Đi tìm cơ hội cho tất cả

HỮU NGHỊ 04/03/2018 18:03 GMT+7

TTCT - “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương, “mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó...”, có thể tạm xem là câu trả lời cho câu hỏi “thịnh vượng cho ai?”, vào lúc nhà nhà người người đang nói, và đang mơ ước, về thịnh vượng.

Thịnh vượng, từ hiện thực tới hi vọng. Ảnh: orvidas.com, 123rf.com
Thịnh vượng, từ hiện thực tới hi vọng. Ảnh: orvidas.com, 123rf.com

 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, trong phát biểu khai mạc tại lễ công bố báo cáo Việt Nam 2035 ngày 18-3-2016, đã nhắc nhở: “Những nguyện vọng riêng của đất nước đến năm 2035 đã được viết ra trong Hiến pháp Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu “một đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Những nguyện vọng này đặt trên ba trụ cột: một, cân bằng sự thịnh vượng kinh tế với phát triển bền vững về môi trường; hai, thúc đẩy bình đẳng và hòa nhập xã hội; và ba, tăng cường năng lực và trách nhiệm của nhà nước”. Sở dĩ nói ông Kim “nhắc nhở” là do WB thuộc nhóm chủ nợ lớn nhất của Việt Nam.

Thịnh vượng là gì?

Tuy không cùng ngành nghề, giai tầng xã hội, thế hệ, và thời đại, song nhạc sĩ Việt Nam đầu thập niên 1950 và ông chủ tịch WB của thế kỷ 21 nhất trí: sự ấm no, và hơn thế nữa là sự thịnh vượng, phải được san sẻ công bằng.

Với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, “người thương gia (cứ việc) lợi tức”, nhưng đừng xung đột với các thành phần khác trong xã hội, để anh nông phu vẫn được “vui lúa thơm hơi”, để “người công nhân ấm no”, để tất cả cùng “thoát ly đời gian lao nghèo khó”. Muốn thế, nhà nước phải tỏ rõ năng lực kinh bang tế thế, như ông Kim mong mỏi: “Để thêm hỗ trợ cho các nhóm dễ tổn thương..., các cơ quan quản lý cần phải trở nên hiện đại, minh bạch, và phải thực sự vận hành trên nền tảng các quy định của pháp luật”.

Nôm na mà nói, thịnh vượng chính là “dân giàu, nước mạnh”. Song, cần nhìn thấy “dân giàu” một cách chung nhất, chứ không từ góc nhìn của thành phần này hay thành phần kia của xã hội.

Trong các xã hội công khai - minh bạch, cơ hội đồng đều, có “của ăn, của để” đến một mức nào đó nhất định phải là một phần từ kết quả của lao động, làm ăn và dành dụm - sở thuế và ngân hàng nắm rõ rằng với thu nhập chừng đó thì mức sống và khả năng chi trả chỉ chừng đó mà thôi. Còn làm giàu và trở thành tỉ phú là kết quả của những tài trí và can đảm hơn người cộng với thời cơ.

Trong mọi trường hợp, thời cơ không phải là sự câu kết, toa rập với nhà chức trách. Điều 433-2 Luật hình sự Pháp ấn định 5 năm tù giam cùng phạt vạ tối thiểu 500.000 euro và tối đa có thể lên đến gấp đôi huê lợi bất chính với những kẻ nài xin hay chấp thuận, gián tiếp hay trực tiếp, những ngụ ý, hứa hẹn, quà biếu, hay mọi kiểu lợi ích... nhờ chức trách công vụ.

Câu chuyện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang bị cáo buộc nhận hối lộ khoảng 250.000 USD (số tiền quá “hẻo” so với tài sản của nhiều đại gia Việt Nam) là một ví dụ của tính “bất khả tham nhũng” trong các xã hội ngăn nắp thường dẫn đầu các bảng xếp hạng về minh bạch và tham nhũng. Để so sánh, Israel xếp hạng 32/180 nước trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) mới công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Việt Nam hạng 107).

Chẳng có gì phải phàn nàn cả nếu như các tỉ phú làm giàu từ sự bình đẳng về cơ hội. Có thể lấy ví dụ về cơ hội tiếp cận thông tin đất đai, một vấn đề then chốt với sự giàu có ở Việt Nam. Sự bất bình đẳng được mô tả trong báo cáo “Công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam” của WB tháng 8-2014: “Trong một khảo sát theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ Việt Nam, 76% cán bộ, công chức trong lĩnh vực đất đai cho biết điều mà họ thích nhất trong công việc của mình là vị trí công việc cho phép họ đặc quyền tiếp cận thông tin.

Thông tin là quyền lực, và khi bị giữ kín, khi một người nào đó được trao độc quyền về thông tin, điều đó tạo ra lợi ích và mở ra cơ hội cho tham nhũng. Tuy nhiên, ngay cả khi không có tham nhũng, độc quyền thông tin vẫn tạo ra các trạng thái không hiệu quả khác, ví dụ như các nguồn lực không được sử dụng tốt nhất”.

Tương tự với cuộc tranh cãi về xe hơi nhập khẩu đang gay cấn. Sau gần 1/4 thế kỷ được bảo hộ, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ, “tỉ lệ nội địa hóa thấp, quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với giá thành” (Zing.vn, 27-8-2017).

Đến sáng 26-2-2018, trong cuộc họp bàn về nghị định 116/2017/NĐ-CP về ôtô và thông tư 03/2018/TT-BGTVT, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam còn phải ú ớ: “Một trong những quan ngại chính là nộp giấy chứng nhận. Như ở Mỹ, tôi không biết Bộ Môi trường Mỹ có thẩm quyền để tạo ra giấy chứng nhận này hay không? Quy định về đường thử cũng tương tự, đại diện các hãng Ford sẽ hiểu hơn về quy định này, tuy nhiên chúng tôi mong muốn quy định của Chính phủ cần rõ ràng hơn, thống nhất hơn để các nhà nhập khẩu hiểu hơn.

Nghị định và thông tư cũng tạo sự khác biệt giữa nhà sản xuất, kinh doanh và nhập ôtô trong nước. Do đó, chúng tôi mong muốn tạm hoãn nghị định 116 để xem xét lại và làm rõ ràng hơn để chúng tôi có thể hiểu thêm” (Diễn đàn doanh nghiệp, 26-2-2018).

Những thủ tục đó có lợi cho các hãng lắp ráp xe hay cho người tiêu dùng? Chuyện Toyota và Honda (vốn có lắp ráp tại Việt Nam) từ giữa tháng 1 năm nay quyết định ngừng... xuất khẩu xe sang Việt Nam, tức sẽ tiếp tục nhượng quyền lắp ráp, là câu trả lời cho câu hỏi “ai được lợi?”.

Thành ra, nói tới thịnh vượng, cũng cần nói rõ thịnh vượng cho ai, cho số đông tuyệt đại hay cho “số lẻ”?

Thịnh vượng, từ hiện thực tới hy vọng - Ảnh: orvidas.com, 123rf.com
Thịnh vượng, từ hiện thực tới hy vọng - Ảnh: orvidas.com, 123rf.com

 

Giáo dục và y tế là then chốt

Thịnh vượng luôn phải bao gồm y tế và giáo dục do lẽ đây chính là hai mục tiêu lớn nhất của đời sống: “Theo Khảo sát thanh niên về mục tiêu phát triển bền vững lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam, những mục tiêu toàn cầu mà thanh niên Việt Nam cảm thấy gần gũi và sẵn sàng tham gia thực hiện nhất là chất lượng giáo dục; sức khỏe và có cuộc sống tốt; bình đẳng giới; xóa nghèo; không còn nạn đói; hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ” (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, 4-2-2018).

Đó cũng là điều mà thông cáo chung của các lãnh đạo APEC đã tuyên cáo ở Đà Nẵng năm ngoái, thể hiện qua điều 8: “Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng sống còn của giáo dục chất lượng và công bằng để tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi thích ứng được với những thách thức từ những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay”, hay điều 13: “Chúng tôi nhấn mạnh cần chuẩn bị cho người dân và tất cả người lao động, đặc biệt những nhóm dễ bị tổn thương, để sẵn sàng cho thế giới việc làm đang thay đổi”.

Tại sao lại nhấn mạnh “tầm quan trọng sống còn của giáo dục chất lượng và công bằng để tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi” và “cần chuẩn bị cho người dân và tất cả người lao động”? Thế nào là một nền giáo dục công bằng cho mọi người? Và Việt Nam còn ở cách những tuyên bố đó bao xa?

Thử đọc trên tin tức: “Sau 8 năm thực hiện, đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã chi đề nghị quyết toán giai đoạn 2011-2016 hơn 4.258 tỉ đồng. Nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước... mục tiêu của đề án không đạt được ở tất cả các cấp học và ở tất cả các địa phương, bộ ngành, cả về số lượng người học lẫn chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Mặt khác, với kinh phí đầu tư không hề nhỏ, giai đoạn 2011-2016 đề nghị quyết toán hơn 4.200 tỉ đồng nhưng kết quả mang lại chưa tương xứng. Đề án còn để lãng phí trong đầu tư mua sắm giáo trình, sách giáo khoa và thiết bị dạy và học; lãng phí trong chi tiêu cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...” (Tiền Phong, 5-1-2018).

Y tế là một câu chuyện dài kỳ khác. Những khúc mắc với bảo hiểm y tế, khám bệnh vượt tuyến và tình trạng quá tải ở các bệnh viện cho thấy thịnh vượng theo đúng nghĩa của nó còn xa lắm. Phải ở trong thân phận người bệnh “nhân dân” mới hiểu rằng chẳng ai muốn vượt tuyến, mà chỉ bởi họ đi tìm một sự bảo đảm an toàn tối thiểu. Nếu như các bệnh viện cơ sở cử bác sĩ lên tuyến trên tu nghiệp, cầm dao mổ một, hai trăm ca, sau khi về lại tỉnh, căng biển: “Bác sĩ X đã mổ mấy trăm ca tại bệnh viện chuyên khoa Y. Về đây đã mổ thêm x ca. Tỉ lệ an toàn là...”, có lẽ người bệnh sẽ tự tin mà nhập viện tại chỗ hơn. Mọi chuyện cũng dần thay đổi. Một bệnh viện tim ở TP.HCM chẳng hạn, sau một năm hoạt động cũng đã báo cáo công khai: “Đã mổ 100 ca, tỉ lệ thành công là 99%”.

Thịnh vượng cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho một dúm người, đơn sơ vậy thôi.■

Chỉ số thịnh vượng toàn cầu: Việt Nam hạng 77/149

Chỉ số thịnh vượng toàn cầu Legatum, do Tập đoàn Legatum đánh giá dựa trên 9 yếu tố: chất lượng kinh tế, môi trường kinh doanh, hiệu quả quản trị quốc gia, tự do cá nhân, vốn xã hội, an toàn cá nhân và an ninh quốc gia, giáo dục, y tế, và môi trường; đánh giá Việt Nam ở vào mức trung bình về thịnh vượng trên thế giới, hạng 77/149. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp thứ 6/8 nước được thăm dò, hơn Lào và Campuchia, nhưng kém Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia (Myanmar và Brunei không có tên trong danh sách). Hạng mục Việt Nam xếp hạng cao nhất là cơ hội kinh tế (38/149), trong khi ba chỉ số kém nhất là tự do cá nhân (121/149), hiệu quả quản trị quốc gia và nguồn vốn xã hội (đều hạng 97/149).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận