Lũ chim là không có thật!

NGUYỄN VŨ 24/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Khi thuyết âm mưu trộn với khôi hài đen và nền văn hóa Internet, ta có một công cụ bán hàng thành công.

 
 Pano “Chim không có thật”. Chú ý trên đầu bảng có khá nhiều chim đang đậu. Ảnh: Wiki

 Năm 2005, quân đội Mỹ chọn hạ sĩ Joe Bauers để làm thí nghiệm “ngủ đông” trong một năm. Bauers được chọn vì anh ta là một người trung bình về mọi mặt, kể cả trí thông minh. Khi một sự cố bất ngờ xảy ra, người ta quên mất thí nghiệm này, thiết bị chứa Bauers trôi dạt suốt 500 năm, cuối cùng nằm trong một đống rác khổng lồ.

Trong 500 năm đó, loài người trải qua cuộc tiến hóa mới khi các cặp thông minh vì nhiều lý do không sinh con nữa; chỉ còn các cặp khờ khạo, ngu ngơ là vẫn sinh đẻ bình thường. Chọn lọc tự nhiên đã biến loài người thành một tập thể mà trí tuệ chỉ bằng đứa trẻ lên ba. Bất ngờ hạ sĩ Bauers thức tỉnh và sau nhiều biến cố, trở thành người thông minh nhất hành tinh… Từ đó, hàng loạt chuyện cười ra nước mắt cứ thế tiếp diễn.

Đây là nội dung tóm tắt bộ phim Idiocracy làm từ năm 2006 nhưng mới đây được tờ The Guardian nhắc lại như một dự cảm quá ư chính xác về tương lai của nhân loại. Chỉ chưa đầy 20 năm sau mà nay càng lúc càng có nhiều người tin Covid-19 là âm mưu của Bill Gates, vắc xin ngừa Covid sẽ đưa các con chip tí hon vào cơ thể con người hòng dễ theo dõi, ca sĩ Elvis Presley vẫn còn sống, Mặt trăng là khối cầu rỗng…

Thật ra, nhìn qua lăng kính các thuyết âm mưu đang lan tràn khắp mọi ngóc ngách Internet, câu chuyện “dại, khôn” của loài người phức tạp hơn nhiều. Phong trào “Chim không có thật” (Birds Aren’t Real) được kể trên tờ The New York Times là minh chứng cho sự phức tạp này.

Một nhóm thanh niên đã cùng tạo ra một phong trào cho rằng lũ chim là không có thật, rằng Chính phủ Mỹ đã tiêu diệt hết thảy mọi loài chim rồi thay chúng bằng máy bay không người lái tý hon (drone) để theo dõi dân Mỹ.

Người đứng sau phong trào này là Peter McIndoe, năm nay mới 23 tuổi nhưng đã bắt đầu tuyên truyền cho lý thuyết “chim không có thật” từ năm 2017. Không chỉ nói khơi khơi cho sướng miệng, McIndoe thuê người dựng các bảng lớn bên vệ đường, in đậm câu “Birds Aren’t Real” đập vào mắt người chạy trên xa lộ. Cậu sống trong một chiếc xe thùng, với chiếc túi ngủ và một ít vật dụng để đi khắp nước Mỹ, sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí và bất kỳ ai quan tâm. 

Cậu làm các video đưa lên YouTube, nói rõ trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 2001, nước Mỹ đã dùng máy bay thả chất độc để tận diệt chim chóc, sau đó chế tạo các con chim máy giống y như thật. Với các tiến bộ công nghệ hiện đại, chim máy có thể bay khắp nơi, theo dõi nhất cử nhất động của mọi người dân. Tổng thống Kennedy bị ám sát vì không chịu triển khai kế hoạch diệt chim thay bằng drone…

Hãy khoan nhắc đến mục đích thật sự của McIndoe, các hoạt động của phong trào “Chim không có thật” đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới trẻ sau 4 năm gầy dựng. Trên Reddit, nhóm có 400.000 người theo dõi; trên Tik Tok có đến 600.000 người; kênh trên YouTube có hàng triệu lượt xem…

Trong số này, có nhiều người xem đây là một trò đùa dai nhưng cũng có nhiều người tin là thật. Nhiều người bày tỏ niềm tin chất phác rằng nói thế chứ, trong hàng ngàn con chim giả đang bay trên trời, chắc vẫn còn một ít con chim thật.

Hồi tháng 3-2021, McIndoe trả lời phỏng vấn của báo Newsweek, thề sống thế chết rằng phong trào của cậu là chuyện nghiêm túc, rằng “Chim không có thật” muốn phơi bày một sự thật không thể chối cãi là con người đang bị theo dõi, việc theo dõi này đang được 12 tỉ con chim phối hợp tiến hành đồng thời.

Newsweek tường thuật nhiều chi tiết của “Chim không có thật” đưa ra mang tính hài hước như “phân chim là thiết bị theo dõi dấu vết”. McIndoe cãi lại, nói rằng khôi hài là cách để câu chuyện đến gần với mọi người hơn, như yếu tố tiếu lâm trong kho tàng lịch sử truyền miệng của nhân loại.

 
 Biểu tình “Chim không có thật”. Nhân vật đứng giữa là McIndoe. Ảnh: newstatesman.com

 Nay trong một diễn tiến bất ngờ, sợ rằng “lộng giả thành chân”, Peter McIndoe lại vừa lên The New York Times thú thiệt lý thuyết “Chim không có thật” là một trò đùa, một cách diễu nhại những lý thuyết âm mưu đang lan tràn khắp Internet trong một thế giới hậu sự thật. Đây là cách thế hệ Z chống lại sự mù quáng của các thế hệ trước; như kiểu dùng điên rồ để chống lại điên rồ.

“Chơi với tin giả trong vài năm qua, chúng tôi luôn ý thức được ranh giới chúng tôi bước qua. Ý đồ là phải thật phi lý nhưng chi tiết thì không được quá chính xác”, kiểu nửa thật nửa hư, tạo ra tâm lý bán tín bán nghi” - McIndoe phân trần.

Có vẻ như The New York Times có cảm tình với nhóm McIndoe và tán thành cách diễu nhại của họ. Trích lời một thanh niên 22 tuổi, báo cho rằng hầu hết các thuyết âm mưu được thổi bùng bằng sự thù hằn hay mất niềm tin, nhưng đây là cách xì hơi tuyệt hay cho sự thất vọng hay giận dữ. Báo cho rằng nhiều thành viên “Chim không có thật” cùng tham gia với những người tin thật sự vào các thuyết âm mưu nên nhờ đó giảm nhẹ mức căng thẳng và giảm đi sự nghiêm túc bằng các khẩu hiệu không liên quan.

Dù McIndoe có nói gì chăng nữa, không thể chối bỏ một thực tế trong hàng trăm ngàn người đi theo phong trào “Birds Aren’t Real” có thể đa số hiểu sự mỉa mai của thuyết này nhưng vẫn có một tỉ lệ không hề nhỏ tin vào những gì phong trào này rao giảng. Tiếp tay lan truyền cho một trong những lý thuyết âm mưu phổ biến rồi nay lại nói chỉ diễu nhại cho đậm hơn sự phi lý của những điều người lớn tin vào - chưa biết cái hại nào hơn cái hại nào.

Theo chân McIndoe, các bức tranh sơn xịt trên tường với dòng chữ “Birds Aren’t Real” có mặt khắp nơi, nhất là trên tường các trường trung học. Video những cuộc biểu tình của nhóm McIndoe được chia sẻ mạnh trên Facebook. Video cậu này thuê một diễn viên đóng vai cựu nhân viên CIA lên thú nhận từng làm trong nhóm theo dõi người dân bằng chim giả khi đưa lên Tik Tok có đến 20 triệu lượt người xem.

Hiện trên Amazon vẫn đang bày bán T-Shirt in khẩu hiệu “Birds Aren’t Real” được nhiều khách mua đánh giá 5 sao. Nhiều khách nhận xét: “Mua để ủng hộ phong trào!”; “Hãy nói sự thật cho dân nghe”; “Đừng để giới tư bản kiểm soát mình”… 

Hóa ra từ năm 2018, McIndoe đã bắt đầu bán nhiều món hàng liên quan đến phong trào “Chim không có thật” như áo, nón, huy hiệu; mỗi tháng thu về vài ngàn USD, đủ để cậu và một người bạn sống thoải mái. Cậu nói: “Tất cả tiền thu từ bán hàng giúp tôi với Connor dành hết thời gian cho chuyện này. Chúng tôi cũng dùng tiền trả cho các bảng quảng cáo, mua vé máy bay cho cả nhóm đi dự các buổi diễu hành. Tiền này không làm hại ai cả”.

Dẫu đấy là niềm tin tệ hại hay sự diễu nhại những niềm tin ngu ngốc, cứ nhìn kỹ vào cách McIndoe và những người trong nhóm anh ta kiếm sống thì thấy hóa ra họ quá khôn, khôn hơn các thế hệ trước nhiều.

“Chim không có thật” là một mớ hổ lốn trộn thuyết âm mưu với khôi hài đen và nền văn hóa Internet để làm nên một công cụ bán hàng thành công - nhận xét của một trang web từ năm 2018 là chính xác nhất.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận