu cử sắp tới là các cử tri không chỉ rất dễ tin vào một tin tức giả mạo mà còn nhiều khả năng nhớ lại rằng sự kiện ngụy tạo trong tin tức đó đã thực sự xảy ra”.

“Những phát hiện này là đáng lo ngại và có tương quan với các nghiên cứu trước đó cho thấy một điều đã ăn vào trí nhớ chúng ta thì rất khó sửa chữa - Amy Sippitt, giám đốc nghiên cứu ở Full Fact, người không tham gia nghiên cứu, nói với BBC - Điều này càng khiến việc ngăn chặn tin giả ở nguồn gốc trở nên quan trọng”.

Thật ra, nguy cơ tin giả trở thành ký ức thật đã được cảnh báo nhiều năm qua. Nghiên cứu năm 2012 do các học giả Mỹ Steven Frenda và Elizabeth Loftus đứng đầu cho thấy những người tham gia đã bị dẫn dắt để có một ký ức sai là tổng thống Mỹ khi đó, ông Barack Obama, từng bắt tay tổng thống Iran khi đó, ông Mahmoud Ahmadinejad, dù không hề có tin tức thật nào về việc này.

Tương tự là việc tổng thống Mỹ George W. Bush đang đi chơi với một cầu thủ bóng chày ở trang trại của ông tại Texas khi bão Katrina tràn vào New Orleans năm 2005, dù lúc đó thực ra ông Bush đang ở Nhà Trắng.

“Tất cả những điều đó cho thấy lý do chúng ta cần hiểu được cách thức các câu chuyện riêng lẻ của cá nhân có thể bị lợi dụng để mô tả một câu chuyện lớn hơn - chuyên gia Sippitt nói - Điều quan trọng ở đây là không chỉ quan tâm tới độ chính xác của từng tin tức đơn lẻ, mà cả bức tranh lớn hơn mà tin tức đó mô tả”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận