Lối thoát nào cho một cuộc chiến?

TƯỜNG ANH 07/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Cuối tuần này 4-6, cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine sẽ bước vào cột mốc 100 ngày. Cho đến thời điểm này, “những thực tiễn mới” nào đang đặt ra cho các phe tham chiến?

“Những thực tiễn địa chính trị mới” là cụm từ thường được các chính khách Nga nhắc đến khi nói về cuộc chiến của Nga ở Ukraine. 

Chẳng hạn trong trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã vào 30-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán Nga - Ukraine “bao gồm các vấn đề về phi hạt nhân hóa, công nhận các thực tế địa chính trị mới, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, quy chế tiếng Nga và những vấn đề khác...”.

Thực tế mới ở đông Ukraine?

Theo lời ông Lavrov, phương Tây càng sớm chấp nhận các thực tế địa chính trị mới này bao nhiêu, sẽ càng tốt cho chính họ và cho toàn bộ cộng đồng quốc tế bấy nhiêu”. 

Vài người dân đang ngồi sạc điện thoại bằng máy phát điện trong khi lực lượng khẩn cấp của Nga thu dọn đống đổ nát một nhà hát ở Mariupol. Các thùng có chữ Z là hàng hóa của Nga. Ukraine cáo buộc Nga đã không kích nhà hát này khi 1.000 thường dân trú ẩn ở đó vào tháng 3, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Ảnh này chụp ngày 16-5, khi Nga đã kiểm soát hoàn toàn Mariupol. Ảnh: AFP

 

Nửa tháng sau, trả lời ABC (Tây Ban Nha) hôm 4-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi: “Kiev và các nước khác cần thừa nhận các thực tế lãnh thổ đang phát triển ở Ukraine”. 

Một trong những thực tế đó là “Crimea trở lại với Nga và DNR [Donetsk] và LNR [Lugansk] trở thành các quốc gia độc lập”.

Quả là đã có “những thực tiễn mới” trên những lãnh thổ mà Matxcơva cho là “được giải phóng” và Kiev khẳng định là “bị xâm chiếm”, nhưng trong tình hình còn giằng co hiện tại, khả năng nhượng bộ của các bên tham chiến vẫn là khá mơ hồ. 

Trên thực địa thì từ đầu tháng 5, các biển báo giao thông ở các lối vào Mariupol, nay chỉ còn là một đống đổ nát, đã được đổi từ tiếng Ukraine sang tiếng Nga, các biển quảng cáo mới gắn trên các đường phố Kherson thì khẳng định “Kherson là một thành phố có lịch sử Nga”. 

Trên các biểu ngữ đã xuất hiện hình ảnh những người Nga tham gia sáng lập thành phố, các nhân vật lịch sử từng có vai trò trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Kherson, cũng như các nhà văn và nhà thơ Nga từng đến thăm nơi đây.

Bên cạnh những thay đổi trên thực địa, Kiev cáo buộc Matxcơva đang có chính sách “Nga hóa” các lãnh thổ chiếm đóng (phía Nga gọi đây là “hội nhập xã hội”). 

Các lãnh thổ đổi chủ đã chuyển sang sử dụng múi giờ Matxcơva, dùng mã điện thoại Nga, tiếng Nga được cấp quy chế ngôn ngữ quốc gia..., theo Sự thật Komsomol ngày 24-5. 

Khoảng 20.000 giáo viên ở các vùng Kherson và Zaporozhye sẽ được đào tạo lại để các trường học bắt đầu làm việc theo tiêu chuẩn Nga từ ngày 1-9 năm nay, theo lời người đứng đầu chính quyền Crimea Sergei Aksyonov.

Đồng rúp cũng được đưa vào sử dụng trong một hệ thống tiền tệ kép bên cạnh đồng hryvnia của Ukraine. 

Người đứng đầu cơ quan quản lý quân - dân sự khu vực Kherson Vladimir Saldo cho biết: “Đồng rúp đã đưa vào nền kinh tế tỉnh Kherson. Chúng tôi đã bắt đầu trả tiền rúp cho tất cả những người hưu trí, nhân viên nhà nước đang nhận lương”. 

Từ cuối tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc trả 10.000 rúp cho người tàn tật và người từng tham gia chiến tranh chống phát-xít Đức hiện sống ở DNR, LNR và các vùng lãnh thổ khác của Ukraine mà Nga đang kiểm soát.

Một thực tế mới khác

Các diễn tiến trên cho thấy quyết tâm của Matxcơva trong việc thực hiện đến cùng “chiến dịch quân sự” ở Ukraine, bất chấp áp lực quốc tế và những hệ lụy với cuộc sống của người Nga.

Đặc biệt là ngay cả khi chưa nổ ra chiến sự, nước Nga cũng có không ít những vấn đề xã hội cần phải giải quyết. 

Tại cuộc họp của chi bộ các Đảng Cộng sản Liên bang Nga tổ chức ở Kuibyshev vào 15-2, tức chỉ một tuần trước khi quân đội Nga nổ súng, các đảng viên đã nêu hai vấn đề lớn xã hội Nga đang phải đối mặt: sự gia tăng đáng kể giá cả hàng tiêu dùng và sự suy giảm nhân khẩu học - trong một năm Nga đã mất hơn một triệu người.

Nay thì với hơn 10.000 lệnh trừng phạt do cuộc chiến Ukraine, cuộc sống của dân Nga hiển nhiên càng khó khăn. 

Nghiên cứu “Người tiêu dùng Nga - thực tế mới” của Nhóm tư vấn Boston (BCG) và ROMIR được tờ báo doanh thương Nga Vedomosti ngày 22-4 dẫn lại cho biết: Thực tế mới đã điều chỉnh đáng kể hành vi kinh tế của người Nga theo hướng giảm tiêu dùng và từ bỏ hàng hóa, dịch vụ đắt tiền. 

Theo đó, chỉ 8% người Nga không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế hiện tại trong nước và phần lớn (47%) đã từ bỏ việc mua sắm dịch vụ và hàng hóa đắt tiền. 43% giảm chi tiêu cho vui chơi và giải trí và 25% người Nga đang tìm kiếm thêm thu nhập.

Trong khó khăn, người Nga lại tìm đến những giải pháp truyền thống. 

Nghiên cứu cho biết: “Một mô hình đặc trưng của thực tế mới là 20% người Nga tuyên bố bắt đầu hoặc tiếp tục trồng rau và trái cây trong khu vực nhà nghỉ của họ, cũng như hái lượm (nấm, quả mọng, rau củ) ở đó. Theo các nhà xã hội học, một bộ phận đáng kể trong xã hội, nhất là người về hưu và cư dân nông thôn, bằng cách này hay cách khác, đã tái hiện mô hình đó những năm gần đây, và trước thực tế mới, mô hình này đang mở rộng cơ sở xã hội”.

Tuy nhiên, ngay cả trong những điều kiện khó khăn như thế, mức ủng hộ Tổng thống Putin vẫn cao chót vót. Theo kết quả thăm dò mới nhất (tuần lễ từ 16 đến 22-5) của VTsIOM, tỉ lệ này là 81,3%. 

Cho biết có 75.000 thanh niên Nga đang hoạt động thiện nguyện ở đông Ukraine, Phó chánh văn phòng thứ nhất Phủ tổng thống Nga Sergey Kiriyenko phát biểu hôm 19-5 sau chuyến thăm Donbass:

“Phương Tây hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ dẫn đến các cuộc biểu tình và chia rẽ trong xã hội Nga, nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Họ nghĩ rằng chúng tôi cũng giống như họ. Họ không tính đến việc đối với Nga, có những thứ quan trọng hơn nhiều so với cơ hội mua sản phẩm này hay khác trong cửa hàng. Đó là vấn đề “công bằng hay không công bằng”, “chúng tôi không bỏ rơi người của mình” và “quyền được chọn đọc gì, nghe gì””.

Phương Tây cũng muốn tìm lối ra?

Trước cột mốc 100 ngày của cuộc chiến, trong tháng 5 bắt đầu xuất hiện vài “tín hiệu mềm” đầu tiên từ phương Tây. Ngày 9-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng cuộc chiến giữa Ukraine và Nga “chắc chắn sẽ kết thúc trong hòa bình” và không để bên nào phải bị “bẽ mặt” khi hòa đàm. 

Vài ngày sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn kênh Rai 1 của Ý, gọi đề xuất mà ông nhận được - nhượng một phần lãnh thổ Ukraine nhằm “vớt vát thể diện” cho Putin là “không phù hợp”. Vấn đề “thể diện” này có vẻ cũng đang được cả Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc. 

Cho rằng Tổng thống Nga cần một lối thoát trong cuộc chiến với Ukraine, ông Biden nói ngày10-5: “Tôi đang cố gắng cân nhắc xem chúng ta phải làm sao”.

Hai tuần cuối tháng 5, lại có thêm những phát biểu của các chính khách và truyền thông phương Tây theo hướng này. Cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi chỉ trích việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, kêu gọi phương Tây thuyết phục Kiev chấp thuận các yêu cầu của Nga. 

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại diễn đàn Davos cảnh báo những hậu quả nặng nề nếu Ukraine và Nga không đạt được thỏa thuận hòa bình, và kêu gọi Kiev chấp nhận những yêu cầu về lãnh thổ của phía Nga. 

Cả tờ The New York Times cũng đăng bài bình luận cho rằng yêu sách của Kiev đòi trả lại tất cả lãnh thổ là “không thực tế”.

Những lời kêu gọi “nhân nhượng” này, thật dễ hiểu, bị Kiev phản ứng gay gắt. Cố vấn của phủ tổng thống Ukraine, Mikhail Podolyak tuyên bố bất kỳ nhượng bộ nào với Nga sẽ chẳng là gì ngoài “một cuộc chiến lớn hơn trong một thời gian ngắn hơn” sắp tới. 

Ấn bản tiếng Anh của tờ Kyiv Independent thì nói bài báo The New York Times nhắc ở trên “đã gây phẫn nộ” và “khiến nhiều người [Ukraine] thất vọng”.

Trong một cuộc chiến kéo dài, Nga trên thực tế vẫn mạnh hơn, đơn giản bởi ưu thế áp đảo về quân số và khí tài. 

Với việc giành quyền kiểm soát Mariupol, rồi Kherson, Zaparoshye..., hiện hơn 20% lãnh thổ Ukraine đã về tay quân Nga. Trong số ra ngày 26-5, báo Anh The Economist cũng thừa nhận phương Tây đang có nguy cơ chia rẽ thành hai phe về các điều kiện cho hòa bình Ukraine.

“Phe hòa bình” lo ngại rằng giao tranh càng kéo dài, thiệt hại về người và kinh tế với Ukraine và thế giới càng lớn. 

“Phe công lý” phản bác rằng các lệnh trừng phạt với Nga mới bắt đầu có hiệu lực; với nhiều thời gian và vũ khí hơn, Ukraine có thể giành chiến thắng. 

Phe hòa bình hiện gồm Đức (kêu gọi ngừng bắn), Ý (kế hoạch hòa bình bốn điểm), Pháp (kế hoạch hòa bình không làm “mất thể diện” Nga). 

Phe công lý gồm Ba Lan và ba nước Baltic, với Anh dẫn đầu (Thủ tướng Boris Johnson đang kêu gọi lập một liên minh chống Nga). “Hiện tại, những rạn nứt như vậy ở phương Tây được che đậy bằng câu thần chú rằng tương lai Ukraine do người Ukraine quyết định”, The Economist chua xót bình luận.■

Không chỉ chính quyền, một số đảng phái Nga cũng bắt đầu hoạt động ở Donbass. Một chính đảng trong Duma Nga, “Nước Nga công bằng - vì sự thật” đã mở văn phòng đại diện ở Donbass và thường xuyên gửi hàng viện trợ nhân đạo tới đây. 

Đồng chủ tịch đảng này, nhà văn nổi tiếng Zakhar Prilepin, kêu gọi các đảng phái Nga khác cùng trở thành “sợi dây liên kết giữa chính phủ với người dân, giúp giải quyết các vấn đề hằng ngày, ở đây và bây giờ, mà chỉ bằng cách đó mới có thể thiết lập một cuộc sống hòa bình thật sự”, trong lời kêu gọi của ông trên kênh Telegram.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận