Hiện tượng Slumdog millionaire

ĐOAN THƯ 17/02/2009 22:02 GMT+7

TTCT - Slumdog millionaire đến nay đã “ôm” tổng cộng 49 giải trong 29 đề cử, từ những giải lớn như Quả cầu vàng, Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ, Hiệp hội Diễn viên màn bạc, Hiệp hội Kịch tác gia Hoa Kỳ đến những giải nhỏ, trong đó có Hội Phê bình điện ảnh Boston, Hội Phê bình điện ảnh Chicago, Điện ảnh độc lập Anh...

Phóng to
Cảnh trong Slumdog millionaire

Cây bút bình luận Roger Ebert của tờ Chicago Sun Times xếp hạng bốn sao cho Slumdog millionaire và nhà phê bình Joe Morgenstern của Wall Street Journal đánh giá Slumdog millionaire là “kiệt tác toàn cầu hóa đầu tiên của điện ảnh thế giới”...

Truyện phim kể về một thanh niên tên Jamal Malik, 18 tuổi, với tuổi thơ bụi đời không nhà không cửa, không chốn nương thân và không cả bố mẹ, tham gia chương trình truyền hình “Ai muốn trở thành triệu phú”. Thật kỳ lạ, trước sự chú mục theo dõi của hàng triệu khán giả truyền hình, một thanh niên như thế lại có thể trả lời tất cả câu hỏi ở nhiều lĩnh vực mà người dẫn chương trình đưa ra.

Hóa ra mỗi câu hỏi đã khiến Malik hồi tưởng đến một sự kiện bi kịch đầy cay đắng từng in đậm nét trong trí não và nó giúp cậu có thể trả lời chính xác. Đó là sự kiện Malik chứng kiến cảnh mẹ mình (Hồi giáo) bị người Hindu giết; việc mình cùng người anh ruột bơ vơ kiếm sống và bị một tên giang hồ dụ gia nhập hàng ngũ những em bé bị bắt đi xin ăn, rồi cậu được người anh cứu thoát khỏi bị móc mắt như cách mà tên trùm giang hồ làm để tạo sự thương cảm, giúp trẻ xin được tiền về nuôi hắn! Đó là sự kiện người anh ruột mình trở thành tay giết mướn chuyên nghiệp cho một trùm giang hồ, cuối cùng nổ súng giết chết tên trùm rồi bị bắn tan xác! Đó còn là sự kiện cậu bé mồ côi Malik gặp cô bé mồ côi Latika để rồi tình yêu nảy sinh...

Có thể nói Slumdog millionaire chẳng gì hơn một câu chuyện buồn bã về một cuộc đời vất vưởng từ khu ổ chuột mà người ta có thể thấy ở vô số hình mẫu tương tự với những mảnh tuổi thơ côi cút đang tồn tại trong tất cả khu ổ chuột ở nhiều nước nghèo thế giới, nếu không có chuyện tình mãnh liệt giữa Malik và Latika. Một chuyện tình bi thương đến não lòng nhưng đẹp đến rung động...

Đạo diễn Danny Boyle đã rất xuất sắc khi thực hiện Slumdog millionaire. Và không thể không kể công của nhà biên kịch Simon Beaufoy (chuyển thể từ tiểu thuyết Q and A từng đoạt giải Boeke và giải Commonwealth Writers của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup). Để miêu tả lại chân thật cuộc đời “bụi đời” của những em bé đường phố ở khu ổ chuột Mumbai (Ấn Độ), Simon Beaufoy đã cất công đến Ấn Độ ba chuyến và gặp trực tiếp nhiều đối tượng “người thật, việc thật”.

Ngoài tác phẩm văn học Q and A, đạo diễn Boyle cùng kịch tác gia Beaufoy còn nghiên cứu nhiều tác phẩm điện ảnh Ấn Độ được dựng ở Mumbai, trong đó có một số phim về thế giới xã hội đen ở thành phố này. Ngày 5-11-2007, phim được bấm máy.

Với sự đầu tư kỹ như vậy, có thể hiểu tại sao nhiều nhà phê bình Ấn Độ tỏ ra hài lòng khi xem. Renuka Vyavahare của India Times nhận xét Slumdog millionaire “rất Ấn Độ” và là “một trong những phim tiếng Anh với bối cảnh Ấn Độ hay nhất”.

Viết trên New York Times, nhà bình luận Anand Giridharadas nói Slumdog millionaire mang lại sự “tươi mới” khi miêu tả một Ấn Độ đang thay đổi, với tính hiện thực cao độ... Tất nhiên, đạo diễn Ấn Aamir Khan và nhà văn Salman Rushdie lại nằm trong số những người chê. Tapeshwar Vishwakarma - đại diện một nhóm quyền lợi cộng đồng khu ổ chuột Ấn Độ - thậm chí còn kiện đoàn làm phim.

Chuyên viên hoạt động xã hội Nicholas Almeida còn tổ chức biểu tình chống Slumdog millionaire với lý do nhóm làm phim lợi dụng và bóc lột sức lao động trẻ em nghèo Mumbai vì mục đích lợi nhuận, rằng tựa phim Slumdog millionaire gây phản cảm và khiến thế giới có cái nhìn tiêu cực về cư dân ổ chuột Mumbai...

Tất cả sự phản bác đó vẫn không ngăn được Slumdog millionaire đạt doanh số vé đến nay khoảng 120 triệu USD tính toàn cầu! Bởi lẽ, Slumdog millionaire đọng lại những­­ thông điệp đầy tính ẩn dụ, rằng chẳng số phận nào là tận cùng không lối thoát, rằng tất cả những câu hỏi về tương lai cuộc đời con người đều có thể được trả lời từ chính những gì mà họ đã trải nghiệm trong quá khứ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận