Đau vai cũng lắm kiểu

TTCT - * Tôi bị đau từ cổ đến vai, đã điều trị thoái hóa cột sống cổ nhưng không bớt. Qua phòng khám khác bác sĩ lại giải thích là do rách chóp xoay. Tôi phân vân quá, mong bác sĩ giúp phân biệt hai bệnh này?

Phóng to
Cũng là triệu chứng đau vai, nhưng phải thăm khám bác sĩ chuyên ngành mới biết chính xác đau do bệnh gì - Ảnh: N.C.T.

Đau vai thường xảy ra với đàn ông trên 40 tuổi đôi khi do bệnh lý chứ không hẳn vì lao động nặng nhọc. Chóp là nhóm gồm bốn cơ của khớp vai theo thứ tự từ trước ra sau là cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ này có tác dụng giữ vững khớp vai một phần không cho trật khớp, có nhiệm vụ cử động vai giúp khớp vai là khớp duy nhất trong cơ thể có tầm vận động rất lớn.

Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người và đây chính là điểm làm cho chóp xoay dễ bị viêm hay đứt.

Chóp xoay khác thoát vị đĩa đệm

Tiêm corticoide vào khớp vai là một trong những phương pháp điều trị, nhưng phải rất cẩn thận vì nếu bị nhiễm trùng sẽ rất tai hại.

Khi chóp xoay bị đứt sẽ gây triệu chứng đau ở vùng vai. Cơn đau có đặc điểm đau vùng vai lan lên tới cổ, lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng khuỷu tay, trừ một số trường hợp có kèm theo viêm mỏm trên lồi cầu cánh tay sẽ có cảm giác đau tới cổ tay.

Đau vào đêm khuya đôi khi làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau. Rách chóp xoay sẽ dẫn tới làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu sẽ có một cung đau, tức là ở một đoạn nào đấy gây đau, các đoạn còn lại không bị đau. Rách nặng hơn làm bệnh nhân không giơ tay lên được hay khi giơ lên được nhưng khi hạ tay xuống sẽ bị rớt đột ngột tay mà không thể giữ lại được.

Bệnh nhân thắc mắc không té hay chấn thương vào vai mà lại gây đứt gân? Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đứt chóp xoay bao gồm do cử động của gân chóp xoay, tay sử dụng nhiều, yếu tố máu nuôi kém đi, vì vậy rách chóp xoay hay xảy ra trên người lớn hơn 40 tuổi, do chính bệnh lý của gân chóp xoay như bị viêm, bệnh lý thoái hóa gân.

Đối với triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ bệnh nhân sẽ có cảm giác đau ở vai, lan lên đến sau ót, xuống tận bàn ngón tay, có thể ngón tay khi bạn nghiêng đầu sang một bên. Có thể có teo cơ.

Chẩn đoán đúng, dễ trị

Khi bạn đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp khám đặc biệt để phát hiện gân chóp xoay bị viêm hay rách hoặc là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Bạn sẽ được chỉ định chụp khớp vai ba tư thế thẳng, nghiêng và Lamy để phát hiện tình trạng xương vùng vai cũng như phát hiện những dấu hiệu gián tiếp của rách gân. Nhưng chính xác nhất là chụp MRI có bơm thuốc tương phản từ hay chụp CT Scanner có bơm thuốc cản quang trong khớp.

Để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì MRI sẽ cho nhiều thông tin chính xác, đo điện cơ tay sẽ giúp xác định thêm có tổn thương rễ thần kinh hay không. Một khi đã có chẩn đoán chính xác thì việc điều trị sẽ trở nên đơn giản hơn.

Nếu chóp xoay bị rách, tùy thuộc lỗ rách lớn hay nhỏ, tuổi bệnh nhân mà sẽ có những chiến lược điều trị khác nhau. Thông thường sẽ bắt đầu bằng việc điều trị bằng thuốc kháng viêm giảm đau, giãn cơ kèm thêm việc tập vật lý trị liệu làm hạ vai xuống. Tuy nhiên việc tập phải nhẹ nhàng vì người ta ví khớp vai như con ốc sên khi đụng sẽ co rút lại, nếu tập gây đau đớn sẽ làm tình trạng nặng hơn. Thời gian uống thuốc sẽ dài hơn.

Trong trường hợp uống thuốc không bớt hoặc chóp xoay bị rách thì phương án tiếp theo sẽ là mổ khâu lại gân. Có nhiều phương pháp mổ nhưng hiện tại đa số áp dụng phương pháp làm nội soi. Phương pháp nội soi cho kết quả tương đương mổ mở nhưng làm giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh hơn. Vết mổ nhỏ hơn, ít đau sau mổ. Hiện tại TP.HCM đã triển khai được phương pháp mổ nội soi này ở một số ít bệnh viện.

Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì ngoại trừ những trường hợp có chỉ định mổ rõ ràng, còn lại phần lớn được điều trị bảo tồn bằng thuốc và vật lý trị liệu trước khi chuyển sang phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận