TTCT - "Sao cô không cho con tôi làm lớp trưởng, ngồi bàn đầu, kết nạp Đội", "Cô thiếu trách nhiệm để con tôi bị trầy xước, nói tục, chửi thề"… Phụ huynh có thể chất vấn giáo viên qua tin nhắn, điện thoại, ứng dụng chat bất kể giờ giấc. Cô trò sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, sáng tạo nếu cô giáo không phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Ảnh: ĐOÀN NHẠN Nhiều giáo viên nói rằng họ không ngại dạy học sinh cá tính, chỉ ngại những phụ huynh đặc biệt…Những phụ huynh đặc biệtCô Hòa, giáo viên dạy lớp 2 ở một trường tiểu học tại quận 1 (TP.HCM) kể năm ngoái lớp cô chủ nhiệm có một phụ huynh đặc biệt. Sau khi lớp tham quan các di tích lịch sử của quận bằng xe buýt, buổi tối cô Hòa nhận được tin nhắn của phụ huynh phàn nàn chuyện hôm nay cô giáo không cho bé K. ngồi sau lưng tài xế nên cháu bị ói. Cô Hòa giải thích cô không sắp xếp chỗ ngồi trên xe mà các cháu tự chọn chỗ ngồi. Bé K. có xin lên ngồi sau lưng tài xế nhưng lúc đó xe đã chạy, chỗ ngồi đó cũng không còn trống nên cô không cho các cháu di chuyển, tránh gây nguy hiểm. Lượt về, cô sắp xếp cho bốn học sinh bị ói ngồi ghế trước xe nhưng các cháu (bao gồm bé K.) vẫn bị ói. Phụ huynh đề nghị cô Hòa phải rút kinh nghiệm vì trước khi đi dã ngoại không tìm hiểu xem cháu nào hay bị ói để xếp chỗ ngồi phía trên.Lát sau, phụ huynh này nhắn trong nhóm chung của cả lớp hỏi tiếp tại sao bé K. toàn phải ngồi bàn cuối lớp trong khi cô đã đổi chỗ ngồi cho cả lớp nhiều lần. Người mẹ khăng khăng cho biết mình phải nhắn trong nhóm phụ huynh để mọi người cùng nắm sự việc. Cô giáo giải thích bé K. cao nhất lớp, để bé ngồi bàn trước thì các bạn sau sẽ không nhìn thấy bảng. Vị phụ huynh "đặc biệt" này, vào đầu năm học đã đến gặp cô Hòa đề nghị cho con mình làm lớp trưởng, được ngồi bàn đầu, đứng đầu hàng để cô giáo dắt tay trong lễ khai giảng.Bản thân bé ở lớp cũng luôn muốn được ưu tiên nên khi xếp hàng vào lớp hay lấy cơm ăn, K. đều giành đứng trước, thậm chí từng đẩy bạn ngã để giành phần đánh răng trước. Nhưng cũng một cuộc xô đẩy tương tự, K. bị xô ngã, phụ huynh này nhất quyết đòi gặp hiệu trưởng. "Trước mặt hiệu trưởng, phụ huynh này "kết tội" giáo viên chủ nhiệm: không làm hết trách nhiệm nên để cho học sinh khác đẩy bé K. ngã, phân biệt đối xử với bé K. vì ít gọi bé phát biểu, chưa đổi mới phương pháp giảng dạy vì không cho học sinh làm dự án…", cô Hòa kể.Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) chia sẻ có trường hợp một học sinh bị cô giáo nhắc nhở nhiều lần vì quên đem vở bài tập. Giáo viên chủ nhiệm nhắn tin nhờ phụ huynh quan tâm, kiểm tra sách vở cho con trước khi đi học. Kết quả là ba của cậu bé đến trường đòi "xử lý" cô giáo chủ nhiệm. Sau khi tìm hiểu, nhà trường mới biết cha mẹ của cậu bé đang ly thân, em phải đi qua lại nơi ở của cha và mẹ nên hay quên sách vở.Trăm dâu đổ đầu… giáo viênCô Trần Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 ở một trường tiểu học quận trung tâm TP Đà Nẵng, kể phụ huynh quá quan tâm đến con cũng tạo áp lực cho giáo viên. Mỗi năm, các lớp 3 sẽ có hai đợt chọn học sinh kết nạp Đội. Năm ngoái, cô Lan xây dựng tiêu chí bầu chọn và hướng dẫn cho học sinh cả lớp bỏ phiếu để chọn ra 15 bạn kết nạp Đội trong đợt đầu. Buổi tối, cô bất ngờ nhận nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn của phụ huynh chất vấn vì sao con của họ không được chọn kết nạp Đội trong đợt đầu tiên của năm học. "Cả buổi tối hôm đó, tôi phải quay cuồng trả lời điện thoại và tin nhắn, không thể làm được gì. Nói chuyện qua tin nhắn và điện thoại dễ bị lỡ lời và có thể đẩy sự việc đi xa hơn khiến tôi rất căng thẳng. Đến nỗi giờ nghe tiếng tin nhắn đến vào buổi tối là tôi bị ám ảnh", cô Lan chia sẻ. Với nhiều giáo viên như cô, việc phụ huynh quan tâm thái quá đến cả những vấn đề nhỏ của lớp học sẽ hạn chế giáo viên sáng tạo phương pháp giáo dục học trò và giảm tính trung thực, khách quan trong trường học.Lớp cô giáo Liên ở một trường THCS tại Vĩnh Long có nhóm Zalo để cô thông báo thời khóa biểu hoặc thông tin cần thiết đến phụ huynh. Cô Liên cài chế độ chỉ có trưởng, phó nhóm mới được nhắn tin để chống trôi những thông tin quan trọng, phụ huynh có thắc mắc thì nhắn tin, gọi điện thoại hỏi riêng cô. Vậy là mỗi tối cô Liên phải "trực" điện thoại để nhận máy và trả lời tin nhắn của phụ huynh. Có khi trả lời tin nhắn trễ 10 phút là phụ huynh gọi điện thoại phàn nàn, có hôm đến giờ đi ngủ cô vẫn phải nhận cuộc gọi của phụ huynh.Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), lại bị áp lực bởi sự thờ ơ của phụ huynh với việc học hành của con em. Đó là những người làm cha mẹ nhưng không nhắn tin hỏi về việc học hành của con, song sẽ lao đến trường hạch hỏi giáo viên nếu con mình có vết xước chân tay do đùa nghịch ở trường. Cô và nhiều giáo viên ở trường vì thế thường trực cảm nhận sự căng thẳng và không tránh khỏi cảm giác ngần ngại khi muốn trao đổi với các phụ huynh này về việc học hành hay các vấn đề khác của học sinh.Cô giáo Ngọc Ninh, một giáo viên cấp III ở Vĩnh Long, cực chẳng đã phải nhờ đến học sinh của mình để "nói chuyện" với một phụ huynh học sinh khác. Em học sinh nói tục, chửi thề nhiều lần trong lớp, cô Ninh nhắc nhở và yêu cầu em viết kiểm điểm. 19g30, cô Ninh nhận điện thoại của phụ huynh. Vị phụ huynh khẳng định con mình bị oan vì em ở nhà rất ngoan, hiền và không bao giờ nói tục, cho rằng giáo viên đã gán cho em những sai phạm mà em không thực hiện. Bất chấp mọi lời giải thích, vị phụ huynh vẫn không tin. Cuối cùng, cô giáo đành mời phụ huynh đến trường, nhờ lớp trưởng và lớp phó trật tự đã chứng kiến học sinh nói tục, đem sổ ghi chép việc em học sinh kia nói tục trong lớp vào các ngày thứ hai, ba, sáu và thứ bảy trong tuần cho phụ huynh xem, mọi chuyện mới ngã ngũ và dịu đi.Cũng gặp trường hợp tương tự nhưng thầy Nghĩa, một giáo viên cấp III ở Cần Thơ, sau khi trình bày hết chứng cứ vi phạm của học sinh thì bị phụ huynh hỏi ngược: Thầy và nhà trường dạy con tôi kiểu gì mà cháu lại nói tục, chửi thề!? Có phải thầy thiếu trách nhiệm, nhà trường giáo dục không nghiêm, nhiều học sinh nói bậy nên con tôi mới học theo (?!).Đừng làm gương xấu cho conTheo ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, hiện nay có khá nhiều phụ huynh đặc biệt. Họ không chỉ quan tâm đến con một cách thái quá mà còn can thiệp sâu vào các hoạt động của lớp, của trường."Một số phụ huynh có chức có quyền, có tiền còn muốn thao túng cả giáo viên và nhà trường. Có thể những phụ huynh này suy nghĩ rằng họ đang mang lại quyền lợi cho con mình nhưng thật ra họ đang làm gương xấu cho con. Trẻ sẽ nhận ra ngay uy quyền của cha mẹ đối với thầy cô giáo, rất có thể chúng sẽ bắt chước, cũng cậy quyền, ỷ thế với bạn bè. Nếu phụ huynh không coi trọng giáo viên thì làm sao học sinh coi trọng giáo viên được. Từ thực trạng trên mới thấy người giáo viên ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực" - ThS Mỹ Linh nhận định.ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh khuyên các giáo viên nên từ chối tham gia các nhóm Zalo, Viber… của phụ huynh học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chỉ kết nối với ban đại diện cha mẹ học sinh để thông báo những tin cần thiết rồi ban đại diện sẽ thông báo cho các phụ huynh còn lại."Khi phụ huynh nóng giận, giáo viên nên tìm cách dừng câu chuyện (kể cả tin nhắn, điện thoại hay trao đổi trực tiếp), không nên cố gắng giải thích. Vì phụ huynh nóng giận sẽ dễ nói những lời gây tổn thương thầy cô giáo. Nói chuyện trong hoàn cảnh như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề", ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh nói.Dù có nhiều lời khuyên khác nhau, với những cách ứng xử khác nhau nhưng các chuyên gia tư vấn giáo dục gặp nhau ở một điểm: họ cho rằng các trường cần có hệ thống hỗ trợ giáo viên. Trong đó, ban giám hiệu trường phải là nơi "đứng mũi chịu sào". Mỗi trường cần có đường dây nóng tiếp nhận các phản ảnh của phụ huynh, lãnh đạo trường có lịch tiếp phụ huynh và giải quyết sớm các phàn nàn, chất vấn của phụ huynh. Việc này nhằm tạo cho giáo viên tâm lý ổn định, tin cậy và an tâm dạy dỗ học trò. ■ Tags: Trường tiểu họcPhương pháp giảng dạyCô giáo chủ nhiệmPhương pháp giáo dụcPhụ huynh học sinhThầy cô giáoBan giám hiệuKết nạp ĐộiỨng dụng chatThời khóa biểuPhân biệt đối xửPhụ huynh
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.