TTCT - Vào khoảng đầu thế kỷ 20, tại những đô thị được người Pháp quy hoạch, xuất hiện cảnh quan biệt thự trong “ô phố Tây”. Trong đó có khu hành chính (tòa thị chính, dinh thự), nhà thờ, khu công sở, khu thương mại... tập hợp thành trung tâm của đô thị. Liền kề và xung quanh trung tâm là khu vực cư trú của công chức và những người giàu có... Rất nên giữ lại những cảnh quan biệt thự xưa như thế này cho TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH Dẫu là biệt thự kiểu châu Âu hay kiểu “Đông - Tây kết hợp”, tất cả đều có một khoảng lùi nhất định so với lộ giới. Khu biệt thự nằm theo những đường phố quy hoạch theo ô vuông, có vỉa hè rộng trồng cây xanh, xen lẫn các hẻm “xương cá” khá yên tĩnh. Nhiều biệt thự kiến trúc theo kiểu Pháp nhưng được bổ sung một số yếu tố thích nghi với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của vùng nhiệt đới, với vật liệu xây dựng bền vững, khác vật liệu gỗ, lá của nhà truyền thống. Ở các đô thị Nam Bộ có nhiều công trình kiến trúc kết hợp “Đông - Tây” là nhà ở của các điền chủ, thương nhân giàu có người Việt hoặc người Hoa. Những tòa nhà này thường được xây dựng ở ngoài khu vực trung tâm, khuôn viên có thể đến vài ngàn mét vuông, diện tích xây dựng lớn... Đặc điểm chung là hình thức kiến trúc kiểu Pháp, vật liệu xây dựng bền vững, nội thất bố trí nhiều không gian phù hợp với sinh hoạt và lối sống truyền thống của gia chủ. Ở Sài Gòn, cảnh quan biệt thự điển hình, có mật độ cao là khu vực đường Phạm Ngọc Thạch và đường Tú Xương (quận 3). Nhưng những dạng nhà cổ kết hợp Đông - Tây như vậy nay không còn nhiều. Những thay đổi thời thế ở Hà Nội sau năm 1954 và Sài Gòn sau năm 1975 khiến nhiều biệt thự không còn là “biệt thự” vì bị thay đổi công năng và hình thức, không gian nội và ngoại thất thay đổi tùy tiện nhằm phục vụ cho những sinh hoạt mới. Các biệt thự từ sở hữu của tư nhân, phục vụ sinh hoạt một gia đình đã trở thành nhà tập thể của nhiều hộ gia đình, thành công sở văn phòng, rồi dần dần không gian công sở và nhà ở xen lẫn nhau... Một giai đoạn dài đời sống khó khăn và lối sống tập thể “cha chung không ai khóc” đã khiến người ta không nhận thức được giá trị của cảnh quan biệt thự như một loại hình di sản đô thị, cả hai chủ thể người sử dụng và người quản lý biệt thự đều không có ý thức giữ gìn bảo tồn nên đã làm cảnh quan biệt thự biến đổi theo hướng tiêu cực. Sự biến đổi này phản ánh tư duy quản lý đô thị và lối sống của một bộ phận dân cư chưa phù hợp với đô thị, chưa thực sự là thị dân. Khoảng hơn 10 năm gần đây, ở TP.HCM nhiều biệt thự đã được chuyển đổi sở hữu từ tập thể sang tư nhân. Chủ sở hữu (hoặc người thuê lại) xuất phát từ nhu cầu kinh tế đã sửa chữa phục hồi khá nhiều biệt thự trở về cảnh quan và chức năng cũ (để ở), một số chuyển đổi công năng thành quán ăn, quán cà phê trang trí nội thất kiểu Sài Gòn xưa hoặc theo lối Âu Tây... Sự thay đổi này mang lại sức sống mới cho từng ngôi biệt thự nhưng trên diện rộng, “cảnh quan biệt thự” vẫn chưa được phục hồi. Do đó, một phần quan trọng của di sản đô thị, một tài sản và nguồn vốn lớn của đô thị đã chưa được chính quyền và cộng đồng nhận biết, sử dụng hợp lý. Biệt thự (và nhà cổ) ở các thành phố là một điển hình thường được dẫn ra khi bàn luận về đề tài bảo tồn di sản đô thị. Bởi hầu hết công trình này thuộc về sở hữu tư nhân, tức là giá trị kinh tế của đất, của nhà là của chủ sở hữu, nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các công trình là di sản đô thị, nếu có giá trị đặc biệt thì còn là của quốc gia. Vì vậy, nhà cổ và biệt thự thể hiện mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, rất khó dung hòa hay thỏa hiệp. Hiện nay, Hội đồng phân loại biệt thự (thường trực là Viện Nghiên cứu phát triển TP) và Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP) đang kiểm kê và đánh giá phân loại các biệt thự và nhà cổ, mặc dù công tác này gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực cũng như sự hợp tác của một số chủ sở hữu. Do diện tích đất của các biệt thự khá lớn, thường ở vị trí trung tâm nên giá trị kinh tế rất cao, vì vậy chủ sở hữu thường muốn được xây dựng cao tầng hoặc sang nhượng... Vì vậy, bảo tồn biệt thự nói riêng và bảo tồn di sản nói chung phụ thuộc nhiều chính sách quản lý và giá trị đất đai, nhất là khi sự nhận thức về di sản đô thị còn hạn chế. Các khu đô thị mới nào hiện nay cũng được quy hoạch không gian dành cho biệt thự, không gian cho chung cư hay nhà phố, vì vậy các vùng đô thị cũ cũng cần được chú trọng gìn giữ cảnh quan biệt thự. Các ngôi nhà này (cả về số lượng và loại hình) là dấu hiệu để nhận biết sự phát triển của xã hội, sự đa dạng và chất lượng dân cư, và bảo tồn cảnh quan biệt thự còn là một dấu chỉ về giá trị lịch sử của đô thị. Chúng ta có thể bắt đầu với việc bảo tồn, trùng tu các biệt thự đang được sử dụng làm công sở, đó chính là nơi thuận lợi nhất để chính quyền thể hiện cả vai trò quản lý và trách nhiệm, hiệu quả bảo tồn di sản đô thị. ■ Daniel Caune (chủ tịch Hội Đài quan sát di sản Sài Gòn): Xây dựng cơ sở dữ liệu tin cậy và “mở” Điều kiện đầu tiên cần có là cơ sở dữ liệu cụ thể từng công trình (thời gian xây dựng, chủ nhân, kiến trúc sư thiết kế, phong cách kiến trúc và lịch sử của công trình... ). Có cơ sở dữ liệu phong phú và tin cậy sẽ dễ xác định giá trị của công trình và quyết định cái nào nên bảo tồn, bảo tồn ở mức nào... Tôi không biết hiện nay UBND TP có những dữ liệu này hay không, nếu có, theo tôi, nó nên là “dữ liệu mở” để bất cứ ai cũng có thể truy cập tìm hiểu. Điều kiện thứ hai là luật về bảo tồn di sản phải chặt chẽ, không chồng chéo và được thực hiện nghiêm. Những khu phố, nhà cổ ở Pháp muốn sửa chữa từ những cái nhỏ nhất như đổi cánh cửa, thay màu sơn... phải được sự đồng ý của các chuyên gia kiến trúc phụ trách. Tại TP.HCM, biệt thự gần 100 tuổi 237 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (thuộc biệt thự nhóm 1) là công trình di sản văn hóa không được tùy tiện tháo dỡ nhưng năm 2016 chủ nhà đã tháo dỡ, dù bị đình chỉ thi công, yêu cầu khắc phục hiện trạng nhưng nay chỉ còn là đống gạch vụn. Hải Lam (thực hiện) Bảo tồn và trùng tu để giữ lại những dấu vết lịch sử, văn hóa ấy là mối quan tâm của nhiều người, nhưng đâu là “Những điều kiện cần và đủ để trùng tu, bảo tồn di sản tầm cỡ tại Việt Nam?”. Không thể viện lý do phát triển hiện đại mà bất chấp. Cần xét bốn yếu tố. Thứ nhất là tính nguyên bản của nền kiến trúc phương Tây, với đầy đủ các đặc trưng thời kỳ của nó (Baroque, Tân cổ điển...) có hay không? Thứ hai là giá trị công năng và giá trị lịch sử của công trình đó. Thứ ba là có những “đặc điểm nhận dạng” riêng hoặc những phát triển địa phương hóa (cụ thể là nhiệt đới hóa) hay không? Thứ tư là câu chuyện về lịch sử, nhân văn, nghệ thuật liên quan đến công trình đó có những “điểm sáng” nào, có “duy nhất” không? Đôi khi có thể chỉ là một điểm sáng thôi nhưng nó là duy nhất, ví dụ như dinh Thượng Thơ. Nếu cứ viện lý do vì sự phát triển hiện đại mà không quan tâm đến các yếu tố khác thì giống như bất kỳ nhà nào cũng có thể nhân danh hạnh phúc của con cháu mà bán cái bàn thờ đi để làm quán nhậu. Tiến trình bảo tồn không chỉ đòi hỏi sự chuẩn mực, khôn ngoan đối với công trình, mà còn cả trách nhiệm về văn hóa và lịch sử cho chính cộng đồng “chứa” công trình đó. KTS Nguyễn Văn Tất (chủ tịch Hội đồng kiến trúc - Hội KTS TP.HCM) Tags: Biệt thự cổBiệt thự Sài GònBảo tồn biệt thự cổDấu chỉ quan trọng của lịch sửKiến trúc cổ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.