Hỏi đường

ĐỖ ĐỨC 09/04/2016 01:04 GMT+7

TTCT - Ngày bé, có việc đi xa, tôi lúng túng vì không biết đường sá thế nào thì nghe bố bảo: “Đường ở mồm ấy, cứ hỏi khắc ra hết”.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương


Theo lời bố, đường ở mồm theo suốt cả cuộc đời. Đi đâu cũng phải hỏi han mới không bị lạc. “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” có lẽ là cách lấy thông tin duy nhất ở ta từ nghìn năm nay. Cho đến bây giờ, xứ ta hình như vẫn thế. Đến các thành phố trong nước, hỏi các chủ quán, các bác xe ôm. Đi ngang đường thì hỏi cảnh sát giao thông. Nói chung hỏi nhiều thì mất công nhưng rồi vẫn tìm được đến nơi mình cần đến, dù chậm.

Trong chuyến đi Thanh Hóa mấy ngày vừa qua, tôi thấy cậu lái xe hỏi suốt dọc đường. Thông tin thu được sau mỗi lần hỏi cũng lúc có lúc không, không tương xứng với thời gian bỏ ra. Ở xứ ta chắc chưa ai có thói quen đong đếm các giá trị thông tin cân với thời gian để tính hiệu quả cả, nên chẳng thấy ai sốt ruột.

Nhưng có lẽ qua cách tìm thông tin, người ta cũng có thể thấy xã hội đang phát triển ở trình độ nào. Cũng vậy, qua cái chợ, người tinh tường có thể mường tượng ra tương đối một nền kinh tế và chính trị đất nước. Với một cuộc họp hay hội thảo, người ta có thể nhận ra trình độ của người phát biểu, người hỏi và người trả lời, qua đó nhận ra mặt bằng kiến thức, văn hóa, chính trị xã hội và cả khoa học nữa của một xứ sở.

Sau tết vừa rồi, tôi có dịp đến miền nam nước Úc. Con tôi lái xe đưa đi nhiều điểm, có những nơi nó cũng chưa từng đến. Nhưng việc tìm đường của nó chẳng như tôi xưa. Nó chẳng cần hỏi ai, cũng chẳng ai dừng ngang đường cho mà hỏi...

Tất cả nhờ vào một ứng dụng định vị trên iPhone, xe theo hướng dẫn đường trên máy, biết trước cả độ dài chặng đường định đi và thời gian đi dự kiến, thậm chí cả thông tin về nơi ta định đến, điều mà có khi hỏi người ngang đường cũng chưa chắc có được. Công nghệ đã cấp cho con người một thứ chẳng khác đôi mắt thần vạn dặm, như Tôn Ngộ Không ngày nào.

Nước Úc rộng mênh mông, dân số lại ít nên công nghệ thông tin được chính phủ của họ rất coi trọng. Nó cực kỳ cần thiết và thật lợi hại trong làm ăn kinh tế, nó lấy lại thời gian hao phí nếu thu thập thông tin thủ công, nó tiết kiệm nhiều vật chất và tiền bạc. Mới hiểu sao người của họ ít mà việc vẫn thông, ta thì vẫn cơ quan nào cũng cả đống người mà càng đông càng rối, công việc vẫn ách tắc.

Con tôi bảo: người Việt mình có thói quen hay hỏi mà đánh mất thói quen đọc. Người ta chỉ hỏi sau khi đọc hết tài liệu mà cần biết thêm. Đằng này tài liệu lù lù cả đống, đầy đủ hết không chịu đọc, mà vẫn hỏi liên tục.

Tôi giật mình vì có hình bóng mình trong câu nói ấy! Một xã hội văn minh giờ là nơi con người ta sống độc lập rất cao, không ỷ lại, không có thói quen dựa vào người khác và luôn ở thế chủ động nạp sự hiểu biết trong cái túi dự phòng của mình.

Cũng vì hiểu và làm theo lối sống đó mà người phương Tây nói chung ít trách móc ai, cũng không tìm cách đổ lỗi cho người khác. Thật khác ta, cứ hỏng việc gì là y như rằng hoặc do tàn dư phong kiến đế quốc, hoặc thế lực thù địch chống phá...

Quên mất rằng, lời tiền nhân, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (trước hết hãy trách mình, sau hẵng trách người) không chỉ áp dụng với từng cá nhân mà còn cho cả một đất nước.

Chẳng lẽ cái xứ sở tự hào bốn ngàn năm lịch sử này, so với nước Úc trẻ măng mấy trăm năm tuổi, không có ai sốt ruột vì sự lạc hậu lúng túng, ngay trong cái kỹ năng sống đơn giản nhất là tìm đường đi?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận