Đài Loan: Thương hải tang điền

SÁNG ÁNH 04/06/2020 17:06 GMT+7

TTCT - Tình hình Đài Loan đã nóng lên trong những ngày qua từ sau lễ nhậm chức của người đứng đầu chính quyền hòn đảo, bà Thái Anh Văn. Nhưng cần hiểu lịch sử lâu dài của vùng đất phức tạp này mới thấy hết tầm quan trọng của những diễn tiến gần đây.

Ngày 27-2-1947, công an tại Đài Bắc đến nhà bắt giữ và đánh đập một phụ nữ bán thuốc lá lậu. Quần chúng bất mãn bèn phản đối, công an nổ súng và bắn chết một người.

Một tác phẩm nghệ thuật mô tả sự biến 228.

Sự biến 228

Đây là điểm khởi đầu của “sự biến 228” tại Đài Loan vào ngày hôm sau, 28-2, khiến đến 30.000 người bị thủ tiêu, 100.000 người bị bắt giam, thiết quân luật được ban hành và duy trì đến 1985.

Năm 1947 đó, Đài Loan còn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Trung Hoa Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Phong trào đòi độc lập của Đài Loan thật ra đã bắt đầu từ đấy. Một nhóm đối lập của hòn đảo chạy thoát sang Hong Kong (lúc đó là thuộc địa của Anh) lưu vong và thành lập Đài Loan Dân chủ tự trị đồng minh (Đài Minh), ngày nay vẫn còn hoạt động.

Sự tình ở đây có hơi rắc rối. Vì Đài Minh là đối thủ của Quốc dân Đảng, họ trở thành đồng minh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một trong tám chính đảng được công nhận ở Trung Quốc hiện giờ, đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, và là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp).

“Sự biến 228” gần như không được nhắc tới suốt một thời gian dài. Mãi 42 năm sau, tức là năm 1989, bộ phim truyện Bi tình thành thị (Chuyện tình buồn phố thị, tựa tiếng Anh là A City of Sadness) của Hầu Hiếu Hiền (Hu Hsiao Hsien) mới nhắc đến biến cố đó.

Năm 1995, tức 48 năm sau, nó được người đứng đầu Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui) công nhận. 28-2 trở thành ngày lễ chính thức tại Đài Loan với tên gọi “Ngày kỷ niệm hòa bình”. 2.300 nạn nhân được công nhận và gia đình họ được bồi thường.

Một cựu tù nhân là bà Lữ Tú Liên (Annette Lu) trở thành nhân vật số hai của hòn đảo (dưới thời Trần Thủy Biển - Chen Shui Bian) giai đoạn 2000-2008.

Năm 2016, màn công an Quốc dân Đảng thủ tiêu đối lập được diễn lại vào lễ nhậm chức của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen).

Năm 2019, ngành tư pháp Đài Loan phục hồi danh dự cho toàn bộ các nạn nhân của “sự biến 228”. 73 năm sau, trải bao thương hải tang điền, Hong Kong đã trở về Trung Quốc năm 1997 và hiện quy chế tự trị đang bị đe dọa. Bắc Kinh thì gầm gừ với thành phần nói xa gần đến nền độc lập cho Đài Loan. Chính quyền Đài Loan từ lập trường “Tôi đây mới là Trung Quốc, Trung Quốc chính hiệu con nai vàng” đã chuyển sang lập trường “Tôi không phải là Trung Quốc, ơ hay Trung Quốc hồi nào đâu”.

Khi người Hà Lan cặp bến An Bình, Đài Nam, vào năm 1624, hòn đảo còn là một vùng cư dân hỗn tạp, đa chủng, đa ngôn ngữ, với người Siraya (Tây Lạp Nhã), thuộc cùng ngữ hệ Austronesia với dân Philippines và Indonesia sống lẫn với người Hán. Người Hà Lan cũng đưa nhân công từ đại lục sang. Đài Loan thời gian này cũng là một cứ địa quan trọng của phong trào “phản Thanh phục Minh” do người Hán dẫn dắt.

Năm 1683, khi Đài Loan về tay nhà Thanh, số người Hoa trên đảo đã gấp đôi số thổ dân. Đảo thuộc Trung Quốc cho đến năm 1895 thì thành thuộc địa của Nhật Bản sau chiến tranh Trung - Nhật. Khi Nhật bại trận sau Thế chiến II, Đài Loan được Mỹ trả về cho Trung Hoa Dân quốc của chính quyền Quốc dân Đảng và Tưởng Giới Thạch.

Đường vào chợ, tranh của họa sĩ Đài Loan Lý Thạch Tiều (Lee Shih Chiao) mô tả Đài Loan thời thuộc Nhật. Ảnh: Taipei Times
Đường vào chợ, tranh của họa sĩ Đài Loan Lý Thạch Tiều (Lee Shih Chiao) mô tả Đài Loan thời thuộc Nhật. Ảnh: Taipei Times

Giai đoạn 1945-1971, dưới danh xưng Trung Hoa Dân quốc, Đài Loan là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Lần duy nhất Đài Loan dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an là 1955, khi không cho Mông Cổ gia nhập Liên Hiệp Quốc vì coi Mông Cổ là thuộc Trung Quốc, tức là thuộc Đài Loan.

Từ 1945-2000, và giai đoạn 2008-2016, Đài Loan do Quốc dân Đảng cai trị. Lập trường của đảng này là chỉ có một Trung Quốc, dù là Trung Quốc nào. Chỉ mới gần đây, câu hỏi về căn tính của Đài Loan mới được nêu ra.

Những bản dạng Đài Loan

Từ thế kỷ 17, tuy đã Hán hóa bởi nhu cầu lao động của thực dân Hà Lan và sau đó trong 200 năm do nhà Thanh trực tiếp cai trị, số người Hán trên đảo vẫn giới hạn. Lao động nhập cư thường là nam giới đơn thân, lập gia đình với phụ nữ thổ dân.

Trong thời kỳ này, chính quyền nhà Thanh chỉ kiểm soát 45% diện tích đảo vùng ven biển, vùng cao nguyên nội địa vẫn thuộc quyền tự trị của thổ dân. Đài Loan từ bao đời đã là một vùng đất phức tạp với những truyền thống dân cư bản địa ngàn xưa, với lịch sử di dân rất lâu đời, và cả sự phân liệt chính trị Minh - Thanh của những năm Thuận Trị - Khang Hi.

Năm 1895, Đài Loan rơi vào tay Nhật Bản và trở thành thuộc địa đầu tiên của một nước châu Á. Nhật lúc đó phân vân và còn định bán Đài Loan lại cho Pháp.

Từ 1915 trở đi, Nhật mới có chính sách đồng hóa dần dà. Đến Thế chiến II, Đài Loan được đồng hóa hoàn toàn, có đại biểu tại Quốc hội Nhật, được đăng lính quân đội Nhật và năm cuối cùng (1945) được lệnh phải nhập ngũ. Số người Đài Loan phục vụ dưới cờ Nhật Hoàng lên trên 200.000 và có 30.000 tử trận.

Sau 1945, chính quyền Tưởng Giới Thạch coi họ là Hán gian, khiến trong sự kiện 228 có thành phần này tham gia. Như vậy, ta có thêm rất nhiều thành phần nữa ở Đài Loan thời hiện đại. Nói qua, bản thân ông Lý Đăng Huy từng là thiếu úy quân đội Nhật Hoàng. Em trai ông tử trận tại Philippines dưới cờ Đế quốc Nhật Bản.

Nhưng thay đổi lớn tại Đài Loan là vào năm 1949. Chế độ Tưởng di tản khỏi đại lục và mang sang hòn đảo toàn bộ chính quyền và quân đội còn sót lại. Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời (1975), con ông là Tưởng Kinh Quốc bắt đầu có một số thay đổi, được tiếp tục bởi người phó là Lý Đăng Huy.

Như đã nói, ông Lý là người đầu tiên công nhận “sự biến 228”. Những thay đổi này dần dẫn tới sự dân chủ hóa của Đài Loan. Năm 2000, ứng viên đối lập của Đảng Dân chủ tiến bộ Trần Thủy Biển đắc cử. Thái độ của đảng này là dặt dè với đại lục. Quần chúng của đảng là thành phần trẻ, sinh ra tại Đài Loan sau 1949. Họ sống qua thời kỳ cởi mở của hòn đảo (từ 1985) và thời kỳ phát triển kinh tế. Họ là thế hệ gốc Hán bắt đầu có một căn tính gọi là Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn thắng cử nhờ sự ủng hộ của người trẻ và tình hình Hong Kong. Ảnh: EPA
Bà Thái Anh Văn thắng cử nhờ sự ủng hộ của người trẻ và tình hình Hong Kong. Ảnh: EPA

Vẫn phải là kinh tế

Đây không phải chỉ là vấn đề văn hóa. Sự phát triển kinh tế rực rỡ của hòn đảo đi kèm và gắn liền với sự phát triển của đại lục. Bắt đầu từ năm 1990, các công ty Đài Loan đổ sang đại lục đầu tư, là nền kinh tế đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc lớn thứ nhì (sau... Hong Kong).

Năm 2011 chẳng hạn, trong 10 công ty Trung Quốc đứng đầu về xuất cảng, có đến 6 là có vốn từ Đài Loan: Foxconn (lắp ráp sản phẩm Apple) là thí dụ nổi tiếng nhất. Nói cách khác, Đài Loan không có Trung Quốc thì ngày chỉ còn ăn hai bữa thay vì ba.

Trung Quốc có thể đằng hắng hay chau mày mà giới hạn việc trao đổi thương mại này, bằng áp lực kinh tế hay chính trị. Trên danh nghĩa, Đài Loan chỉ được 15/193 nước trên thế giới nhìn nhận, trong đó hầu hết là các tiểu quốc chỉ có mấy chục ngàn dân như Tuvalu hay Nauru.

Chuyện lằng nhằng mới đây với Tổ chức Y tế thế giới nhắc lại cho ta nhớ là Đài Loan đã bị đuổi khỏi Liên Hiệp Quốc năm 1971, và không được Hoa Kỳ công nhận từ năm 1979. Năm 1995, việc ông Lý Đăng Huy về thăm trường cũ là Đại học Cornell ở Mỹ với tư cách cá nhân gây tranh cãi ở Quốc hội Mỹ về việc có cho phép ông đặt chân lên đất Mỹ hay không.

Năm 2018, bà Thái Anh Văn trên đường công du Trung Mỹ, chỉ quá cảnh ở Hoa Kỳ mà cũng gây vấn đề. Nói qua, bà sang Trung Mỹ vì tại đây và khu vực Caribê còn 9 nước công nhận Đài Loan, trong đó đáng kể có Nicaragua, với khu chế xuất Las Mercedes cạnh thủ đô Managua, các trung tâm mua sắm cao cấp và khách sạn 5 sao duy nhất, chưa kể con kênh đào đang trong kế hoạch, đều vốn đầu tư Đài Loan.

Vì lý do kinh tế, căn tính có cái giá của nó, Quốc dân Đảng Đài Loan trở lại nắm quyền 2008-2016 với đường lối thân Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu (Ma Ying Jeou). Bà Thái, trong khi đó, thắng cử năm 2016 với sự ủng hộ của giới trẻ và năm nay tái đắc cử một phần có lẽ bởi tình hình Hong Kong.

Tuy nhiên về lâu dài, sự lánh xa đại lục cũng có lý do kinh tế. Đài Loan đang lâm vào thời kỳ kinh tế ảm đạm. Mô hình phát triển dựa trên kỹ nghệ điện tử trước giờ là Đài Loan sản xuất các bộ phận công nghệ cao, xuất sang Trung Quốc đại lục để ráp thành phẩm, rồi xuất sang Hoa Kỳ.

Mô hình này giờ trục trặc bởi Trung Quốc đã đủ năng lực sản xuất các sản phẩm tương tự, thậm chí là cả năng lực nghiên cứu và sáng tạo. Khâu tiêu thụ hàng điện tử cũng đang khó khăn: người tiêu dùng có bốn túi áo thì đã cất đủ bốn cái smartphone rồi. Sức sản xuất và sức tiêu thụ trong tương lai là tại thị trường nội địa Trung Quốc, không cần đến Đài Loan làm trung gian kỹ thuật hay trung gian thương mại nữa.

Tương lai kinh tế của Đài Loan có thể là con đường khác, không gắn bó với Trung Quốc nữa. Nhưng điều đó đồng thời tạo ra nhiều chuyển biến mà Trung Quốc không chấp nhận và không cho phép. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận