TTCT - Cuốn phim giải trí Âm mưu giày gót nhọn của Hàm Trần ra mắt tuần qua là một lời chào thật duyên dáng với khán giả VN... Âm mưu giày gót nhọn đánh dấu sự hợp tác của Hàm Trần - Kathy Uyên Phóng to Đạo diễn Hàm Trần và các diễn viên Một êkip không phải là xa lạ với những gương mặt như Kathy Uyên (Chuyện tình xa xứ, Để Mai tính), như Don Nguyễn hay ảo thuật gia Petey, nhưng họ lại cùng nhau góp phần làm nên một bộ phim có hơi thở đương đại tươi mát, có nghề và khá tinh tế. Nhạc trưởng của “bản phối” giàu âm sắc, thú vị và rộn rã ấy là Hàm Trần - một người vừa lạ vừa quen, từng đứng sau các phim như Để Mai tính, Khát vọng Thăng Long, Long ruồi... với vị trí đạo diễn dựng hay đạo diễn hình ảnh của bộ phim tài liệu Oh Saigon. Lần này bước ra ánh sáng, cuốn phim giải trí Âm mưu giày gót nhọn của Hàm Trần rõ ràng đã là một lời chào thật duyên dáng với khán giả VN. Câu chuyện với Hàm Trần diễn ra ở một góc rất Sài Gòn, sảnh cà phê khách sạn Continental nhìn ra Nhà hát TP, nhưng Hàm Trần lại tin rằng Sài Gòn, VN có nhiều cái khác rất VN hơn là những cái mà các nhà làm phim thường đem lên màn ảnh... Tôi đặt yếu tố Việt kiều sang một bên * Cảm giác thế nào, thưa anh, khi trở về VN sau một thời gian dài sống “lang bạt”, nào là Mỹ, Thái Lan, Campuchia...? - Sung sướng chứ, sung sướng ngay từ khi đọc kịch bản và biết sẽ được về VN để quay câu chuyện này. Tôi cũng xác định ngay trong đầu khi đọc kịch bản lúc đang ở New York, tôi sẽ không đưa những hình ảnh làng quê hay nhà thờ Đức Bà vào phim. Vì hình như phim nào làm về VN cũng có những hình ảnh này. Tại sao không là hình ảnh của một VN mới? Một thành phố Sài Gòn tôi thấy giống như sinh đôi với New York vậy, không chênh lệch gì lắm. Tôi đã thấy hầu hết đạo diễn Việt kiều về VN có cái nhìn khá giống nhau khi quay phim, ví dụ có cái xe máy thì sẽ là xe Vespa. Khi quay Âm mưu giày gót nhọn, tôi đã nói ngay với nhà sản xuất: No Vespa! (cười lớn), phim tôi phải khác, và cái khác đó chính là sự phản ánh về một VN bây giờ. Ngay cả những bộ sưu tập thời trang xuất hiện trong phim, tôi cũng muốn nếu người nước ngoài xem họ sẽ phải thán phục, rằng ở VN thời trang cũng rất văn minh. Tôi không muốn phim của tôi mang yếu tố Việt kiều. Nó là phim VN. Vì thế tôi muốn và đã đặt tất cả những yếu tố Việt kiều sang một bên. * Nhưng những cộng sự của anh trong phim đa số là người nước ngoài hoặc Việt kiều, có phải bước làm quen đầu tiên này anh chưa dám đặt cược vào tài năng của người Việt trong các khâu khác của sản xuất phim? - Tôi phải nói ngay là êkip của tôi không phải không có người Việt. Nhưng lựa chọn cuối cùng cho các khâu là quyết định của nhà sản xuất. Như khâu thiết kế phục trang chẳng hạn, các nhà thiết kế đều phải thông qua casting với những bản vẽ, đề xuất để lựa chọn. Quay phim của tôi là người nước ngoài vì vào thời điểm tôi quay phim, hầu hết các quay phim tốt người Việt cũng đang bận rộn với các dự án của họ. * Có một thời gian khá dài anh bận rộn với việc dựng phim. Công việc dựng những chất liệu mà người khác đem về cho anh với việc trực tiếp làm ra chất liệu để sử dụng, cảm xúc ra sao? - Khi dựng, tôi được trao quyền để dựng cách nào theo ý tôi là tốt nhất cho bộ phim. Trong quá trình ấy, tôi nhận thấy điểm quan trọng nhất là các bước chuyển, những dấu nối của các cảnh trong phim. Tôi đã học được rất nhiều khi nhìn vào các chất liệu mà các đạo diễn mang về để thấy được những điểm mạnh, điểm yếu và lấy đó làm kinh nghiệm riêng cho mình. * Tôi cũng nhận ra bước chuyển trong tay nghề của chính anh nếu so sánh với bộ phim điện ảnh đầu tiên anh làm, có gì đó hơi nhiều chất sân khấu. Nhưng đến phim này, ngôn ngữ điện ảnh rất hiện đại, có phải đó là nhờ quá trình tích lũy kinh nghiệm mà anh kể trên? - Tôi đồng ý với nhận xét của bạn nhưng cũng muốn nói thêm rằng phim trước của tôi là một phim drama (tâm lý) nên nó phải hơi “sến” một chút. Còn Âm mưu giày gót nhọn là một phim hài. Mỗi thể loại phim có một nhịp điệu riêng của nó, nếu phim ma thì từ từ rồi hù khán giả một cái thì phim hài nhịp điệu, tiết tấu phải rất nhanh (Hàm Trần búng ngón tay liên hồi) câu này qua câu kia phải “păm păm păm” không ngừng. Thế nên phim này sẽ khác phim kia là đương nhiên. Phóng to Hàm Trần trên set quay Âm mưu giày gót nhọn Được truyền nhiều cảm hứng * Ngoài những phim anh dựng thì phim VN nào anh đã xem? - Gần đây nhất tôi có xem hai phim tết là Bay vào cõi mộng và Mỹ nhân kế, tôi cũng có xem Lửa Phật. Đường đua tôi rất muốn xem nhưng chưa kịp xem thì đã hết chiếu rồi (bật cười). * Những phim anh kể trên có phim tốt thì doanh thu kém, có phim không tốt doanh thu lại khả quan. Nói điều đó để muốn hỏi anh rằng anh có sợ khán giả không? Anh có nghĩ mình nắm được cái khán giả muốn, hay đơn giản chỉ cần làm phim tốt họ sẽ đón nhận? - Không thể đoán được phản ứng của khán giả! Nếu mà biết được thì Hollywood đã luôn thành công với mọi dự án của họ. Số phận của Lửa Phật rõ ràng là khán giả quyết định đấy chứ! Tôi thấy khán giả VN rất thông minh, tinh tế, họ nắm bắt nhịp điệu phim rất tốt. Tôi đi xem phim và để ý phản ứng khán giả, như phim The Conjuring thấy họ rất thông minh. Hoặc như phim We’re the Millers, khán giả VN cười với tất cả những chỗ hài hước, mà phim đó đậm chất hài Mỹ, rõ ràng khán giả Việt tiệm cận với khán giả thế giới đấy chứ? Phim Việt bây giờ về kỹ thuật cũng khá gần với thế giới, nhưng cái tiếc là vì chú trọng vào điều đó hay sao mà câu chuyện lại không tốt, mà theo tôi, câu chuyện rất quan trọng để xác định một phim tốt hay không. * Thông minh? Vậy anh đánh giá thế nào về sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả với những màn chọc cười nhiều khi là khá... vô duyên trên phim Việt hiện tại, nhưng doanh thu của các phim đó lại khả quan? - À, phải nói thêm khán giả VN cũng hơi phức tạp, khó hiểu. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng có sự đồng điệu về ngôn ngữ chung của khán giả ở đây. Ví dụ ở Mỹ có Jim Carrey hay Adam Sandler, những màn chọc cười của hai diễn viên này trên phim có thể khiến những người nghiêm túc cho rằng hơi quá hoặc là quá quá! Tuy vậy, đa số khán giả lại yêu thích họ và họ là tên tuổi thành công trong các phim giải trí. Ở VN tôi nghĩ Hoài Linh hay Thái Hòa cũng gây nên những hiệu ứng tương tự. * Vậy ngoài yếu tố hên xui vì khán giả phức tạp hơn ta tưởng thì anh đánh giá thế nào về yếu tố “ngôi sao” trong phim ở VN? - VN có ít ngôi sao lắm, có thể kể một số tên nổi bật ngay như Ngô Thanh Vân, Đinh Ngọc Diệp, Johnny Trí Nguyễn, Thái Hòa... Nhưng nói thật là khi làm phim tôi cũng muốn chọn những người mới để khán giả có thêm lựa chọn. Và tôi nhận ra tùy thuộc vào việc tiếp thị mà một diễn viên có thể trở thành ngôi sao hay không, chứ VN có rất nhiều người có thể đẩy lên thành ngôi sao được. Ở Mỹ cũng vậy thôi, các studio thường tạo ra các chiến dịch tiếp thị để báo chí viết nhiều khi muốn đẩy một ai đó thành sao. Vấn đề của ngôi sao nằm ở chỗ có nhiều sao nữ hơn sao nam, sẽ rất dễ để tìm các gương mặt nữ là sao hoặc có thể thành sao, nhưng nam thì khó hơn nhiều. * Còn giới hạn nào cho những cảnh hài hước, để khán giả cười mà không thấy lố bịch đến phát ngượng như cách nhiều nhà làm phim đã “tống” lên màn ảnh Việt thời gian gần đây? - Tôi đã rất cân nhắc với cảnh Kathy Uyên đi trên sàn diễn mà bụng phát ra tiếng kêu ục ục. Vì thế nên phải tính đến sự logic của câu chuyện, là nem chua mà Kathy ăn gây ra cơn đau bụng của cô. Hoặc một cảnh khác, nhà sản xuất muốn nhân vật nữ của tôi khi say rượu thì phải ói lên người bạn trai của cô ta vì họ cho rằng như thế mới gây hài. Tranh cãi nhiều vì tôi rất không thích điều đó, nhưng sau đó tôi vẫn quay và chứng minh cho nhà sản xuất thấy dù quay rồi thì cảnh đó cũng không hề cần thiết để dựng vào phim. * Có thừa thắng xông lên để dự án sắp tới của anh vẫn là hài hước không? - Sẽ là một dự án kinh dị hài hước đấy, giống phim Tình người duyên ma (Peemak). Tôi đang tràn đầy năng lượng để sẵn sàng cho công việc. Dự án mới ban đầu là phim kinh dị nhưng đúng là với niềm hứng khởi từ Âm mưu giày gót nhọn, tôi muốn nó sẽ có thêm yếu tố hài hước nữa. Trên những chuyến bay về VN, tôi đã được truyền nhiều cảm hứng, nếu như một số dự án trước đây tôi tập trung vào vấn đề gia đình thì bây giờ cái nhìn của tôi rộng mở hơn, tôi muốn được hiểu thêm về cuộc sống, về lịch sử, về con người... Tôi thấy mình quá Mỹ, giống như cuộc phỏng vấn này, bạn hỏi bằng tiếng Việt mà tôi phải trả lời bằng tiếng Anh. Chắc chắn tôi sẽ phải sống ở đây lâu hơn để hiểu hơn về VN. Cảm ơn sự chia sẻ của anh. Tags: Kathy UyênÂm mưu giày gót nhọnĐạo diễn Hàm Trần
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Trả tới 30 tỉ/m² rồi xin rút vì 'sợ quá', công an vào cuộc PHẠM TUẤN 29/11/2024 Tại phiên đấu giá 58 thửa đất ngoại thành Hà Nội, nhóm này trả giá 30 tỉ đồng/m2 rồi xin rút vì 'sợ quá'. Công an huyện Sóc Sơn đang vào cuộc.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.
Black Friday chỉ thực sự sôi động buổi tối, người bán lo không đủ doanh số NHẬT XUÂN 29/11/2024 Dù hàng loạt cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lớn dịp Black Friday nhưng nhu cầu mua sắm dịp này chủ yếu nhộn nhịp vào buổi tối. Với lượng khách thiếu cân đối, nhiều cửa hàng lo không đạt doanh số đề ra.
Tổng thống Pháp nói 'choáng ngợp' khi thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng NGỌC ĐỨC 29/11/2024 Tổng thống Pháp lần đầu đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng, chỉ một tuần trước khi di tích này mở cửa cho khách tham quan trở lại.