Trong một châu Á đang bị giằng co giữa “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang nghĩ gì là điều rất đáng chú ý. Từ trên xuống: các tàu chiến của Mỹ là USS McCampbell, USNS Henry J. Kaiser và tàu chiến Anh HMS Argyll tuần tra chung ở Biển Đông vào tháng 1-2019. Ảnh: c7f.navy.mil Bài diễn văn khai đề năm nay của Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La tóm tắt lại lịch sử xung đột khu vực, là để “đưa ra một số quan điểm lịch sử về tình hình chiến lược hiện tại”. Ôn cố… Ông Lý điểm lại lịch sử từ những ngày đầu của thời thuộc địa tới tận gần đây, từ các cuộc tranh chấp Anh - Hà Lan ở vùng Indonesia, Malaysia 200 năm trước, cho tới cuộc đọ sức Nhật Bản - Hoa Kỳ hồi Thế chiến II, và cả trong chiến tranh lạnh, khi “Đông Nam Á một lần nữa ở tiền tuyến”. Đoạn lịch sử trên không mới, nhưng việc ông Lý nhắc tới chuyện đao binh ở Shangri-La năm nay là mới. Ông cũng không phải người duy nhất nhắc tới chiến tranh. Vấn đề ở chỗ hiện giờ, theo ông, “cách thức hai bên (Mỹ và Trung Quốc) giải quyết những căng thẳng và xích mích của họ sẽ xác định môi trường quốc tế trong nhiều thập kỷ tới”. Ông Lý mô tả Trung Quốc ngày nay: “Trung Quốc đã hoàn toàn thay đổi từ khi bắt đầu mở cửa 40 năm trước… Tăng trưởng của Trung Quốc làm thay đổi cán cân chiến lược và trọng tâm kinh tế của thế giới - và sự thay đổi này vẫn tiếp tục. Cả Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới đều phải thích nghi với thực tế mới này”. Thực tế mới đó chính là việc “Trung Quốc nay nhận ra rằng họ đang ở trong một tình huống hoàn toàn mới, được tạo ra bởi sự thành công của chính họ, và rằng họ không thể tiếp tục bị đối xử như trong quá khứ, khi Trung Quốc còn nhỏ và yếu hơn nhiều. Những báo trước về “thực tế mới” đó thì không mới. Năm 1973, Alain Peyrefitte, chính khách hiếm hoi của phương Tây chính thức sang Trung Quốc nghiên cứu về Cách mạng văn hóa, đã tiên đoán bằng cuốn sách biên khảo Khi Trung Quốc tỉnh giấc, cả thế giới sẽ run rẩy. Peyrefitte, người Pháp, nhận xét: “(Cái nhìn về) Trung Quốc ngày nay chỉ có ý nghĩa nếu đặt trong bối cảnh cái nhìn về Trung Quốc của ngày hôm qua”. “Ngày hôm qua” ấy có thể tạm hiểu là một Trung Quốc từ khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu tới khi nhà Thanh đánh mất, một giai đoạn kéo dài 2.000 năm với tâm trạng vừa tự tôn vừa tự ti, luôn nuôi mộng báo thù - cũng là chủ đề lặp đi lặp lại trong mọi cuốn phim dù là cổ trang hay hiện đại của Trung Quốc. Peyrefitte nhắc lại phát biểu của lãnh tụ Pháp Charles de Gaulle trong một cuộc họp hội đồng bộ trưởng, mà tác giả là thành viên: “Nếu cứ để Trung Quốc âm ỉ sau bức Trường Thành, Trung Quốc sẽ nổ tung… Hãy giúp họ mở cửa sổ ra”. Bằng vào lòng tin đó, de Gaulle đã thiết lập quan hệ chính thức Pháp - Trung Quốc ngay từ tháng 1-1964 để so sánh: phải 15 năm sau, tháng 1-1979, Mỹ mới lập quan hệ với Trung Quốc. Peyrefitte đặt câu hỏi với de Gaulle: “Tại sao Pháp lại đợi lâu vậy để thừa nhận một thực tế?” và de Gaulle trả lời: “Tại vì Pháp không độc lập” (sđd., trang 67). Nói cách khác, một khi đã “quen” trong một vùng ảnh hưởng rồi thì khó ra khỏi. Phải đợi đến khi de Gaulle - người chủ trương tách nước Pháp ra khỏi ảnh hưởng Mỹ - trở lại nắm quyền, nước Pháp mới công nhận Trung Quốc. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đòi hỏi nước này phải hành xử khác đi. Ảnh: The Economist …Tri tân Tới nay, sự phát triển của Trung Quốc vẫn thường bị nhìn nhận, thường là qua lăng kính của Mỹ, như một nguy cơ và thách thức, trong một suy nghĩ chỉ hai màu trắng - đen. Ở Shangri-La năm nay, ông Lý quả quyết sự phát triển đó là “một lợi ích to lớn cho chính Trung Quốc và thế giới”. Vế thứ nhất, “lợi ích cho chính Trung Quốc” có thể giải thích bằng ý de Gaulle nêu ở trên: “Hãy giúp họ mở cửa sổ”. Vế thứ nhì, “lợi ích cho thế giới” sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải “tự mở cửa sổ”. Song, Thủ tướng Singapore cũng nói rõ việc thừa nhận những “lợi ích của Trung Quốc” không có nghĩa là khấu đầu trước Trung Quốc. Ngược lại thì đúng hơn, khi ông nhắc ngay đến những nghĩa vụ của nước này: “Hưởng lợi lớn từ hệ thống quốc tế, Trung Quốc hiện có quyền lợi đáng kể trong việc duy trì hệ thống đó và làm cho nó hoạt động hiệu quả vì cộng đồng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng mạnh mẽ lên tiếng hỗ trợ toàn cầu hóa và dựa trên các quy tắc trật tự quốc tế. Giờ đây, Trung Quốc phải thuyết phục các nước khác thông qua hành động, không chỉ với lối tiếp cận mặc cả và giành lợi thế thương mại, mà thay vào đó phải là một cái nhìn giác ngộ và bao quát về lợi ích lâu dài của Trung Quốc”. Ông Lý, đại diện một đảo quốc 5 triệu dân, cũng không ngần ngại nói chuyện Trung Quốc 1,4 tỉ dân phải làm gì và tại sao, như đang ở một giảng đường đại học: “Lấy ví dụ, 18 năm trước, khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, thương mại hàng hóa của Trung Quốc chỉ chiếm 4% thương mại thế giới. Kể từ đó, tỉ phần của Trung Quốc đã tăng gần gấp ba, đạt 11,8%… Đó là lợi ích riêng của Trung Quốc. Thành ra, ngăn không cho khuôn khổ thương mại quốc tế tan vỡ, đồng thời thực hiện kịp thời các thay đổi mang lại tính tương hỗ lớn hơn và công bằng với các đối tác thương mại của mình chính là vì lợi ích của chính Trung Quốc”. Có thể thấy ông Lý đang giải thích giùm Tổng thống Mỹ Donald Trump lý do ông đòi xét lại thuế suất với Trung Quốc: các dòng thuế mà WTO ưu đãi Trung Quốc cách đây 18 năm là căn cứ trên sức nặng thương mại còn “nhẹ” của Trung Quốc lúc đó, nay Trung Quốc “nặng” quá rồi, ai “chấp xe, pháo, mã” mãi nổi! Để tránh binh đao Châu Á nay đang ở trong một tình thế đòi hỏi có một lựa chọn mới, theo ông Lý: “Trên thực tế, tất cả đồng minh Hoa Kỳ tại châu Á - bao gồm Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc - cũng như nhiều bạn bè và đối tác của họ, bao gồm cả Singapore, đều có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất… Tất cả đều hi vọng rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giải quyết được khác biệt. Họ muốn làm bạn với cả hai, để nuôi dưỡng mối quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ, trong khi đồng thời phát triển mối liên kết kinh doanh với Trung Quốc”. Chính vì sự chồng chéo trong lợi ích và quan hệ đó, “trong một cuộc chiến tranh lạnh mới, không thể có sự phân chia rõ ràng giữa bạn và thù. Cũng không thể tạo ra các khối hiệp ước NATO hoặc Warsaw nữa”. Ông Lý cũng nhận ra Trung Quốc không chỉ lớn mạnh về kinh tế: “Giờ đây, Trung Quốc là một cường quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới… Để bảo vệ lãnh thổ và tuyến đường thương mại của mình, việc Trung Quốc muốn phát triển các lực lượng vũ trang hiện đại, năng lực tốt và khao khát trở thành không chỉ là một sức mạnh lục địa, mà cả một cường quốc hàng hải, là điều tự nhiên”. Liệu ông Lý có quá ngả nghiêng không? Cũng khó nói, nhưng về cơ bản, nước chủ nhà vẫn nhắn nhủ Trung Quốc rằng quyền lực lớn thì trách nhiệm cũng phải lớn: “Để tăng ảnh hưởng quốc tế của mình, ngoài sức mạnh cứng, sức mạnh quân sự, Trung Quốc cần phải sử dụng sức mạnh này với sự kiềm chế và hợp pháp. Đôi khi “ma sát” sẽ phát sinh giữa Trung Quốc và các nước khác. Yêu sách hàng hải chồng chéo ở Biển Đông là một ví dụ. Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Trung Quốc nên làm như vậy qua ngoại giao và thỏa hiệp, hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời xem trọng các lợi ích cốt lõi và quyền của các quốc gia khác”. Rất tiếc, đó toàn là những khuyến cáo mà tới nay Trung Quốc vẫn cự tuyệt! Ông Lý cố gắng vẽ ra một tương lai khác của Trung Quốc, tươi sáng hơn, ít bóng mây chiến tranh hơn: “Theo thời gian, Trung Quốc sẽ xây dựng danh tiếng như một thế lực có trách nhiệm và không đáng sợ; Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy hỗ trợ một khu vực ổn định và hòa bình. Về lâu dài, điều này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ một môi trường quốc tế thuận lợi và thân thiện, tăng cường ảnh hưởng và vị thế của mình trên thế giới”. Vấn đề cuối cùng, tất nhiên, là Trung Quốc có muốn như vậy hay không?■ Vấn đề Biển Đông Diễn văn và trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Haji Mohamad Sabu nhắc tới một điểm nóng đặc biệt của khu vực: “Sự cạnh tranh ở Biển Đông đã phá vỡ một cách không thể phủ nhận hiện trạng khu vực và tạo ra một liên minh mới… Các vùng biển Đông Nam Á đã phải đối mặt với những thách thức nhiều mặt, từ các mối đe dọa truyền thống đến phi truyền thống trong phạm vi bờ biển và xa hơn nữa. Sự cạnh tranh của các cường quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông vì có nguy cơ lớn hơn đối với tàu hải quân và máy bay có thể gây ra xung đột lớn, kéo các quốc gia thành viên ASEAN vào đó”. Cụ thể, việc Trung Quốc gần đây đưa các tàu tuần duyên thường trực tới quanh bãi Luconia là một diễn tiến lớn trong các tranh chấp ở Biển Đông, đánh dấu sự mở rộng lần đầu tiên của việc tuần tra thường quy, có nghĩa là duy trì sự hiện diện liên tục trong một khu vực nhất định ở vùng biển đang do Malaysia kiểm soát. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành việc này từ năm 2012 quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, bãi cạn Scarborough và bãi cạn Thomas với các nước tranh chấp là Nhật Bản và Philippines. Trong trường hợp này, mục tiêu là Malaysia, một quốc gia mà Bắc Kinh đã duy trì mối quan hệ nồng ấm hơn nhiều. Trước câu hỏi trực diện của một phóng viên người Malaysia về vấn đề bãi cạn Luconia, Bộ trưởng Sabu nói: “Tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc lớn hơn các tàu chiến Malaysia. Làm sao chúng tôi rượt đuổi họ? Chúng tôi không thể chiến đấu với họ. Chúng tôi sẽ luôn nói chuyện với họ, bảo vệ bằng chính sách ngoại giao và tôn trọng chủ quyền của họ. Nếu họ gửi tới một tàu chiến thì Mỹ sẽ thách thức họ. Vì vậy, chúng ta phải tích cực bảo vệ biện pháp ngoại giao. Chúng ta phải cùng nhau nêu vấn đề đối thoại, nhiều lần - đây không phải là lần đầu tiên, lần thứ hai hoặc thứ ba - vì chúng ta muốn giữ hòa bình và trung lập ở khu vực này, đặc biệt là ở Biển Đông. Chúng tôi muốn nâng cấp và đối thoại, bảo vệ biện pháp ngoại giao và tôn trọng luật pháp - UNCLOS và mọi thứ phải được duy trì”. Ông cũng nhìn thẳng vào sự thật: “Khi người ta có quyền lực lớn, họ đến và đưa ra một bài phát biểu nói rằng họ tôn trọng chủ quyền, tôn trọng UNCLOS, tôn trọng COC. Nhưng hành vi của họ lại khác. Là các quốc gia nhỏ, đặc biệt là trong ASEAN, chúng ta phải đoàn kết với nhau để đối mặt vấn đề này”.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học hành, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ...
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.