Học ở người nghèo, học từ cộng đồng

PHAN PHAN 13/07/2014 20:07 GMT+7

TTCT - Đi du học ở Singapore, được giữ lại làm với mức lương 3.500 USD, nhưng Phạm Văn Anh, tên thường gọi là Harry, xin nghỉ việc để thực hiện ước mơ đưa mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng (Service Learning) về Việt Nam.


Học sinh Trường Ngee Ann Polytechnic học cách đan tre dùng làm cửa cho thư viện - Ảnh: Phan Phan


Không nói nhiều về thành tích bản thân, Harry chỉ tập trung vào giá trị mô hình giúp thay đổi nhận thức những bạn trẻ để xem hoạt động cộng đồng là một công việc thật sự. Khi đó, làm tình nguyện không đơn thuần trong tâm thế “đi để giúp đời” mà phải là “một cuộc chơi sòng phẳng”: tham gia sẽ nhận được kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Đi để phục vụ và học lại từ đối tượng


Đánh giá về hoạt động tình nguyện của EVG, ông Phạm Trường Sơn, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng (LIN) - đối tác cung cấp nguồn nhân lực và tư vấn cho EVG, chia sẻ: “Harry đưa nhiều nhóm tình nguyện nước ngoài tới cùng một địa phương để phát triển, ban đầu là cái nhà rồi trường học, rồi con đường và nhiều thứ khác. Cái hay của cách làm này là giúp một cộng đồng nhiều lần cho đến khi một tổ chức hay một người dân tại địa phương đứng ra tiếp nhận để tiếp tục hoạt động và nhân rộng”.


Gần quá nửa đêm, sau khi giúp nhóm tình nguyện viên (TNV) Trường Ngee Ann Polytechnic (Singapore) dựng lều ngủ trong trung tâm học tập văn hóa tại Gia Bắc (Di Linh, Lâm Đồng), các sinh viên Việt Nam ngồi lại thảo luận. 

Với vai trò người điều phối, Harry đặt câu hỏi: 24 giờ trôi qua, bài học nào được rút ra? Từng câu trả lời được thảo luận là những mâu thuẫn văn hóa, bất đồng ngôn ngữ khi tiếp xúc hay cả cách làm việc nhóm, trình bày trước đám đông, ứng xử giao tiếp...

Trước đó, những sinh viên khi tham gia dự án phải tìm hiểu nơi mình sẽ đến, tự lên kế hoạch giúp đỡ, phối hợp với các TNV nước ngoài tiến hành các hoạt động cộng đồng như sửa nhà, làm đường, dạy học, tổ chức các gian hàng... theo chủ đề và đặc thù địa phương.

Khi những vấn đề của từng cá nhân được giải quyết, Harry đưa ra một loạt danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau. Các TNV Việt Nam chủ động nhận phần việc phù hợp với khả năng và ghi thêm vào “Volunteer Handbook” của riêng mình. 

Đó là cuốn sổ do Harry soạn sẵn gồm những ghi chú cho từng hoạt động, từ việc nấu thức ăn dành cho người Singapore (kiêng thịt heo) đến cách nói chuyện khi thăm người nghèo, dạy cho các em nhỏ không bị chán... Mỗi kiến thức như vậy được TNV tự trang bị thêm trong quá trình quan sát và làm việc. Đó là một phần trong kế hoạch đào tạo TNV Việt Nam trong chương trình học tập thông qua phục vụ cộng đồng của Harry.

Bước ngoặt đến với Harry vào đầu năm 2009, trong thời gian theo học ngành kỹ sư điện tử tại ĐH Kỹ thuật Nanyang (Singapore) khi anh tình cờ đọc được bài báo viết về cô bạn người Singapore tên Cindy Chng. Mới học năm hai nhưng Cindy đã dẫn một nhóm học sinh qua Thái Lan để làm chương trình cộng đồng cho người dân và đạt hiệu quả thiết thực.

Thế là một cuộc gặp chóng vánh tại trạm tàu điện ngầm đã đi đến thỏa thuận: Harry sẽ cùng Cindy về Việt Nam thử nghiệm mô hình. Điểm đầu tiên trong hành trình là ở làng Hữu Nghị (Hà Nội) và một trại trẻ mồ côi ở Ba Vì. Đoàn gồm 40 thành viên Singapore, tách thành hai nhóm làm tình nguyện trong mười ngày.

“Điểm thú vị nhất của các em học sinh Singapore là khả năng thích ứng cao và hiểu được trách nhiệm công việc của mình. Trẻ khuyết tật miệng không khép lại được, khi ăn cơm rơi hết ra ngoài. Nhưng các em, dù sống trong môi trường mọi thứ đều sạch sẽ, vẫn kiên nhẫn gạt từng thìa cơm không một lời than phiền” - Harry kể lại.

Từ những quan sát và cảm nhận thực tế, Harry ghi vào sổ tay câu hỏi: Tại sao một nhóm người có trình độ cao, xuất thân trong gia đình khá giả lại chịu khó và chấp nhận gian khổ như vậy? Harry đem thắc mắc đó đi hỏi mọi người. Cindy bảo đó là mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng, đặt đối tượng người nghèo, khiếm khuyết và dễ bị tổn thương lên trên để nhận được điều kiện chăm sóc, phục vụ tốt nhất.

Khi ấy, thông qua sự hướng dẫn của thầy cô, các TNV sẽ tự làm giàu cho mình các kiến thức, kỹ năng cần thiết và hiểu về trách nhiệm công dân của mình. Từ đó, Harry nhận ra rằng triết lý đơn giản của mô hình là “đi để phục vụ (service) họ, học (learning) từ họ”. Nhóm đối tượng có điều kiện và trình độ học vấn sẽ là nhân tố chính làm mới mô hình phục vụ cộng đồng này.


Phạm Văn Anh (Harry)



Các em người dân tộc đọc sách ở thư viện cộng đồng tại Gia Bắc, Lâm Đồng - Ảnh: EVG


Sử dụng nguyên liệu địa phương

Tháng 8-2011, Harry được cử là đại diện thanh niên Việt Nam tham dự Hội nghị thanh niên thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tự tin với vốn kiến thức tiếp cận về mô hình, Harry đã đề nghị sẽ làm cầu nối cho các TNV tới Việt Nam, nơi có môi trường làm tình nguyện cộng đồng tốt. Cuối năm 2011, Harry quyết định nghỉ việc tại Công ty Chartered Semiconductor - Global Foundries (chuyên sản xuất chip cho các hãng điện tử lớn) cùng mức lương 3.500 USD/tháng vì muốn về nước làm mới công tác cộng đồng.

Khó khăn đầu tiên là thiếu nguồn vốn đầu tư. Đắn đo một thời gian, Harry xin quay lại làm việc ba tháng với công việc gấp nhiều lần bình thường để có tiền hoạt động. Cùng với đó, anh tìm cách trình bày kế hoạch “Dự án phát triển cộng đồng khu vực” thuyết phục các trường ĐH ở Singapore hỗ trợ.

Đổi lại, Harry sẽ trực tiếp dẫn sinh viên Singapore đến các vùng khó khăn của Việt Nam, kết hợp giảng dạy và nói chuyện để truyền cảm hứng tham gia các hoạt động tình nguyện cho họ. Để làm được việc đó, một trung tâm cộng đồng, nơi tiếp nhận các đoàn TNV nước ngoài đến Việt Nam, sẽ được xây lên.

Ý tưởng này được Harry nhen nhóm sau hàng loạt chuyến đi Lào, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan... Ở đó, anh tự rút ra thêm kinh nghiệm: muốn phát triển lâu dài, khi xây dựng trung tâm phải sử dụng nguyên liệu địa phương, vừa giới thiệu các giá trị văn hóa, vừa là nơi sinh hoạt chung cho người dân để họ không cảm thấy lạ lẫm.

Harry tìm đến Gia Bắc, một trong những nơi còn thiếu thốn nhiều thứ, từ cơ sở vật chất, điều kiện sống đến cả suy nghĩ. Bản vẽ về một trung tâm bằng tường đất, nan tre họa tiết dân tộc mất đến năm tháng để hoàn chỉnh. Kiến trúc sư, sau nhiều lần đến Gia Bắc khảo sát, kết luận: xây một ngôi nhà bằng gạch sẽ nhanh và đảm bảo hơn so với việc sử dụng toàn nguyên liệu thô tại địa phương.

Tuy nhiên, các đối tác ĐH của Harry ở Singapore lại nhiệt tình ủng hộ ý tưởng ban đầu của anh. Harry đồng thời thành lập ECO Vietnam Group (EVG), một tổ chức tình nguyện tuyển các TNV Việt Nam về đào tạo.

Tháng 4-2012, Harry bắt tay vào xây dựng trung tâm. “Thời điểm ấy trúng ngay đợt bão, mưa ầm ầm, cả đám giăng lều ngủ giữa mênh mông cây cà phê. Thợ thuê từ Bảo Lộc lên làm vài ngày đã bỏ về. Chi phí bị đội lên nhiều do việc vận chuyển nguyên vật liệu vào xa và khó khăn, công việc có lúc bị đình lại, đồ ăn từ bên ngoài không tiếp tế được” - Hàng Ái Quyên, TNV tham gia hoạt động này, nhớ lại.

Một năm sau, thư viện chính thức hoàn thành, là một phần trong bản thiết kế tổng thể trung tâm văn hóa học tập cộng đồng. Ngoài các kệ sách, đồ chơi, phòng học thì các khu để giảng dạy và lưu trữ các giá trị văn hóa của người K’Ho, từ các vật dụng lao động đến đạo cụ âm nhạc, khu thể thao - văn nghệ, chăm sóc sức khỏe... tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Mỗi năm, trung tâm đón vài chục đoàn học sinh, sinh viên nước ngoài.

Thư viện mở ra, nhưng để người dân và trẻ em vào đó là một chuyện khác. Để thay đổi thói quen đọc cho các em dân tộc là cả một quá trình dài.

Nguyễn Được, người tình nguyện làm quản lý thư viện ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, nói: “Mình vẫn nhớ hình ảnh anh Harry cầm chùm bóng bay, lấy xe chở tủ sách di động đến từng thôn, trò chuyện và giới thiệu sách cho các em. Rồi bày ra đủ trò từ các hội sách đến gian hàng trò chơi để thu hút. Một em tham gia sẽ có nhiều em tham gia, có người còn gửi con em ở đây cả ngày”.

Công việc cứ cuốn Harry đi. Mới hôm trước Harry có mặt tại Gia Bắc, hôm sau đã nghe tin anh đến Phương Thịnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp), rồi An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre), những địa phương EVG hỗ trợ chính để dẫn các đoàn TNV làm các hồ nước sạch, tách bếp không khói, xây nhà, làm lại đường, tổ chức dạy học kèm chương trình “cơm có thịt”... cho các hộ dân và trẻ em nghèo.

Nói về quan điểm làm việc, Harry nhấn mạnh đến việc thông hiểu đối tượng phục vụ để đáp ứng đúng nhu cầu của họ: “Lúc tổ chức hội chợ đồ cũ ở Gia Bắc, mình chỉ nghĩ đơn giản là phát miễn phí cho dân nghèo, nhưng không ai đến lấy. Sau đó, mình thử nghiệm với buổi bán đồng giá 1.000 đồng thì dân đến mua rất đông, có người mua đến 74.000 đồng”.

Thêm một bài học được anh trân trọng ghi vào cuốn sổ tay: Người nghèo có lòng tự trọng rất cao, họ muốn bỏ tiền ra mua, dù ít, chứ không muốn lấy đồ miễn phí, phải làm sao để họ luôn được hưởng sự công bằng mà không bị tổn thương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận