Khi sao ảo "truất phế" sao thật!

ĐOAN THƯ 26/03/2010 02:03 GMT+7

TTCT - Năm 2017, phiên bản mới nhất bộ phim phiêu lưu Indiana Jones sẽ ra mắt tại 4.000 rạp khắp nước Mỹ. Harrison Ford tất nhiên vẫn thủ vai nhà khảo cổ Indy. Có điều Harrison Ford (sinh năm 1942) xuất hiện lần này với độ tuổi chỉ 35 và đóng cặp cùng... ngôi sao quá cố Humphrey Bogart (mất năm 1957)!

Kỹ thuật “vặn ngược kim đồng hồ” của Hollywood chẳng là chuyện hoàn toàn mới nhưng diện mạo điện ảnh tương lai đang được định hình ngày càng rõ rệt bởi xu hướng này. Tại sao?

Phóng to
Brad Pitt bị biến thành ông già nhỏ thó trong Dị nhân Benjamin - Ảnh: celebritywonder

Hollywood tương lai gần là cuộc cách mạng của kỹ thuật ảo, khi màn ảnh tràn ngập diễn viên được dựng từ máy tính. Ngay thời điểm hiện tại, kỹ thuật ảo đang là đề tài nóng được tranh luận nhiều nhất đối với giới sản xuất Hollywood - Steve Preeg thuộc Hãng kỹ xảo Digital Domain cho biết.

Tại sao? Vấn đề chỉ bởi yếu tố tài chính. Dù doanh số Hollywood tăng 42% kể từ năm 1999, chi phí sản xuất phim thậm chí tăng còn nhanh hơn. Năm 1997, thế giới đã há hốc kinh ngạc khi nghe James Cameron chi 200 triệu USD cho Titanic. Bây giờ, đó là ngân sách trung bình cho một siêu phẩm bom tấn. Hậu quả, vài hãng phim khổng lồ phải vỡ nợ.

Năm 2004, “sư tử” huyền thoại MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) đã không còn đủ hơi gầm rú làm chúa sơn lâm và cuối cùng bị bán với giá 5 tỉ USD (cho nhóm nhà đầu tư thuộc Sony, Comcast, Texas Pacific...) rồi bây giờ tiếp tục được gả bán với nửa giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua (tính đến giữa năm 2009, MGM nợ đến 3,7 tỉ USD)! Với Hollywood, kinh doanh điện ảnh ngày càng khó khăn hơn. Ngôi sao lớn, ngân sách mạnh và kỹ thuật quảng cáo tốn kém vẫn chưa bảo chứng cho doanh thu.

Điều gì xảy ra với sao thật?

Hè 2009, Universal đã bơm 100 triệu USD để dựng lại bộ phim truyền hình Land of the lost thập niên 1970 lên màn ảnh rộng với danh hài Will Ferrell trong vai chính, nhưng vẫn lỗ thê thảm khi doanh số toàn cầu đạt vỏn vẹn 68 triệu USD. Paramount cũng “đen đủi” tương tự. Họ đã trả catsê đến 12 triệu USD cho Eddie Murphy trong mỗi bộ phim mà anh xuất hiện (Gặp Dave năm 2008 và Hãy tưởng tượng năm 2009) nhưng cả hai phim đều thất thu. Hãy tưởng tượng đã “góp phần” làm giảm 23% doanh số phòng vé của Paramount, còn 1,3 tỉ USD năm 2009 (Forbes 15-3-2010).

Việc mời ngôi sao đẳng cấp với thù lao “đụng nóc ngân sách” chẳng phải gần đây mới đem lại bài học cho những hãng phim Hollywood. Jehoshua Eliashberg (giáo sư tiếp thị Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania) từng nói việc các hãng phim sử dụng ngôi sao lớn với thù lao khổng lồ là một sai lầm.

Trong cuộc khảo sát (thực hiện năm 1999) với gần 200 phim phát hành từ năm 1991-1993, S. Abraham Ravid (giáo sư kinh tế Đại học Rutgers) cho thấy không có mối quan hệ giữa sức hút tên tuổi ngôi sao và thành công doanh thu. Quan niệm sử dụng ngôi sao để bảo đảm doanh thu xuất phát từ lý thuyết “kinh tế học siêu sao”, từng ứng dụng để giải thích sự chênh lệch lương trong giới luật sư cũng như giới điều hành công ty, được đưa ra vào cuối thế kỷ 19 của nhà kinh tế học người Anh Alfred Marshall, với nội dung rằng tài năng vượt trội phải được tưởng thưởng cao hơn tài năng làng nhàng.

Lý thuyết này một lần nữa được nhà kinh tế Sherwin Rosen (Đại học Chicago) nhấn mạnh năm 1981. Rosen chỉ ra rằng sự phát triển kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với những người có năng lực trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhằm phục vụ một thị trường rộng hơn, giúp tăng doanh thu đem lại từ ngôi sao, đồng thời làm giảm doanh thu của đối tượng cạnh tranh.

Lấy ví dụ ngôi sao bóng rổ huyền thoại Michael Jordan, người có thể đem lại hàng triệu đôla vào thập niên 1980-1990 khi có khả năng lôi kéo khán giả xem đội Chicago Bulls của mình. Khi Chicago Bulls vắng Michael Jordan, khán giả lập tức xem các đội khác, chẳng hạn Milwaukee Bucks hoặc Golden State Warriors.

Trong một nghiên cứu doanh thu vé ca nhạc, nhà kinh tế Alan B. Krueger (Đại học Princeton) nhận thấy từ năm 1983-1993 (giai đoạn mà MTV, Napster, iPod cùng nhiều kỹ thuật liên quan âm nhạc bắt đầu bùng nổ và dường như ảnh hưởng trực tiếp doanh số vé), tỉ lệ chia lợi nhuận từ doanh thu vé thu được từ 5% nghệ sĩ hàng top đã tăng từ 62% lên 84%, có nghĩa các phương tiện nghe nhìn trên thật ra không chia sẻ nhiều đến doanh thu vé ca nhạc.

Xét từ lĩnh vực ca nhạc, giới điều hành Hollywood cũng nghĩ rằng việc sử dụng ngôi sao là một sự đầu tư ăn chắc. Có thể điều này đúng trong quá khứ chứ không phải hiện tại - theo Harold L. Vogel, tác giả quyển Entertainment industry economics: A guide for financial analysis. Có quá nhiều bằng chứng cho thấy ngôi sao lớn chẳng hề lôi kéo được khán giả và không ít phim không có sao nhưng vẫn hốt bộn bạc, chẳng hạn E.T., Chiến tranh giữa các vì sao, Công viên kỷ Jura vài năm trước hay các tập phim Harry Potter hoặc Chúa tể những chiếc nhẫn gần đây.

Trường hợp điển hình nữa là phim hài Đám cưới kiểu Hi Lạp thu 241 triệu USD dù phim không hề có ngôi sao và cũng chẳng sử dụng kỹ xảo. Trong khi đó, Ocean’s eleven (và bản dựng tiếp theo là Ocean’s twelve) - với các diễn viên thượng thặng George Clooney, Andy Garcia, Matt Damon, Brad Pitt và Julia Roberts - đã không thật sự thành công. Columbia Pictures (thuộc Tập đoàn Sony) từng mời hai ngôi sao lớn Pierce Brosnan - Geoffrey Rush và mua cả bản quyền quyển sách của cây bút truyện gián điệp lừng danh John Le Carré để dựng Thợ may Panama nhưng phim chẳng hề “cháy vé” như được kỳ vọng...

Số hóa màn ảnh rộng được coi là giải pháp tối ưu. Vài năm gần đây, kỹ thuật số hóa của Hollywood liên tục phát triển và liên tiếp gây kinh ngạc cho người hâm mộ, như Hãng Digital Domain từng thực hiện với phim Dị nhân Benjamin, khi biến diễn viên Brad Pitt thành ông cụ rồi từ ông già lọm khọm thành em bé (chỉ riêng phần này đã ngốn 20 triệu trong 31 triệu USD ngân sách kỹ xảo với quá trình thực hiện kéo dài hai năm). Trong khi đó, kỹ thuật số hóa càng tiến thì chi phí càng giảm.

Với phương tiện ngày nay, những “tay phù thủy” Hollywood không chỉ làm thay đổi diện mạo biến già thành trẻ hoặc ngược lại mà còn có thể dễ dàng đưa người từ cõi chết trở về sống lại trên màn bạc. Hơn nữa, việc hồi sinh người chết luôn mang lại lợi nhuận.

Một mẩu quảng cáo Mercedes-Benz với Marilyn Monroe đã giúp cô đào chết từ 46 năm trước này “nhận” được thù lao 6,5 triệu USD năm 2008. Gần đây, diễn viên Steve McQueen (từ trần năm 1980) cũng xuất hiện trong clip quảng cáo đồng hồ Tag Heuer cạnh tay đua Thể thức 1 Lewis Hamilton (sinh năm 1985)... GreenLight, nơi chuyên kinh doanh bản quyền các ngôi sao quá cố như Steve McQueen, Johnny Cash..., cho biết ngôi sao đầu tiên được làm sống lại và thủ diễn trong cả một bộ phim có thể là Lý Tiểu Long.

Với những ngôi sao ảo như thế này, “hiệu ứng đôla” hẳn nhiên là rất lớn xét về mặt đầu tư trong khi chi phí lại không cao do hãng phim chẳng còn nặng đầu thương lượng vấn đề catsê...

Ngay thời điểm hiện tại, ranh giới giữa diễn viên thật và diễn viên ảo tiếp tục mờ dần. Trong phim 3D mới của Walt Disney - Alice ở xứ sở thần tiên (đang gây “cháy vé” tại Mỹ với doanh thu 116,3 triệu USD khi mới chiếu được vài ngày kể từ thời điểm ra mắt 5-3-2010), đạo diễn Tim Burton đã biến cái đầu diễn viên Helena Bonham Carter phình to gấp đôi như quả dưa hấu khổng lồ gắn trên cổ diễn viên này!

Tuy nhiên, như Ken Ralston (giám sát kỹ xảo Alice ở xứ sở thần tiên) nhận xét, máy móc chẳng bao giờ có thể thay thế hoàn toàn con người nói chung hay lột tả được những biểu cảm của Helena Bonham Carter nói riêng. Diễn xuất là một nghệ thuật mà máy móc còn lâu mới bắt chước được. Dù vậy, sự hiện diện tăng dần khả năng “phù phép” từ kỹ xảo liên tục mang lại những trực nghiệm mới lạ cho người hâm mộ điện ảnh là điều chẳng ai có thể phủ nhận.

Thời của sao ảo

Như phân tích của giáo sư kinh tế Arthur S. De Vany (Đại học California-Irvine), phim với sự góp mặt của ngôi sao đạt thành công thật ra không phải nhờ ngôi sao, mà vấn đề ở chỗ ngôi sao chọn đúng vai diễn trong một kịch bản thích hợp. Điều này không như trong lĩnh vực ca nhạc. Nếu khán giả mua vé xem buổi diễn của ca sĩ Bruce Springsteen thì đích thực họ muốn xem Bruce Springsteen, trong khi đó người ta mua vé xem The matrix vì nhiều lý do chứ không phải chỉ để ngắm gương mặt điển trai của Keanu Reeves.

Đúng là có rất nhiều yếu tố giúp một bộ phim thành công chứ không phải chỉ ngôi sao. Nghiên cứu hơn 2.000 phim từ năm 1985-1996, De Vany cùng W. David Walls (nhà kinh tế thuộc Đại học Calgary) cho biết chỉ vỏn vẹn bảy diễn viên (Tom Hanks, Michelle Pfeiffer, Sandra Bullock, Jodie Foster, Jim Carrey, Barbra Streisand và Robin Williams) thật sự đem lại ảnh hưởng tích cực bằng sức hút ngôi sao của họ.

Trong khảo sát trên, người ta nhận thấy hai đạo diễn Steven Spielberg và Oliver Stone cũng là bảo chứng cho doanh thu vé, trong khi tên tuổi Winona Ryder, Sharon Stone và Val Kilmer thường đi kèm với thất bại.

Gút lại, De Vany kết luận tên tuổi ngôi sao có thể giúp lôi kéo khán giả đến rạp vào những ngày đầu công chiếu, còn thắng đậm sau đó hay không thì còn phải chờ, trong đó yếu tố kịch bản là điều không thể bỏ qua. Chiến thuật quảng cáo rùm beng trước đó càng dễ khiến khán giả nổi giận một khi họ có cảm giác bị gạt khi xem một bộ phim tầm xàm. Thất bại ê chề của Rắn độc trên máy bay (2006) với tài tử tên tuổi Samuel L. Jackson có thể xem là trường hợp điển hình của “phim tạo ra ngôi sao chứ ngôi sao không tạo ra phim” - như De Vany nhận xét.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận