Malaysia - Tuyển Ý của Đông Nam Á

HUY ĐĂNG 15/12/2018 00:12 GMT+7

TTCT - “Malaysia rất mạnh, nhưng tôi không thể nói họ mạnh ở chỗ nào” - Thaw Maung, anh bạn phóng viên người Myanmar, nói như vậy với tôi trước thềm trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018.

Quang Hải (áo đỏ) trong trận hòa 2-2 trước Malaysia trên sân khách. Ảnh: Nguyên Khôi
Quang Hải (áo đỏ) trong trận hòa 2-2 trước Malaysia trên sân khách. Ảnh: Nguyên Khôi

 

Thaw Maung cũng khẳng định với tôi là VN mạnh hơn Malaysia vào lúc này, nhưng anh từ chối nhận định VN sẽ thắng.

Tiêu cực nhiều hơn tích cực

Có nhiều cách để thẩm định sức mạnh của một nền bóng đá vào một thời điểm: các ngôi sao, công tác đào tạo trẻ, bóng đá học đường, giải vô địch quốc gia… Và nếu dựa theo những tiêu chí đó, Malaysia thậm chí không nằm trong top 3 của Đông Nam Á.

Đâu là huyền thoại của bóng đá Malaysia? Nếu đặt câu hỏi này cho các nền bóng đá khác trong khu vực, chúng ta dễ dàng tìm được câu trả lời. Kiatisak Senamuang hay Teerasil Dangda của Thái Lan, Noh Alam Shah của Singapore, Yulianto của Indonesia hay Lê Công Vinh của VN. Nhưng ở Malaysia, gần như không có cái tên nào thực sự nổi trội, từng vươn đến đẳng cấp châu lục.

Đơn giản, bóng đá Malaysia không có ngôi sao, cả lúc này cũng vậy. Theo định giá của Transfermarkt, tổng giá trị 23 cầu thủ trong tay HLV Tan Cheng Hoe chỉ vỏn vẹn 2 triệu euro, kém xa Thái Lan, Philippines cũng như thua cả Indonesia và Myanmar. Ngôi sao số một của Malaysia lúc này là một cầu thủ nhập tịch: Mohamadou Sumareh, tiền vệ chạy cánh gốc Gambia.

Tình trạng khan hiếm ngôi sao của Malaysia là kết quả của một nền tảng đào tạo trẻ không có gì nổi trội. Ở cấp độ U-20, VN hay Myanmar đều từng gây đình đám với những chuyến phiêu lưu kỳ thú ở World Cup U-20 và VCK U-19 châu Á. Với Malaysia, họ mới lần đầu tham dự U-19 châu Á vào năm 2018 sau liên tiếp 12 năm vắng mặt.

Bóng đá trẻ Malaysia đã có hai cú hích trong năm vừa qua với thành tích vượt qua vòng bảng U-23 châu Á và Asiad, nhưng đó chưa phải là những sự đột phá thật sự lớn.

Ở giải vô địch quốc gia, xét về giá trị giải đấu, họ đứng thứ 3 Đông Nam Á. Malaysia Super League có 12 đội, được Transfermarkt định giá cả thảy 24,53 triệu euro, tức trung bình 2,04 triệu euro/đội. Trong khi đó, 18 CLB của Thai League được định giá 58,93 triệu euro, trung bình 3,27 triệu euro/đội. Con số tương tự của Indonesia là 53,6 triệu euro/18 đội, trung bình 2,98 triệu euro/đội. Giá trị của Malaysia Super League chỉ nhỉnh hơn một chút so với Myanmar hay Singapore - những nền bóng đá nhỏ bé hơn nhiều.

Trong bảng xếp hạng 300 CLB hàng đầu châu Á của Footballdatabase.com, Malaysia thậm chí không góp mặt đội nào. Thái Lan có đến 7 đội bóng nằm trong top 100, và cả những đội ở giải hạng nhất cũng nằm trong top 300, Indonesia có 5 đội trong top 100, VN cũng có 2 CLB nằm trong top 300 là Hà Nội T&T (hạng 241) và Bình Dương (246).

Một nguyên do quan trọng khiến giải vô địch quốc gia Malaysia bị đánh giá thấp là tình trạng dàn xếp tỉ số. Nói đến dàn xếp tỉ số trong khu vực, Malaysia tai tiếng nhất.

Trong 3 thập niên qua, không một quốc gia Đông Nam Á nào treo giò nhiều cầu thủ vì bán độ như Malaysia. Nổi tiếng nhất là cú sốc vào năm 1994, khi việc dàn xếp tỉ số diện rộng ở giải vô địch quốc gia bị phanh phui. Vụ trọng án dẫn đến 21 cầu thủ và HLV bị các CLB sa thải ngay lập tức, 58 cầu thủ bị đình chỉ thi đấu và 126 cầu thủ khác dính líu.

Ngày đó, báo chí khu vực ước tính khoảng 70% các trận đấu ở giải quốc nội Malaysia bị chi phối bởi bàn tay những kẻ làm độ. Bóng đá Malaysia nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc này, họ bay từ top 80 ra khỏi top 100 trên bảng xếp hạng của FIFA.

Từ đó đến nay, Malaysia vẫn chưa thể dứt điểm nạn dàn xếp tỉ số. Năm 1999, 4 người bị cáo buộc có dính líu đến đường dây cá độ và phải lãnh án tù. Năm 2012, 18 cầu thủ trẻ bị đình chỉ; năm 2017, 4 người bị bắt và đầu năm nay lại có thêm 3 người nữa xộ khám vì lý do tương tự.

Dấu ấn huấn luyện viên 

“Đừng khiến tôi và đất nước thất vọng” - ba ngày trước trận chung kết lượt đi với VN, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia căn dặn thầy trò HLV Tan Cheng Hoe. Chúng ta sẽ không được nghe nhiều câu nói tương tự thế từ các nguyên thủ quốc gia khác.

Nhưng ở Malaysia, bóng đá là thứ không thể thiếu trong cuộc sống người dân. Sau hết thảy, những chán nản, nghi ngờ, lo lắng về tình cảnh của bóng đá nước nhà, người hâm mộ Malaysia luôn đến chật cứng sân Bukit Jalil. Và Malaysia là một trong hai nền bóng đá giàu thành tích nhất ở Đông Nam Á, nếu tính cả SEA Games.

Ngôi đầu hiển nhiên thuộc về Thái Lan. Sau Thái Lan, Singapore là đội vô địch AFF Cup nhiều nhất - 4 lần. Nhưng Singapore không có một nền bóng đá đúng nghĩa, thành tích của họ đến nhiều từ việc nhập tịch cầu thủ. Và kể từ ngày đoạn tuyệt với việc nhập tịch cầu thủ, Singapore đã 3 giải đấu liên tiếp không qua được vòng bảng AFF Cup. Chưa kể Singapore cũng chưa một lần giành HCV bóng đá SEA Games.

Trong nhóm kế cận Thái Lan, Malaysia có thành tích tốt nhất với một lần vô địch và 2 lần á quân, ngoài ra còn giành 2 HCV SEA Games.

“Những con hổ” hiếm khi gây thất vọng cho người hâm mộ ở các giải đấu của khu vực. Hình ảnh này gợi nhớ đến tuyển bóng đá Ý - cũng là một nền bóng đá ngập tràn trong những bê bối dàn xếp tỉ số, giải vô địch quốc gia nhàm chán, công tác đào tạo trẻ kém nổi bật, nhưng thường thi đấu cực kỳ quyết liệt ở các giải đấu lớn.

Chiến thắng của bóng đá Ý thường gắn với những HLV rất tinh quái và dạn dày kinh nghiệm. Họ có thể khan hiếm ngôi sao trên sân, nhưng không bao giờ thiếu HLV giỏi. Malaysia cũng vậy. Trừ Thái Lan quá vượt trội, thành công từng giai đoạn của các đội tuyển còn lại trong khu vực luôn gắn liền với HLV ngoại.

Điển hình như Singapore, 3/4 chức vô địch AFF Cup của đảo quốc sư tử do HLV người Serbia Radojko Avramovic mang về. Những lần Indonesia giành ngôi á quân AFF Cup (thành tích tốt nhất của họ) cũng gắn liền với các HLV châu Âu như Ivan Kolev, Peter Withe, Alfred Riedl. Còn với VN là Riedl, Henrique Calisto hay hiện tại là ông Park Hang Seo.

Malaysia có hướng đi hoàn toàn khác. Kỷ nguyên vàng của họ nằm dưới thời HLV bản địa Datuk Rajagopal. Sau Rajagopal, những HLV nội như Dollah Salleh hay Ong Kim Swee cũng liên tục mang về vị trí á quân của Malaysia ở AFF và SEA Games. Hiện tại, “Những con hổ” tiếp tục thăng hoa dưới tay một HLV nội khác, Tan Cheng Hoe, cựu trợ lý của ông Rajagopal.

Tại một thời điểm, người ta có nhiều cơ sở để đánh giá sức mạnh của một nền bóng đá, nhưng xuyên suốt lịch sử, chỉ có duy nhất một cách - đó là thành tích. Cho đến lúc này, Malaysia vẫn đang là nền bóng đá thứ 2 của khu vực, sau Thái Lan.■

Lịch sử ủng hộ VN

Lịch sử các trận chung kết AFF Cup - kể từ khi đổi sang thể thức đá lượt đi và về - cho thấy những đội bóng chiếm ưu thế ở lượt đi thường sẽ vô địch sau đó. Cụ thể, trong 7 giải đấu từ năm 2004 đến nay, chỉ có duy nhất trường hợp Indonesia năm 2016 là mất chức vô địch sau khi thắng ở lượt đi. Nhưng vào năm đó, Indonesia phải đá trên sân của Thái Lan ở lượt về. VN tuy không thể thắng Malaysia tại Bukit Jalil, nhưng kết quả 2-2 rất có lợi cho thầy trò HLV Park Hang Seo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận