Hội An: Cả ngàn tỷ đồng trôi theo sóng biển

THÁI BÁ DŨNG 08/12/2020 19:12 GMT+7

TTCT - 10 năm trước, khi những vết lở đầu tiên dọc bờ biển Hội An (Quảng Nam) được “vá” lại, nhiều người nghĩ rằng sẽ giữ được bãi biển từng được mệnh danh là một trong mười bãi biển đẹp nhất VN. Nhưng 10 năm sau, tất cả ngập trong nỗi thất vọng.

Bờ biển Hội An đoạn sau lưng phường Cẩm An đến phường Cửa Đại bị sóng đánh tan nát, hư hại nhiều khu du lịch. Ảnh: B.D
Bờ biển Hội An đoạn sau lưng phường Cẩm An đến phường Cửa Đại bị sóng đánh tan nát, hư hại nhiều khu du lịch. Ảnh: B.D

“Khu vực sạt lở biển gần 8km. Hơn chục năm qua, tính cả vốn nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã đổ xuống đây cả ngàn tỉ đồng. Nhưng tới nay, tình hình còn diễn ra nghiêm trọng hơn” - Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói như vậy.

Hi vọng rồi thất vọng

Sạt lở bờ biển Hội An diễn ra từ những năm 2008 - 2010. Tại cuộc gặp để tìm kiếm giải pháp cứu bờ biển Hội An mà UBND TP Hội An tổ chức ngày 19-11 vừa qua, với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, rất nhiều ý kiến đã nói rằng “hết chịu nổi” với sự chậm trễ và lúng túng này.

“Biển lở ở Hội An không phải hôm qua hay hôm nay mà đã suốt 12 năm nay rồi. Lần lượt các nhà khoa học xuống nghiên cứu, rồi dự án này tới dự án kia được đề xuất và triển khai nhưng tới nay nhìn lại chúng ta được gì? Tất cả chỉ là đống đổ nát, chúng tôi không thể kiên nhẫn hơn nữa”, chủ resort Palm Garden Hội An Nguyễn Thành Sang (phường Cẩm An, Hội An) bức xúc.

Dẫn chúng tôi đến khu resort 5 sao nằm sát biển An Bàng, ông Sang nói rằng suốt thời gian qua theo dõi công tác khắc phục bờ biển, cứ mỗi lần biết có dự án gia cố bờ biển ông lại hi vọng.

Nhưng công trình kè biển vừa làm xong thì lại bị xóa sạch chỉ sau một trận bão. Đoạn bờ biển dài hơn 200m đi qua khu lưu trú của ông giờ đây đã bị rỗng chân hoàn toàn. Ông Sang cho biết mấy năm trước, khi biển ăn bờ quá sâu, ông đã bỏ hơn 7 tỉ đồng để xây hệ thống kè bêtông sau lưng khu lưu trú.

Nhưng những hàng cọc bêtông thép to hàng mét, dày đặc, đóng sâu xuống lòng đất cả chục mét nay đều bị nghiêng ra phía biển, chân cọc bị thụt sâu, hàng cọc có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều dãy nhà tại resort cao cấp của ông đã nứt nẻ tường móng, hồ bơi lún sụt.

Bãi cát cảnh quan ven biển chênh vênh trên mép sóng, giờ xuất hiện những lỗ rút lớn, cát bị hút ra bên ngoài.

“Mỗi lần mưa bão tới tôi ăn ngủ không được, ra kiểm tra cơ sở sau bão mà lòng trĩu nặng. Tôi gửi đơn lên chính quyền kêu cứu, đề xuất tự bỏ tiền ra làm kè chắn cản sóng phía bãi biển quanh khu lưu trú của tôi nhưng không được chấp thuận với lý do là không có cơ sở khoa học. Tôi bất lực”, ông Sang nói. Khi đặt phòng tới nghỉ dưỡng, nhiều khách thấy cảnh tượng sạt lở của biển đã không quay lại, thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn.

Nhưng dẫu sao Palm Garden của ông Sang vẫn còn trụ được. Sát chỗ ông, một resort cao cấp khác trở nên hoang tàn, đổ nát vì sóng ngoạm sâu vào khuôn viên, khu vực khai thác kinh doanh hàng chục mét.

Đây từng là một trong những địa điểm sang trọng, khách nước ngoài lui tới nhiều ở Hội An vì nằm sát bãi biển đẹp. Chủ đầu tư đã huy động người ra đóng cọc, giữ bờ, chất bao cát... nhưng tất cả đều tan tác trước sự hung hãn của biển.

Người dân ở biển Hội An dùng bao cát đắp đê giữ bờ, chống sạt lở trong cơn bão số 9 vừa qua. Ảnh: B.D.
Người dân ở biển Hội An dùng bao cát đắp đê giữ bờ, chống sạt lở trong cơn bão số 9 vừa qua. Ảnh: B.D.

Tình trạng sạt lở ở biển Hội An xảy ra nghiêm trọng nhất tại khu vực phường Cửa Đại. Nhiều hàng quán sang trọng nay bị sóng ngoạm sát chân tường nhà, các nhà dân, villa đắt tiền cũng bị xô đổ ngổn ngang. 

Trong thời gian chờ các dự án gia cố bờ biển, giữa tháng 10 vừa qua, chính quyền Hội An đã huy động lực lượng và người dân để đắp bao tải cát. Chủ Sea Lavie Phạm Thị Hải Nguyên nói rằng trước đây bãi tắm của khách nằm cách hồ bơi khách sạn bà hơn 200m.

Nhưng chỉ sau mấy trận bão, nay biển đã tạo vực hàm ếch cao 7-10m ăn sát khuôn viên. “Đợt mưa bão vừa qua tôi phải bỏ ra 300 triệu đồng thuê nhân công, mua bao cát, cọc tre đắp bờ một tuần để hạn chế sóng xâm thực”, bà Nguyên nói.

Vẫn loay hoay tìm nguyên nhân

Dự án chống sạt lở đầu tiên tại Hội An triển khai vào năm 2010. Nhưng cũng từ đó, cuộc tranh cãi về nguyên nhân gây sạt lở bờ biển xảy ra không dứt. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khắp nơi được mời về tham vấn và đưa ra giải pháp nhưng tới nay chưa có một quan điểm nào được thống nhất đồng tình.

“Nguyên nhân chính xác là gì, tới nay vẫn chưa được chỉ ra. Chủ yếu xoay quanh các luận điểm như tình trạng phá rừng ở đầu nguồn, nước biển dâng, việc xây dựng quá nhiều công trình ven biển, việc khai thác cát ở thượng nguồn sông Thu Bồn dẫn đến thay đổi thủy văn dòng sông. Chúng tôi rất sốt ruột và cần số tiền vài trăm tỉ đồng để giữ bờ biển”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, khi phân tích câu chuyện sạt lở ở biển Hội An đã cho rằng bình địa của biển Hội An có tính chất mấp mô, nhiều điểm mở nên khi xảy ra sạt lở thường dẫn dắt từ nơi này qua nơi khác.

Cũng như các chuyên gia khác, ông Hùng cho rằng giải pháp để giữ biển Hội An cần làm cùng lúc, đồng bộ chứ không thể chỗ làm chỗ không; làm như cách đang duy trì lâu nay thì được chỗ này, chỗ khác sẽ lở, tất cả sẽ công cốc.

Nguyên bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói rằng không phải 10 năm nay biển Hội An mới xói lở, hàng chục năm trước tình trạng này đã có. Tuy nhiên lúc đó bờ biển khu vực này để hoang, chỉ có cây dại mà không có công trình.

“Có một đợt buổi sáng đi kiểm tra chúng tôi hốt hoảng khi thấy một cửa sông mới được nước biển mở toang vào phía trong. Lúc đó lãnh đạo Hội An nói với anh em cấp dưới rằng cứ để biển phá bờ, bởi đó là quy luật. Một thời gian sau cửa đó sẽ bị lấp lại. Quả đúng là như vậy”, ông Sự kể.

Nhưng theo ông Sự, mức độ sạt lở, xâm thực biển Hội An 10 năm nay là theo hướng một chiều, xói lở tập trung bên các khu du lịch Hội An, trong khi đó lại bồi lấn ở bên kia bờ thuộc huyện Duy Xuyên.

“Ngoài việc phá rừng đầu nguồn thì du lịch phát triển quá nóng, dân trồng rừng dừa lấn sông dày đặc, việc xây cầu Cửa Đại tạo ra các trụ dầm đóng cọc xuống giữa sông làm thay đổi dòng chảy là nguyên nhân chính.

Đoạn bờ biển tại một khu lưu trú sau lưng UBND phường Cẩm An bị sóng ăn sâu sát chân hồ bơi. Ảnh: B.D.
Đoạn bờ biển tại một khu lưu trú sau lưng UBND phường Cẩm An bị sóng ăn sâu sát chân hồ bơi. Ảnh: B.D.

Phải nhìn từ tổng thể để chỉnh trị dòng chảy từ sông Thu Bồn, ngoài biển thì phải đổ tiền gia cố phía bờ đủ vững chãi kết hợp nuôi bãi, bù cát thì mới may ra giữ được bờ biển”, ông Sự nói.

Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc chống sạt lở biển Hội An không thể chậm trễ, chính quyền cũng đã huy động nguồn vốn để làm các đoạn đê chắn sóng từ xa, kết hợp với đê cứng trong bờ ở từng phân đoạn.

“Nhưng nguồn vốn hiện nay rất khó khăn và chỉ có thể làm từng đoạn nhỏ”, ông Bửu nói. “Trên bờ biển là cuộc sống, là tài sản của nhân dân, là cả ngành du lịch đang nằm ở đó.

Nếu không quyết tâm làm thì tất cả sẽ đổ xuống biển, thậm chí với mức độ này vài năm nữa biển sẽ ăn sâu vào các tuyến đường chính, bà con Hội An sẽ không có đường để đi lại”, ông Sơn nói.

Bà Trần Hạnh An, chủ một doanh nghiệp ở Hội An, dẫn chứng cách người dân ở Úc cứu một bờ biển 30 năm trước bằng cách dùng cọc tre đóng xuống kè biển theo hình bậc thang kết hợp đan giằng tre bẫy cát giữ lại bờ, và hi vọng Hội An sẽ tham khảo cách làm này.

“Sóng đánh vào sẽ bị kè tre theo tầng lớp làm giảm áp lực, cát được giữ lại và sau đó người ta trồng cây dại phủ lên trên. Biển xâm thực được hạn chế triệt để. Từ một bãi biển chết, tới nay đoạn bờ biển ở Úc đó đã sống trở lại, không còn bị xâm thực, khách sạn nhà hàng mọc lên ken kín”, bà An nói.■

Hàng chục dự án đổ xuống biển

Theo UBND TP Hội An, tới nay có tổng cộng 25 đoạn bờ biển với tổng chiều dài 7.921m dọc biển Hội An được nhà nước, doanh nghiệp cùng các hộ dân bỏ tiền gia cố. 10 năm qua, từ khi dự án kè biển đầu tiên được triển khai, tới nay nguồn vốn của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp đổ xuống giữ biển đã tới cả ngàn tỉ đồng.

Các dự án dùng vốn nhà nước để kè biển Hội An: 

Năm 2010 làm kè bêtông cốt thép mái nghiêng dài 851m, kinh phí 68,3 tỉ đồng, bị đánh sập ở một số đoạn vào năm 2018.

- Năm 2014 dự án kè theo phương pháp kè mềm túi địa kỹ thuật dài 415m, kinh phí gần 20 tỉ đồng.

- Năm 2015 dự án kè mềm bằng túi Geotube dài 1.020m, kinh phí 55,5 tỉ đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận