TTCT - Thông thường, lễ hội truyền thống gắn liền với một di tích hay một danh lam thắng cảnh cụ thể nào đó. Vì dân số gia tăng nên người ta phải mở rộng mặt bằng và không gian thực thể cho lễ hội.

Phóng to

Nhưng không phải danh lam thắng cảnh nào cũng có điều kiện mở rộng mặt bằng như Yên Tử hay Hương Sơn, nên tình trạng quá tải là điều tất yếu phải xảy ra. Giờ đây giới trẻ đi chùa và lễ hội nhiều hơn người già. Chùa chiền dường như dành cho thanh niên đi picnic và phục vụ nhu cầu tâm linh theo hiệu ứng tâm lý đám đông. Ngoài việc tăng thêm các khu vui chơi giải trí, làm sao để góp phần giảm tải cho các khu lễ hội?

Tách hàng quán khỏi khu lễ hội

Vừa rồi chúng tôi đến Côn Sơn thấy buồn vô cùng khi các hàng quán “ngự trị” trọn trong khuôn viên có hàng thông cao vút vốn là một điểm nhấn về cảnh quan ở ngay trước cổng đền. Tại sao ta không bố trí khu vực riêng dành cho hàng quán ở một nơi nào gần đấy để trả lại tính chất thiêng liêng cho khu di tích?

Ở nước ngoài, khi có đông khách thăm viếng khu di tích nào đó, người ta sẽ phân luồng dòng khách đi theo hai cửa vào và ra, với sự trợ giúp của hàng rào di động và nhân viên bảo vệ. Thậm chí, khách tham quan cũng được nhắc nhở về khoảng thời gian được phép lưu lại trong không gian di tích. Giả sử, ở lễ hội đền Trần, ban tổ chức bố trí cho khách vào 75 bàn phát ấn cũng theo luồng vào - ra rõ ràng như vậy có được không? Tất nhiên sẽ mất thêm thời gian và công sức bảo vệ, nhưng rất có thể sẽ giảm được sự chen lấn xô đẩy, mất trật tự như ta đã thấy.

Thật ra bản chất vấn đề lộn xộn lễ hội hiện nay là mối tư lợi mà cả người tổ chức lẫn người tham gia theo đuổi. Đó có thể là mối lợi về vật chất hay về tâm linh, tinh thần. Nếu chúng ta quá đà vào bất kỳ phương diện nào đấy thì hậu quả sẽ lộn xộn.

Do vậy cần và rất cần có văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội. Văn hóa đó phải được gieo trồng vào tận tâm thức người dân thì mới giải quyết triệt để vấn nạn lễ hội. Nếu bây giờ ta làm một cuộc phỏng vấn nhanh người đi lễ, nhất là thanh niên, về chính lễ hội họ đang tham gia, về lịch sử khu di tích hay về ý nghĩa của những nghi lễ như thắp hương, dâng sớ, lễ vật... tôi cầm chắc nhiều người có hiểu biết khá lờ mờ. Nếu người nào hiểu được bản chất của vàng mã thì chắc chắn họ sẽ không đốt nữa hay chí ít cũng đốt bớt đi.

Ở khía cạnh này, vai trò của các phương tiện truyền thông rất quan trọng, nhưng đồng thời đừng nên quên vai trò của nhà trường và của các nhà hoạt động tôn giáo. Kiến thức về truyền thông văn hóa sẽ nằm trong tiềm thức của con trẻ để định hướng chúng trong hành vi ứng xử với di sản ông cha để lại thế nào.

Đừng nên “bóc lột” di sản

Nếu người ta hiểu rằng khi công đức vào chùa là mình đang thực hiện hạnh “bố thí” - biết chia sẻ - để tạo nghiệp thiện thì người ta sẽ không nhét tiền vào tay tượng để cầu mong được đáp trả một cái gì đó có lợi. Tôi thấy chỉ nên đặt hòm công đức ở một vài nơi nào đó, cách xa bàn thờ, đừng để tràn lan như hiện nay, gây phản cảm và lộn xộn. Cần thiết thì mỗi nơi chỉ cần một hòm công đức thật to là đủ.

Xã hội hóa lễ hội là một chủ trương đúng và cần thiết. Thật ra lễ hội là nhu cầu của chính người dân và cũng chính người dân là chủ thể thực hiện (trừ loại lễ hội mới tạo dựng hay mới sáng tác). Theo tôi, vai trò của người dân địa phương rất lớn.

Vấn đề là phải hướng họ, nhất là ban tổ chức, đi theo “luồng lạch” tiến bộ. Không phủ nhận là một số lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch, có khả năng đem lại nguồn thu cho địa phương hay tạo công ăn việc làm cho dân sở tại, nhưng ngày nay thế giới đang nói nhiều đến du lịch bền vững. Nếu chỉ khai thác, “bóc lột”, vắt kiệt di sản thì di sản làm sao còn là “con ngỗng đẻ trứng vàng” được?

Vừa rồi chúng tôi về đền Kiếp Bạc, mấy anh bạn nước ngoài của tôi rất ấn tượng khi các cụ trong ban tổ chức mặc áo the khăn xếp hẳn hoi, cầm loa chỉ huy, cấm những người đánh bạc, xóc đĩa, bán vàng hương, xóc thẻ lảng vảng trong khu vực sân trong của đền, khiến khu vực đó rất thông thoáng. Các anh ấy nói từ giờ không dám đi chùa Hương vào mùa hội nữa vì sợ chen lấn xô đẩy quá. Tôi chạnh buồn, vì đâu chỉ có chùa Hương!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận