Đạo văn xâm hại đạo đức

DƯƠNG THỊ HOÀNG OANH 15/07/2016 21:07 GMT+7

TTCT - Các cảnh báo về hình thức xử lý “đạo văn” (plagiarism) luôn chiếm một phần quan trọng và cố định trong các đề cương giảng dạy khi bắt đầu bất cứ một khóa học nào ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, đặc biệt là ở đại học và sau đại học.

Các em học sinh ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa đại học cần được dạy ngay những kỹ năng về trích dẫn-Ngọc Dương
Các em học sinh ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa đại học cần được dạy ngay những kỹ năng về trích dẫn-Ngọc Dương

Các ấn phẩm hay các công trình khoa học được xem là tài sản trí tuệ, nếu phạm lỗi đạo văn thì cũng tương tự tội ăn cắp tài sản của người khác hoặc tự ý sử dụng tài sản của người khác mà không được phép của khổ chủ, là vi phạm đạo đức khoa học/hàn lâm; còn được gọi là “liêm chính học thuật” (academic integrity).

Tùy theo mức độ nặng nhẹ và hoàn cảnh khác nhau, người vi phạm các nguyên tắc về đạo văn sẽ bị nhận những mức phạt khác nhau, cũng tương tự người bị tố cáo ăn trộm tài sản của người khác.

Vấn đề mà cả học sinh lẫn sinh viên đều rất e ngại và lo sợ là phạm phải quy chế về đạo văn, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa, yêu cầu được công nhận về mặt học thuật là rất cao nếu muốn được công nhận, tin tưởng, hoặc được xuất bản trong các tạp chí có uy tín hay được mời phát biểu ở các hội nghị chuyên ngành lớn.

Nền văn hóa, đạo đức học thuật

Yêu cầu tránh đạo văn cũng được ghi rõ trong các nghiên cứu về các yêu cầu của nền văn hóa hàn lâm (academic culture).

Theo Brick (2011, trang 14) thì khi nói đến nền văn hóa hàn lâm (học thuật), người ta muốn nói đến thái độ, giá trị và thái độ ứng xử của cộng đồng hàn lâm (bao gồm nhân sự của trường đại học như giảng viên, các nhà nghiên cứu và sinh viên) cùng chia sẻ.

Cộng đồng hàn lâm trân trọng những giá trị chung mang tính quy ước và quy định, ứng dụng các giá trị này trong mọi mặt đời sống hàn lâm (lớp học, nhà trường, giảng dạy, công trình nghiên cứu, công tác sáng tác, xuất bản…).

Theo Brick, tri thức hàn lâm phát triển thông qua tranh luận và thảo luận, công trình của một hay nhóm học giả sẽ được xây dựng dựa trên công trình của các tác giả khác, chứ không có nhà khoa học nào phát triển tư duy của mình một cách đơn lẻ, không tham khảo, tra cứu các công trình khác.

Một câu nói nổi tiếng của Newton (1675) là: “Nếu tôi có thể nhìn xa hơn đó là do tôi được đứng trên vai những người khổng lồ”, nhấn mạnh rằng những phát kiến khoa học mới là mang tính kế thừa, là kết tinh dựa trên nền tảng của những thành tựu trước đó và không bao giờ được quên công lao của những người đi trước.

Chính vì thế, trong nền văn hóa hàn lâm, việc tham khảo, tra cứu các công trình và các tác giả khác là một điều bắt buộc, và khi sử dụng những ý tưởng hay thành quả của người khác thì phải luôn trích dẫn tường tận ngọn nguồn.

Điều này chứng tỏ: 1/sự nghiên cứu nghiêm túc và uyên bác của người viết; 2/sự tôn trọng đối với tài sản học thuật của người khác; 3/giúp độc giả nếu muốn có thể nghiên cứu thêm nguyên tác. Việc sử dụng và trích dẫn này được xem là một việc tự nhiên, một quy định cứng trong giới hàn lâm và không vì một lý do nào mà không tuân thủ hoặc xem nhẹ mà không phải hứng chịu hậu quả.

Ngay từ trên ghế nhà trường, ý thức và kỹ năng trích dẫn được trân trọng và được xem như là chìa khóa để dẫn đến sự thành công của sinh viên trong môi trường học tập và công tác sau này.

Bởi vì rất xem trọng việc trích dẫn và kỹ năng trích dẫn như thế, việc tra cứu các tài liệu khác liên quan đến môn học hay vấn đề đang nghiên cứu là vấn đề bắt buộc, cùng với các quy định về cấm đạo văn. Các quy định rõ ràng về hiện tượng được xem là đạo văn được thông báo rộng rãi cho người học.

Từ ý thức giáo viên, học viên...

Là một giảng viên cao học, tôi ý thức rất rõ vấn nạn đạo văn của sinh viên và học viên, nên trong bảng hướng dẫn/đề cương môn học tôi luôn có một phần tách biệt, rõ ràng, bao gồm định nghĩa về đạo văn và các nguyên tắc, yêu cầu về trích dẫn, vì sao phải làm thế, trích dẫn lúc nào, ở đâu, với các đối tượng viết - đọc nào, phương pháp trích dẫn ra sao và các hệ lụy nào học viên phải gánh chịu nếu không tuân thủ các nguyên tắc về trích dẫn này.

Một phần thời gian đáng kể của buổi học đầu tiên luôn được dành để làm rõ các ý tưởng này, thảo luận sâu với học viên, lắng nghe ý kiến của học viên để tìm hiểu rõ vấn đề khó khăn vướng mắc học viên phải đối mặt, cùng nhau phân tích, tổng hợp ý kiến và tìm ra giải pháp chung.

Các hướng dẫn về cách trích dẫn theo thông lệ quốc tế và của Bộ GD-ĐT đều được giải thích rõ ràng và bảo đảm tính thống nhất của từng phương thức. Phần mềm về kiểm tra đạo văn (phổ biến nhất là Turnitin) cũng được giới thiệu, cùng với chia sẻ về các trải nghiệm đau đớn của sinh viên Việt Nam những năm đầu tiên tiếp xúc với nền văn hóa học thuật phương Tây và theo học các khóa học ở nước ngoài...

Tuy có nhiều sinh viên, học viên cho biết những khái niệm này còn mới lạ, rằng các em đã có lần phạm phải một hay nhiều hình thức khác nhau của đạo văn, phần lớn các em đều tỏ ra thông hiểu và đồng ý rằng việc tránh đạo văn không hề khó nếu nắm chắc các yêu cầu, hiểu rõ và áp dụng chặt chẽ các hình thức trích dẫn và có thái độ nghiêm túc bảo đảm đạo đức học vấn.

... Đến khoảng cách giữa lý luận và thực tế

Thế nhưng, sự thật vẫn làm tôi choáng và phải mất rất nhiều công sức để giải quyết, làm sao vừa thấu tình đạt lý, vừa bảo đảm tính nghiêm túc trong khoa học và công bằng cho mọi đối tượng học viên.

Làm thế nào đây khi mỗi một buổi học, với mỗi một lớp, bên cạnh các “ngạc nhiên chưa” đầy thú vị với tính năng động, sáng tạo, ứng dụng cao... của phần lớn học viên lại luôn có những viên sạn lớn hoặc nhỏ làm chúng tôi phải luôn rút “kinh nghiệm”. Một học viên dí dỏm nói rằng: “Sợi dây kinh nghiệm sao dài quá, có độ dài vô tận, làm sao mà rút hoài vẫn không hết, không thấy điểm cuối!”.

Dù yêu cầu về trích dẫn được ấn định ngay tại các buổi thảo luận trong lớp và các buổi trình bày luận điểm cũng như giải quyết các tình huống trong lớp, nhưng hầu như không có buổi học nào mà lại không có lời nhắc nhở phê bình về việc phải có trích dẫn trực tiếp (nguyên văn) hoặc gián tiếp (diễn giải) nếu sử dụng công trình hoặc ý tưởng của người khác.

Hình thức trích dẫn cũng rất quan trọng, đảm bảo chất lượng công trình cũng như nếu như ta muốn được đăng tải hoặc công nhận trên các ấn phẩm hoặc diễn đàn quốc tế.

Đỉnh điểm của bi kịch “đạo văn” và “đạo đức” này là bài làm tiểu luận cuối khóa. Do những nỗ lực đổi mới về giáo dục và phương cách kiểm tra nhằm bảo đảm độ công bằng, giảm sức ép và tăng năng lực tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo trong phần lớn các môn học nên sinh viên/học viên được đánh giá theo kiểu liên tục, khoảng 30-40% do tham gia hoạt động lớp, làm việc nhóm, trình bày trong lớp, kiểm tra giữa kỳ... và phần còn lại 60-70% là các tiểu luận theo dạng bài luận lớn hay báo cáo một công trình khoa học quy mô nhỏ (mini research) do học viên tự tiến hành và nộp lại cho giáo viên khoảng 4-5 tuần sau khi môn học kết thúc.

Bức tranh toàn cảnh của việc đánh giá này khá phức tạp và đáng để luận bàn, ở đây chỉ đơn cử một số trường hợp thật đáng quan tâm. Bài tiểu luận này là một cơ hội cho những học viên có khả năng, có kỹ năng nghiên cứu tốt, nghiêm túc, sáng tạo và công tâm; tạo ra những sản phẩm khiến giảng viên phải ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó là những “vấn nạn” mà những giảng viên kinh nghiệm cũng phải “đau đầu buốt óc”, mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết (tất nhiên nếu cứ áp dụng theo quy chế học tập thì khỏi phải bàn, tất cả những học viên này đều sẽ bị đánh rớt môn đó!).

Trong quá trình chấm bài một lớp cao học, tôi đã phát hiện có những câu trả lời chép của nhau nguyên xi 100%, đỉnh điểm của sự khôi hài cười ra nước mắt đó là trong một bài của một bạn gái liên hệ bản thân, có câu “là phụ nữ nên tôi...” thì một bạn trai chép y nguyên câu đó!

Tôi gửi thông báo đến toàn lớp (dù chưa chấm hết bài) rằng bạn nào phạm lỗi đạo văn thì tự giác liên lạc ngay trong ngày để có cơ hội giải trình và giải quyết hậu quả. Thật ngạc nhiên... đau buồn, tôi đã nhận sự phản hồi của đến 62% tổng số học viên, họ viết thư xin lỗi và thú nhận đã chép phần này phần kia, hoặc “sao y bản chính”; hoặc là thư trình bày của các học viên đã cho bạn chép..., chưa kể đến những bạn chép không trích dẫn từ các ấn phẩm hay của các tác giả đã thành danh.

Tại sao điều đó lại có thể xảy ra một cách “hồn nhiên” như vậy ở một lớp học sau đại học? Có phải vi phạm do thiếu hiểu biết? Điều này là không thể, vì đạo văn đã được hướng dẫn, thực hành, góp ý... hằng ngày trong các hoạt động trong lớp.

Có phải là do văn hóa? Là do đạo đức? Là do cá tính? Điều đáng báo động ở đây là tính liêm chính trong học thuật và tính liêm sĩ của con người trong cuộc sống, thuộc phạm trù đạo đức, cả về ý thức lẫn ứng xử.

Phải hiểu rõ căn nguyên và đặc điểm của con bệnh thì mới có thuốc hoặc sáng tạo thuốc một cách linh động, mềm dẻo để chữa trị tận gốc. Bởi vì nếu ta chỉ ngăn được hiện tượng thì những biến tướng của căn bệnh trầm kha này lại đa dạng, muôn hình vạn trạng, thật đáng xếp vào loại nan y!

Phải thấy rằng cho dù dùng các hình thức chế tài nào đi chăng nữa, ý thức của con người vẫn là quan trọng nhất. Ở đây ta không nói đến những hiện tượng mang tầm rộng hay tầm cao trong xã hội, trong công trình, tác phẩm... mà là tính liêm chính ngay trong môi trường học tập hằng ngày, hằng giờ. Rõ ràng là nếu mục tiêu tạo ra sự thay đổi xã hội hay thay đổi người khác là một kỳ vọng lớn và khó đạt được thì điểm khởi đầu và việc đầu tiên là mỗi người phải tự thay đổi lấy chính mình. ■

Các cấm kỵ chủ yếu:

• Không tự tiện sử dụng thông tin hoặc ý tưởng cụ thể từ một nguồn bên ngoài, trích dẫn tài liệu nhưng không diễn giải bằng từ ngữ của chính mình.

• Không được sao chép nguyên văn các đoạn, câu hoặc cụm từ từ các ấn phẩm hay các nguồn thông tin trên mạng khác, sau đó đưa lẫn các phần này vào bài viết của mình mà không trích dẫn.

• Không sao chép các đoạn văn bản từ bài viết của người khác.

• Không dùng thông tin chi tiết từ giáo trình hoặc một nguồn khác làm tài liệu nền cho bài viết hoặc bài thuyết trình của mình mà không trích nguồn.

• Không được sử dụng cấu trúc bài viết, ý tưởng hoặc từ ngữ của người khác, trong trường hợp dù các tác giả của các tài liệu đó cho phép sao chép thì cũng bị xem là đạo văn.

• Không được sử dụng các ý tưởng (nói) của người khác từ các bài giảng, hội thảo và thảo luận như ý tưởng của mình mà không đề cập đến nguồn gốc của các ý tưởng đó.

• Nghiêm cấm mua hoặc bằng cách nào đó có được toàn bộ bài viết/công trình nghiên cứu của người khác và nhận đó là công trình của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận