Du lịch trong nước - mỏ vàng bị bỏ quên

(NGUỒN: SAIGONTOURIST) 17/04/2012 02:04 GMT+7

TTCT - Ở một đất nước vẫn được xem và tự nhận là một điểm đến du lịch có tiếng, thị trường du lịch trong nước đối với chính người Việt vẫn chỉ là một mỏ vàng bị bỏ quên...

Với hơn 87 triệu dân cùng khả năng chi trả cho dịch vụ du lịch tăng lên đáng kể theo sự phát triển của nền kinh tế, nhưng du lịch trong nước vẫn chỉ mang lại một đóng góp khiêm tốn cho GDP quốc gia.

Phóng to
Vịnh Hạ Long luôn là điểm đến ưu tiên, nhưng nhiều du khách vẫn e ngại vì giá tour còn quá đắt - Ảnh: Trần Thanh Sang

Chỉ nhìn vào các chương trình quảng cáo cũng có thể thấy thị trường du lịch nước ngoài được chú trọng cỡ nào. Nhờ sự “chống lưng” của các hãng hàng không, các tour du lịch nước ngoài được hỗ trợ tối đa.

Giảm trong nước, tăng đi nước ngoài

Theo một khảo sát được thực hiện vào năm ngoái của Saigontourist, chi tiêu ngoài tour (không tính giá tour) của khách Việt đi du lịch châu Âu và Mỹ rất cao, từ 40-120 triệu đồng/người, chủ yếu mua sắm hàng hiệu quần áo, túi xách, mắt kính, mỹ phẩm, giày dép, thuốc men... Còn đi chơi ở Úc thì dưới 50 triệu đồng và đi chơi ở các nước châu Á (ngoài Nhật Bản) chi tiêu từ 10-20 triệu đồng.

Ở thị trường trong nước, khách Việt chi tiêu rất thấp. Dù không thực hiện khảo sát nhưng đại diện Saigontourist khẳng định qua phản ảnh của hướng dẫn viên, trung bình mỗi khách chỉ bỏ ra vài trăm ngàn mua sản vật địa phương.

Theo ông Trần Văn Long - giám đốc Công ty du lịch Việt, mọi năm đến thời điểm này các chương trình tour trong nước phổ biến tung ra cho dịp lễ 30-4 đã được đăng ký gần hết, nhưng năm nay sức mua giảm mạnh. Trong khi đó số khách mua tour nước ngoài đi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Campuchia... cao gấp ba lần tour trong nước nhưng cơ bản đã bán xong.

Để kích cầu thị trường trong nước, công ty ông Long áp dụng một chương trình giảm giá lớn các tour có vé máy bay trong nước, như tour TP.HCM - Hà Nội (Hạ Long, Sa Pa) giá từ 11 triệu đồng/người xuống còn 9 triệu đồng; TP.HCM - Đà Nẵng giảm 3 triệu đồng, còn 6 triệu đồng... Đây là tín hiệu lạ trong kinh doanh du lịch, vì thông thường giá tour dịp lễ bao giờ cũng tăng cao.

Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist là một trong số ít công ty từ lâu đã tập trung phát triển cả ba thị trường du lịch, bao gồm khách quốc tế (inbound), khách đi nước ngoài (outbound) và khách trong nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Vinh, phó giám đốc Saigontourist, cho hay tăng trưởng khách trong nước đang chậm lại. Ngay như tour lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng cũng đang bán một cách rải rác, không dồn dập như các năm.

Năm ngoái, trong ba thị trường, khách đi nước ngoài của Saigontourist đem lại doanh thu lớn nhất (658 tỉ đồng) và mức tăng trưởng cao nhất (31%).

Cho đến nay đã có rất nhiều văn phòng đại diện của các cơ quan du lịch nước ngoài đặt trụ sở ở VN như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan... Các đơn vị này hằng năm đều tung ra những chương trình quảng bá tiếp thị điểm đến, khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách VN đi chơi nước ngoài. Hầu hết đều xem VN là thị trường trọng điểm, lượng khách tăng cao mỗi năm.

Ông Park Iearak, trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Hà Nội, cho biết đang xây dựng kế hoạch giới thiệu đến khách Việt các điểm đến đa dạng để khách có thể cảm nhận được trọn vẹn đất nước Hàn Quốc, chứ trước đây chỉ giới hạn một số tour tiêu biểu. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các hãng lữ hành VN trong việc quảng cáo, in ấn tờ rơi..., đồng thời lập cả một website cung cấp thông tin du lịch Hàn Quốc cho khách VN.

Do đó, ông Park tự tin cho rằng lượng khách Việt đến Hàn Quốc năm nay sẽ tăng lên 120.000 lượt, từ 105.000 lượt của năm trước.

Danh tiếng về ham thích đi du lịch và chịu chi tiêu của người Việt đã lan sang đến tận Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, đến mức gần đây các nước này đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến và mời khách VN sang mục sở thị sự hấp dẫn của đất nước họ.

Vào thời điểm còn gần bảy tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 nhưng các công ty du lịch cho biết nhiều tour đi nước ngoài trong dịp lễ này đã hết từ cách đó vài tuần. Các công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Fiditour, TST... cho biết các tour du lịch Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Thượng Hải... với giá trung bình từ 6,3 triệu đồng đến hơn 12 triệu đồng/khách, tour đi châu Âu (Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan) gần 100 triệu đồng/khách, tour đi Úc với 70 triệu đồng/khách... đã không còn nhận khách.

Lo ngoại, bỏ nội

Số liệu khách đi du lịch nước ngoài (outbound) năm 2011 của một số công ty du lịch:

1. Vietravel: khách outbound đạt 104.000 lượt, tăng 13% so với năm 2010 (doanh thu 1.400 tỉ đồng); khách trong nước đạt 160.000 lượt, tăng 4% (doanh thu 375 tỉ đồng).

2. Saigontourist: khách outbound 42.000 lượt, tăng 9% (doanh thu 658 tỉ đồng); khách trong nước 146.400 lượt, tăng 7% (520 tỉ đồng).

3. Du lịch Việt: khách outbound 13.000 lượt, tăng 20%; khách trong nước 30.000 lượt, tăng 15%.

4. Lửa Việt: khách outbound khoảng 5.000 lượt, tăng 20%; khách trong nước 15.000 lượt, tăng 15%.

Có nhiều nguyên nhân khiến người Việt mỗi năm đi du lịch nước ngoài càng đông, trong đó có cạnh tranh giá cả khi các tour trong nước trở nên đắt đỏ so với tour nước ngoài. Anh Trần Nhựt Anh (Q.6, TP.HCM) cùng bạn vừa đi du lịch Malaysia hồi cuối tháng 1-2012, chuyến đi ba ngày hai đêm ở khách sạn 4 sao tại thủ đô Kuala Lumpur hết khoảng 10 triệu đồng kể cả tiền vé máy bay và ăn ở cho hai người.

Giải thích lý do tại sao không đi tour trong nước, anh cho biết: “Chỉ riêng vé máy bay để ra đến Hà Nội cho hai người cũng đã gần 6 triệu đồng nên chúng tôi không chọn”.

Không chỉ du khách phía Nam ngại mua tour ra phía Bắc mà ngay cả du khách phía Bắc cũng không mặn mà với việc mua tour du lịch vào Nam. Theo bà Nguyễn Lê Hương - phó tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Bắc Công ty du lịch Vietravel, ngay cả khi có đường bay thẳng Hà Nội - Cần Thơ, lượng khách mua tour tham quan các tỉnh ĐBSCL cũng không đáng kể. “Có thể do giá vé máy bay còn cao nên nhiều du khách phía Bắc ngại chọn các tour này. Họ chủ yếu vẫn chọn các tỉnh gần để du lịch, cùng lắm vào đến Huế, Đà Nẵng, Hội An” - bà Hương nói.

Nghịch lý về giá tour là điều đầu tiên khiến nhiều du khách Việt chọn đi nước ngoài thay vì đi tour trong nước. Giá tour du lịch trong nước mà một công ty du lịch lớn tại TP.HCM đưa ra cho sáu ngày du lịch phía Bắc là 11,69 triệu đồng (đã giảm 2 triệu đồng) ở khách sạn 3-4 sao, tour Đà Nẵng - Huế - Hội An năm ngày cũng nghỉ ở khách sạn 3-4 sao là 7,09 triệu đồng (đã giảm 2,2 triệu đồng), trong khi cũng chính công ty này bán tour đi Thái Lan (Bangkok - Pattaya) sáu ngày ở khách sạn 4 sao chỉ có 5,8 triệu đồng.

Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu ngành du lịch tập trung đầu tư cho các chương trình kích cầu. Năm 2009, Tổng cục Du lịch đã có một chương trình kích cầu, bước đầu có hiệu quả bằng cách kết hợp hãng hàng không giảm giá vé, kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ kềm giữ giá... Nhưng những năm sau đó chương trình này không được tiếp tục.

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA), cho biết: khi báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành cho biết các tour từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc giảm, HTA đã lập tức lên kế hoạch kết hợp với hàng không giảm giá vé, liên hệ trực tiếp với các điểm đến, cơ sở lưu trú, ăn uống... đưa ra mức giá phù hợp nhằm thu hút khách trong nước. “Trước mắt chúng tôi muốn thúc đẩy các tour đường dài tới miền Trung, miền Bắc đi bằng máy bay, sau sẽ bàn đến giá vận chuyển tàu xe. Kế hoạch bắt đầu thực hiện từ tháng 4 đến hết năm và dự kiến duy trì hằng năm” - bà Khánh nói.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng một hiệp hội địa phương như HTA trong quá trình kéo giảm giá tour là chưa đủ và không thể nào đủ. Theo ông Phan Đình Huê - giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, để khuyến khích khách Việt đi tour trong nước cũng cần có một chiến lược dài hơi như đối với khách quốc tế.

Ngành du lịch cứ vài năm một lần tổ chức thi tìm kiếm khẩu hiệu và biểu tượng của du lịch VN, nhưng không hề đả động đến một chương trình quảng bá nào đó cho chính người dân nước mình. Nhiệm vụ này được đẩy cho từng doanh nghiệp đơn lẻ.

“Có thể nói, ngành du lịch VN đang hoàn toàn bỏ rơi thị trường trong nước gần 90 triệu khách hàng cho nước ngoài mà chỉ chú trọng đến thu hút khách quốc tế. Các chuyến bay từ VN đến Thái Lan dày đặc, cửa khẩu Mộc Bài sáng nào cũng ken cứng khách Việt qua Campuchia, nhưng nhiều điểm đến trong nước vẫn rất vắng khách Việt” - ông Huê nhấn mạnh.

Phóng to
Khách trong Nam rất thích những điểm đến Tây Bắc như chợ ngựa Bắc Hà này song vẫn ngại vì giá tour trong nước trở nên đắt đỏ - Ảnh: Cấm Thủy

Thiếu đầu tư

“Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao đắt tiền rào kín các bãi biển đẹp ở miền Trung để chào đón khách quốc tế hoặc số ít nhà giàu trong nước. Có khu nghỉ dưỡng mỗi năm chỉ kinh doanh vài tháng mùa cao điểm phục vụ khách quốc tế rồi nghỉ ngơi. Trong khi đó người dân VN trung lưu hoặc nghèo phải chấp nhận ở những khách sạn nhỏ hơn nằm khuất bên trong, không tiếp cận trực tiếp với bãi biển. Với khoản tiền như vậy, họ có thể ra nước ngoài ở những khách sạn hạng sang và được coi trọng. Điều này thể hiện chiến lược đầu tư du lịch không có tầm nhìn” - ông Huê nói thêm.

Theo ông Trần Văn Long, không chỉ khách quốc tế không biết mua gì khi đến VN mà ngay cả khách VN cũng chẳng tiêu được nhiều tiền khi đi du lịch trong nước vì thiếu sản phẩm du lịch, không có những điểm vui chơi giải trí phù hợp. Vào buổi tối, cánh đàn ông tụ tập đi nhậu, phụ nữ ngồi ăn các quán vỉa hè hoặc hát karaoke... Các ấn phẩm giới thiệu điểm đến cho riêng khách Việt cũng nghèo nàn, đơn điệu; website tư vấn du lịch phần lớn do các công ty du lịch tự làm, mọi chuyện “trên trời dưới đất” đều nghe qua hướng dẫn viên.

“Nếu tình hình đầu tư cho du lịch trong nước như thế này kéo dài, chúng ta sẽ đẩy khách Việt đi nước ngoài và dần mất thị trường. Trong khi đây là thị trường có nguồn thu ổn định và đầy tiềm năng” - ông Long bình luận.

Còn ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), khẳng định chất lượng dịch vụ ngày càng thấp, giá bán vé tại các khu vui chơi giải trí cũng tiếp tục tăng... là nguyên nhân khách Việt chẳng thiết đi du lịch trong nước.

Năm 2009, khi nguồn khách du lịch nước ngoài đến VN tụt giảm đáng kể do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thì lần đầu tiên du lịch trong nước trở thành cứu tinh cho cả ngành. Lượng khách trong nước từ 18 triệu lượt khách (năm 2008) tăng lên hơn 24 triệu lượt khách, doanh thu cả ngành ước đạt 70.000 tỉ đồng.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh nhớ lại vào thời điểm đó, sở cùng các doanh nghiệp lữ hành gửi đi hơn 350 công văn đến các địa phương là điểm đến du lịch đề nghị các khách sạn, khu nghỉ mát, đơn vị vận chuyển, nhà hàng... giảm giá từ 20-30%. Vietnam Airlines (VNA) chủ động giảm thêm 50-55% giá vé máy bay, giúp giá tour du lịch trong nước giảm từ 35-40%.

Ông Trần Thế Dũng, khi đó là phó trưởng nhóm kích cầu giảm giá, kể lại khách đăng ký mua tour rất hào hứng. Các công ty du lịch thiết kế lại gói tour, đề nghị Tổng cục Du lịch xác nhận để được tham gia chương trình. TP.HCM làm ráo riết, các công ty lữ hành phía Bắc cũng noi gương. Nhưng bây giờ, giá vé máy bay lại tăng, vé vào các điểm tham quan du lịch cũng tăng, giá phòng tăng theo... làm giá tour trong nước lên cao ngất ngưởng.

Gần đây văn phòng miền Nam VNA đề nghị giảm 40% giá vé máy bay trong nước cho các công ty lữ hành để kích cầu du lịch trong nước nhưng phản hồi từ các công ty du lịch khá lạnh nhạt. Phó giám đốc một công ty lữ hành cho biết ông vẫn có thể mua được vé máy bay khứ hồi từ TP.HCM ra Hà Nội trước ngày bay 10 ngày với giá khoảng 3,7 triệu đồng, trong khi để nhận được vé giảm 40% của VNA công ty phải đăng ký trước một tháng, trả 50% tiền vé... quá nhiêu khê.

Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, khẳng định phát triển du lịch trong nước là yếu tố sống còn và là cơ sở nền tảng để phát triển du lịch. Một đất nước hơn 87 triệu dân mà chỉ có 30 triệu lượt du khách trong nước thì chưa xứng với tiềm năng. “Du lịch trong nước VN chưa phát triển được là do không có một “nhạc trưởng” điều hành phối hợp giữa các nhà vận chuyển, dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi... để có một sản phẩm giá cả hợp lý và chất lượng tốt” - ông Bình kết luận.

Ngày hội du lịch TP.HCM:

Kích cầu du lịch

76 đơn vị gồm doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các điểm tham quan, đơn vị vận chuyển, trường nghiệp vụ du lịch, các đơn vị dịch vụ đạt chuẩn, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch các địa phương... tham gia Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 8-2012 (từ ngày 12 đến 15-4) do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, Hiệp hội Du lịch TP, báo Tuổi Trẻ... tổ chức.

Ngày hội du lịch giới thiệu, chào bán các chương trình tour khuyến mãi, các dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong liên hoan “Sắc màu lễ hội Việt Nam” - điểm nhấn của ngày hội - giới thiệu các lễ hội độc đáo, ấn tượng của nhiều dân tộc.

Năm nay, ngày hội tập trung cho mục tiêu kích cầu du lịch trong nước, tạo sự liên kết, phát huy thế mạnh của ngành du lịch, quảng bá du lịch VN. Do vậy, sẽ hình thành các siêu thị tour du lịch giá rẻ bán cho khách hàng ngay tại sự kiện...

__________

“Đầu tư cho du lịch trong nước những năm qua, phía Nhà nước gần như chẳng có gì. Một số doanh nghiệp có đầu tư bài bản vào việc này nhưng không phổ biến” - TS Phạm Trung Lương, viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, trao đổi với TTCT và cho rằng chỉ khi những người có thẩm quyền nhận thức đầy đủ và thể hiện bằng hành động thì mới có những thay đổi căn bản làm nền tảng để phát triển du lịch trong nước trong tương lai.

Phóng to
Lượng khách du lịch trong nước đầy tiềm năng, đa số là người trẻ vẫn chưa được chú ý và chăm sóc đúng mức - Ảnh: T.T.D.

Theo ông Lương, sản phẩm du lịch của VN khá đa dạng, có thể đáp ứng từ nhu cầu bình dân, đại chúng đến nhóm khách cao cấp, vì vậy khách du lịch trong nước của VN có nhiều lựa chọn. Nhưng nếu cho rằng người dân VN thu nhập ngày càng cao nên đi du lịch trong nước nhiều hơn là chưa chính xác.

Nhìn một cách khoa học, con số 30 triệu lượt du khách trong nước đã đi du lịch chưa thật sự chính xác. Luật du lịch quy định khách được xem như khách du lịch khi có lưu trú khách sạn, nhà nghỉ nhưng cách thống kê của ta thì khách đi chùa, tham gia các lễ hội, vào khu du lịch, tham quan... cũng được thống kê là khách du lịch.

* Nghĩa là công tác thống kê du lịch của VN có vấn đề?

- Thực tế khách du lịch trong nước vẫn tăng nhưng chỉ tăng ở một mức độ thấp mà ta cũng chưa ước lượng được cụ thể. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch VN, Tổng cục Du lịch đang yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch, trong đó có thống kê theo tài khoản vệ tinh để từ đó có được các con số thống kê chính xác. Từ đây đưa ra các chính sách, chỉ đạo, xúc tiến quảng bá... phù hợp hơn.

Phóng to
TS Phạm Trung Lương - Ảnh: Minh Đức

Thống kê theo tài khoản vệ tinh là hình thức thống kê theo thông lệ quốc tế trong du lịch, trong đó đưa ra các tiêu chí thống kê rõ ràng, đầy đủ dưới mọi góc độ. Cách thống kê này với các nước trên thế giới không mới nhưng VN chưa từng áp dụng bởi luật thống kê của mình có nhiều điều chưa phù hợp. Cách thức thống kê theo tài khoản quốc gia của VN chưa chuẩn.

Chẳng hạn, cho đến thời điểm này doanh thu du lịch chỉ được tính từ dịch vụ lữ hành, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ mát và những nguồn thu khác như ăn uống, dịch vụ... trong khách sạn, các nguồn thu khác chưa được tính. Điều này là bất hợp lý vì về bản chất, khách du lịch chi tiêu bất cứ loại hình gì trong thời gian đi du lịch thì đều phải được tính là doanh thu du lịch.

Chẳng hạn trong thời gian đi thăm Huế khách có dùng đến taxi để tham quan, chúng ta cũng thu thuế hãng taxi... nên vẫn phải tính là thu nhập từ du lịch đem lại.

* Như vậy thực tế doanh thu từ du lịch mang lại cho nền kinh tế này còn lớn hơn cả con số 110.000 tỉ đồng báo cáo trong năm 2011?

- Tôi cho là vậy. Con số này thực tế sẽ còn lớn hơn nhiều lần, tỉ lệ đóng góp của du lịch trong GDP cũng lớn hơn con số thống kê hiện nay. Khi áp dụng thống kê theo tài khoản vệ tinh, Tổng cục Thống kê cũng được mời vào cùng soạn thảo để dần dần thay đổi tài khoản quốc gia đứng theo góc độ du lịch.

Tôi hi vọng một khi các lãnh đạo có thẩm quyền nhìn thấy được thực chất vai trò và vị trí của ngành du lịch trong tổng quan nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ, giúp cho ngành du lịch phát triển sẽ thay đổi theo.

Phóng to
Nhiều du khách cho rằng chất lượng dịch vụ họ được hưởng chưa xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra - Ảnh: Thanh Đạm

* Điều gì đã cản trở sự phát triển du lịch trong nước thời gian qua?

- Dòng khách du lịch trong nước không phát triển được là do các yếu tố liên ngành và giá (chủ yếu là giá vận chuyển quá cao), khiến giá tour trong nước của VN cũng thành quá cao, lượng khách đi từ miền này sang miền khác ít vì khó khăn, chi phí đắt đỏ.

Một thực tế đáng buồn là với chi phí tương đương, nếu đi du lịch nước ngoài thì tour sẽ chất lượng hơn. Một yếu tố khác làm kìm hãm sự phát triển của du lịch trong nước là sản phẩm du lịch tuy đa dạng nhưng chất lượng chưa cao. Du khách thấy rằng chất lượng dịch vụ họ được hưởng chưa xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra...

Vấn đề là khi tất cả những hạn chế này rất nặng nề đối với du lịch VN thì các nước láng giềng lại đã giải quyết rất tốt. Cho nên, ngoài việc thu hút khách quốc tế thì khách trong nước của họ cũng tăng vì chất lượng dịch vụ du lịch của họ tốt. Cách điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, giá cả trong du lịch lại hợp lý, môi trường cạnh tranh rất dữ dội.

Tôi thấy ngay cả trong mùa cao điểm các phương tiện vận chuyển còn hạ giá để khuyến khích và tăng lượng người dân đi lại, thay vì thu được 1 đồng/khách thì họ hạ giá xuống 0,75 đồng, đổi lại có hai khách đi, họ lấy được 1,5 đồng...

Phóng to
Nguồn: Tổng cục Thống kê

* Ông thấy đầu tư cho du lịch trong nước những năm qua thế nào?

- Phía Nhà nước gần như chẳng có gì. Hầu hết doanh nghiệp chưa đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, chẳng hạn trước khi tung ra sản phẩm mới, tiến hành khảo sát khách hàng trẻ, già, thu nhập thấp, cao, phụ nữ, thanh niên... xem thật sự họ cần gì ở tour này, dịch vụ như thế nào thì hợp lý, giá cả ra sao... Rồi có kế hoạch tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đưa ra điểm khác biệt để thu hút du khách...

Điều cơ bản là giá tour của VN quá cao, khả năng liên kết, giảm giá giữa các đối tượng liên quan gần như không có hoặc có thì hoàn toàn không tự nguyện, ai cũng khư khư giữ cho nồi cơm của mình nên rất khó kêu gọi họ san sẻ, giảm giá.

Có ba điểm cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước để có thể phát triển du lịch trong nước: đầu tư cho xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách, của thị trường khách du lịch cao cấp. Hạ tầng cơ sở ở các điểm đến du lịch trọng điểm cũng phải được đầu tư sâu nhằm nâng cấp vị thế của chúng.

Chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm túc về phát triển du lịch trong nước. Để có thể tạo điều kiện cho du lịch trong nước phát triển, khai thác “mỏ vàng” này lâu dài, bền vững thì phải giải quyết ngay những hạn chế của ngành. Những người quản lý, có thẩm quyền có nhận thức đầy đủ đến mức thay đổi hành vi của họ trong việc điều chỉnh chính sách hay không mới là điều quan trọng.

Họ phải nhận thức thật sự và thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng lời nói hoa mỹ thì mới có những thay đổi căn bản làm nền tảng để phát triển du lịch trong nước trong tương lai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận