MAI NÀY CÓ CÒN CAM XÃ ĐOÀI

HỒ VĂN - HÙNG TOÀN 07/08/2015 04:08 GMT+7

Cam Xã Đoài mọng nước /Giọt vàng như mật ong / Bổ cam ngoài cửa trước / Hương bay vào nhà trong… Những câu thơ phần nào nói lên giá trị của giống cam quý hiếm, được tiếng thơm ngon không nơi nào sánh được. Mỗi mùa thu hoạch, cam Xã Đoài không hề thấy xuất hiện trên thị trường bởi được đặt mua tại vườn, hái tại cây, mỗi quả 50.000-80.000 đồng, có khi lên đến 100.000 đồng/quả.

Cam Xã Đoài chín mọng
Cam Xã Đoài chín mọng (Ảnh: Hồ Văn)

Quý, hiếm và được giá là vậy nhưng giống cam Xã Đoài (chỉ có ở Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An) đã và đang có nguy cơ mất giống vì vườn cam bị thu hẹp, những vườn cam thuần chủng đang ngày một biến mất.

Ông Phan Công Hưởng chăm sóc vườn cam của gia đình, dự tính mùa cam tết năm nay sẽ rất được mùa
Ông Phan Công Hưởng chăm sóc vườn cam của gia đình, dự tính mùa cam tết năm nay sẽ rất được mùa (Ảnh: Hồ Văn)

Không có để bán

Dẫn chúng tôi ra vườn cam đang vào mùa cho quả, ông Phan Công Hưởng (xóm 8, xã Nghi Diên) cho biết cam Xã Đoài vào mùa thu hoạch từ tháng 10 âm lịch kéo dài tới Tết Nguyên đán, nhưng khách hàng đã đặt mua trước một tháng. Cam ít và hiếm nên các hộ trồng cam chỉ bán tại gốc, giá bán tính theo quả chứ không cân ký như những loại cam khác. “Họ chấp nhận mua giá cao 50.000-80.000 đồng/quả, nhưng với điều kiện tự tay hái từ cây xuống vì sợ chủ vườn đem các loại cam khác vào trộn lẫn. Ngay cả trong mùa thu hoạch rộ, cam Xã Đoài cũng không được bày bán ngoài thị trường vì khách mua cam Xã Đoài chủ yếu làm quà tặng…” - ông Hưởng cho hay.

Từng là phó chủ tịch UBND xã nên ông Hưởng biết rõ giá trị của cam Xã Đoài, nhưng phải đến khi nghỉ hưu ông mới toàn tâm dốc sức cho việc trồng giống cam quý này. Hiện ông đang chăm sóc hai vườn cam với 250 gốc được ghép từ giống thuần chủng. Theo ông Hưởng, nếu chăm sóc tốt mỗi cây có thể cho 50-70 quả, cá biệt có cây cho đến hàng trăm quả. “Tết vừa rồi vườn cam nhà tôi cho thu hoạch hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, lãi ròng gần 100 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Đức Sơn, chủ tịch UBND xã Nghi Diên, cho biết: “Từ những thập kỷ 1960-1970, toàn xã hầu như nhà nào cũng trồng cam, nhưng đến nay chỉ còn lại trên 30ha cả cam ghép và cam thuần chủng, trong đó cam thuần chủng chỉ còn lại ở vườn của ông Nguyễn Duy Hảo ở xóm 9 và vài góc lẻ tẻ ở các xóm khác”.

Vườn cam của ông Hảo còn khoảng 70 gốc. Ông Hảo cho biết một nửa trong số 70 gốc cam này có tuổi đời trên 50 năm, từ thời ông nội ông, nửa còn lại khoảng 30 năm tuổi là do ông và cha ông chiết cành từ các gốc lớn.

Theo ông Hảo, chỉ cam Xã Đoài trồng tại xã Nghi Diên mới có những đặc tính phẩm chất riêng nhờ đất đai, thổ nhưỡng và nguồn nước bản địa. Đã có nhiều người về Xã Đoài lấy giống đi trồng những nơi khác nhưng chất lượng không bằng. Nhiều người chiết ghép giống cam Xã Đoài và trồng ngay tại đây cũng không đạt chất lượng như giống cam gốc trong khu vườn này.

Vườn cam thuần chủng của Trung tâm Khôi phục và phát triển cam Xã Đoài
Vườn cam thuần chủng của Trung tâm Khôi phục và phát triển cam Xã Đoài (Ảnh: Hồ Văn)

Nguy cơ mất giống thuần chủng

Hằng năm, ông Hảo vẫn chiết những cành cam của vườn nhà bán cho nhiều người trong và ngoài địa phương. Riêng năm 2014 ông chiết và bán được 300 cành, mỗi cành 150.000 đồng, cam quả cũng được khoảng 1.500 quả, mỗi quả ông bán 80.000 đồng.

“Cam Xã Đoài ngọt thơm khác hẳn các giống cam khác. Từ trồng cam mà vợ chồng tôi nuôi được bảy người con học đại học, con gái thứ hai đang du học tại Mỹ” - ông Hảo khoe và cho biết người dân ở đây không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phương pháp thủ công để diệt sâu bọ cho cây cam.

Ông Hảo nói ông không muốn bán cây chiết cành vì như thế cây ngày một già yếu và có nguy cơ thoái hóa nhanh. “Nhưng vì điều kiện kinh tế phải đứt ruột bán cành chiết dù biết họ đưa đi nơi khác trồng không thể giữ được vị thơm, vị ngọt đặc trưng của cam Xã Đoài. Ngoài nhà tôi, cả xã này cũng sống nhờ cây cam. Nếu chỉ trông mong vào thu nhập từ bán quả mà không bán cây, bán cành thì lấy gì trang trải chi phí gia đình” - ông Hảo buồn rầu nói.

Nguy cơ mất giống cam thuần chủng còn nằm ở nhiều lý do khác. Nhìn vườn cam đang trĩu quả, ông Hảo lo lắng: “Đất đai bạc màu, hệ thống tưới tiêu, thoát nước trong xã không phù hợp khiến các vườn cam ngày một xác xơ. Nếu không có quy hoạch tổng thể lại vườn cam, có lẽ nay mai những gốc cam thuần chủng của nhà tôi và vài nhà khác cũng sẽ biến mất”.

Còn theo ông Nguyễn Đức Sơn, việc vườn cam bị thu hẹp còn do điều kiện sống trong xã. Nhiều hộ trước đây có diện tích trồng cam lớn, nhưng khi con cái lớn lên, họ phải bỏ cam chia đất cho con cái làm nhà ở. Trong khi đó, chính quyền xã không thể đứng ra quy hoạch được khu trồng cam bởi phải cần một nghiên cứu khoa học trên toàn xã về giống cũng như đất đai…

Ông Sơn nói: “Nhìn giống cam quý ngày một thoái hóa, các vườn cam thuần chủng bị thu hẹp, chính quyền xã cũng nóng ruột lắm nhưng không biết phải làm gì. Chúng tôi đã đề nghị nhiều nơi nhưng chưa thấy ai về nghiên cứu, quy hoạch tổng thể lại giống cam quý này. Trong khi đó, một vài người dân đã tìm đến Viện Nông nghiệp nhờ nơi đây giữ lại gen để phòng sau này giống cam Xã Đoài bị “thất truyền” còn có cái mà gầy dựng lại”.

Ông Phan Công Hưởng chăm sóc vườn cam của gia đình, dự tính mùa cam tết năm nay sẽ rất được mùa
Ông Phan Công Hưởng chăm sóc vườn cam của gia đình, dự tính mùa cam tết năm nay sẽ rất được mùa (Ảnh: Hồ Văn)

Những vườn cam hi vọng

Trước nguy cơ giống cam quý bị xóa sổ, một số người dân ở Nghi Diên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng những trang trại, vườn cam để vừa làm kinh tế vừa bảo tồn giống cam Xã Đoài nức tiếng.

Ông Hưởng cho biết hằng năm ông đầu tư mỗi gốc cam khoảng 3 triệu đồng. Đây là năm thứ ba vườn cam của ông cho quả. “Khoảng những năm 1960-1970 nhà nhà đều trồng cam, ít cũng phải có dăm tạ cam, giờ thì do đất không có, trồng ngoài đồng thì dân không mặn mà” - ông Hưởng tiếc nuối.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, một người con của xã Nghi Diên, đi làm ăn xa nhưng vẫn nặng lòng với vườn cam quê nhà đã bỏ công việc đang phát triển tốt, quyết định trở về quê xây dựng Trung tâm Khôi phục và phát triển cam Xã Đoài. Hiện trang trại của ông có trên 2.500 gốc cam Xã Đoài chính hiệu, trong đó nhiều gốc đã cho thu hoạch. Ông Hoàng Minh Ngọc, người quản lý trung tâm, cho hay: “Chúng tôi xây dựng trung tâm này với mong muốn không chỉ khôi phục mà còn đưa thương hiệu giống cam quý ra thế giới. Năm 2009, chúng tôi nhờ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về ghép giống và trồng 12ha cam, đến nay đã thu hoạch hai mùa, năm ngoái được khoảng 10 tấn, vừa bán vừa tặng cũng được trên 1 tỉ đồng”.

Nguồn lợi từ cam Xã Đoài rất lớn nhưng để bảo tồn, phát triển giống cam này đang là bài toán khó đối với chính quyền xã Nghi Diên. Trước đây tỉnh Nghệ An có chủ trương đưa giống cam Xã Đoài về trồng tại xã Nghi Ân, TP Vinh, tuy nhiên không hợp thổ nhưỡng nên thất bại. Nhiều người dân đã đưa giống cam này trồng ở nhiều địa phương khác như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành… Đến mùa thu hoạch quả trĩu cành nhưng tiếc rằng ăn vào không có hương vị của cam Xã Đoài.

Theo một cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Nghi Lộc, hiện chưa có đề án khoa học nào nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống cam Xã Đoài. Trong khi đó, thương hiệu cam Xã Đoài chính gốc vẫn chưa được đăng ký bảo hộ. Vì thế, người yêu quý giống cam này có lý do để lo lắng “mai này có còn cam Xã Đoài?”.■

Theo tài liệu được ghi chép tại xã Nghi Diên, khoảng 150 năm trước một linh mục người Pháp khi sang vùng đất này truyền đạo đã mang theo một giống cam để trồng tại vùng đất đặt tòa giám mục (nay thuộc địa bàn xóm 8, 9). Thật bất ngờ, loại cam này phù hợp với thổ nhưỡng ở đây và nhanh chóng nổi tiếng với mùi thơm và vị ngọt khó thấy ở giống cam khác. Trái cam nặng 150-200g, vỏ mịn, mỏng đều và có mùi hương thơm dịu, ruột cam vàng óng, vị ngọt, thanh... rất lạ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận