Doanh nghiệp cần gì ở nhà nước?

TRUNG TRẦN 23/03/2021 07:00 GMT+7

TTCT - Những cuộc gặp gỡ và trao đổi khá thẳng thắn giữa các cơ quan nhà nước phụ trách hỗ trợ kinh doanh và đại diện doanh nghiệp diễn ra gần đây trong bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn mùa COVID là cần thiết, nhưng chưa đủ.

“Báo cáo kết quả khảo sát tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động” Việt Nam đề tháng 9-2020 của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết kết quả giải ngân các biện pháp hỗ trợ tài chính nhà nước qua kênh ngân hàng cho khối doanh nghiệp sản xuất như sau: Dưới 20% cho gói hỗ trợ an sinh và tỉ lệ giải ngân cho gói lãi suất 0% là… 0% (trang 68).

Các doanh nghiệp sẽ phải tự thay đổi để tồn tại, nhưng Nhà nước có thể giúp gì? Ảnh: Medium

 

Nghĩa là biện pháp này coi như không được triển khai bao nhiêu trên thực tế. Về cơ bản, đấy vẫn là kiểu biện pháp hành chính, trong khi bên (bị ép) trợ cấp là ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, và bên được hỗ trợ - doanh nghiệp, vốn là hai chủ thể của quan hệ mua - bán. 

Trong trường hợp này không hề có sự thuận mua vừa bán, đương nhiên người bán sẽ tìm mọi cách từ chối, bằng các hàng rào kỹ thuật mà không phạm luật, chẳng hạn các điều kiện để được vay ưu đãi phức tạp, như báo cáo tài chính tốt hay có khả năng trả nợ cao. 

Chỉ có điều, khi doanh nghiệp hoạt động bình thường, thỏa mãn các điều kiện này còn khó, huống hồ dịch giã như vầy. 

Doanh nghiệp tự xoay 

Đây là một ví dụ cụ thể để nhìn nhận một vấn đề tổng thể: Doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ bằng cách nào? Và họ sẽ tồn tại tiếp tục ra sao khi đại dịch được kiểm soát?

Hơn ai hết, nếu họ đã sống sót qua điểm thấp nhất vào cuối năm 2020, các doanh nghiệp của nền kinh tế thực chắc chắn tự biết phải làm gì, và vốn không trông đợi lắm vào các chính sách hỗ trợ luôn có độ vênh lớn với thực tế từ Nhà nước.

Một câu hỏi then chốt là doanh nghiệp phải xác định được mình đang ở chuỗi cung ứng nào, và ở vị trí nào trong chuỗi cung ứng đấy?

Với các ngành như dệt may, giày da - tức các ngành chế tạo chủ lực của Việt Nam - chuỗi cung ứng khá rõ ràng. Khách hàng của các hãng gia công Việt Nam là chủ nhãn hiệu, như Adidas hay Nike. 

Nhu cầu của thị trường tiêu dùng quyết định tất cả. Các trung tâm mua sắm trên thế giới đóng cửa - ngay lập tức doanh nghiệp gia công bị ảnh hưởng trực tiếp, vì họ là nút ngay sau chủ nhãn hiệu trong chuỗi cung ứng.

Gồng mình giãn ca, giảm tồn kho, tiết kiệm chi phí tối đa là cách bắt buộc phải làm. Tìm kiếm khách hàng mới chủ yếu sẽ nằm ở thị trường sản phẩm y tế, phục vụ nhu cầu chống dịch: khẩu trang, áo quần, sản phẩm may mặc chống dịch…

Vai trò của phòng phát triển khách hàng và sản phẩm mới là tối quan trọng trong hoàn cảnh này. Khi nhu cầu mua sắm trở lại - điều này khá nhanh vì tác động của yếu tố hành vi mua hàng, không phải vì thu nhập tăng, thời gian có đơn hàng trở lại cho doanh nghiệp, gần như tức thời. Vấn đề sẽ nằm ở khả năng tái lập sản xuất.

Với các ngành sản xuất gia công chi tiết và lắp ráp cụm chi tiết, bán thành phẩm, hay thường gọi là công nghiệp phụ trợ - cũng là một mảng then chốt của công nghiệp nội địa, vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều yếu tố của các nút chuỗi trước và sau. Tình trạng đứt gãy chuỗi do đó cũng phức tạp hơn.

Khách hàng hủy đơn hàng, rủi ro nhà cung cấp không giao được nguyên vật liệu, rồi rủi ro từ khách hàng của khách hàng, nhà cung cấp của nhà cung cấp…, có quá nhiều thứ không nằm trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp. Việc sống sót qua đại dịch phụ thuộc nhiều vào khả năng chống chọi và nội lực tích trữ sẵn có.

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì COVID-19 nêu ra nhiều bài học giật mình. Ảnh: cuhk.edu.hk

 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy việc đa dạng hóa khách hàng đóng vai trò then chốt. Công ty nào có khoảng 4 - 5 khách hàng chính chiếm 60 - 70% doanh số sẽ dễ bề tính toán hơn là chỉ phụ thuộc 1 - 2 khách hàng. Ở Việt Nam, đấy là bài học đã trở đi trở lại nhiều lần, không chỉ trong mảng công nghiệp phụ trợ.

Khi tất cả công suất dồn hết cho một vài khách hàng chính, coi như nhà cung cấp đã phụ thuộc hoàn toàn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến giá bán.

Bài học này tuy không mới nhưng trên thực tế không dễ tránh, vì tự nhiên có một khách hàng bao tiêu toàn bộ năng lực của nhà máy, các quy trình sản xuất cứ vậy triển khai, không có gì mới, chi phí sẽ ngày càng giảm. Không ai cưỡng lại được, cho đến một ngày đại dịch ập đến, mà chính sách hỗ trợ thì thật như muối bỏ biển.

Những điểm yếu mãn tính

Khi đại dịch có xu hướng lắng xuống cuối năm 2020, Trung Quốc gia tăng cầu, ngay lập tức nền sản xuất Việt Nam lộ rõ điểm yếu: nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, đơn cử nguyên liệu hạt nhựa tăng 30 - 40%. Đến cả khi có thể sản xuất ra được để bán thì vẫn là Trung Quốc hút hết container rỗng để xuất hàng.

Một sự thật khá phũ phàng là ở Việt Nam lúc này không có doanh nghiệp nào chế tạo ra được cái container rỗng, kể cả giá có cao bao nhiêu. Đành phải ngồi đợi và giành giật nhau khi Trung Quốc hạ nhiệt. Sự phụ thuộc Trung Quốc về nguyên liệu đầu vào chưa bao giờ giảm bớt, nếu không nói là càng ngày càng tăng.

Đây mới là vấn đề trọng yếu cần sự hà hơi tiếp sức của Nhà nước, chứ không phải những hỗ trợ lãi suất chỉ có trên lý thuyết. Rõ ràng không một doanh nghiệp tư nhân quốc nội nào, dù lớn đến đâu, đủ sức giải quyết bài toán có tính hệ thống đó. Chiến lược phát triển công nghiệp cơ bản của Nhà nước ở đây là điều bắt buộc.

Những ngành nguyên vật liệu nền tảng với mọi nền kinh tế như luyện kim, hóa chất, phụ phẩm sau lọc dầu… không nhất thiết cứ phải rẻ, mà chỉ cần có thể cung cấp được một phần để duy trì nguồn cung khi cần thiết, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khác thường như một năm qua.

Những lĩnh vực này, khi nói ra thì nhiều người tâm huyết với công nghiệp nước nhà chỉ có thể… thở dài, do nó không ở tầm áp phe, chụp giựt, hay dự án nhỏ lẻ, mà phải là đại dự án. 

Điều các doanh nghiệp mong muốn có tính khả thi nhất từ Nhà nước, đấy là cơ hội để họ mang về những khách hàng lớn, bằng chính sách, bằng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hay các biện pháp hạn chế nhũng nhiễu của viên chức công quyền.

Hậu COVID, nhờ sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam được tiếng tốt là nơi an toàn, dân chúng biết tuân thủ, thu hút được sự hợp tác của hầu hết các tầng lớp xã hội. Phải làm sao chuyển được thế mạnh này vào kinh tế, khi các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện chiến lược dịch chuyển khỏi Trung Quốc và Trung Quốc + 1.

Doanh nghiệp thực sự trông chờ các tổ chức hỗ trợ đầu tư của Chính phủ thực chất hơn để đồng hành với doanh nghiệp, nhằm tận dụng tối đa cơ hội này.

 Trong lần người viết đi dự cuộc họp nhà cung cấp của một tập đoàn kinh doanh máy văn phòng ở Malacca, Malaysia, sau các buổi họp liên quan theo chương trình, khán tọa, những nhà sản xuất thực sự được đề nghị ngồi thêm 15 phút để đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp của bang Malacca lên trình bày. 

Một nhân viên thông thạo tiếng Anh và có kỹ năng trình bày rất tốt lên giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của bang, kèm một phiên dịch tiếng Nhật, để kêu gọi đầu tư.

Câu chuyện tương tự ở một khu công nghiệp một tỉnh miền Bắc Việt Nam - khi dự khánh thành một nhà máy, bài diễn văn của vị đại diện khu công nghiệp vẫn được đọc từ giấy - bằng tiếng Việt, và sai ngay cả tên công ty mà quý ông này đang được mời đến dự khánh thành!

Thiết nghĩ, việc tạo ra cơ hội công ăn việc làm cho người dân phải trở thành một tiêu chí đánh giá năng lực chính với Nhà nước. Doanh nghiệp, vẫy vùng để tồn tại và phát triển trên thương trường khốc liệt, tự khắc biết làm gì. 

Họ không cần sự dẫn dắt hay chỉ đạo từ các tổ chức công quyền vốn có nhiệm vụ khuếch trương đầu tư nhưng lại rất ít khi hành xử như bạn cùng hội cùng thuyền với doanh nghiệp.

Các cơ sở sản xuất cần một địa chỉ có thể trông cậy vững vàng trong những biến cố lớn như COVID-19. Ảnh: scmp.com

 

Việc Chính phủ và người đứng đầu gặp gỡ đại diện doanh nghiệp đã thường xuyên hơn thời gian gần đây là một tín hiệu tốt, nhưng tác động thực tế còn chưa thấy nhiều. 

Có khi nào chúng ta thấy một tổ chức xúc tiến đầu tư cấp tỉnh làm MC cho một buổi hội thảo để cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp địa phương ngồi chia sẻ, than thở khó khăn và đề nghị hỗ trợ?

Một sự thấu hiểu doanh nghiệp, không phải là để giải quyết kiểu xin xỏ, mà là để họ biết chắc khi cần, họ có thể có một địa chỉ để trông cậy, một nơi nếu chưa được chuyên nghiệp thì ít ra cũng tận tâm. 

Hiện giờ ở ta tiếc là chưa có một địa chỉ nào chắc chắn như vậy. Nếu hỏi các doanh nghiệp sản xuất họ trông cậy gì vào các chính sách và cơ quan hỗ trợ của nước nhà, câu trả lời e làm phật ý nhiều người! ■

Một câu chuyện trong quá khứ, vào năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm nhà máy của người viết ở Khu công nghiệp Biên Hòa II. 

Lúc đó nhà máy đang vướng một lô motor nhập khẩu lấy hàng ra trễ vì áp mã số sai, đến khi lấy được hàng thì vỏ motor đã gỉ. 

Lúc tổng giám đốc chuẩn bị tiễn Thủ tướng ra cổng, ông giám đốc nhà máy còn kịp hớt hải chạy từ xưởng lên, tay khệ nệ cầm trình cho Thủ tướng thấy cho bằng được cái motor gỉ sét.

Phiên dịch lúc đấy cũng không thể hiểu hết tình thế để dịch được đầu đuôi, nhưng ông giám đốc xưởng chỉ cần Thủ tướng và các quan chức tháp tùng dừng lại chốc lát, thấy, nghe và hiểu một phần câu chuyện là đủ, vì sau đó sẽ tới lượt các công văn đề nghị chi tiết trình thẳng lên chủ tịch tỉnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận