Khi Bộ Khoa học - Công nghệ phải "xin" Bộ Tài chính

TRỊNH HỮU LONG THỰC HIỆN 11/08/2012 01:08 GMT+7

TTCT - Luật khoa học - công nghệ (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm (dự kiến thông qua năm 2013).

Trao đổi với TTCT, ông Đoàn Năng - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học - công nghệ, tổ trưởng tổ biên tập dự án Luật khoa học - công nghệ sửa đổi - cho hay ông hi vọng vào “một cuộc cách mạng” nhằm xóa bỏ tư duy cũ kỹ về quản lý tài chính để giải phóng năng lực của nền khoa học - công nghệ.

Phóng to

* Luật khoa học - công nghệ (KH-CN) đã tồn tại hơn một thập niên. Sự ổn định này là do bản thân đạo luật hợp lý hay do chúng ta chậm sửa đổi?

- Luật KH-CN hiện nay là đạo luật đầu tiên trong lĩnh vực KH-CN, giúp chúng ta pháp điển hóa các quy định của pháp luật về KH-CN, tạo cơ sở cho sự hình thành hệ thống các quy định thống nhất, đồng bộ trong lĩnh vực này, giải quyết tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả trước kia. Nhờ đạo luật này mà trên thực tế chúng ta đã sắp xếp lại được hệ thống các tổ chức KH-CN, đổi mới việc xác định, tổ chức thực hiện và đánh giá các nhiệm vụ KH-CN. Nó phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, tiến trình đổi mới, cải cách của chúng ta vào thời kỳ đó.

Ý tưởng sửa đổi luật này hình thành cách đây khoảng năm năm, khi Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Tình hình thay đổi, thực tế khác đi thì luật bộc lộ nhiều bất cập. Hồi năm 2000, cơ chế thị trường mới hình thành và chưa rõ nét, vẫn còn là nước nghèo, hội nhập quốc tế cũng chỉ mới manh nha... Hơn nữa tư duy, nhận thức lúc đó cũng chỉ ở mức ấy thôi.

Sau đó, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta đã bứt lên, rồi trở thành nước có thu nhập trung bình. KH-CN cũng đã phát triển lên một mức mới, thị trường đã định hình rõ nét. Chúng ta đã hội nhập sâu nên xuất hiện rất nhiều vấn đề cần sửa đổi, mà nếu không làm thì không thể giải phóng sức sáng tạo của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH-CN.

Luật hồi ấy nghiêng về cơ chế cũ, ví dụ hồi ấy chỉ có tổ chức KH-CN công lập, giờ thì ngoài công lập cũng đầy ra, anh phải quản lý cả chứ! Hoặc ngày xưa chỉ có Nhà nước nghiên cứu khoa học, giờ doanh nghiệp họ làm ầm ầm.

Chúng ta đang khuyến khích nhà khoa học nói dối

* Hạn chế lớn nhất của Luật KH-CN hiện hành là gì, thưa ông?

- Cái nguy hiểm nhất của các quy định hiện hành là nó không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN, với cơ chế thị trường, nặng tính hành chính, cứng nhắc và bảo thủ.

Chẳng hạn về cơ chế tài chính, cấp phát, thanh toán quyết toán kinh phí đề tài. Cơ chế hiện nay phải theo kế hoạch, dự toán và năm tài khóa. Vì vậy, phát sinh một vấn đề là: khi một tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp có một ý tưởng nghiên cứu, đề tài đăng ký với Bộ KH-CN, sau một quá trình xem xét, thẩm định thì Bộ KH-CN chuyển hồ sơ sang Bộ Tài chính. Quyết cuối cùng là Bộ Tài chính, cấp lúc nào là Bộ Tài chính. Và thường là không cấp đúng tiến độ. Nhiều khi đề tài đăng ký cả năm mà không có kinh phí thì anh làm cái gì?

Cách đây vài tháng, Bộ KH-CN mới nhận được kinh phí của năm 2011 và hiện nay đã là tháng 8-2012, chúng tôi vẫn chưa nhận được kinh phí của năm 2012. Thế thì làm sao phát triển nhanh KH-CN được? Làm sao giải quyết yêu cầu bức bách của sản xuất kinh doanh được?

Hơn nữa, vì cơ chế tài chính theo năm tài khóa, nên cứ đến tháng 12 hằng năm là phải quyết toán. Mà quyết toán thì phải có báo cáo đánh giá công việc và hóa đơn chứng từ. Trong khi đó việc cấp phát thì muộn, nhà khoa học mới nhận được tiền, thậm chí chưa nhận được tiền để nghiên cứu thì biết quyết toán như thế nào? Điều này cũng giống như một số quy định hành chính khác như định mức chi cho ăn ở, lưu trú của nhà khoa học chẳng hạn.

Chế độ không theo giá thị trường, may mắn thì mới được một nửa. Họ không thể bỏ tiền túi ra được. Do vậy họ phải nói dối. Họ phải bịa ra báo cáo đề tài, hóa đơn chứng từ, ở một ngày thì khai khống lên hai ngày, ăn một bữa thì khai khống lên hai bữa... để có đủ hồ sơ quyết toán với kho bạc.

Như vậy, cơ chế tài chính này buộc người ta nói dối, chấp nhận cho người ta nói dối và khuyến khích người ta nói dối. Nhà khoa học thì không muốn như vậy.

* Vậy hướng sửa đổi về cơ chế tài chính được thể hiện trong dự thảo này như thế nào?

- Dứt khoát chúng ta phải chấm dứt cơ chế tài chính theo tài khóa. Chúng tôi đã đưa vào dự thảo các quy định về việc cấp phát, thanh toán quyết toán theo cơ chế quỹ. Hiện chúng ta đang có Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (NAFOSTED) được các nhà khoa học rất hoan nghênh. Theo đó, tiền cho đề tài quỹ sẽ để ở kho bạc, theo lệnh của cơ quan có thẩm quyền thì anh chi. Còn thì chi mà hết thì nghỉ.

Quỹ cấp kinh phí cho các đề tài theo lệnh chi tiền chứ không phải theo dự toán trước hằng năm như hiện nay. Dự toán quỹ sẽ phải lo, quyết toán quỹ cũng lo. Chứ như hiện nay nhà khoa học ra kho bạc lấy tiền đâu có dễ. Rồi sinh ra chuyện nhà khoa học phải suốt ngày lo chuyện thanh toán, quyết toán. Các nước họ đều làm theo cơ chế quỹ và làm rất hiệu quả, tại sao chúng ta không làm được?

Muốn chịu trách nhiệm, phải có quyền

* Hiện cũng tồn tại vấn đề là Bộ KH-CN không quyết được các khoản kinh phí đầu tư phát triển cho KH-CN, và rất khó để tìm ra một cá nhân, cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về việc này. Dự thảo đưa ra hướng sửa đổi như thế nào để giải quyết tình trạng này?

- Riêng việc cấp cho đầu tư phát triển thì Bộ KH-CN không nắm được vì không có quyền. Cấp như thế nào là quyền của Bộ Kế hoạch - đầu tư, sử dụng như thế nào là quyền của Bộ Kế hoạch - đầu tư và các địa phương. Bộ KH-CN chỉ nắm được những cơ sở vật chất thuộc bộ, còn phạm vi các cơ sở vật chất dùng cho mục đích KH-CN ở các bộ, ngành khác và ở các địa phương thì chúng tôi không nắm được.

Bộ Kế hoạch - đầu tư và địa phương đôi khi vẫn có hiện tượng dùng kinh phí đầu tư phát triển cho KH-CN để làm đường, làm cầu, xây bệnh viện... mà Bộ KH-CN không nắm được nên nhiều khi không hiệu quả. Bộ trưởng Bộ KH-CN là tư lệnh ngành, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho KH-CN, về hoạt động KH-CN, nhưng lại không có quyền. Tư lệnh không quyền.

Do vậy, chúng tôi cũng đưa ra hướng sửa đổi là nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện cho Bộ KH-CN thực hiện trách nhiệm. Đối với kinh phí cấp cho các đề tài dự án, cấp cho đầu tư phát triển, giao cho Bộ KH-CN chịu trách nhiệm thì lúc đó bộ trưởng Bộ KH-CN đúng là tư lệnh ngành. Bây giờ không giao mà bảo anh chịu trách nhiệm thì không được.

* Bộ KH-CN có gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục các cơ quan, bộ ngành và các nhà khoa học đi theo hướng sửa đổi cơ chế tài chính mà bộ dự kiến?

- Nhìn chung, giới khoa học và các bộ ngành đều ủng hộ hướng sửa đổi của Bộ KH-CN, riêng Bộ Tài chính thì không đồng ý, với lý do là trái Luật ngân sách nhà nước. Quan điểm của chúng tôi là Luật ngân sách nhà nước và Luật KH-CN đều là luật cả, do vậy theo nguyên tắc, đạo luật ban hành sau sẽ phủ định quy định của đạo luật trước. Cụ thể ở đây Luật KH-CN mới sẽ phủ định các quy định của Luật ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực KH-CN, không đụng chạm đến các lĩnh vực khác.

Đây là một cuộc cách mạng thật sự. Nó đụng chạm đến một cơ chế được thực hiện từ lâu nay, thành nếp, thành thói quen mà muốn thay đổi được phải thay đổi ở tư duy quản lý. Duy trì cơ chế xin - cho như hiện nay, Bộ KH-CN muốn làm gì cũng phải sang xin Bộ Tài chính từng tí một thì còn gì là một bộ nữa?

Mức đầu tư cho KH-CN đã được hội nghị trung ương 2, khóa VIII năm 1996 ấn định ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 0,5-0,6% GDP. Theo số liệu của Bộ KH-CN, tổng chi cho KH-CN năm 2012 là 13.168 tỉ đồng.

Trong cơ cấu ngân sách chi cho KH-CN, giai đoạn 2006-2011, chi đầu tư - phát triển chiếm tỉ trọng bình quân 35,5%. Con số này đồng thời chiếm 3,5% tổng chi đầu tư - phát triển từ ngân sách nhà nước. Riêng hai năm 2011 và 2012, tỉ trọng chi đầu tư - phát triển đạt 45% với tổng mức chi là 11.077 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong 24.667 tỉ đồng chi cho KH-CN năm 2011 và 2012, Bộ KH-CN chỉ quản lý được 3.667 tỉ đồng kinh phí cấp phát cho các đề tài, dự án KH-CN cấp nhà nước và các nhiệm vụ KHCN khác, chiếm 14,8%. Phần còn lại gồm các khoản chi đầu tư - phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học đều do Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính phân bổ cho các bộ ngành, địa phương theo quy định.

Số liệu của Bộ KH-CN cũng cho thấy trong giai đoạn 2006-2010 chỉ có 30% tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đến từ khu vực tư nhân, tương đương 14.510 tỉ đồng. Phần còn lại đều do ngân sách nhà nước chi trả. Con số này thấp hơn nhiều so với cơ cấu vốn cho KH-CN thông thường ở các quốc gia trên thế giới, nơi mức đầu tư của tư nhân lớn gấp 2-3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ước tính tổng đầu tư xã hội cho KH-CN năm 2011 là 800 triệu USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận