Kỳ lạ chính sách biên giới của Mỹ

NGUYỄN VŨ 01/03/2024 15:43 GMT+7

TTCT - Tình hình nhập cư và biên giới Mỹ đang có nhiều biến động liên quan tới chính trị nước này.

Trước đây khi nói đến dân nhập cư ở Mỹ, người ta hình dung cảnh từng toán người lén lút vượt qua biên giới, lẩn tránh lính biên phòng rồi tìm cách đi về các thành phố lớn, trở thành dân lậu, không giấy tờ, làm công việc tay chân, luôn lo sợ có ngày bị phát hiện, bị trục xuất. Nay thì đã khác.

Dòng người chờ xin cứu xét để được vào Mỹ ở biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Getty

Dòng người chờ xin cứu xét để được vào Mỹ ở biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Getty

Hàng triệu người tìm cách đi qua biên giới phía nam nước Mỹ, nhưng họ không lẩn tránh mà tìm đến trình diện trước các toán lính biên phòng, tuyên bố xin tị nạn. Họ có thể ngồi chờ trong các lều trại tạm bợ, tìm cách được chính thức bị bắt chứ không lẩn trốn như trước nữa.

Đó là bởi họ biết chính sách nhập cư của Mỹ hiện nay sẽ chỉ tạm giữ họ một thời gian ngắn, sau đó thả ra cho vào nước Mỹ. Với lịch hẹn, có thể vài năm sau họ sẽ được tòa xét đơn xin tị nạn (thời gian chờ hiện lên đến trên 4 năm); cộng với các lần nộp đơn xin cứu xét, thời gian chờ đợi trong khi họ cứ sống ở nước Mỹ có thể kéo dài thêm vài năm nữa.

Chính sách dễ, dòng người ồ ạt

Chính sách này đã khiến làn sóng dân Nam Mỹ tìm mọi cách vượt biên vào nước Mỹ tăng vọt. Tính từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, đã có hơn 3,1 triệu người được tiếp nhận vào nước Mỹ theo cách này; còn lớn hơn dân số của thành phố Chicago. Thêm chừng 1,7 triệu người vượt biên không bị phát hiện hay có visa vào Mỹ rồi ở lỳ quá thời hạn.

Chỉ tính riêng tháng 12-2023 có đến 300.000 người từ các nước Nam Mỹ tìm cách vượt qua biên giới phía nam nước Mỹ theo con đường xin tị nạn.

Đa số người vượt biên vào Mỹ là từ các nước Trung Mỹ, trong đó Venezuela chiếm tỉ lệ lớn. Ngoài ra có hàng chục ngàn người từ các nước khác bay đến các nước gần biên giới như Mexico, rồi tìm cách vào Mỹ bằng đường bộ. 

Tính theo năm tài chính (kết thúc vào tháng 9-2023) có 43.000 người Nga, 42.000 người Ấn Độ và 24.000 người Trung Quốc tìm đường vào Mỹ theo cách này. Rất khó trục xuất họ, vì chẳng hạn Trung Quốc từ chối nhận lại người một khi đơn xin tị nạn của họ bị từ chối.

Một khi người xin tị nạn đã vào nước Mỹ, họ có thể tự do đi đến các thành phố lớn để tìm cách sinh sống. Từ đó, hệ thống tạm cư ở New York, Chicago hay Denver quá tải, không đủ chỗ cho người tị nạn. 

Chính quyền bang Texas nghĩ ra cách thuê xe buýt chở người tị nạn lên tuốt thành phố New York và thả họ ở đó. Thậm chí có nhiều chuyến xe chở người đến thả trước nhà Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. 

Theo luật, dân xin tị nạn được tạm thời vào nước Mỹ, nếu sau 150 ngày vẫn chưa có phán quyết của tòa nhập cư thì đương nhiên họ sẽ được phép làm việc để nuôi bản thân và gia đình.

Có rất nhiều tiếng nói tỉnh táo, phân tích những chỗ bất cập trong chính sách biên giới của Mỹ và đề xuất các biện pháp tháo gỡ. 

Vấn đề ở chỗ tranh luận về chuyện nhập cư đã trở thành chuyện đảng phái khi Đảng Cộng hòa chủ trương siết chặt biên giới, ngăn chặn dân nhập cư, còn Đảng Dân chủ muốn nới lỏng vì cho rằng nhập cư là chuyện nhân đạo, dân nhập cư là nguồn lao động quan trọng cho nước Mỹ.

Thật ra các đề xuất của Đảng Cộng hòa cũng hợp lý. Khi người nhập cư đến trình diện lính biên phòng xin tị nạn, họ phải vượt qua cuộc phỏng vấn để minh chứng nỗi sợ buộc họ phải xin tị nạn là chính đáng. 

Phía Cộng hòa muốn siết lại mức độ đáng gọi là "nỗi sợ chính đáng", nhưng theo quy định của chính quyền ông Biden, nỗi sợ băng đảng gây bạo lực cũng là lý do để được cho vào.

Ông Trump thắng điểm

Thật ra đại đa số dân Mỹ cũng có nguồn gốc nhập cư, như mẹ ông Trump xuất thân từ một ngôi làng Scotland chỉ có 500 dân, tổ tiên ông Biden đến từ Ireland và Anh. 

Chính vì thế, theo tờ The Economist, hiện có hơn 160 triệu người trên khắp thế giới tỏ ý muốn định cư ở nước Mỹ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng ai muốn nhập cư phải nộp đơn xin từ nước họ và ngồi chờ phán quyết chứ không thể lộn xộn như bây giờ.

Khi ông Trump ra tranh cử tổng thống vào năm 2016, một trong những đề tài tranh cử của ông là chuyện nhập cư với đề xuất gây tranh cãi vào lúc đó là xây bức tường ngăn cách nước Mỹ với bên ngoài. 

Dưới thời ông Trump làm tổng thống, làn sóng nhập cư dịu đi và ngưng hẳn vì đại dịch Covid-19. Nhưng ngay sau khi ông Biden lên làm tổng thống, dân nhập cư lại ồ ạt vượt biên vì biết chính sách của ông Biden dễ dãi hơn. 

Thêm một yếu tố nữa: ông Trump dùng từ ngữ nặng nề với dân nhập cư như miêu tả họ toàn là đầu trộm đuôi cướp, hình ảnh các gia đình ly tán do biện pháp của ông Trump tách rời con cái khỏi bố mẹ trong trại nhập cư, rồi chuyện xây tường nghe khá viển vông làm phe Dân chủ mạnh miệng tuyên bố các chính sách nhập cư ngược lại, rồi tưởng dư luận đứng về phía họ.

Nhưng sau đó dư luận Mỹ cho thấy họ muốn một chính sách biên giới cứng rắn hơn. Chỉ 27% người Mỹ khi được khảo sát cho biết họ tán thành chính sách biên giới của ông Biden, so với tỉ lệ nhiều gấp đôi ủng hộ ông Trump trong chuyện nhập cư. 

Nhiều người phản đối chuyện chính quyền Biden bãi bỏ yêu cầu dân nhập cư phải ở nguyên bên Mexico trong khi chờ xét đơn tị nạn. 

Chính quyền Biden sau đó đã im lặng áp dụng nhiều chính sách đã có từ thời Trump như xây tiếp bức tường biên giới, quy định ai vượt biên trái phép bị bắt sẽ tự động bị trục xuất không được xem xét, người nhập cư phải nộp đơn trực tuyến trước khi đến biên giới trình diện…

The Economist tường thuật từ bên kia biên giới ở Mexico cho thấy một tình hình đáng ngại. Người dân dự đoán ông Trump sẽ đắc cử nên từ giờ đến đầu năm 2025, sẽ có một làn sóng vượt biên mạnh hơn để tận dụng thời gian dễ dãi trước khi ông Trump nhậm chức. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận