TTCT - Có hai kiểu phản ứng khi thấy đám đông rồng rắn trước một cửa hàng ăn uống: tặc lưỡi quay xe đầy tiếc nuối hoặc ngẩng cao đầu lướt qua, thầm nghĩ "ăn thôi mà, có gì mà phải khổ thế". Dòng người xếp hàng chờ ăn bánh taco tại một cửa hàng nhỏ xíu nhưng vừa được tặng sao Michelin ở Mexico. Ảnh: Getty ImagesNhững ai tiếc vì lỡ dịp hẳn tin rằng quán nào có cảnh xếp hàng chờ càng dài thì chứng tỏ quán đó càng ngon. Có đúng thế không, và điều gì diễn ra trong đầu những người sẵn sàng đợi sáu tiếng đồng hồ vì một món đồ ăn, thức uống?Đợi chờ là hạnh phúc?Với Gabe Hiatt, biên tập viên của tờ The Washington Post, "hàng càng dài, quán càng ngon" là kim chỉ nam có thể áp dụng cho mọi chuyến du lịch. Anh tin rằng mỗi đôi chân đang đứng đợi là một lá phiếu tín nhiệm cho hương vị món ăn, và cảm giác chờ đợi, mong ngóng trong lúc xếp hàng chính là món khai vị tuyệt vời nhất.Trong chuyến đi đến Melbourne (Úc) năm ngoái, hai vợ chồng Hiatt đã có dịp thưởng thức "một trong những bữa cơm Thái ngon nhất trong đời", khiến cả hai "hạnh phúc khôn xiết" tại nhà hàng Soi 38, sau khi cất công xếp hàng chờ trong một bãi đậu xe.Theo Hiatt, chờ đợi ở những nơi có nhiều người xếp hàng không chỉ đảm bảo được ăn ngon, mà còn tránh cảnh vợ chồng lục đục vì phải tốn thời gian suy nghĩ "đi đâu, ăn gì" trong lúc hai chiếc bụng đói meo, mà cái kết rất có thể chỉ là một bữa ăn tàm tạm.Ngoài ra, thời gian chờ cũng là dịp để quan sát nhịp sống địa phương. Cũng trong chuyến du lịch Melbourne, trong lúc xếp hàng chờ vào một quán cà phê, vợ chồng anh có cơ hội đi ngang qua những cửa hàng thời trang cao cấp, các tòa nhà văn phòng cao chót vót và các trung tâm mua sắm hào nhoáng ở trung tâm thành phố, cũng như quan sát thời trang đường phố của người dân địa phương.Không những vậy, khi vào bên trong, mọi công sức chờ đợi được đền đáp. Món latte, bánh sừng bò và giăm bông phô mai giòn của quán không hề làm cặp đôi thất vọng.Xếp hàng vào quán Franklin’s BBQ ở Austin, Texas. Ảnh: Wally GobetzGabe Hiatt là đại diện cho phe "đợi chờ là hạnh phúc", còn phe đối nghịch thì sao? "Người đầu óc tỉnh táo ai mà hy sinh hai tiếng lẽ ra có thể dành để trải nghiệm thành phố mình tốn tiền đến thăm để mòn mỏi đứng chờ thứ sẽ bị nuốt chửng chỉ trong ba phút?" - một nhóm biên tập viên của tạp chí du lịch và lối sống Condé Nast Traveler (Mỹ) thẳng thắn trong bài viết ký tên chung tháng 1-2018.Trong số này, Erin Florio cho biết đợi chờ mỏi mòn để ăn thật ngon là "những khoảnh khắc thỏa mãn vị giác ngắn ngủi" không đáng để hy sinh. "Trong cùng hai tiếng mà bạn đứng trên vỉa hè đợi đĩa thức ăn từ người bán hàng rong, một chuyến bay chở đầy hành khách có thể đã đi từ New York đến tận Bahamas. Tôi không nghi ngờ gì rằng món ăn đó sẽ rất ngon, nhưng không thiếu những tiệm khác cũng bán đồ ngon tương tự mà không phải xếp hàng đợi. Sau cùng, thứ đọng lại chỉ là việc tốn công chờ" - Florio nói.Megan Spurrell, đồng nghiệp của Florio, chia sẻ: "Dù tôi thích ăn ngon và sẵn sàng tìm tới tìm lui để lựa quán ngon nhất khi đi du lịch, tôi sẽ không bao giờ xếp hàng chỉ vì một món ăn hay nhà hàng nổi tiếng trên mạng. Quả thật tôi muốn mỗi bữa ăn trong chuyến đi đều phải đáng giá, nhưng thời gian của tôi cũng quý giá không kém. Ở một thành phố như Bangkok (Thái Lan) chẳng hạn, có vô số địa điểm ăn uống tuyệt vời ở khắp mọi ngả đường. Chỉ cần bỏ thêm ít phút tra cứu để tìm ra chúng là có thể tránh phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ".Tương tự, Lale Arikoglu cho biết trên đời không có thứ gì ngon đến mức để một người phải đứng hai tiếng dưới mưa, nhất là khi đi du lịch. "Sau khi bay nửa vòng trái đất, ai lại muốn đứng yên tại chỗ trong một buổi sáng mà lẽ ra có thể dùng để khám phá một khu phố mới?" - cô nói.Nói với trang Shortlist, nhà phê bình ẩm thực Jonathan Meades cho rằng dù có bao nhiêu sao Michelin thì cũng không có nhà hàng nào đáng để chờ đợi. Xếp hàng chỉ là một chiêu trò kinh doanh để các nhà hàng phòng ngừa cảnh khách đặt bàn rồi không đến. Theo ông, có một cách làm khác hay hơn đó là thu phí giữ chỗ như đặt phòng khách sạn, khách không đến thì sẽ mất cọc.Tâm lý kẻ đợi chờTiến sĩ Meg Elkins, nhà kinh tế học hành vi tại Đại học RMIT (Úc), cho biết có một số nguyên nhân tâm lý nhất định khiến người ta phải xếp hàng.Đầu tiên phải kể đến một logic rất đơn giản: món nào người ta phải xếp hàng để ăn chứng tỏ món đó đáng mong đợi, bởi không ai mong đợi thứ không có chất lượng. Logic này được gọi là phương pháp tiếp cận bằng cảm tính, hay suy nghiệm (heuristic). Theo đó, con người sử dụng những lối tắt tinh thần để đưa ra quyết định vì chúng ta phải đưa ra rất nhiều quyết định trong ngày. Thấy dòng người xếp hàng trước tiệm mì, suy ra nó ngon.Bên cạnh đó, tâm lý sợ khan hiếm khẩu phần được hình thành trong quá khứ, có liên hệ với chứng sợ bỏ lỡ (FOMO), thôi thúc người ta đến những hàng quán nổi tiếng hay hết hàng sớm và xếp hàng để tránh về nhà tay không.Thêm vào đó là yếu tố mạng xã hội - nơi đa số mọi người có xu hướng muốn thể hiện bản thân. "Việc có trong tay một thứ được nhiều người săn đón, khó khăn lắm mới mua được, làm cho người ta cảm giác có quyền khoe khoang, khoe khoang để người khác ghen tị. Khi đó, ta cảm thấy giá trị bản thân được nâng cao" - tiến sĩ Gail Saltz, phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học, giải thích với HuffPost.Người xếp hàng khoe chiến tích của mình lên mạng cũng vô tình thu hút thêm người quan tâm, giúp kéo dài dòng người đến xếp hàng để có hình cho bằng chị bằng em. Cứ thế, vòng tuần hoàn xếp hàng tiếp tục xoay.Người xếp hàng - tỉ phú thời gian?Năm 2018, khi thương hiệu cơm gà Singapore Hawker Chan, quán ăn đường phố đầu tiên trên thế giới đạt sao Michelin, mở cửa hàng pop-up (chớp nhoáng) trong 3 ngày ở London (Anh), vì sự hiếu kỳ và trải nghiệm, người dân lũ lượt kéo đến chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày giữa cái lạnh tháng 3 chỉ để có một phần ăn giá chỉ hơn 1 bảng. Nhân dịp này, kênh tin tức Vice đã đến hỏi cảm nghĩ của những thực khách hiếu kỳ."Hôm nay hai đứa tôi không có tiết học nên ra đây đợi món ăn được gắn sao Michelin này. Đồ ăn châu Á hẳn hòi, mà lại còn rẻ nữa" - cô sinh viên Emma đi cùng bạn vừa cười ngại vừa trả lời. Raj, xếp hàng cùng 3 người bạn khác, triết lý: "Chẳng biết bao giờ tôi mới có dịp đến Singapore. Làm sao biết chính xác món này ngon dở ra sao nếu không đích thân đến đây nếm thử?".Xếp hàng chờ ăn cơm gà Singapore ở London năm 2018. Ảnh: Harden'sCòn Roland, một sinh viên khác, không kỳ vọng quá cao, mà coi đây là cơ hội trải nghiệm cho một ngày dư dả thời gian để sống chậm, thay vì tìm kiếm một đỉnh cao ẩm thực. Có cả người trốn làm để ra xếp hàng và xấu hổ thay vì bị đồng nghiệp (cũng ra xếp hàng) phát hiện.Khi phóng viên hỏi những thực khách này họ sẵn sàng đợi bao lâu, các câu trả lời dao động từ 30 phút cho đến "bao lâu cũng được".Tin không vui dành cho những ai không có thời gian, năng lượng hoặc sự kiên nhẫn để xếp hàng đó là văn hóa xếp hàng chờ ăn sẽ còn tồn tại lâu, ít nhất là theo dự đoán của tờ Sydney Morning Herald. Lý do không chỉ vì có nhiều người thích xếp hàng mà còn vì nhiều doanh nghiệp đã nhận ra lợi ích của việc để khách đợi.Theo một nghiên cứu của Trường quản lý khách sạn Bang Pennsylvania (Mỹ), hình ảnh hàng người chờ đợi trước nhà hàng có thể giúp doanh nghiệp tăng mức độ phổ biến trong nhận thức của những khách hàng mới. Hiệu ứng này sẽ tăng lên khi kết hợp với một biển hiệu tự phong "nhà hàng nổi tiếng nhất" ở một địa điểm.Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt những kết quả nghiên cứu này trong chiến lược kinh doanh. Một số nhà hàng cố tình để khách xếp hàng lâu hơn một chút bằng cách giảm chỗ ngồi hoặc giảm số lượng sản phẩm bán ra mỗi ngày. Số khác nghĩ ra những cách sáng tạo để khách hàng giải trí trong lúc đợi, chẳng hạn nhà hàng lẩu Haidilao cung cấp dịch vụ làm móng tay. Hãy bảo vệ quán ngon "núp hẻm"Mọi vấn đề luôn có hai mặt. Được nhiều người biết đến đôi khi là may mắn đối với quán ăn này nhưng lại là thảm họa cho nhà hàng kia vì họ vẫn chưa đủ năng lực phục vụ số lượng lớn, có không gian hạn chế, hay không đủ vốn ngoại ngữ để tiếp đón khách quốc tế.Theo Charmaine Mok, biên tập viên ẩm thực của báo South China Morning Post, khi một người đăng những quán ăn "núp hẻm" hay ho lên mạng xã hội, động cơ thường không phải vì muốn chia sẻ để mọi người cùng biết mà là củng cố ảnh hưởng cá nhân.Từ kinh nghiệm đối với một quán thịt nướng Nhật, Mok đưa ra lời khuyên: Chia sẻ về một quán ăn khi và chỉ khi họ sẵn sàng để cả thế giới nhìn thấy. Còn thì sự bí mật luôn có cái hay của nó. Một quán ngon ẩn mình sẽ tuyệt hơn nếu người ta tình cờ phát hiện ra nó, thay vì nghe theo lời mách bảo của người khác. Tags: Ẩm thựcXếp hàngNhà hàngĂn uốngDu lịch
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".