​Giận và thương

TRÂM OANH 09/08/2015 17:08 GMT+7

Ừ, nhà mụ có dông bão gì đâu, chỉ có những cơn điên bất chợt thế, toàn chuyện vặt vãnh mà nguyên nhân từ khó khăn, nghèo khổ mà ra.

Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần

Buổi sáng chủ nhật, hắn thức dậy lúc sáu giờ ba mươi phút. Thằng con trai hơn ba tuổi trườn vào giường rúc cái đầu nhỏ xíu, tròn vo và chua chua vào mũi hắn: “Hôm nay chở con đi chơi nha ba!”. Chơi bời gì, khổ thấy mẹ mà còn ham chơi, ý nghĩ khổ vẫn hay thống trị suy nghĩ hắn thế, còn tay hắn thì xoa xoa lưng thằng con ý muốn làm dịu cái ham muốn không nên có của nó.

Rồi hắn mở mắt tỉnh hẳn, à hôm nay là chủ nhật, hôm nay hắn không có phiên trực, ý tưởng của thằng con trai cũng hay hay, hay là thiết kế một chương trình gì đó khác đi chuỗi chương trình nhàm chán mà tiểu gia đình hắn vẫn áp dụng. Đi ăn sáng chẳng hạn, ăn “cơm gà” hoài chán ngắt, bởi cơm gà nhà hắn là cơm nguội người ta đổ cho gà ăn nhưng mình dùng, gọi thế cho oai, cho đỡ tủi.

Cũng phải, hai vợ chồng làm công bình thường, ở nhà mướn, nuôi thằng con bệnh tật triền miên rồi còn đi học, có “cơm gà” ăn là may lắm rồi.

Hôm qua hắn nhận bốc dỡ hàng cho chuyến xe tải cuối về công ty. Lúc ấy tối mờ tối mịt rồi, trời lại mưa lâm râm lành lạnh. Ba trăm ngàn là cái giá đưa ra cho một xe tải loại nhỏ chứa đầy những thùng cactông nặng như đựng đá.

Không ai làm thì hắn “cà lảm”. Đúng mười giờ đêm ba trăm ngàn đồng đã xúng xính trong túi quần sau của hắn làm cho cái đít lép kênh kênh. Hắn có cơ sở để thực hiện cái dự định tốt đẹp cho vợ, cho con đây rồi. Mụ vợ hắn, công nhân may suốt ngày ép xác tăng ca trong nhà xưởng, ốm tong teo, cao nhẳng như cây lúa cời, quen với cơm công ty và “cơm gà” ở nhà.

Không như hắn còn biết đến miếng ngon khi tụ tập nhậu nhẹt hay đi đám này đám kia. Còn thằng con hắn cũng đã sợ cháo nhà trẻ, cơm nhà trẻ lắm rồi, hôm nay dứt khoát hắn phải cải thiện cuộc sống cho hai con người này, đó là bổn phận, là trách nhiệm của hắn.

Hắn bước ra giữa nhà, người vẫn còn mệt mỏi nhưng giọng thì dõng dạc lắm: “Bữa nay cả nhà đi ăn sáng, cho hai mẹ con tự chọn”. Thằng con nhảy cẫng lên: “Bánh canh, bánh canh!”. Hắn cười hiền, âu yếm: “Chuyện nhỏ, chuẩn bị đi nha không lát nữa nắng!”.

Là hắn bỗng dưng yếu đuối sợ nắng sợ gió thế chứ thằng con hắn, mụ vợ hắn và cả hắn nữa thường ngày vẫn phơi nắng chang chang mà có sao. Nhưng hôm nay phải gầy dựng một nếp sống mới!

Mụ vợ tròn mắt: “Điên à, tiền học cho con chưa đóng!”. Mụ này vẫn có thói quen thế, nói với chồng bao giờ cũng phủ đầu hỏi chuyện điên trước, ngay cả khi mụ âu yếm tình tứ cũng thế, kệ mụ, đó là quyền của mụ. Hắn không thèm trả lời, chỉ cười cười độ lượng kiểu không thèm chấp vụn vặt đàn bà.

“Hay trúng mánh, trúng số?”. Chả trúng gì cả, làm thằng đàn ông thì phải lo cho vợ, cho con, thế thôi. Hắn học giọng của tay trưởng nhóm bảo vệ nhưng trưởng nhóm còn có tiền “đi đêm”, còn hắn có cái khỉ khô gì ngoài đồng lương bèo.

Mụ vợ vẫn chưa hết ngạc nhiên còn nói giọng mỉa: “Tui ăn hai tô à nha!”. Đồ tham ăn, người teo quắt, cái bao tử chắc chỉ lớn bằng cái nắm đấm mà đòi nhồi hai tô. Hắn lườm yêu mụ vợ một cái thật dài: “Đủ sức không?” rồi lẳng lặng đi vệ sinh cá nhân, mặc bộ đồ bảnh nhất, dẫn xe máy ra ngoài. Mụ vợ sau một hồi nghi ngờ thấy hắn có vẻ cương quyết thì hối thúc thằng con mặc đồ đẹp, nai nịt nhanh gọn như con nhà binh, khóa cửa cẩn thận rồi cung cúc bước ra sau.

Hắn cầm lái, cái xe cánh én màu xanh còm cõi với hai tay lái cong cong như cánh én bay lên chạy loằng ngoằng trong con hẻm dài loằng ngoằng. Thằng con ngồi giữa vừa hát vừa nói nhấm nhẳng, ngọng nghịu: “Buổi sáng em chào mẹ, chạy tới ôm cổ cô, buổi chiều em chào cô để ùa vào lòng mẹ...”. Chao ôi là yêu, thằng này cũng có tâm hồn ghê!

Hôm nay hắn hơi run tay, xém đụng bà già từ trong nhà xô ra; lại thêm một con choai choai tóc sợi mì tôm xanh đỏ chạy trong hẻm mà lao như đánh bom tự sát; hú vía, hắn thắng gấp rồi lại rồ ga vọt lên, có loạng choạng đấy nhưng quyết liệt như xung trận. Có thể nguyên nhân là do hôm nay hắn làm một việc quan trọng quá, cũng có thể hôm qua hắn làm việc quá sức, mà cũng có thể do cả hai.

Mụ vợ phía sau tay vẫn ôm cứng cái eo còm của hắn, miệng gào lên: “Ông định giết mẹ con tui à?”. Vợ chồng hắn vẫn quen gọi nhau bằng ông bà như thế dù tuổi mới chớm băm, cũng là cách gọi yêu chứ gọi anh em bây giờ thấy ngượng miệng. Hắn cười nhẹ nhàng, tình tứ, cái đầu tóc xù ghếch ra sau cụng cụng vào cái đầu đang chồm lên trước của mụ vợ: “Giết mẹ con bà tui ở với ai?” và ngay lập tức nhận một cái nhéo yêu vào sườn.

Đến ngã tư, hắn thấy đèn xanh bật lên nhưng cái đám người vẫn lố nhố phía trước, thời buổi công nghiệp mà sao vẫn còn những con người chậm chạp, lề mề đến thế. Thiên hạ chạy tay ga, nhích tay vặn là phóng cái vèo, còn hắn chạy cánh én, chở ba, dừng phải lấy trớn lại là căng.

“Đèn xanh hay đèn đỏ?”, hắn thét hỏi vợ mặc dù hắn không bị loạn thị hay mù màu. Thì cũng phải tạo cơ hội cho mụ vợ có trách nhiệm đối với cái việc trọng đại trong ngày hôm nay của gia đình hắn chớ. “Xanh”, mụ vợ cũng gào lên nửa như reo hò át hẳn mớ âm thanh hỗn tạp và inh ỏi. Hắn thấy rõ trong bụng ba con người còi cọc nhà hắn đang tưng bừng như lân nghe tiếng pháo.

Hết ngã tư, hắn chạy từ tốn, vẻ kiêu kiêu, ta đây cũng có khả năng lo cho vợ, cho con, cải thiện cuộc sống gia đình chứ bộ. Rồi cũng phải có ngày hắn sẽ khá lên: hắn lên chức tổ trưởng tổ bảo vệ, làm chuyền trưởng, lên quản đốc, phải từ từ, từ từ; thiên hạ khối anh từ lái xe, bảo vệ mà leo lên bậc sếp đáng kính đó sao, hắn cũng trình độ hết phổ thông chớ bộ.

Mà không leo trèo con đường công danh thì hắn sẽ gặp một dịp may nào đó, trúng số chẳng hạn, hay gặp một người tốt giúp đỡ; “có đức mặc sức mà ăn”, các cụ dạy thế, hắn thì đức độ tuyệt vời rồi.

Ôi, đời mà, cứ khỏe mạnh vầy rồi từ từ đợi, từ từ tính. Nghĩ đến đấy, hắn nhằm thẳng quán bánh canh nằm trên con đường hắn vẫn chở con đi học mà tiến tới. Thằng nhỏ cũng mấy lần được mẹ chở đến ăn rồi, tô nhỏ thôi tránh lãng phí nên khoái món này lắm.

Quán lúc ấy đã đông người. Cả nhà hắn chọn một bàn trong góc khuất. Ngồi trong này cho chắc ăn, chễm chệ bảnh chọe ra ngoài kia lỡ gặp người quen thì xấu số. Bà chủ quán dướn cổ hướng ánh mắt vào hắn ý hỏi nhu cầu bao nhiêu, hắn giơ bốn ngón tay lên cao ngoe ngoe. Thì quán này đâu có món gì khác ngoài bánh canh. Mỗi người một tô, tô còn lại hai vợ chồng hắn sẽ “cưa đôi” cho đã đời một bữa. Đời người có mấy gang tay...

Hai cánh mũi hắn phập phồng, hắn nhìn sang thằng con, nó vẫn líu lo, cái mũi thì nở ra thấy rõ rồi. Còn mụ vợ hắn duyên dáng và đáng yêu là, đôi mắt mụ long lanh mà hình như còn ươn ướt. Mụ so đũa, lau muỗng, lấy khăn giấy chia cho từng người, lóng ngóng, ngượng ngập nhưng yêu yêu là. Hắn dặn lòng sẽ duy trì nếp cải thiện cuộc sống này, không duy trì sao được, nhìn con, nhìn vợ sung sướng, hạnh phúc thế...

Lúc phục vụ bê bốn tô bánh canh tới, hắn trịnh trọng phân bổ cho từng người, tô dư để ra một bên giao hẹn rõ thằng con nếu ăn giỏi thì thưởng thêm. Khuyến khích vậy chứ sức nó ăn hết tô là muốn xỉu rồi. Cả nhà chuẩn bị bước vào trận đánh... chén.

Đúng lúc ấy, chẳng hiểu thằng con lóng ngóng thế nào đánh đổ tô bánh canh cái ào. Nước lèo nóng chảy ròng ròng, bánh canh thì nhểu nhảo sợi ngắn sợi dài lênh láng trên mặt bàn cáu bẩn. Mụ vợ hắn gào lên ngay lập tức như thể cái máy phát nổ vừa bị bấm nút, đúng là một phản xạ không điều kiện, âm lượng giữ nguyên như đang ở phòng trọ: “Mày chỉ giỏi phá, thằng ma, thằng quỷ con này!”. Mụ này thay đổi trạng thái quả là với tốc độ chóng mặt.

Thằng con trai ba tuổi mếu máo, chắc nó cũng bị nước nóng văng vào, miếng ngon vừa vuột khỏi miệng lại còn bị chửi là ma, quỷ mà không chừng nó cũng đang băn khoăn không biết đánh đổ vậy có bị cắt suất không. Hắn lườm, bắt đầu thấy bực bội: “Nhỏ mồm, không phải gào lên thế”.

Mụ lấm lét nhìn quanh, hơi mắc cỡ, hơi ân hận vì quá lời với con trong một hoàn cảnh đáng nhớ như buổi sáng này. Thiên hạ đông đấy nhưng họ không có thời gian nhìn lâu, họ còn xì xụp với phần của mình, còn có những công việc đang chờ, sức đâu mà để ý chuyện trẻ con.

Nhưng chuyện không dừng ở đấy, nó buộc mọi người phải tập trung theo dõi bởi nhanh như cắt, mụ vợ hắn luồn cái tô xuống sát cạnh bàn lấy muỗng lùa lùa cái mớ cọng trăng trắng nhểu nhảo lòng thòng ấy vào lại. Rõ là không phải dọn vệ sinh rồi, mụ này có âm mưu tiếp tục sử dụng. Hắn thấy máu nóng sôi lên làm cho giọng nói thành gầm gừ: “Bỏ đi!”, “Hứ!” - mụ vợ liếc xéo hắn còn cong cớn nhưng ra chiều hơi quê quê nên bồi thêm: “Mắc gì bỏ, hai mươi ngàn đồng đó cha!”.

Hắn thấy đắng đắng trong họng, mụ này khổ quá thành bần tiện, quẩn mất rồi. Cũng nhanh chóng, họng hắn chuyển thành đắng ngắt ngay, vài ánh mắt hướng về cái bàn trong xó của gia đình hắn tò mò. Mụ này không còn biết gì đến an toàn vệ sinh thực phẩm hay thể diện trước đám đông thì phải, bởi mụ vẫn nâng niu lùa cái mớ thực phẩm đổ tràn lan trước cặp mắt chăm chú của thằng con.

“Bỏ, còn ba tô nè!”, hắn nhắc lại, âm lượng nhỏ hơn nhưng cứng rắn, cương quyết hơn. Mụ vợ giả điếc, chắc còn băn khoăn giữa bỏ hay dùng, thằng con thì háo hức, ý chừng nó đói bụng lắm rồi. Mà không đói sao được, mùi thơm bốc lên ngào ngạt như thế kích thích bao tử, ban nãy hắn chẳng thấy nước miếng tứa đầy chân răng là gì, mà hình như bao tử trẻ con vốn nhạy hơn của người lớn. “Ông không ăn thì tui ăn, nghèo còn sĩ diện!”, mụ vợ trủng trẳng nhưng đầy cương quyết và hiện rõ cái ý khinh khỉnh với gã.

Ơ hay con mụ này lạ, thời buổi dịch tiêu chảy cấp ầm ầm, thiên hạ đi cầu tháo ruột, mà nó hiểu thế nào là sĩ diện kia chứ, không dùng thực phẩm mất vệ sinh mà là sĩ diện à? Hắn thấy mình bắt đầu nổi điên, cáu, gầm gừ: “Thiệt tình, “miếng ăn là miếng tồi tàn!”, cái bụng không phải cái sọt rác”.

Câu nói cuối quả có sức mạnh ghê gớm. Cái mặc cảm nghèo khổ nhịn thèm nhịn nhạt kìm nén trong lòng mụ vợ nay có dịp bùng lên. Ra cái kẻ mụ gọi bằng chồng cũng coi thường mụ. Mụ tiết kiệm, mụ nhường nhịn là cho chồng, cho con; ai chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp, ai chẳng muốn vệ sinh...

Hắn ví von bụng của mụ với sọt rác là sao, là rác rưởi, là mạt hạng chớ gì. Được ngày tỏ vẻ quan tâm đến vợ, đến con mà nói năng xóc óc kiểu đó; miếng tồi tàn là sao, ai tồi tàn, mụ hay hắn... Mụ điên, mụ điên thực sự rồi, cứ nhìn thì thấy mặt mụ đã bừng bừng lên; các sợi cơ trên mặt giật giật liên hồi, hai vành môi cong cong.

Người nghèo, người khổ thường hay có những sự tự ái cực kỳ nhạy cảm thế. Những “triệu chứng” ấy trên khuôn mặt của mụ hắn thuộc lòng rồi, hắn hiểu sắp có chuyện gì, thôi “tránh voi chẳng xấu mặt nào!”, kiểu này có ở lại cũng nuốt sao vô? Hắn phải xử lý tình huống trước, phải cao tay và nhanh tay mới được.

Hắn đứng phắt dậy, bỏ lại cái tô bánh canh chưa hề đụng đũa, về, về nhà ăn “cơm gà”, ăn mì gói mấy chục năm nay có sao đâu, tập tò cải thiện làm gì cho đủ thứ chuyện trên đời. Con mụ vợ quả là quá quắt, hắn mà có tiền, có nhiều tiền đảm bảo không đổi xe, không đổi điện thoại, không sắm nhà mà hắn sẽ đổi con... mụ vợ điên khùng đó, cái gai đó.

Lúc hắn bước chân ra tới cửa thì mụ vợ cũng tru tréo với theo: “Trả tiền đi!”. Ờ ha, hắn mời mà, mụ ấy làm gì còn đủ tiền mà trả. Quê chết đi được, đi với con mụ vợ này, thằng con này quê chết đi được. Quân tử nhất ngôn, hắn ghé lại bà chủ béo đang nhễ nhại mồ hôi bên nồi nước lèo lùng bùng sôi. Tám chục ngàn đồng ra đi, vẫn chưa có tí ngũ cốc nào trong bụng, đời, cay cú thế.

Hắn dắt xe ra, thấy cái xe sao mà cũ rỉ, hèn hạ đến thế so với cái đám người béo tốt trong kia. Đúng là cả nhà hắn làm trò cười cuối tuần cho thiên hạ. Chưa hết, mụ vợ nửa dắt nửa kéo thằng con còn đang khóc ngoác miệng, mắt nhắm tịt, các loại nước ròng ròng trên mặt chạy bổ ra. Khuôn mặt mụ lúc này mà đóng quái vật trong phim kinh dị quả không cần hóa trang thêm. “Cho nó về nhà hay giục đi!”. Mụ ra lệnh chồng chở con về mà nói năng vô văn hóa thế.

“Giục!”, hắn rít qua kẽ răng nhưng hai tay thì luồn xuống nách thằng nhỏ nhắc bổng nó lên để lòi ra hai cái chân nhỏ xíu trắng xanh giãy nguây nguẩy như đỉa phải muối: “Mẹ về luôn, mẹ về luôn!”, nó gào khóc thảm thiết. Hắn vẫn tóm hai nách thằng nhỏ ấn nó vào giữa khung xe, mắt không thôi lườm vợ: “Đi đâu tốt đẹp hơn thì đi!” rồi nổ máy, rồ ga, cái xe cà tàng vọt lẹ chở một thằng đàn ông và một thằng trẻ con bụng rỗng phóng đi để lại một mụ vợ với ngơ ngẩn khói.

Đúng tám giờ năm phút, ba con người ốm đói vẫn đói meo! Hụt một bữa cải thiện!

Sau phút định thần, mụ vợ quái vật lại trở về đúng nghĩa với mụ đàn bà thường ngày. Mụ trở về cái bàn, nơi cả nhà mụ vừa gây nên một trận đại huyên náo cho quán ăn để lấy nón, khăn và áo khoác cho thằng nhỏ mà hồi nãy giận quá không kịp đội, mặc cho nó. Giận thì giận mà không được quên. Đồ cũ, đồ xấu người đấy nhưng mất đi là phải ra tiền mà tiền nhà mụ thì...

Mụ thoáng xót con, nhỏ xíu, bụng đói mà lại tiếp tục bị đem đi phơi nắng. Không biết cha nó có ghé chỗ nào cho thằng nhỏ ăn không, mọi ngày giờ này nó đã no bụng rồi. Ngay lập tức mụ hiểu, mụ xót ruột: chồng mụ trong trạng thái giận dữ như thế thì no bụng, no lắm rồi làm sao có thể nghĩ đến chuyện lo cho con.

Nhưng cái quyết tâm bỏ nhà đi đâu đấy trong mụ cũng gào thét ghê gớm. Lão ấy cũng là cha nó thì có trách nhiệm phải lo cho nó, chuyện gây gổ với lão chồng đến nước vầy sao về cái phòng trọ kiểu lò sấy chuối ấy được và ý nghĩ định bụng gom đồ rồi bắt xe ôm đi chơi đâu đấy, nhà người quen hay bà con mụ thiếu gì ở cái thành phố này hình thành một cách rõ ràng.

Nhưng cũng ngay lập tức nó bị phá sản. Thằng con, mụ không được phép để cho nó đói bụng. Giờ này chắc nó còn khóc dữ lắm, mà không biết đã về đến nhà chưa, trên đường đi có sao không, liệu chồng mụ có giận cá chém thớt không? Những ý nghĩ quay cuồng điên loạn trong đầu mụ.

Cải thiện làm gì cho thêm khổ, cứ “cơm gà”, mì gói như ngày thường cho rồi. Phải về, mụ phải về cái phòng trọ của mình, mụ sẽ không thèm nhìn cái lão chồng sĩ diện và thô thiển ấy, mụ về để lo cho thằng con mụ, tương lai của mụ, điểm tựa về già của mụ. Chắc nó cũng đang mong mẹ lắm!

Đúng lúc ấy, ánh mắt mụ lại lướt đến ba tô bánh canh còn tỏa khói nhè nhẹ. Thôi lấy một tô về cho con kẻo nó đói, nó mong, bản năng thu vén đàn bà thúc giục mụ. Ánh mắt mụ lại hướng vào hai tô còn lại; tô chồng, tô vợ, tô con, ba cái tô nằm yên ả bên nhau như ba con người bình yên trong một mái nhà không dông bão.

Ừ, nhà mụ có dông bão gì đâu, chỉ có những cơn điên bất chợt thế, toàn chuyện vặt vãnh mà nguyên nhân từ khó khăn, nghèo khổ mà ra. Ban nãy chồng mụ cản là lo cho mụ chớ nào phải cho ai, hồi nào đến giờ vẫn nhịn nhường vợ con...

Ờ, mà mụ cũng làm chuyện kỳ cục, mất mặt thiệt, chồng mụ buồn là phải. Cảm giác bị chồng “bỏ chợ” như một làn khỏi mỏng tang là là bay khỏi cái đầu đã hết nóng và bớt điên của mụ. Khối giận như một quả bóng xì hơi. Mình đàn bà, lùi chồng một bước cho nhà yên, hơn thua gì... Thôi mang cả về, tội gì mà dại, miếng ngon đến miệng mà bỏ, khổ con, khổ mình, khổ cả chồng. Mà đùm túm về bây giờ kể cũng ngại với mọi người, nhưng thôi, người trong thiên hạ, biết ai là ai.

Lúc hắn thay đồ, rửa mặt mũi cho con xong và vừa nằm vật ra giường thì mụ về tới, xách lủng củng những bịch. Thằng con đang ngồi góc nhà khóc ấm ức như vừa bị đòn oan thấy mẹ thì òa lên. Mụ quăng cả đám bịch ra nền nhà ôm con nựng nịu xin lỗi, hứa hẹn nghe ngọt ngọt là, chẳng có vẻ gì của một mụ đàn bà vừa phát rồ.

Mụ cũng giả tảng làm như không biết có sự hiện diện của thằng đàn ông bụng lép lòi xương sườn xương sống đang nằm thẳng đuỗn trên giường. Phòng trọ mười mét vuông, hắn chứng kiến hết, thương càng thương. Đúng là cơ hội làm thằng chồng tốt mà chả làm được, lại còn đi diễn cái tuồng chửi mắng quát nạt vẫn diễn nhão như cháo ở nhà chỉ tổ làm chuyện cười cho thiên hạ. Hắn tự trách mình.

Đợi thằng con nguôi nguôi, mụ đi kiếm tô, kiếm đũa, kiếm muỗng sắp đủ ba tô còn trịnh trọng đặt tất cả trên một tờ báo. Mụ gọi trổng nhưng tiếng gọi nghe đã có hồn lắm: “Ăn đi, nguội ngắt hết cả rồi!”. Rõ không phải mụ chỉ nói với con không vì mụ bày ba tô rành rành. Ra mụ này đã hết giận, mà mụ hết thì tội tình gì mình làm cho căng hơn nữa, nãy giờ hắn cũng muốn huề lắm rồi mà chưa biết tìm đâu ra nút thắt.

Hắn giả uể oải ngồi dậy, nhìn con trước rồi ngại ngùng nhìn vợ sau. Thằng con há miệng đón từng muỗng lớn mẹ đút nhìn như chim non chờ mẹ mớm mồi, hắn thấy mà muốn ứa nước mắt. Thấy hắn trở dậy, chẳng đợi mẹ nhắc, thằng con mời hắn ăn bánh canh, hấp tấp, ngọng nghịu và nhồm nhoàm. Mặt mụ vợ đã giãn ra, phẳng phiu hoàn toàn không còn nét quái vật nào vương vấn trên khuôn mặt thân quen đấy.

Hắn sà xuống bên thằng con - công cụ làm lành chuyên nghiệp của hai vợ chồng hắn, nói hớ: “Ngoan, tuần sau ba lại chở đi nữa nghe”. Thấy nó vừa trợn mắt nuốt vừa gật gù đắc ý lắm còn mụ vợ hắn thì chúm miệng cười, ngó bộ đểu nhưng hắn... chịu được. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận