Đối phó với ... mồ hôi

BS LÊ TUYẾT HOA 19/12/2015 02:12 GMT+7

TTCT - Hai lẽ tự nhiên của con người là đổ mồ hôi và mùi cơ thể. Đổ nhiều mồ hôi và nặng mùi có thể gặp trong những điều kiện sinh lý như khi ta vận động, lúc thời tiết nóng bức và cả khi bị căng thẳng, lo lắng.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Lỗi không ở mồ hôi

Ăn uống một số thực phẩm và nước giải khát cũng làm mồ hôi có mùi như hành, tỏi, ớt, hồi, quế, cà ri..., ngay cả cà phê - rượu cồn - thuốc lá cũng được cơ thể thải tiết ra mồ hôi. Chúng ta có hai kiểu tuyến mồ hôi sản xuất ra hai loại mồ hôi.

Kiểu tuyến thứ nhất (eccrine glands) có ở mọi nơi trên cơ thể, đổ trực tiếp trên mặt da, hình thành từ trong bào thai. Loại mồ hôi này phần lớn chứa nước và muối. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, tuyến này bài tiết mồ hôi lên bề mặt da để làm mát cơ thể.

Kiểu tuyến thứ hai (apocrine glands) chỉ “thức dậy” và khởi chức năng khi dậy thì, có nhiều ở vùng niệu dục, hõm nách và bẹn, chúng đổ vào nang lông trước khi đến được bề mặt da. Vì vậy loại mồ hôi này sánh hơn, hơi đục hơn vì có chứa chất béo và được tiết nhiều khi chúng ta đối diện với những stress tinh thần.

Cả hai loại mồ hôi đều không mùi, riêng loại thứ hai ở hõm nách và bẹn có mùi hôi khi chúng kết hợp với vi khuẩn sống trên bề mặt da. Vi khuẩn sẽ tiêu thụ mồ hôi này và thải ra chất thải có mùi.

Đây là nguyên nhân gây mồ hôi nặng mùi thường gặp nhất, phụ thuộc vào đặc điểm của vi khuẩn thường trú ở da của riêng từng người. Chính vì vi khuẩn nền ở da khác nhau giữa người này người khác nên mùi mồ hôi cũng khác nhau ở từng người.

Dấu hiệu bệnh tật

Loại trừ những lý do sinh lý nêu trên, mồ hôi có mùi có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật. Một số bệnh làm hơi thở lẫn mồ hôi nặng mùi. Bệnh gan và bệnh thận mãn tính, đặc biệt có kèm suy tế bào gan, suy thận giai đoạn cuối, cũng làm mồ hôi thay đổi mùi.

Không chỉ là mùi, mà cả khi bất thường trong tốc độ tiết mồ hôi, tức tăng tiết quá nhiều hoặc quá ít mồ hôi, đều đáng lo ngại. Bệnh nội tiết làm thay đổi các hormone trong cơ thể có lẽ là nhóm bệnh gây bất thường bài tiết mồ hôi rõ nét nhất.

Tiểu đường có thể làm thay đổi số lượng và chủng loại vi khuẩn trên da, nhất là khi đường huyết chưa được kiểm soát tốt. Trường hợp người bệnh bị nhiễm ceton (một biến chứng cấp nặng nề của bệnh tiểu đường) có thể khiến hơi thở có mùi trái cây.

Trong bệnh to đầu chi, người bệnh có u tuyến yên tăng tiết hormone tăng trưởng. Người đã trưởng thành mắc bệnh này sẽ tăng tiết nhiều mồ hôi toàn thân và mồ hôi rất nhờn khiến cơ thể có mùi hôi. Hoặc trong bệnh bướu giáp tăng chức năng, rất hay gặp da nóng ẩm rịn mồ hôi.

Ngược lại khi bị suy tuyến giáp, da lại khô lạnh do giảm tiết mồ hôi đáng kể. Trong bệnh u tủy thượng thận, cơ thể tiết nhiều chất trung gian giao cảm làm người bệnh tuy rịn mồ hôi nhưng tay chân lại lạnh.

Một vài bệnh di truyền gây mồ hôi có mùi như bệnh tiểu ra trimethylamine khiến mồ hôi và hơi thở có mùi cá. Bệnh này do đột biến ở gen FM03, làm gen mất chức năng không thể chuyển trimethylamine thành phân tử không có mùi.

Để tránh mồ hôi có mùi khó chịu, cần tránh những thức ăn “nặng mùi”, hết sức hạn chế rượu bia - thuốc lá, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhằm giảm thiểu quá phát của vi khuẩn trên da. Riêng với lý do bệnh lý, điều trị bệnh thích hợp hoàn toàn có thể kiểm soát được mùi hôi của cơ thể.■

Có một số người bài tiết lượng mồ hôi ít hoặc nhiều hơn so với người khác. Chúng ta nên đi khám khi thình lình tiết quá nhiều hay quá ít mồ hôi hơn bình thường. Việc đổ mồ hôi cản trở công việc sinh hoạt hằng ngày, đổ mồ hôi trộm về đêm, hay thay đổi mùi hôi của cơ thể là những lý do khuyến khích bạn tìm đến bác sĩ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận