Khi cả hai phe cùng "la làng"”!

DANH ĐỨC 29/06/2016 21:06 GMT+7

TTCT - Cuộc đối đầu NATO - Nga ngày càng leo thang, cứ như thể ngày mai sẽ bùng nổ thế chiến. Bên nào cũng vừa “la làng” vừa dấn tới vờn nhau…

Một chiếc Su-27 của Nga (trên) và Typhoon của Anh bay gần nhau trên biển Baltic vào tháng 6-2014 -wikipedia.org
Một chiếc Su-27 của Nga (trên) và Typhoon của Anh bay gần nhau trên biển Baltic vào tháng 6-2014 -wikipedia.org


Không phải như mèo vờn chuột mà như hổ hay sư tử vờn gấu! Có điều trong cảnh “trâu bò (suýt) húc nhau” đó, “ruồi muỗi” có nguy cơ lãnh đủ. Tờ Baltic Times (20-6) - có trụ sở tại Riga (Latvia), chuyên đưa tin của ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania - loan tin:

“Chiến đấu cơ phản lực của NATO phục vụ sứ mạng tuần tra trên không của NATO trong các nước vùng Baltic tuần qua đã hai lần được huy động để nhận dạng và “hộ tống” máy bay quân sự của Nga trong không phận quốc tế phía trên biển Baltic, Bộ Quốc phòng Lithuania loan báo hôm nay, thứ hai”.

Trong số các vụ “hộ tống” đó có hai lần là do hai chiếc máy bay vận tải, bay đúng lộ trình đã khai báo trước đó (từ Nga đến Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở châu Âu), liên lạc với kiểm soát không lưu và bật máy hồi đáp tự động, tức đã tuân thủ mọi thủ tục hàng không; song cũng có hai lần là chiến đấu cơ Su-27, mỗi lần một cặp, bay mà không khai báo trước kế hoạch bay, không bật máy hồi đáp tự động và cũng không trả lời qua vô tuyến.

Việc khai báo trước kế hoạch bay cho một vùng thông báo bay (FIR), có khi lớn hơn không phận của một nước và bao gồm không phận của nhiều nước cùng một lúc, cho dù là máy bay dân sự hay quân sự, vận tải hay chiến đấu, là một thủ tục bắt buộc trong không lưu vì chính sự an toàn trong khi bay, là một quy ước của loài người, vì con người.

Việc các chiến đấu cơ, bất luận của nước nào, bay vào một vùng FIR mà không khai báo trước lộ trình bay, không chịu trả lời liên lạc... luôn được xem là một đe dọa tiềm năng và buộc không quân nước “chủ nhà” tổ chức “đón tiếp”.

TUẦN TRA BALTIC, AI CẦN?

Trở lại với các chuyến bay quân sự từ nội địa nước Nga đến Kaliningrad được “hộ tống” trên biển Baltic, nếu từ hướng đông bắc nước Nga bay xuống, hoặc bay trên biển Baltic hoặc bay trên không phận nước Nga (tất nhiên không bay “trên đầu” các nước này) cũng đều phải “đánh” một “đường vòng” tương đương khoảng cách, nên việc bay trên biển Baltic chớ không bay trên không phận Nga, đối với các nước Baltic, là một chọn lựa có chủ ý từ phía Nga, bằng cớ là các máy bay chiến đấu kia đã không khai báo bay cũng như không liên lạc!

Từ khi ba nước Baltic gia nhập NATO vào năm 2004, việc NATO bay tuần tra 24/7 trở thành thường quy, xuất phát từ các căn cứ không quân Siauliai của Lithuania và Amari của Estonia.

Tất nhiên không quân NATO bay trên không phận ba nước Baltic cùng phe đâu cần khai báo bay với Nga sát bên, song Nga hay bất cứ nước nào khi bay trên biển Baltic thì phải khai báo bay... Và đây chính là điều “trêu ngươi” Nga! Nội việc F-16 của Bồ Đào Nha (thuộc NATO) hiện đang đóng (luân phiên) ở căn cứ Siauliai cũng như việc Eurofighter Typhoon của không quân Anh đóng ở căn cứ Amari cũng đủ khiến Nga nổi đóa rồi.

Không nổi đóa sao được khi mà đến tháng 8-1998, Nga vẫn còn có căn cứ rađa Skrunda-1 đặt tại Latvia và người lính Nga cuối cùng rời Baltic vào tháng 10-1999, để cho NATO bước vào thế chỗ từ năm 2004!

Tại sao ba nước Baltic lại cần NATO yểm trợ phòng vệ? Đơn giản vì ba nước này nhỏ quá, tổng dân số cả ba nước là 6 triệu người, nên không quân cũng nhỏ tương ứng, có cũng như không.

Tỉ như không quân Lithuania chỉ gồm 1.000 quân nhân và nhân viên dân sự cùng một dúm máy bay huấn luyện L-39ZA do Cộng hòa Czech sản xuất! Thật ra những trường hợp xuất kích “hộ tống” máy bay Nga không phải là mới.

Tháng 11-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon từng cho biết: “NATO đã ghi nhận được hơn 100 vụ xuất kích ngăn chặn trong năm nay, nhiều gấp ba lần so với năm 2013 và năm 2014 này vẫn chưa kết thúc”, chính Russia Today ngày 13-11-2014 đưa tin kèm bình luận rằng NATO vịn cớ để tăng cường quân lực.

Một chút lịch sử cận đại sẽ cho thấy lý do tại sao ba nước Baltic lại nhất định phòng vệ trước Nga. Ngày 13-1-1991, quân đội Liên Xô (lúc này chưa tan rã) cùng với đơn vị đặc nhiệm Alpha tấn công tháp truyền hình ở thủ đô Vilnius của Lithuania nhằm dập tắt phong trào độc lập ở đấy.

Đêm 31-7-1991, đặc nhiệm OMON của Nga từ căn cứ Riga (thủ đô của Latvia), tổng hành dinh lực lượng Liên Xô cũ ở vùng Baltic, tấn công đồn biên phòng Medininkai của Lithuania và sau đó tấn công ở Riga. Các phản ứng quân sự này đã không ngăn được ba nước Baltic tuyên bố độc lập vào tháng 8-1991 và được Liên Hiệp Quốc cho gia nhập tổ chức này vào ngày 17-9-1991, chấm dứt nửa thế kỷ nằm trong Liên Xô.

Muốn hay không muốn, trong nửa thế kỷ nằm trong Liên Xô cũ đó cùng với các hiện tượng di dân, trong lãnh thổ ba nước này số người gốc Nga chiếm tỉ lệ đáng kể, đặc biệt ở Latvia chiếm đến 1/4 dân số và gần 1/2 dân số tại thủ đô Riga; còn ở Estonia chiếm 1/4 dân số.

Chính vì thế những e ngại “tái bản” các kịch bản “châu về hợp phố”, như ở Gruzia năm 2008 với nhóm người gốc Nga dẫn đến cuộc chiến tranh 5 ngày với Nga cùng việc tự tuyên cáo thành lập hai nước Nam Ossetia và Abkhazia ly khai hay ở Crimea tháng 3-2014, là điều mà các chính phủ ba nước Baltic rất dè chừng.

NATO không chỉ yểm trợ ba nước Baltic bằng không quân, mà bằng cả hải quân và đương nhiên khiến Nga “bực dọc”. Ngày 13-4 vừa rồi, các máy bay Su-24 của không quân Nga đã mấy lần bay sà xuống, làm như sắp tấn công chiến hạm USS Donald Cook trong biển Baltic.

“GẤU NGA” GIƯƠNG VUỐT VÀ “LA LÀNG”

Về phần mình, Nga không chối những hoạt động quân sự như thế. Ngay từ năm 2014, Russia Today (13-11-2014) đã đưa ra giải thích: “Quả là Nga có phái máy bay tuần tiễu đến các nước khác, song các máy bay được lệnh ở trong không phận quốc tế.

Việc NATO thường xuyên tung máy bay chiến đấu lên đeo máy bay Nga cũng giống như Nga làm khi máy bay NATO bị coi là đến gần biên giới Nga vậy thôi. Sự gia tăng hoạt động của quân lực Nga cũng giống như sự gia tăng hoạt động của NATO.

Khối liên minh này tiến hành nhiều cuộc tập trận tăng cường và phát động các đợt càn quét trên không ở Đông Âu, vịn cớ rằng nhằm làm tăng sự tin cậy của các nước đang bị nước Nga đe dọa”. Dẫu sao, ý cuối của đoạn trích dẫn này, “nhằm làm tăng sự tin cậy của các nước đang bị nước Nga đe dọa” cũng như câu đầu, “Quả là Nga có phái máy bay tuần tiễu đến các nước khác” là khá thành thật khi cho thấy phe nào khởi sự trò “vờn qua vờn lại”?

Mỗi bên cùng “la làng”, tự cho mình là “nạn nhân”. Russia Today ngày 15-6-2016 chạy tít: “NATO tìm cách bao vây Nga trong cuộc chiến tranh lạnh tập 2” kèm trích dẫn:

“Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ ba tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự của liên minh tại phần phía đông châu Âu là lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Năm nay, NATO có kế hoạch triển khai thêm bốn tiểu đoàn ở các nước Baltic và Ba Lan.

NATO đang tăng gấp ba lực lượng phản ứng của mình lên đến 40.000 người, đồng thời tăng thêm 3 tỉ USD chi tiêu trong năm 2016 này... Cuộc tập trận của NATO tại Ba Lan là một trong những cuộc tập trận lớn nhất với 31.000 quân tham gia”.

Bài báo kết thúc bằng cách trích dẫn phát biểu của cựu nghị sĩ Quốc hội Bỉ Lode Vanoost: “Cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên nhằm buộc Liên Xô mở rộng chi phí quốc phòng, khiến kinh tế bị ảnh hưởng. Nay phương Tây muốn trừng phạt Nga vì đã không nghe lời”.

Cuộc tập trận mà tờ Russia Today nhắc tới cũng đã được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đề cập đến trong phỏng vấn của tờ Bild am Sonntag: “Bất cứ ai nghĩ rằng có thể an ninh hơn với cuộc diễu hành xe tăng ở biên giới phía đông của liên minh đều lầm to. Tốt hơn đừng tạo cớ cho một cuộc đối đầu mới, song thật ra là cũ, một cách rẻ tiền như vậy”.

Trong những xã hội như Đức hay Bỉ, ý kiến đa chiều như của ngoại trưởng Đức hay cựu nghị sĩ Bỉ, không ưa trò tập trận gây sức ép của NATO và nói thẳng, là điều hết sức bình thường. Chính sự đa chiều trong ý kiến đó đã, đang và sẽ giúp những người có thẩm quyền ra quyết định điều chỉnh chính sách.

Nhân Diễn đàn kinh tế quốc tế Petersburg cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích cội nguồn “câu chuyện” giữa Nga và NATO như sau: “Liên Xô không còn nữa, khối Warsaw cũng thôi tồn tại. Vì lý do nào đó, NATO cứ tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng của mình về phía biên giới Nga. Điều này đâu phải mới bắt đầu hôm qua.

Montenegro đang sắp trở thành thành viên của NATO. Ai đe dọa gì Montenegro? Quan điểm của chúng tôi hiện vẫn cứ bị phớt lờ. Một chuyện khác nữa, cũng quan trọng như vậy, có lẽ quan trọng nhất, là việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định về chống tên lửa đạn đạo (ABMT). ABMT từng được thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ vì một lý do tốt.

Có hai khu vực được phép triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo là Matxcơva và địa điểm Mỹ bố trí các tên lửa liên lục địa. Hiệp định này được thiết kế nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trên thế giới. Thế nhưng họ đã đơn phương rời bỏ hiệp định, với một giải thích kiểu “bạn bè”, “Chẳng phải để chống lại quý vị đâu. Quý vị có muốn triển khai vũ khí tấn công, cứ việc, chúng tôi không cho là nhắm vào chúng tôi đâu”.

Có biết tại sao họ lại bảo thế? Rất đơn giản: vào đầu những năm 2000 đó, chẳng ai nghĩ rằng nước Nga đang đánh vật với các khó khăn nội bộ... lại khôi phục lĩnh vực quốc phòng. Lúc đó, chẳng ai nghĩ rằng chúng tôi lại có thể duy trì kho vũ khí của chúng tôi, chứ đừng nói là có được vũ khí chiến lược mới.

Lúc đó, họ nghĩ rằng họ sẽ “một mình một chợ” xây dựng lực lượng phòng thủ tên lửa trong khi kho vũ khí của chúng tôi sẽ chìm nghỉm. Và họ cứ thế phát triển lá chắn tên lửa dưới chiêu bài chống lại mối đe dọa hạt nhân Iran. Vậy bây giờ đe dọa hạt nhân Iran đã ra sao? Chẳng có gì hết, trong khi dự án của họ cứ tiếp tục. “Câu chuyện” với họ là như vậy đó, hết lần này tới lần khác”.

Bên nào cũng có cái lý của mình. Mỗi bên có những cái sân sau của mình. Cứ thế, hai bên dẫn nhau (và có nguy cơ dẫn cả châu Âu và thế giới) đến bên bờ vực thẳm. ABMT là hiệp định ký năm 1972 giữa Mỹ và Liên Xô, ấn định mỗi bên chỉ trang bị hai tổ hợp tên lửa chống tên lửa đạn đạo, mỗi tổ hợp gồm 100 tên lửa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận