TTCT - Một tân tổng thống, gốc gác tướng lĩnh, là điều ít thấy tại những nước theo chế độ bầu cử trực tiếp. Không lấy làm lạ việc tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto có cách nhìn "nhà binh" về những vấn đề của đất nước ông. Song thế sự nhiễu nhương mấy năm qua đã khiến ông có cái nhìn linh hoạt trong lĩnh vực đối ngoại. Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto sau khi công bố nội các ngày 20-10-2024. Ảnh: REUTERSCơ bản, ông là tổng thống của quốc gia xếp hạng thứ 9/27 với 22,3 điểm trên bảng chỉ số thế lực châu Á (Asia Power Index) năm 2024 của Viện nghiên cứu Lowy Institute của Úc (ngay sau Singapore hạng 8 và trên Thái Lan hạng 10; Việt Nam thứ 12).Bộ trưởng quốc phòng Prabowo…Bảng xếp hạng của Lowy Institute phản ánh khá đầy đủ thực lực 27 quốc gia và vùng lãnh thổ qua 8 tiêu chí (năng lực kinh tế, năng lực quân sự, khả năng phục hồi, nguồn lực tương lai, quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa), tức toàn diện hơn, khác với những bảng xếp hạng khác như bảng xếp hạng quân sự, kinh tế, dân số...Chính trong góc nhìn tương tự, một nhóm tác giả của Đại học Quốc phòng Indonesia từng tự hào viết về vai trò đất nước họ đối với ASEAN: "Indonesia cũng đóng vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán của ASEAN với các đối tác khu vực khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường hợp tác kinh tế". Không chỉ làm trung gian đàm phán hợp tác kinh tế, mà còn cả làm trung gian đàm phán hòa bình. Đến đây, nổi lên vai trò của bộ trưởng quốc phòng Prabowo, người đã "trở thành tiêu điểm" ngay giữa cuộc chiến Nga - Ukraine khi "đề xuất một kế hoạch hòa bình mới để chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine..." (ASEAN WONK 5-6-2023).Tất nhiên, không chỉ có mỗi bộ trưởng quốc phòng Prabowo "nhảy vào" giữa cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, mà còn có cả tổng thống Jokowi, với "sứ mệnh hòa bình" - tới Moscow và Kiev và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tiếp - được các nhà phân tích coi là thể hiện những nỗ lực về chính sách đối ngoại của Indonesia. (South China Morning Post 1-7-2022).Tại Đối thoại Shangri-La 2023, Bộ trưởng Prabowo đăng đàn. Đầu tiên, ông nói về nguy cơ trong khu vực, tóm tắt tình hình hai bên bờ Thái Bình Dương, sau đó quay qua cuộc chiến tranh đương thời và "đề xuất phác thảo chung về kế hoạch hòa bình", bao gồm một lệnh ngừng bắn tại chỗ. Qua năm nay, ông Prabowo trở lại Shangri-La và được chủ tịch Đối thoại Shangri- La giới thiệu là "tổng thống đắc cử" sau khi ông đã chính thức đắc cử vào hôm 20-3.Ở Shangri-La 2024, ông nhắc lại chuyện năm ngoái, phiền trách và kiên trì đề xuất lệnh ngừng bắn, vì vẫn tin rằng đề xuất đó vẫn hợp lý, có liên quan và "cần thiết như một giải pháp trung gian cho tình hình khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có thể nói là thảm khốc này ở Ukraine". Tất nhiên, như trong mọi cuộc chiến tranh, con chim hòa bình thì kém thế hơn các bầy chim ưng!Ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới ở Indonesia là duy trì tốc độc tăng trưởng kinh tế cao. Ảnh: asialinkbusiness...và Prabowo, tân tổng thốngTổng thống Indonesia sắp nhậm chức Prabowo Subianto được kỳ vọng sẽ tích cực hơn người tiền nhiệm trong việc quản lý chính sách đối ngoại và quốc phòng của Indonesia. Câu hỏi đặt ra là liệu khu vực này sẽ chứng kiến một Indonesia quyết đoán hơn dưới thời Prabowo hay không, trang Fulcrum của Singapore đặt vấn đề.Câu trả lời là tích cực: "Một số nhà quan sát đã ca ngợi tổng thống sắp nhậm chức của Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, là hy vọng lớn tiếp theo về chính sách đối ngoại cho đất nước ông. Họ tin rằng ông sẽ thực hành nhiều hơn trong việc quản lý chính sách đối ngoại và quốc phòng so với người tiền nhiệm".Trong các chuyến thăm nước ngoài khác nhau của ông từ tháng 4 đến tháng 9, Prabowo đã gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng quốc phòng đối tác, trong đó có Việt Nam. Tất nhiên, không chỉ để đích thân mời sang dự lễ nhậm chức mà để tìm hiểu cái nhìn của từng đối tác về từng vấn đề. Từ đó, ông Prabowo sẽ có một đánh giá tình hình vừa toàn cảnh vừa chi tiết, giúp định vị Indonesia như thế nào, không chỉ đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc hoặc đối với các cường quốc bậc trung như Nga, Nhật Bản và EU, mà còn cả với các nước khác, đặc biệt là các nước láng giềng.Được biết, trong các cuộc tranh luận tranh cử tổng thống và các tuyên bố sau đó, ông đã diễn giải phương châm chính sách đối ngoại lâu đời của Indonesia là "bebas aktif" (tự do và độc lập) có nghĩa là Indonesia sẽ là một "người hàng xóm tốt" - tiếp tục lập trường "nhiều bạn, không có kẻ thù" của hai vị tổng thống trước ông.Trong diễn văn nhậm chức hôm 20-10, ông cũng lặp lại ý tưởng chủ đạo này: "Tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng Indonesia sẽ thực hiện chính sách đối ngoại như một quốc gia mong muốn trở thành một nước láng giềng tốt, chúng tôi muốn trở thành một nước láng giềng tốt. Chúng tôi muốn theo triết lý cổ xưa, "Một ngàn người bạn thì quá ít, một kẻ thù thì quá nhiều". Từ đó mở rộng ra: Indonesia chọn cách tiếp cận "tự do và chủ động", không liên kết. Chúng tôi không muốn tham gia bất kỳ hiệp ước quân sự nào, chúng tôi chọn con đường hữu nghị với tất cả các quốc gia".Tất nhiên, đó chỉ là ý tưởng đầu tiên của một Prabowo - tổng thống mới từ mấy ngày qua, song song còn cùng cộng sinh một Prabowo - bộ trưởng quốc phòng và quân nhân chuyên nghiệp mà đơn vị đầu tiên phục vụ là lực lượng đặc biệt từ năm 1970, đã từng chỉ huy lực lượng chiến lược vào năm 1998...Ông Prabowo thời trẻ, lúc còn trong quân ngũ. Ảnh: New MandalaTrong cương vị bộ trưởng quốc phòng, ông Prabowo đã củng cố ngoại giao quốc phòng của Indonesia bằng cách ký kết nhiều hiệp ước với các đối tác như Singapore và Úc để cải thiện và hỗ trợ quân đội Indonesia (TNI). Với tư cách là tổng thống, ông Prabowo sẽ tiếp tục nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, bao gồm cả với các nước láng giềng nhỏ hơn như Brunei, bằng cách cung cấp vũ khí và viện trợ cho Campuchia, đồng thời ưu tiên các mối quan hệ quốc phòng với các cường quốc lớn hơn, nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia.Nhưng cơ bản vẫn là ngoại giao khéo léo: chưa đầy 50 ngày sau cuộc bầu cử, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông đã thúc đẩy hợp tác an ninh và kinh tế sâu sắc hơn. Điều này diễn ra chỉ hai ngày sau khi bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (The Strait Times 21-9-2024)■ INDONESIA VÀ ASEANSau bầu cử, Tổng thống Jokowi mãn nhiệm vào 20-10 cũng "lơi bớt" chuyện chính trường. Trong số những lần "lơi bớt" đó, có vụ ông Jokowi tự ý vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45 tại Vientiane (Lào) đầu tháng 10 này.Tờ Jakarta Post 10-10-2024 thẳng thắn phê phán: "Joko "Jokowi" Widodo đã phạm phải sai lầm về chính sách đối ngoại khi quyết định không tham dự loạt hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần này tại Vientiane". "Indonesia không chỉ là thành viên lớn nhất của ASEAN mà còn là quốc gia cam kết bậc nhất với nhóm này... Sự vắng mặt của Jokowi làm suy yếu tuyên bố của Indonesia rằng ASEAN là nền tảng của chính sách đối ngoại của nước này". Hậu quả sẽ vượt mọi tưởng tượng, tờ báo của Indonesia quả quyết: "Sự vắng mặt đáng chú ý của ông sẽ làm giảm tầm quan trọng của các hội nghị thượng đỉnh. Các nhà lãnh đạo khác có mặt sẽ để ý và có thể bỏ lỡ các cuộc họp tiếp theo".Quả thật, sau vụ vắng mặt ở thượng đỉnh ASEAN Vientiane, ông Jokowi còn vắng mặt liên tiếp ở các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+ 3 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 18 thành viên bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga, chỉ phái Phó tổng thống Ma'ruf Amin, một nhân vật tượng trưng cũng sẽ "biến mất" sau ngày 20-10, làm đại diện cho Indonesia.Thái độ này của ông Jokowi làm suy yếu tuyên bố của Indonesia rằng ASEAN là nền tảng của chính sách đối ngoại của nước này, một câu thần chú mà các nhà ngoại giao không bao giờ chán nhắc đi nhắc lại, một quyết định đã khẳng định danh tiếng của ông là một người không quan tâm đến chính sách đối ngoại, điều này đã rõ ràng ngay từ những năm đầu tiên ông làm tổng thống...Việc Widodo vắng mặt là một bàn phản lưới nhà không cần thiết, làm tăng thêm nhận thức lâu nay rằng Indonesia không đủ sức mạnh để trở thành quốc gia lớn nhất Đông Nam Á - Jakarta Post "đóng đinh". Tờ báo này "than khóc" không chỉ cho vị trí của Indonesia mà cho vị trí của cả khối ASEAN: "Chúng ta thường chỉ trích các tổng thống Hoa Kỳ, từ Clinton và Bush đến Obama, Trump và Biden vì đã từ bỏ các hội nghị thượng đỉnh do ASEAN tổ chức, đôi khi thậm chí không phải là phó tổng thống mà chỉ là một phái đoàn cấp bộ trưởng. Tuần này tại Lào, đó là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken". Tags: Tân tổng thống IndonesiaBộ trưởng quốc phòngASEANTổng thống Indonesia Prabowo Subianto
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".