Đi nhặt nỗi buồn

TƯỜNG ANH 24/11/2017 01:11 GMT+7

TTCT - Tôi cũng không biết liệu con tôi có muốn sống trong thành phố chỉ có ký ức cỏ cây của mẹ hay không, có cần “mơ lớn” hay không vì bây giờ nếu không sống thực tế được, người ta có thể... sống ảo. Nề hà gì những lời của Gorki “sinh ra đã trườn thì không thể bay”?

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

 

1 Buổi sáng cuối tuần, trên con đường tôi thường đi xuất hiện một hàng bạn bán trà. Một dãy chừng năm, sáu bạn trai gái, đứng cách nhau vài mét trên vệ đường, mỗi người tay cầm vài ly nhựa nước mời chào. Họ mặc đồng phục những chiếc áo màu xanh da trời mới cáu, trên áo có hàng chữ Hồng trà Nhật Bản.

À, vậy những ly nước họ bán là hồng trà? Những bạn trẻ tay giơ ly trà mà mặt không vui. Mắt họ nhìn xa xăm và tôi đoán chắc họ không nghĩ nhiều về những “sản phẩm” họ đang tiếp thị. Tôi thấy trong ánh mắt đó nhiều hơn nỗi đăm chiêu về tương lai.

Chắc hẳn ai đó trong số họ cũng có một gia đình để lo nghĩ và một tương lai không thể bàng quan. Có thể họ được một ông chủ thuê để quảng cáo và thu hút người qua đường về cửa hàng nước của ông gần đó, nhưng biết đâu, đó cũng có thể là thử nghiệm của một cô, cậu lãng mạn nào đó, những người đang bị cơn lốc ồn ào hiện nay mang cái tên lãng mạn không kém là “khởi nghiệp” cuốn vào?

Rồi tôi nhớ đến những “gánh” khởi đầu khác, thường thấy trên các vỉa hè thành phố. Lúc thì “yaourt nhà làm”, lúc thì “súp cua mẹ nấu”, được các cô cậu tuổi sinh viên đứng vẫy tay mỗi sáng. Trên báo sáng cùng ngày, tôi đọc được câu chuyện của những sinh viên Việt thành đạt ở các giảng đường đại học danh tiếng trên thế giới.

Nhưng ở đây, trên những vệ đường này, tôi thấy những cô cậu bước vào tương lai bằng những gói hàng nương tựa vào sự tin cậy của người dùng với truyền thống (“mẹ nấu”, “nhà làm”) hay vào vai những “người khổng lồ” thế giới. Không phải bằng niềm tin vào chính họ.

2 Thành phố bớt hung hăng sau hai ngày mưa lớn liên tục. Buổi sáng nước chưa kịp rút. Những anh cảnh sát giao thông mang bốt cao su bì bõm trong nước đen điều phối dòng xe qua lại. Những chiếc xe container hùng vĩ giấc mơ hiện đại lầm lũi bò theo hướng tay người cảnh sát.

Người đi đường nhẫn nại, hết sức tập trung, khéo léo luồn lách tránh những điểm khả nghi. Bởi bất thần một biển cắm vừa xuất hiện ngay trước mắt họ: “Nguy hiểm”. Gương mặt thành phố buổi sáng tao tác sau những cơn mưa lớn bất ngờ và lũ dữ ngoài xa.

3 Tôi muốn đi “chọn niềm vui” như nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từng hát. Nhưng có ngày tôi đi tìm niềm vui mà bắt gặp nỗi buồn. Như buổi tối nọ, ở nhà hát thành phố, khi một đoàn múa lừng danh thế giới đến biểu diễn.

Phía trước tôi là một nữ khán giả có đôi tay mang những chiếc nhẫn lấp lánh. Tôi biết thế vì đoàn múa vừa bắt đầu tiết mục đầu tiên, một cánh tay của cô giơ điện thoại lên để quay phim. Một người ngồi sau nhắc khẽ, chị ơi, giơ tay thế dưới này không xem được. Cô chùn cánh tay xuống chút xíu, nhưng chỉ tích tắc thôi.

Và suốt buổi diễn đập vào mắt tôi lấp lóa sáng hai chiếc nhẫn và màn ảnh của chiếc điện thoại thông minh. Cô đổi tay khi mỏi, nhưng kiên cường không ngừng quay. Thỉnh thoảng cô còn zoom vào mặt mình và gia đình, rồi xoay người quay cả khán phòng, thu ảnh những người quanh đó đang cố tránh “khung hình” của cô.

Có lẽ cô cần xác tín “người thật việc thật” của đoạn clip. Người nhà cô ngồi cạnh thì mang theo máy ảnh, “tác nghiệp” không “trường kỳ” như cô, nhưng cũng không bỏ qua những khoảnh khắc nào đắt giá. Tách, tách.

Trước buổi diễn tôi trò chuyện xã giao với hai phụ nữ nước ngoài ngồi cạnh. Người phụ nữ ngồi ghế sát tôi kể chị theo chồng làm việc ở Vũng Tàu, nghe tin có đoàn múa cả nhà đã lái xe về thành phố để xem. Nhưng họ chỉ xoay được hai vé nên ông chồng và hai đứa con chị tạm dạo chơi thành phố để chị và mẹ, vừa bay sang Việt Nam thăm con, vào xem. Nhưng tôi không hiểu sao họ không xem hết chương trình. Hơn nửa buổi diễn, hai người phụ nữ đã khẽ ra về.

4 Tôi nhớ những ngày tuổi nhỏ, đầu trần chân bộ đến trường, quãng đường mà hiện nay con tôi đến trường trên xe máy, trước khi ra đường là mắt kính, khẩu trang nhưng khi trở về vẫn phờ phạc vì kẹt xe, khói bụi hay ngập nước.

Tôi nhớ con đường đến trường khi đó chỉ có cỏ rất cao hai bên đường và gần trường một chút là những hàng cây thả chong chóng xoay những buổi trưa lộng gió. Hồi đó tôi đi bộ tha thẩn đến trường, dọc đường tôi mơ.

Tôi mơ sẽ học cái này cái nọ, lớn lên sẽ làm thế này thế kia. Tôi mơ cả những “giấc mơ lớn” nữa mà nhớ lại vẫn còn xấu hổ. Còn bây giờ, con tôi chạy xe máy qua những tòa nhà cao, những khu mua sắm huyên náo nhạc không ngơi nghỉ.

Tôi không biết con tôi có “mơ lớn” như tôi không, nhưng tôi thấy mỗi ngày nó loay hoay đi về quạu quọ rồi mơ trên... mạng xã hội, nên nó hiểu hơn tôi “nỗi lòng” của đôi tay mang nhiều nhẫn nọ.

Tôi cũng không biết liệu con tôi có muốn sống trong thành phố chỉ có ký ức cỏ cây của mẹ hay không, có cần “mơ lớn” hay không vì bây giờ nếu không sống thực tế được, người ta có thể... sống ảo. Nề hà gì những lời của Gorki “sinh ra đã trườn thì không thể bay”?

Nhưng tôi vẫn nhớ tuổi nhỏ tôi đi về giữa cỏ cây hoa lá và mơ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận