Hãy quý trọng giá trị bản thân

TTCT - Khép lại loạt bài “Em tôi muốn làm người nổi tiếng” (xem TTCT từ số ra ngày 30-5-2010), TTCT giới thiệu ý kiến của các chuyên gia xã hội học, giáo viên trong và ngoài nước quanh hiện tượng giới trẻ khát khao nổi tiếng, nổi tiếng bằng mọi giá...

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Cuộc sống sẽ vô vị biết chừng nào khi người ta không biết ước mơ. Và cũng không có gì xấu khi có ai đó luôn mơ ước mình là một người mẫu, ca sĩ hay diễn viên. Tuy nhiên, nếu thế hệ trẻ hiện nay hướng tới việc thành “sao” trong làng giải trí, khao khát nổi danh bằng mọi giá thì những bậc cha mẹ chúng ta và những người làm công tác giáo dục cần phải ngồi lại cùng nhau.

Ai là người mẫu?

Một trong những đặc điểm của lứa tuổi vị thành niên là tìm kiếm, học theo “thần tượng”, để rồi định hướng và khẳng định giá trị bản thân. Với những đứa trẻ được cha mẹ quan tâm, có sự gắn bó mật thiết với người thân trong gia đình thì chúng sẽ tự tin hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn về thần tượng.

Với những đứa trẻ hạnh phúc này, nhiều khả năng chính cha mẹ lại là thần tượng cho chúng. Ngược lại, với một gia đình thiếu hơi ấm tình thân, cha mẹ không có thời gian trò chuyện và lắng nghe con cái thì các em có nhiều lệch lạc và nhầm lẫn giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giá trị ảo và giá trị thực. Hệ quả của sự nhầm lẫn đó là trẻ tìm kiếm hình mẫu cho mình thông qua các phương tiện truyền thông và Internet.

“Tôi nói với các em rằng các em hãy nhìn ngắm bức tranh của mình thật kỹ, hãy treo nó lên trên góc học tập để nhớ rằng mỗi em là một thực thể độc đáo, riêng biệt, không ai giống ai; người khác yêu quý và nhìn nhận các em vì bản chất của các em chứ không phải vì các em giống một người nào đó, cũng không phải vì các em có điện thoại xịn, quần áo hiệu, đi xe mới...”

Trong lớp học kỹ năng làm cha mẹ tại hội quán Đến với nhau, cố thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh thường hay nói với các học viên rằng: “Các anh chị là “người mẫu” mà các anh chị không biết. Chúng ta hằng ngày soi gương đi làm, còn những đứa trẻ lại soi vào chúng ta. Chúng soi ta từ lời nói đến hành động...”.

Chúng ta, những bậc cha mẹ, đúng là “người mẫu”. Theo thời gian, bằng sự thẩm thấu, chúng ta đã trao cho con trẻ những giá trị mà chúng ta đang tuân theo. Chúng ta sống với yêu thương, trách nhiệm và tôn trọng thì không cần phải rao giảng, con cái cũng sẽ sống với yêu thương, trách nhiệm và tôn trọng.

Nói như vậy không có nghĩa là các bậc cha mẹ không cần hướng nghiệp cho con. Từ khi con còn nhỏ, chúng ta hãy tìm hiểu và lắng nghe những ước mơ của con để hướng con đến những nghề nghiệp phù hợp với năng lực trí tuệ, sức khỏe và năng khiếu, tránh cho con những thất bại, thất vọng và tổn thương không cần thiết. Chúng ta cũng không nên áp đặt những giấc mơ không thành hiện thực của chúng ta cho con và bắt con phải thực hiện cho bằng được. Làm như vậy chúng ta sẽ tạo nhiều áp lực, đẩy con đến bất hạnh nhiều hơn mang cho chúng hạnh phúc.

Nhận biết giá trị chính mình

Là một giáo viên văn cấp II, sau những giờ học, tôi thường dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe học sinh của mình. Một lần tôi phát cho mỗi em một mảnh giấy, bảo các em hãy ghi lại những mơ ước của mình và lý giải tại sao các em lại nuôi dưỡng mơ ước đó. Một em viết em ước sẽ là một nhà khoa học nghiên cứu môi trường vì môi trường hiện nay bị đe dọa. Một em khác mong ước là một kỹ sư nông nghiệp vì ông nội em là một nông dân, lúa của ông nội bị sâu rầy nhiều. Một em khác bảo mình sẽ là một giáo viên toán vì cha của em cũng là một giáo viên...

Cũng không ít em mơ mình là diễn viên, người mẫu vì như vậy sẽ có nhiều tiền. Trong tuần tiếp theo tôi bày trò chơi cho các em, chia lớp ra thành nhiều nhóm để thảo luận và vẽ “cây giá trị”. Tôi đề nghị hai nhóm tìm kiếm tất cả từ ngữ thể hiện giá trị vật chất và hai nhóm khác tìm những từ ngữ thể hiện giá trị tinh thần, sau đó các em phải thể hiện hệ thống từ ngữ đó trên tranh vẽ của mình. Thật bất ngờ cho tôi khi những học sinh lớp 7 thảo luận rất sôi nổi và đưa ra những nhóm từ vô cùng chính xác. Tôi tiếp tục đặt câu hỏi cho các em rằng hệ thống giá trị nào mang tính bền vững và hệ thống giá trị nào mang tính nhất thời, hệ thống giá trị nào được gọi là ảo và hệ thống giá trị nào là thực.

Và càng bất ngờ hơn khi nhiều nhóm đã đứng lên khẳng định giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới bền vững và là giá trị thực vì nó hình thành nên nhân cách và ở sâu trong tâm hồn mỗi người nên không dễ thay đổi.

Với trò chơi “Khám phá bản thân: tôi là ai?”, tôi đề nghị các em hãy vẽ những mơ ước, những nhu cầu, những điều mình tin là đúng, những ưu điểm của mỗi cá nhân mà bản thân các em mong người khác nhận thấy... thành một bức tranh. Và các em hào hứng vẽ. Những bông hoa, những đồng cỏ, những ngọn núi, những dòng sông... đều mang tính ẩn dụ. Không bức tranh nào giống bức tranh nào. Các em như chợt nhận thấy có quá nhiều điều cần khám phá từ chính bản thân mình, quá nhiều điều cần chia sẻ với bạn bè.

Tôi nói với các em rằng các em hãy nhìn ngắm bức tranh của mình thật kỹ, hãy treo nó lên trên góc học tập để nhớ rằng mỗi em là một thực thể độc đáo, riêng biệt, không ai giống ai; người khác yêu quý và nhìn nhận các em vì bản chất của các em chứ không phải vì các em giống một người nào đó, cũng không phải vì các em có điện thoại xịn, quần áo hiệu, đi xe mới...

Tôi muốn qua những tiết dạy của mình, học sinh hiểu được giá trị bản thân, biết rèn luyện bản thân, khẳng định thế mạnh của mình và sống có ý nghĩa. Một khi đã tự tin và cả tự trọng, các em sẽ không chạy theo một giá trị ảo, một khao khát phù phiếm đến đánh mất chính mình.

Tôi kể chuyện này vì mong muốn rằng giáo viên chúng ta hãy dành nhiều thời gian lắng nghe và chia sẻ để cảm nhận rằng nghề “đưa đò” cũng rất nhiều bất ngờ và thú vị. Chúng ta cũng là những “người mẫu” như các bậc cha mẹ của các em. Hằng ngày các em soi vào chúng ta bằng những đôi mắt trong veo và đáng yêu của chúng.

Đừng trở thành "món ăn" của báo chí

Năm học 2008-2009, cảm nhận được làn sóng ngưỡng mộ nghệ sĩ một cách cuồng nhiệt của học sinh, tôi đã triển khai chuyên đề “Tạo thương hiệu cá nhân” trong kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống. Thật bất ngờ cho cô giáo là lối tư duy sâu sắc và đầy bản lĩnh của các em. Mở đầu cho tập san của nhóm 3 - 12A5 là suy nghĩ của Lý Phi Yến: “...Yến rất thần tượng bản thân mình. Chỉ khi Yến ngưỡng mộ mình thì Yến mới hoàn thiện bản thân và xây dựng thần tượng ngày một tốt hơn trong chính mắt mình...”.

Cùng nhóm với Yến là Triệu Tường Vy với bài viết “Tôi là tôi”. Vy trải lòng một cách chân thành rằng: “...Về ngoại hình tôi không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là xấu. Còn học tập thì cũng chẳng xuất sắc. Nhưng tôi là tôi. Không là bản sao của một ai khác. Một con người tự tin và đầy nhiệt huyết với công việc. Tôi biết suy nghĩ lạc quan khi gặp khó khăn và tìm cách giải quyết tích cực khi gặp rắc rối. Tôi tin mình sẽ thành công với tố chất riêng đó của bản thân...”.

Một lối suy nghĩ hài hước nhưng không kém phần sâu sắc là của Vương Hoàng Dung - 12C1: “Tôi là tôi. Tôi không là ai. Một con bé “lùn như nấm” nhưng nhiều bạn phải “ngước” nhìn bởi khả năng học tập, sự say mê sáng tạo và tâm huyết trong công việc. Đó là hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đang trưởng thành trong suy nghĩ và hành động để sẵn sàng vươn ra biển lớn...” (hiện Dung là sinh viên của Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM).

Như vậy khi biết tạo cho mình sức mạnh thì bạn trẻ sẽ không chạy theo thời thế.

Và nếu bạn trẻ thật sự muốn tìm kiếm hào quang bền vững thì cần xác định rõ những được - mất khi sở hữu nó. Cần dự báo trước những tình huống xấu có thể xảy ra để kiểm tra khả năng chịu đựng. Cũng đừng quên học cách mỉm cười khi thất bại và san sẻ niềm vui khi đón nhận hạnh phúc. Đó là cơ sở để “cân bằng cảm xúc - điều quan trọng đối với người nổi tiếng” (theo nhà báo Han Sang Hee - TTCT số ra ngày 18-7-2010). Và phải tìm đến sự nổi tiếng bằng chính giá trị của bản thân thể hiện qua sự cống hiến cho lợi ích cộng đồng, sự thừa nhận của xã hội, trình độ văn hóa, kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực, phẩm chất đạo đức. Có như thế, bạn mới không trở thành “món ăn” của báo chí. Đặc biệt trong thời đại Internet.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận