Dân số lão hóa và những cảnh báo trước mắt

MẠCH ĐINH 26/10/2017 22:10 GMT+7

TTCT - Sau một thời gian dài áp dụng các chính sách hạn chế sinh con trong nỗ lực kìm hãm sự gia tăng bùng nổ của dân số, giờ đây nhiều quốc gia mới giật mình nhận ra viễn cảnh một nền dân số già nua đang trở thành gánh nặng kinh tế và an sinh xã hội. Liệu có là quá muộn?

 

 

Năm 2015, chưa đến 4 triệu trẻ chào đời ở Mỹ, thấp hơn 10.000 trẻ so với năm trước đó, tương đương tỉ suất sinh 12,4 trên 1.000 dân. Tại một số sân bay ở Mỹ, dễ thấy số lượng người cao tuổi được ưu tiên làm thủ tục lên máy bay sớm đang áp đảo các cặp vợ chồng đi cùng con nhỏ.

Với nhiều hành khách trên một chuyến bay, sự vắng mặt của trẻ em là tín hiệu vui: hành trình yên tĩnh không có tiếng quấy khóc. Nhưng đối với nền kinh tế của một quốc gia, đó là điềm báo của những bất trắc đang chực chờ.

Cái giá của thịnh vượng?

Trong cuốn sách The Price of Prosperity (tạm dịch Cái giá của thịnh vượng) xuất bản năm 2016, tác giả Todd G. Buchholz, một chuyên gia kinh tế từng làm cố vấn cho tổng thống George H.W. Bush, bày tỏ quan ngại khi số sân golf ở Mỹ giờ đây nhiều hơn số lượng cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s.

Đó không phải là chuyện người dân Mỹ thích trồng cỏ để đi cho êm chân hơn là lấy cỏ nuôi bò rồi giết thịt, mà là lời cảnh báo về một thế hệ hơn 40 triệu công dân baby boomers (những người sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số sau Thế chiến thứ hai) đang bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi” tại quốc gia có số dân đông thứ ba thế giới.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Nga... đang chật vật để khuyến khích các cặp đôi trẻ sinh nhiều con hơn. Một số biện pháp như miễn phí tiền nhà nghỉ hay tặng tủ lạnh cho bố mẹ sinh con đầu lòng đều là những nỗ lực nhằm cứu vãn tình thế đang ngày một cấp bách.

Dân số già hóa mang lại hai thách thức chủ yếu cho một quốc gia, theo ông Buchholz. Thứ nhất, đó là gánh nặng đối với các chế độ phúc lợi và an sinh xã hội.

Vào những năm 1950, trung bình cứ một người hết tuổi lao động tại Mỹ thì được “nuôi” bởi 15 người trong độ tuổi lao động. Với sự tiến bộ của y học và các phát minh khoa học kỹ thuật giúp cuộc sống dễ dàng và ít rủi ro hơn, tuổi thọ trung bình tại Mỹ ngày nay đã đạt gần tới ngưỡng 80 tuổi.

Các chuyên gia dự báo không bao lâu nữa mỗi người già tại quốc gia này chỉ còn được “gánh” bởi hai người trẻ - tỉ lệ đáng báo động!

Thách thức thứ hai và nhạy cảm hơn, theo Buchholz, đó là nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc trong dòng chảy đa văn hóa như một hệ quả tất yếu của sự già hóa dân số.

Một quốc gia già nua cần lực lượng nhân công lớn để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ chăm sóc sức khỏe cho đến các ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và du lịch. Nguồn cung là làn sóng người di dân từ các quốc gia kém phát triển hơn.

Đi cùng với những người nhập cư là sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai, làm rạn nứt các thiết chế văn hóa và dân sự bản địa, Buchholz cảnh báo.

Chúng ta cần những người trẻ, nhưng phải là những người trẻ biết đau đáu về sự gắn kết của quốc gia, dân tộc hơn là lượng người theo dõi họ trên mạng xã hội Instagram” - ông kết luận trong bài viết trên tạp chí Time.

Cái bẫy mang tên dân số trẻ

Những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận từ sau Đổi mới đã giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ một quốc gia nghèo thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng những dấu hiệu tuổi tác cũng bắt đầu len lỏi vào bức tranh chung của xã hội, khi ngày càng có nhiều người già phải tiếp tục lao động để trang trải cuộc sống.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy có khoảng 40% người Việt Nam trong độ tuổi 70-74 vẫn còn phải lao động dưới nhiều hình thức khác nhau. Và cứ 10 người già ở đô thị còn lao động thì có 7 người làm việc trong khu vực phi chính thức như buôn bán nhỏ lẻ, thu gom rác, nhặt ve chai và bán hàng rong.

Việt Nam được xem là một quốc gia có dân số tương đối trẻ - chỉ hơn 10% số dân từ 60 tuổi trở lên - nhưng thực trạng này được dự báo sẽ không tiếp diễn lâu nữa.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030 ước tính có khoảng 1/5 dân số thuộc nhóm tuổi già, năm 2050 là khoảng 30% dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73 và được dự đoán có thể chạm mốc 80 vào năm 2050.

Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang nằm trong nhóm nhanh nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại, trong khi mức thu nhập của người dân lại thấp hơn so với các quốc gia có dân số già khác”, báo cáo năm 2016 của WB cảnh báo.

Cũng như nhiều quốc gia phải trải qua tiến trình hiện đại hóa khác, mô hình gia đình truyền thống tại Việt Nam đang dần mai một. Khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều người già ở Việt Nam phải sống trong cô độc.

Tại khu vực thành thị, hơn 11% người dân trên 80 tuổi chấp nhận cảnh sống một mình, trong đó phần nhiều là những phụ nữ góa chồng. Với tỉ lệ sinh con tại Việt Nam đang trên đà suy giảm, trong tương lai không xa, việc người già không có người thân để nương tựa không còn là hiếm.

Một mối quan ngại khác, theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - chuyên gia phân tích bảo trợ xã hội của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), đó là hiện tượng người trẻ không còn hứng thú chung sống trong một gia đình có nhiều thế hệ.

Họ xem người già là một gánh nặng. Tôi nghĩ bản thân họ (những người già) cũng tự xem mình là một gánh nặng” - bà Quỳnh trả lời phỏng vấn của Channel NewsAsia.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận