Đà nẵng muốn là "cái rốn" của khởi nghiệp 

ĐĂNG NAM THỰC HIỆN 17/03/2016 16:03 GMT+7

TTCT - “Chính quyền Đà Nẵng đã xác định chiến lược trong 5 năm tới là xây dựng một thành phố khởi nghiệp. Tuy nhiên việc khởi nghiệp tại nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng, hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Võ Duy Khương -Đăng Nam
Ông Võ Duy Khương -Đăng Nam


Xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện và sự điều chỉnh hợp lý về thể chế sẽ giúp khởi nghiệp phát triển” - tiến sĩ Võ Duy Khương, chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, trao đổi với TTCT.

Biến Đà Nẵng thành một thành phố khởi nghiệp trong tương lai là ý tưởng rất hay nhưng dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

- Trong năm 2015, Đà Nẵng đã làm được một số việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp: trong chương trình triển khai kế hoạch phát triển DN giai đoạn 2015-2020, một trong những trụ cột là hỗ trợ DN khởi nghiệp, thứ hai là thành lập được hội đồng điều phối và mạng lưới khởi nghiệp trên toàn thành phố.

Tháng 10-2015, hội đồng điều phối này đã chính thức ra mắt, kết nối với các cơ quan nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, DN, các vườn ươm, CLB khởi nghiệp... Hội đồng điều phối sẽ tạo ra một môi trường khởi nghiệp tốt trên tinh thần huy động các nguồn lực của xã hội.

Với quốc tế, Đà Nẵng đã và đang làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ xây dựng kế hoạch khởi nghiệp 5 năm; ký kết nguyên tắc với Tập đoàn Microsoft (giúp xây dựng lớp vườn ươm đầu tiên theo tiêu chuẩn của Microsoft).

Tháng 6-2016 sẽ khai mạc lớp này với sự tham gia của 10 DN khởi nghiệp trong thời gian bốn tháng. Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cũng đã chính thức ra mắt cuối năm ngoái. Đây là mô hình hợp tác công tư đầu tiên trên cả nước với vốn điều lệ 30 tỉ đồng (trong đó vốn của Đà Nẵng là 20 tỉ đồng, phần còn lại do DN, các cá nhân góp). Sau ba tháng, DNES đã chọn được 8/41 dự án đưa vào đào tạo trong vườn ươm, trong đó một nửa là dự án liên quan đến công nghệ, số còn lại là du lịch, giáo dục.

Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo xây dựng một kế hoạch phát triển khởi nghiệp 2016-2020, làm sao đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố khởi nghiệp.

Theo ông, cái khó nhất hiện nay cho chương trình khởi nghiệp của Đà Nẵng là gì?

- Khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay là công cuộc khởi nghiệp này còn quá non trẻ, mới khởi động trong hai năm nên môi trường khởi nghiệp chưa đầy đủ. Sự ủng hộ quyết liệt của chính quyền các cấp cũng chưa phải mạnh mẽ lắm.

Cái khó tiếp đến là văn hóa khởi nghiệp của thanh niên Đà Nẵng chưa có. Khởi nghiệp đồng nghĩa với chấp nhận sự mạo hiểm, có thể 8 phần thua, 2 phần thắng. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng thất bại là cái gì đó xấu hổ, mặc cảm, bị chê cười, bị bạn bè đánh giá thấp...

Cũng do văn hóa khởi nghiệp của chúng ta chưa có nên sức chịu đựng, sự kiên trì để tiếp tục tái khởi nghiệp còn hạn chế. Vậy nên theo tôi: trong các chương trình giáo dục nên giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho các em.

Tâm lý chung của sinh viên là muốn học cái gì khi ra trường có việc làm ngay là tốt. Hiện nay có xu hướng sinh viên sau khi ra trường muốn “chạy” vào các cơ quan nhà nước, có thể mất vài trăm triệu đồng nhưng đổi lại là khó thất nghiệp lắm.

Còn lực cản trong chính sách là...?

- Lực cản lớn nhất của khởi nghiệp hiện nay là chính sách vĩ mô của Nhà nước. Bộ KH-ĐT có một quỹ rất lớn (3.000 tỉ đồng), Bộ KH-CN cũng có Quỹ KH-CN sáng tạo...

Nhưng các quỹ này đến nay vẫn chưa vươn đến các địa phương. Chính sách vĩ mô của Nhà nước cho hoạt động này vẫn chưa đủ. Đơn cử như việc các DN mới ra đời nhưng vẫn bị đánh thuế DN như các DN hoạt động lâu năm là không thể giúp DN ấy đủ sức tồn tại.

Thực tế cho thấy trong ba năm đầu có đến 70% DN khởi nghiệp “chết”, đến năm thứ năm “chết” tiếp 10%. Như vậy chỉ còn 20% số DN trụ được. Vậy nên nếu chính sách thuế của Nhà nước không được điều chỉnh sớm thì DN khởi nghiệp mau “chết”.

Thứ hai, hiện chúng ta chưa có khung pháp lý cho quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động. Vừa rồi trong một lần trả lời trên VTV1, một vị bộ trưởng đã rất lúng túng khi có một câu hỏi rằng: Liệu Quỹ KH-CN sáng tạo có thể cho DN vay 10 tỉ đồng để đầu tư sáng tạo hay không?

Bộ trưởng không trả lời được vì nếu cho vay, sau này họ phá sản thì lấy gì trả lại cho quỹ. Như thế làm sao thành “bà đỡ” giúp DN khởi nghiệp. DN có ý tưởng nhưng muốn đi vay, cả ngân hàng lẫn ngân sách (quỹ) không dám cho vay vì họ chẳng có gì để thế chấp.

Nếu chúng ta có một quỹ mạo hiểm như vậy, khởi nghiệp mới phát triển được và cộng đồng khởi nghiệp mới mạnh mẽ được. Nhà nước Israel có chính sách khởi nghiệp quốc gia. Họ sử dụng 4% nguồn vốn ngân sách đầu tư các quỹ khởi nghiệp. Chính vì thế Israel mới trở thành quốc gia khởi nghiệp như bây giờ.

Như vậy Đà Nẵng xoay xở thế nào để thành thành phố khởi nghiệp?

- Dù Đà Nẵng có xác định chiến lược trong 5 năm tới xây dựng Đà Nẵng thành “thành phố khởi nghiệp” thì cũng sẽ khó nếu chính sách vĩ mô không có sự điều chỉnh.

Thực tế Đà Nẵng chỉ có thể quyết được giá thuê đất - nghĩa là có thể giúp tạo mặt bằng để kêu gọi các DN đến đó làm việc với giá ưu đãi. Ngoài ra, thành phố chỉ có thể giúp cải cách các thủ tục hành chính, thủ tục thuế, thủ tục xuất nhập khẩu gọn nhẹ để hỗ trợ một phần cho DN.

Nếu sau này Chính phủ cho thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm thì Đà Nẵng mới thành lập trên cơ sở khung pháp lý của Nhà nước.

Vậy theo ông, liệu trong 5 năm tới Đà Nẵng có thể trở thành một thành phố khởi nghiệp được không?

- Tôi có niềm tin đó. Cuối tháng 3, Hội đồng điều phối khởi nghiệp sẽ chính thức trình lên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng một chiến lược phát triển khởi nghiệp trong 5 năm tới. Và khi ấy tôi tin Đà Nẵng sẽ trở thành “cái rốn” thu hút nhân tài.

Bởi lãnh đạo của thành phố đã xác định khởi nghiệp và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp sẽ là trụ cột chính để phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong những năm tới, không còn con đường nào khác. Chúng ta phải xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm sáng tạo về công nghệ (thông tin, sinh học, công nghệ mới...) để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Điều quan trọng là Đà Nẵng phải có những chính sách để thu hút khởi nghiệp. Và chính sách đó phải thu hút được những người trẻ, giỏi từ các địa phương khác về Đà Nẵng sinh sống để khởi nghiệp ở đây. Khi đã có chính sách tốt thì không chỉ các tỉnh miền Trung, mà ở Sài Gòn hay Hà Nội họ cũng sẽ tụ về đây.

Xin cảm ơn ông.■

Trong đề án chiến lược xây dựng Đà Nẵng thành “thành phố khởi nghiệp”, chúng tôi đã xác định sẽ biến Vườn ươm Đà Nẵng thành một điểm đến của các bạn trẻ khởi nghiệp. Ngoài những chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính, mặt bằng, lãi suất tín dụng ưu đãi…, Hội đồng điều phối sẽ tham mưu với thành phố xây dựng những không gian kết nối cho khởi nghiệp. Trước mắt là nghiên cứu một khu đất trong nội thành và huy động nguồn lực để xây dựng một tòa nhà 10 tầng. Đây sẽ là nơi làm việc của những doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi Chính phủ đồng ý, Đà Nẵng sẽ xúc tiến thành lập ngay quỹ khởi nghiệp để kịp hỗ trợ doanh nghiệp vừa ra đời.

Ông Võ Duy Khương

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận