Điều quan trọng là tính hợp lý của thuế

LÊ THANH THỰC HIỆN 02/04/2012 07:04 GMT+7

TTCT - Đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020” mà Bộ Tài chính vừa công bố xem xét cả việc xây dựng Luật thuế tài sản để đánh thuế nhà.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nên “dùng thuế nhà, đất đầu tư cho hạ tầng thay vì loay hoay với bài toán thu phí”.

Phóng to
Thuế nhà chỉ cần tập trung vào các đô thị lớn, có thể miễn giảm cho những nơi kém phát triển. Trong ảnh: Các cao ốc tại trung tâm Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Theo ông Đặng Hùng Võ, việc chậm trễ đánh thuế nhà và đánh thuế đất quá thấp là nguyên nhân chúng ta lúng túng trong giải quyết bài toán phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, cũng là nguyên nhân của tình trạng hàng trăm biệt thự, nhà đất để không như hiện nay, gây lãng phí và làm méo mó thị trường bất động sản.

Tăng thu ngân sách?

Chính sách thuế trước hết phải góp phần điều chỉnh được thị trường bất động sản hoạt động minh bạch, phát triển bền vững và điều chỉnh quá trình phát triển đô thị chứ không phải chỉ tính mỗi việc là đóng góp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền mỗi năm

* Từ ngày 1-1-2012, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chính thức được áp dụng. Cơ quan thuế tính toán tiền thuế đất nhiều khu vực ở đô thị lớn sẽ cao gấp 40% so với mức cũ. Như vậy chính sách vẫn chưa đủ mạnh, thưa ông?

- Tỉ suất thuế tính vào giá trị đất theo bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định là 0,03%, lũy tiến cao nhất cũng gần 0,1%, được xem là quá thấp. Hơn nữa, còn không đánh thuế vào nhà ở. Trong khi các nước khác, kể cả các nước đang phát triển, thì mức 1% được áp dụng phổ biến. Hơn nữa, 1% của họ tính theo giá trị thị trường, còn ở ta là 0,03% theo bảng giá đất nhà nước, thấp chỉ bằng 10-50% giá thị trường. Theo tôi, mức thu hiện hành cũng chỉ gấp ba lần mức thuế nhà đất trước đây (tức là trước 2kg thóc/m2/năm ở những nơi trung tâm, giờ là 6kg thóc/m2/năm). Như vậy, tác động duy nhất là tăng thu ngân sách gấp ba lần.

Tôi chưa thấy người dân nào lo lắng phải đưa vào sử dụng hay chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà đất đang dự trữ vì luật thuế này. Thế nên biệt thự bỏ hoang vẫn bỏ hoang, đất mua để dự trữ vẫn còn đó. Đầu cơ nhà đất cứ thị trường nóng lên là bùng phát.

Quan trọng hơn, mức thu thuế nhà đất cao hơn chính là nguồn để đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, thay vì phải sử dụng ngân sách từ nguồn khác và vốn vay ODA để mải miết phát triển hạ tầng mà vẫn không thấm vào đâu. Đường tắc vẫn tắc. Các nhà quản lý ngẫu hứng với rất nhiều giải pháp, tưởng rằng sáng kiến.

Gốc gác của lời giải là muốn thụ hưởng sự tiện lợi của hạ tầng hiện đại, dịch vụ công cộng thuận lợi thì phải đóng góp. Hạ tầng tốt và dịch vụ công cộng tiện lợi làm giá nhà đất tăng lên. Vậy cứ đánh thuế theo giá trị nhà đất để lấy tiền phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng là đúng đắn. Chẳng phải ngẫu hứng gì thêm trong kiếm tìm giải pháp.

* Như vậy, chính sách đã không góp phần điều tiết thị trường?

- Chính sách thuế trước hết phải góp phần điều chỉnh được thị trường bất động sản hoạt động minh bạch, phát triển bền vững và điều chỉnh quá trình phát triển đô thị chứ không phải chỉ tính mỗi việc đóng góp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền mỗi năm. Để làm được điều đó trong cơ chế thị trường, trước hết là công cụ thuế, sau đó mới đến công cụ quy hoạch và công cụ hành chính.

Đây là một điểm mà các nước khác đã thừa kinh nghiệm. Nước ta cũng có nói tới nhưng thực tế thu của ta không “động chạm” được vào chức năng điều tiết. Chúng ta luôn lấy lý do thu nhập của dân còn thấp nên khó tăng tỉ suất thuế nhà đất. Thu nhập thấp chủ yếu tại khu vực nông thôn và miền núi, vậy hãy miễn thuế nhà đất cho khu vực nông thôn (kém phát triển) và miền núi. Khu vực đô thị nhiều tiện lợi và hấp dẫn phải thu ở mức cao, tương xứng với giá trị nhà đất tại đó. Đó cũng là lẽ công bằng cần xác lập.

* Vậy theo ông, cách đánh thuế như thế nào để hạn chế đầu cơ?

- Hiện nay thuế liên quan tới nhà đất có hai loại chính: một là thuế thu nhập từ chuyển quyền, tức là thuế trên các giao dịch bất động sản; hai là thuế đánh vào việc sử dụng bất động sản. Việc đánh thuế đặc biệt cao vào các bất động sản không được sử dụng.

Thuế chuyển quyền nay đã chuyển sang thuế thu nhập từ chuyển quyền với hi vọng đạt được sự công bằng hơn về thu nhập, điều chỉnh hợp lý hơn đối với trường hợp giá trị đất tăng lên đột biến khi Nhà nước mở đường to hơn. Thực tế thuế thu nhập từ chuyển quyền không được áp dụng mà vẫn thu theo mức 2% giá trị bất động sản vì lý do không tính được giá trị thu nhập.

Sự tiến bộ mới đạt được trên giấy. Để chống đầu cơ, sắc thuế này có thể định thuế suất theo khoảng thời gian từ lúc mua tới lúc bán. Về bản chất, thuế này không có ý nghĩa điều tiết nhiều. Đánh ở mức cao sẽ làm tăng giao dịch không chính thức, tăng rủi ro trong giao dịch. Chúng ta nên tập trung vào thuế nhà đất, đừng quan tâm nhiều tới thuế về chuyển quyền.

Điều tôi muốn nói là đánh thuế cao hơn đối với nhà đất có mục tiêu chính là tạo nguồn tài chính để phát triển hạ tầng đô thị và dịch vụ công cộng, sau đó mới là mục tiêu làm giảm đầu cơ nhà đất.

* Theo ông, VN nên xúc tiến đánh thuế nhà? Ông có nghĩ rằng người dân sẽ đồng thuận việc này khi đã có quá nhiều loại phí, lệ phí và thuế?

- Đúng vậy. Nhà luôn có người ở, có người ở là phải sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng. Nếu chỉ đánh vào sử dụng đất thì mới thể hiện được yếu tố sử dụng tài nguyên vốn là của toàn dân. Đánh vào nhà mới là tạo nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng khu dân cư và dịch vụ công cộng. Hơn nữa, đánh thuế nhà còn là công cụ để điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa. Những người ở trung tâm Hà Nội phải chịu thuế cao hơn vì hạ tầng thuận tiện, mở cửa sổ ra là có thể ngắm được pháo hoa, phim “bom tấn” có thể được xem ngay trong ngày phát hành...

Chính sách phải nhận được sự đồng thuận của người dân mới thực hiện được. Điều quan trọng là tính hợp lý của thuế nhà. Đã hợp lý thì phải làm. Còn nhiều loại phí, lệ phí, thuế khác mà không hợp lý thì loại bỏ. Tôi nhấn mạnh lại là chỉ tập trung đánh thuế nhà tại đô thị, có thể miễn thuế nhà tại nông thôn và miền núi. Thậm chí thuế nhà chỉ cần tập trung vào các đô thị lớn có nhu cầu phát triển, có thể miễn cho cả các đô thị kém phát triển. Bên cạnh đó, thuế nhà có thể đánh đặc biệt cao vào nhà bỏ hoang như nhiều nước khác đã làm.

Chính phủ bỏ khung giá đất

* Về một trong những nguyên nhân gây thất thoát ngân sách, thiếu vốn đầu tư hạ tầng, Bộ Tài chính cho rằng phải nâng giá đất tính thuế sát với giá thị trường. Ông bình luận như thế nào về điều này?

- Điều này là quá đúng, đáng lẽ phải nâng khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh lên ngang mức thị trường từ lâu rồi. Để quá thấp như hiện nay làm thất thu ngân sách. Như giá đất do UBND thành phố Hà Nội hay TP.HCM áp dụng ở những khu vực trung tâm chỉ bằng 10% giá thị trường. Ai cũng thấy rõ điều này.

Trung bình giá đất nhà nước ở các đô thị lớn chỉ bằng 40% giá đất thị trường. Vậy cứ tính theo tỉ suất thuế hiện hành thì ngân sách từ thuế đã bị mất 60%. Biết rõ như vậy nhưng các địa phương vẫn để giá đất của Nhà nước thấp lè tè như thế, vì cái gì cũng “khó hiểu” và pháp luật không được thực thi nhưng chẳng ai bị làm sao cả.

* Để đảm bảo công bằng phải nâng bảng giá đất lên, thưa ông?

- Như hiện nay, UBND các thành phố lớn đều nói rằng khung giá của Chính phủ chỉ vậy nên họ không thể nâng cao hơn. Vậy là họ đang đẩy trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên - môi trường việc làm thất thu ngân sách. Tôi đồng tình với việc Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - môi trường đề xuất bỏ khung giá đất của Chính phủ.

Chính phủ chỉ quy định phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất tại địa phương. Trong trường hợp bảng giá không sát giá thị trường thì UBND chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

* Xin cảm ơn ông!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận