TTCT - Thứ sáu tuần rồi 15-12, EU và Anh đã kết thúc vòng 1 đàm phán Brexit, kết thúc những tranh cãi tưởng chừng bất tận do lẽ Brexit liên quan không chỉ đến các quốc gia mà đến từng thân phận con người. Từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.-Ảnh: standard.co.uk Rời cuộc đàm phán, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk tường thuật ngay kết quả trong chiều thứ sáu. Về lại London, qua thứ hai đầu tuần (18-12), Thủ tướng Anh Theresa May cũng ra trước quốc hội báo cáo: “Về vấn đề Brexit, hôm thứ sáu Hội đồng châu Âu (EC) nhất trí đã đạt được đủ tiến bộ để bước qua giai đoạn hai của cuộc đàm phán. Đây là một bước quan trọng trên con đường dẫn đến một Brexit nhẹ nhàng và trong trật tự mà người dân đã bỏ phiếu thông qua vào tháng 6 năm ngoái”. Đàm phán với thiên hạ là một nghĩa vụ thiêng liêng không chỉ với người dân, vì quyền lợi của người dân, mà còn là với chính tổ quốc mình. Chính vì trọng trách đó mà bà May càng cần thông tin nhanh chóng và minh bạch nhằm thực thi nghĩa vụ cơ bản của mọi nhà cầm quyền với người dân đã bỏ phiếu bầu cho mình và từng bỏ phiếu bày tỏ ý muốn của họ. Yêu cầu này càng bức bách khi mới hôm thứ tư tuần trước (13-12), chính phủ của Thủ tướng May đã bị Quốc hội Anh “cắt bớt” quyền hạn trong đàm phán Brexit, do lo ngại chính phủ sẽ “quá đà” trong việc ra khỏi EU, dẫn đến những tổn thất quá lớn cho nước Anh. Quốc hội kiểm soát Tờ Guardian hai ngày 13 và 14-12 tường thuật: “Chính phủ của bà Theresa May đã gánh chịu một thất bại nhục nhã ở hạ viện sau khi các nghị sĩ ủng hộ một tu chính cho đạo luật Brexit, hạn chế quyền hạn mà hạ viện sẽ trao cho các bộ trưởng. Vào lúc thủ tướng chuẩn bị sang Brussels để gặp các nhà lãnh đạo EU vào thứ năm, nguyên tổng chưởng lý Dominic Grieve và 11 thành viên khác của Đảng Bảo thủ đã công bố ra tu chính án của ông... Kết quả cuộc bỏ phiếu gay cấn cho thấy chính phủ đã thua cuộc với 309 phiếu ủng hộ sửa đổi so với 305 phiếu chống sửa đổi (đạo luật Brexit). Một loạt nhượng bộ vào phút chót của bộ trưởng đặc trách Brexit, David Davis, và Bộ trưởng tư pháp Dominic Raab, cũng như một chiến dịch ngăn trở quyết liệt đã không thể thắng được phe “nổi loạn”. Tờ Guardian trích phát biểu của nữ nghị sĩ Anna Soubry trước hạ viện: “Phải có lúc quý vị gạt những dị biệt đảng phái sang một bên và cả tính trung kiên với đảng của mình để trung thực với điều mà quý vị tin là đúng. Và có lẽ giờ phút đó chính là lúc này”. Theo Guardian, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong hạ viện đã ủng hộ tu chính án trao cho quốc hội quyền bỏ phiếu quyết định về thỏa thuận Brexit chung cuộc. Điều mà các nghị sĩ “nổi loạn” muốn là việc rời EU với không quá nhiều đổ vỡ. Họ hi vọng khi thời gian trôi qua, họ có thể khai thác thế đa số mong manh của bà May ở hạ viện để thay đổi chính sách của chính phủ, hướng tới một mối quan hệ gần gũi hơn với EU. Sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng May bay sang Brussels họp với các lãnh đạo EU, rồi ra về và trịnh trọng cam kết trong báo cáo trước quốc hội hôm thứ hai: “Tôi sẽ không trật ra khỏi việc thực hiện ý muốn dân chủ của nhân dân Anh. Chúng ta đang trên đường đến một Brexit nhẹ nhàng và trong trật tự”. Dân tình vẫn phân tán Tình hình mà tờ Guardian gọi là “nổi loạn” ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ của bà May cũng như việc hơn phân nửa nghị sĩ cả hai đảng đã bỏ phiếu “trói tay” chính phủ, phản ánh phần nào sự phân hóa trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016. Số phiếu “ra khỏi EU” là 51,9% trong khi số phiếu “ở lại” là 48,1%. Trên bình diện địa lý, ở xứ Anh (England) số phiếu “ra khỏi” là 53,4% so với 36,6% “ở lại”; ở Xứ Wales cũng cùng chiều: số phiếu “ra khỏi” là 52,5%, còn số phiếu “ở lại” là 47,5%. Tuy nhiên, tại Scotland thì ngược lại: số phiếu “ở lại” những 62%, còn số phiếu “ra khỏi” chỉ 38%. Cũng thế, ở Bắc Ireland, 55,8% bỏ phiếu “ở lại”, 44,2% bỏ phiếu “ra khỏi”. Đứng trước dân tình phân hóa như thế, bà May đi họp ở Brussels về, sau cuộc “nổi loạn” trong hạ viện tuần rồi, phải tìm cách dung hòa cả hai phía: “Chúng ta giờ đây sẽ tiến tới xây dựng một quan hệ kinh tế mới (với EU), cùng các thỏa thuận thương mại chúng ta ký trên toàn thế giới. Đây là một tin vui cho những ai đã bỏ phiếu “ra khỏi”, vốn lo sợ rằng các cuộc đàm phán sẽ chẳng đến đâu và rồi không thể nào “ra” được. Đây cũng là tin vui cho những ai đã bỏ phiếu ở lại, những ai đang lo sợ chúng ta sẽ “ra” mà không đạt được một thỏa thuận nào”. Bà cũng lên tiếng thuyết phục những phe phái đang đòi trưng cầu ý dân lại. “Trưng cầu ý dân lần hai sẽ là phản bội”, The Times ngày 18-12 dẫn lời bà. Quan tâm tới các số phận cụ thể Ngày 29-3-2017, Chính phủ Anh đã khởi động tiến trình Brexit, chính thức kích hoạt điều 50 Hiến chương EU, mà theo đó Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019. Một trong những vấn đề then chốt trong đàm phán giữa Anh và EU là vấn đề cư trú của kiều dân hai bên: quy chế nào cho các công dân “bên kia” đang sinh sống và làm việc “ở đây”? Những lo lắng từ người dân thường là dễ hiểu. Tờ Guardian 12-6-2017 chạy tít: “Số y tá gốc EU đăng ký lao động tại Anh giảm 96% từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit”. Tờ báo cánh tả ủng hộ ở lại EU này dẫn số liệu thống kê của Hội đồng y tá Anh cho biết tháng 7-2016, đã có 1.304 y tá người EU sang làm việc tại Vương quốc Anh; sang đến tháng 4-2017 chỉ còn 46 người. Tờ báo này viết: “Các y tá EU không còn muốn làm việc ở Anh nữa, Brexit đang đầu độc ngành y tế”. Việc nhân viên y tế EU thôi không sang Anh làm việc phản ánh nỗi lo ngại không biết tương lai sẽ như thế nào sau ngày Vương quốc Anh ra khỏi EU: Ai sẽ được ở lại? Ở lại cả gia đình được không, nếu như vợ con chỉ mới qua sau này? Ở lại thì có còn được hưởng quy chế pháp lý của công dân EU? Đây không chỉ là vấn đề của EU bảo vệ quyền của các công dân của mình, mà còn là vấn đề nội tại của Anh. Guardian dẫn nguồn từ Bộ Y tế nói riêng xứ Anh đang thiếu đến 30.000 y tá! Guardian giải thích: “Điệp khúc thất vọng trong ngành y tế cứ đang tiếp tục. Danh sách chờ mổ cứ mãi dài ra. Các nhân viên y tế, cũng như mọi nhân viên nhà nước khác, đã bị đóng băng tiền lương suốt bảy năm qua. Một khảo sát năm ngoái cho thấy đến 73% nhân viên y tế phải cầu cứu gia đình hay bạn bè. Và cứ năm người thì gần một người phải cầm đồ đạc để đắp đổi qua ngày. Vụ Brexit đe dọa làm vấn đề thêm nghiêm trọng. Chúng ta đã thấy số đơn đăng ký làm y tá từ EU tuột như từ vách đá. Nếu Brexit có nghĩa là chúng ta không còn có thể nhận nguồn y tá cùng các nhân viên khác từ EU, vấn đề là làm sao giữ được các nhân viên có tay nghề ở lại Vương quốc Anh”. Không phải mọi nước EU đều có đồng lương như nhau, dù trình độ đào tạo và tay nghề có ngang nhau. Thành ra, công việc y tá mà người Anh “chê” hay “ngán ngẩm” lại thu hút y tá từ một số nước mới gia nhập EU sau này, vốn thu nhập không cao bằng ở Anh. Câu chuyện y tá là thí dụ cụ thể minh họa cho một tranh cãi cơ bản giữa EU và Vương quốc Anh: quy chế pháp lý nào cho kiều dân hai bên. Hôm 18-12, Thủ tướng May đã trả lời trước hạ viện: “Về vấn đề di dân, khi rời khỏi EU, chúng ta sẽ lấy lại quyền kiểm soát biên giới và luật pháp của chúng ta, vì vậy chúng ta sẽ tự do lựa chọn cách tiếp cận của riêng chúng ta một cách độc lập với EU... Trong cuộc họp hôm thứ sáu, chúng ta đã đạt được mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chúng ta về một hiệp định đối ứng, có qua có lại, về quyền của các công dân. Quyền của các công dân EU sống ở Vương quốc Anh sẽ được tôn trọng trong luật pháp Vương quốc Anh và được thi hành bởi các tòa án Anh. Còn các công dân Anh sống tại EU cũng sẽ được bảo vệ quyền lợi của họ. Chúng ta cần cả hai điều kiện đó. Và đó là những gì chúng ta đang có nhằm trấn an tất cả công dân này và gia đình của họ trước lễ Giáng sinh”. Tuy nhiên, trong khi “đa số công dân EU có thể chỉ gặp rắc rối đôi chút về quy chế của họ nếu như hệ thống nhập cư đơn giản hóa của chính phủ được tiến hành”, thì “câu hỏi lớn là điều gì sẽ xảy ra với một thiểu số không có chứng cứ chính thức nào về việc họ đang cư trú hợp pháp ở Vương quốc Anh” - Madeleine Sumption, giám đốc Viện Quan sát di dân Anh, nói với Guardian. Mọi thương thảo giữa hai bên, vì thế ưu tiên trước hết cho sự thuận tiện cư trú, lao động, và sinh hoạt rất cụ thể và cần kíp của người dân, điều được thể hiện trong văn kiện ngày 8-12 của EU: “Báo cáo chung của những người đàm phán EU và Vương quốc Anh về các tiến bộ trong giai đoạn 1 cuộc đàm phán về việc Anh rời EU trong trật tự theo điều 50 Hiến chương EU”. Đề mục cuối cùng, thứ 96, viết: “Báo cáo này được đưa ra hướng đến cuộc họp của EC (theo Điều 50) vào các ngày 14 và 15-12-2017. Báo cáo này cũng được sự đồng ý của Vương quốc Anh về điều kiện của một thỏa thuận chung theo Điều 50 về việc Anh ra khỏi EU, liên quan đến mối quan hệ trong tương lai, bao gồm một thỏa thuận càng sớm càng tốt vào năm 2018 về các thỏa thuận chuyển tiếp”. Thật đáng khâm phục khi thấy rằng văn kiện trên dài 15 trang, dành đến bảy trang để nêu mọi vấn đề và giải pháp đối với quyền của các công dân hai phía. Sau năm đề mục khởi đầu mang tính thủ tục, quyền của các công dân được nêu ngay từ đề mục 6 tới tận đề mục 41, từ trang 2 tới đầu trang 7. Sau đó mới tới các đề mục liên quan đến các vấn đề “to tát - trọng đại”: quy chế cho Ireland và Bắc Ireland (đề mục 42-56), vẻn vẹn hai trang rưỡi; các thỏa thuận tài chính (đề mục 57-86), bốn trang; và các vấn đề khác trong hai trang cuối. Con người và những quyền “không ai có thể xâm phạm của họ”, theo tiêu chuẩn EU, cho dù nay Anh có sắp ra khỏi vẫn là điều quý báu nhất được nghĩ tới đầu tiên, được thảo luận nhiều nhất, được nghiền ngẫm chi tiết nhất, chi li cho đến cả chuyện chăm sóc y tế cho kiều dân! Tất cả được ưu tiên trước những chuyện tưởng là quốc gia đại sự: Anh bồi thường bao nhiêu trong bao lâu? Ireland và Bắc Ireland sẽ như thế nào, đặc biệt là vấn đề cửa khẩu? Gibraltar - lãnh thổ Anh nằm ở cực nam Tây Ban Nha - sẽ ra sao? ■ Tags: BrexitThủ tướng Anh Theresa MayĐàm phán Brexit
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Lào Cai 'chốt' địa điểm xây khu tái định cư Làng Nủ, ngày mai bắt đầu triển khai THÀNH CHUNG 15/09/2024 Khu tái định cư mới được chọn xây dựng tại khu vực đồi sim, cách Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (Lào Cai) khoảng 2km.
Giá bán lẻ cao, doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu lãi lớn? NGUYỄN TRÍ 15/09/2024 Phản hồi về quan điểm "bán bánh trung thu lãi đậm", nhiều công ty sản xuất khẳng định "không thơm" như nhiều người nghĩ.
VAR không có 'cơ hội' trên sân Thống Nhất NGUYÊN KHÔI 15/09/2024 Lần đầu tiên có công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), nhưng sân Thống Nhất không có dịp dùng đến vì trận đấu giữa CLB TP.HCM và Thể Công - Viettel hòa 0-0 khá tẻ nhạt.
Lộ diện doanh nhân kín tiếng nắm vốn Ngân hàng ACB BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Toàn bộ nhóm cổ đông liên quan tới Công ty Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại, cổ phần này trị giá hơn 4.000 tỉ đồng.