Kinh tế nông thôn: "Quả dưới thấp đã hái hết"

HƯƠNG GIANG 16/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Những thành quả dễ dàng trong quá trình đổi mới nông nghiệp - “quả dưới thấp” - đã hái hết, còn “quả trên cao” thì đang rất khó hái.

Ông Lưu Đức Khải, trưởng Ban chính sách nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), ưu tư sau nhiều năm tham gia nghiên cứu đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam, mà kết quả điều tra mới nhất vừa được công bố hồi tháng 8 vừa qua tại Hà Nội.

Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Hoàng Huy, Châu Thành, Long An

Trao đổi với TTCT, ông Khải nói:

- Tại sao nông nghiệp được quan tâm nhiều mà vẫn lạc hậu? Điều này xuất phát từ tính cố hữu của nông nghiệp là tỉ suất lợi nhuận thấp hơn các ngành khác và chính sách công nghiệp hóa của các nước luôn có phần tích lũy lấy từ nông nghiệp (chẳng hạn lấy kim ngạch xuất khẩu của nông nghiệp để đầu tư cho công nghiệp hóa, lấy đất đai, lao động và các nguồn lực khác cho công nghiệp hóa), sau đó nếu phát triển rồi thì mới đủ điều kiện quay lại phát triển nông nghiệp.

Riêng với VN, chúng ta mới bắt đầu công nghiệp hóa không lâu nên quan trọng là đừng để khoảng cách giữa nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trở nên quá lớn, nếu không sẽ phải xử lý các vấn đề xã hội vốn phức tạp hơn và khó khăn hơn rất nhiều so với kinh tế.

* Có ý kiến cho rằng cần phá thế bế tắc của nông nghiệp bằng cách tự do hóa sản xuất, dịch vụ cho nông nghiệp; phá thế độc quyền trong xuất khẩu của các tổng công ty lương thực?

- Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu đã là tư nhân hóa rồi, phần lớn do các hộ gia đình nắm giữ. Doanh nghiệp quốc doanh còn không nhiều và nếu có thì cũng giao khoán. Còn phần chế biến và xuất khẩu thì với một số tiểu ngành, Nhà nước có giao cho một số tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp.

Về lý thuyết, làm như vậy để tạo ra sức mạnh đối trọng và tạo thế mặc cả với bên ngoài, nhưng trên thực tế không đạt được vì nhiều lý do. Một trong các lý do là thay vì cùng nhau hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh với bên ngoài thì nhóm này, nhóm kia lại tách ra thỏa thuận riêng theo hướng hạ giá sản phẩm nhằm bán được hàng, đi ngược lại mong muốn ban đầu.

Nhưng có nên tự do hóa hoàn toàn khâu này hay không, theo tôi, cần có cái nhìn thận trọng, không nên nhảy từ thái cực này sang thái cực khác bởi vì có thể có vấn đề chưa lường hết được. Để chuyển hoàn toàn sang tư nhân hóa trong khi các đơn vị chưa sẵn sàng hoặc các quy chế, chính sách chưa đầy đủ thì lại có nguy cơ rơi vào hỗn loạn. Xử lý hỗn loạn cũng rất phức tạp.

Còn với việc tư nhân tham gia các dịch vụ phục vụ sản xuất và đầu ra thì tôi cho rằng nên tổ chức theo hướng càng sát với thị trường thì càng lợi cho nông dân, càng xóa độc quyền thì càng tạo ra giá cả cạnh tranh cho đầu vào nông nghiệp. Nếu tổ chức theo đa dạng hóa các hình thức cung cấp thì giá cả sẽ cạnh tranh hơn và người dân nhiều lựa chọn hơn.


Ông Lưu Đức Khải

* Theo ông, cần làm gì để nâng cao thu nhập cho nông dân?

- Đúng là với hộ nông thôn, thu nhập từ nông nghiệp còn rất quan trọng, chiếm tới 26% tổng thu nhập theo điều tra vừa rồi. Đặc biệt ở một số tỉnh thuần nông thì tỉ trọng này còn lớn hơn. Điều đó có nghĩa là trong thời gian tới không thể bỏ được nông nghiệp, đặc biệt ở vùng xa và thuần nông, nơi đầu tư cho nông nghiệp vẫn là một giải pháp quan trọng để giúp người nghèo thoát nghèo.

Để tăng thu nhập, xu hướng chung vẫn phải là chuyển sang thu nhập phi nông nghiệp (ngành nghề tự làm) hoặc làm công ăn lương (liên quan đến thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp). Nhưng vốn dĩ khu vực nông nghiệp kém hấp dẫn hơn các ngành khác, cộng với điều kiện khủng hoảng khiến doanh nghiệp buộc phải lựa chọn đầu tư vào những chỗ “ngon” hơn để tiết kiệm chi phí.

Về phía người dân, vào làm việc ở doanh nghiệp đòi hỏi họ phải thay đổi chính bản thân mình nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn và phong cách kỷ luật lao động, đặc biệt là tính hợp tác và tuân thủ kỷ luật trong quá trình sản xuất. Đó là việc chuyển từ thái cực này sang thái cực kia, đòi hỏi thời gian, đòi hỏi được đào tạo.

Còn câu chuyện tăng thu nhập với việc làm phi nông nghiệp thì liên quan ngành nghề gì, truyền thống ra sao, nghề mới về làng thế nào... Theo tôi, phong trào làng nghề nên gắn với nông nghiệp và nên ưu tiên tiếp nối chuỗi đầu ra cho nông nghiệp, nói cách khác là hướng vào mảng bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp. Nguồn thu nhập thứ tư đến từ lao động nông thôn di cư. Gần giống với hai mảng trên (lao động phi nông nghiệp và làm công ăn lương) nên đều đòi hỏi kỹ năng và thay đổi thói quen làm việc.

Hiện nay chúng ta nói nhiều đến tái cơ cấu, nhưng nông nghiệp vẫn chủ yếu khai thác lợi thế đất đai và lao động là chính, trong khi đó các ngành có giá trị gia tăng lớn như chăn nuôi, chế biến lại chưa được tập trung lại.

* Vậy còn vấn đề tích tụ ruộng đất - cái được nhiều người coi là gốc của nông nghiệp, theo ông cần được giải quyết theo hướng nào để tạo đột phá cho nông nghiệp?

- Câu chuyện ruộng đất phức tạp hơn nhiều. Điều tra cho biết nhiều thông tin cụ thể về tình hình thị trường, giao dịch đất đai ở phía Bắc, phía Nam... nhưng riêng về tích tụ ruộng đất thì phổ biến tình trạng manh mún, trong khi muốn sản xuất có hiệu quả thì phải có quy mô đất đai nhất định.

Cách đơn giản nhất để tăng quy mô đất đai, giảm manh mún là khuyến khích họ dồn điền đổi thửa dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Cái lợi của cách này là dễ làm vì có sự đồng thuận, nhưng nhược điểm là nó chỉ xử lý được phạm vi của một vài hộ chứ không phải là cả vùng hoặc lớn hơn.

Cách thứ hai là cánh đồng mẫu lớn mà người ta nói đến nhiều: để làm được thì các hộ gia đình phải chấp nhận quy trình canh tác, sử dụng giống... như nhau. Như vậy lại tách giữa quyền sử dụng đất của người dân và quyền thực tế - trước là họ toàn quyền, nay phải theo một cách chung và gò bó.

Luật đất đai 1993 đã tách tương đối giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu bằng cách trao đất cho người nông dân, tạo khuyến khích để họ sản xuất tốt hơn; trên thực tế, trực canh là hiệu quả nhất vì đất đai nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đòi hỏi sự quan tâm sát sao của người sản xuất.

Cách thứ ba là một doanh nghiệp liên kết với các hộ để làm đầu tàu kéo các hộ đi cùng. Theo tôi, để hiệu quả, nên phát huy cách thức dồn điền đổi thửa dựa trên nguyên tắc thị trường thì mới ổn định, hiệu quả và đảm bảo. Cách làm hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên quan hệ tình cảm, làng xóm.

Xin cảm ơn ông.

Để “giải vây” cho nông nghiệp

Chỉ 53% những hộ gia đình nông thôn trong số 3.700 hộ được hỏi nói họ hài lòng với cuộc sống hiện giờ, theo một thăm dò của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện trên toàn quốc các tháng 6 và 7-2012 và công bố vào tháng 8-2013. Con số đó là tương ứng với tình trạng nông dân bỏ đồng ruộng, chỉ số giá tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục giảm và sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Việc xây dựng thị trường tự do thật sự cho nông sản, bắt đầu ngay từ trong nước, vì vậy, theo CIEM, đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, theo báo cáo của CIEM:

Thứ nhất, Nhà nước cần nhường lại nhiều hơn nữa quyền quyết định cho thị trường trong thương mại nông nghiệp. Các tổng công ty lương thực đang nắm độc quyền xuất khẩu là một trở lực lớn với thị trường tự do và có nguy cơ trở thành nhóm lợi ích quá lớn cản trở mọi nỗ lực cải cách thị trường để mang tới nhiều lợi ích hơn cho hai đầu: sản xuất - người nông dân và tiêu thụ - người tiêu dùng.

Thứ hai, trong khi những chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp triển khai chậm và khó khăn, những thực thi cụ thể ở các cấp địa phương đẩy nông dân vào thế đã khó càng khó.

Thống kê của CIEM cho thấy trung bình người nông dân phải gánh trên 20 khoản đóng góp ở nông thôn, bao gồm nhiều khoản đánh thẳng vào cơ sở sản xuất như “phí thủy lợi” và những khoản khác đánh vào đời sống người nông dân, nhiều nhất là hai khoản “xây dựng giao thông nông thôn” và “trường học”, lên tới bình quân 670.000-870.000 đồng/hộ/năm. Cần gỡ bỏ tất cả những khoản phí vô lý và tăng hiệu quả thật sự của các chính sách hỗ trợ.

Thứ ba, là các chính sách ở tầm vĩ mô mà chỉ Nhà nước có động cơ để thực hiện, về quy hoạch vùng nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, không chỉ là sản xuất như thủy lợi, tưới tiêu, mà quan trọng hơn là hạ tầng thương mại, đường sá, kho bãi…

Và cuối cùng là những chính sách hỗ trợ cho việc dịch chuyển lao động tự nhiên từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, từ nông thôn ra thành thị, như một tất yếu của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Cho phép và tạo điều kiện cho lao động dịch chuyển tự do, bao gồm nới lỏng, tiến tới hủy bỏ các biện pháp hành chính cản trở nhập cư vào thành phố, cũng là một cách tốt để “giải vây” cho nông nghiệp.

Nhưng ngay cả có làm được tất cả những điều đó thì gốc rễ của vấn đề vẫn là tích tụ đất nông nghiệp, đầu vào quyết định với sản xuất nông nghiệp. Chỉ với sản xuất quy mô lớn, sở hữu rõ ràng, không nhất thiết là quyền sở hữu đầy đủ, nhưng thời hạn giao đất phải đủ dài và diện tích phải đủ lớn, mới có thể tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại và thật sự thu hút được nguồn lực từ các lĩnh vực ngoài nhà nước cho nông nghiệp.

HẢI MINH 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận