Mùa hè điên loạn

LOAN PHƯƠNG 18/09/2013 01:09 GMT+7

TTCT - Nếu có lĩnh vực nào hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế nặng nề đang tàn phá châu Âu thì đó là bóng đá.

Sau vài năm trầm lắng, thị trường chuyển nhượng mùa hè này đã trở nên “điên loạn” với hơn 2 tỉ euro được ném ra ở “Big 5” (gồm năm giải VĐQG ở Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Pháp) và những hợp đồng “khủng” đến mức phi lý.

Phóng to
Gareth Bale ra mắt CLB Real Madrid

Trong ngày cuối cùng của kỳ mua sắm, các trang báo thể thao ở châu Âu tràn ngập thông tin về hợp đồng kỷ lục thế giới 100 triệu euro đưa siêu sao người Xứ Wales Gareth Bale từ Tottenham tới Real Madrid.

Ngoài việc để tăng cường đội hình, Bale còn là câu trả lời của Real với kình địch Barcelona, khi đội bóng xứ Catalan ngay đầu mùa hè đã đưa về ngôi sao mà cả hai CLB chạy đua nhau săn đuổi lâu nay: tiền đạo người Brazil Neymar, với giá 57 triệu euro.

“Một chiến dịch thương mại”

Đó là nhận định của HLV huyền thoại người Ý Arrigo Sacchi, cựu giám đốc bóng đá ở Real Madrid, về vụ chuyển nhượng Bale. Với kiểu ăn mừng bàn thắng đã thành thương hiệu chắp bốn ngón tay thành hình trái tim, Bale tuyên bố sẵn sàng đến Real dù chỉ nhận được một xu. Tất nhiên, anh nhận được hơn thế rất nhiều, hơn 350.000 euro/tuần.

Người đại diện của cầu thủ này cũng bỏ túi khoản phí môi giới khó tin: 6 triệu euro! Và những thương vụ điên rồ không chỉ diễn ra tại Tây Ban Nha.

Trong mùa hè này, các CLB Premier League đã chi ra khoản tiền kỷ lục 630 triệu bảng (748 triệu euro). Ngay cả đội nổi tiếng “thắt lưng buộc bụng” Arsenal cũng chịu chi đến 42,5 triệu bảng để rước về tiền vệ kiến tạo người Đức Mesut Oezil từ Real.

Những cuộc mua sắm không giới hạn khó hiểu ở chỗ chúng đã đẩy giá cầu thủ lên tới mức không hợp lý chút nào về mặt kinh tế học, và càng vô lý hơn khi luật công bằng tài chính của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã có hiệu lực. Các quy định trong luật này nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn ở bóng đá châu Âu, cũng như hạn chế tình trạng chi tiêu vô tội vạ thiếu bền vững của các đội bóng. Nhưng cho tới giờ nó có vẻ phản tác dụng.

Về mặt tài chính, những cuộc chuyển nhượng ồn ào đó thật khó tin, nhất là ở thời điểm cả thế giới, đặc biệt châu Âu, đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế cũng cho thấy bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao rất có thể có logic riêng của mình. CLB giàu nhất thế giới Real Madrid kiếm được gần 500 triệu euro trong năm tài khóa vừa rồi nhờ bán bản quyền truyền hình, vé thi đấu, hợp đồng thương mại, quảng cáo…

Bale chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng doanh thu trong tất cả những mảng đó. Barcelona thật ra đã là một ví dụ hoàn hảo: họ kiếm ngay được một hợp đồng tài trợ béo bở với Panasonic sau khi có Neymar, bởi tập đoàn Nhật Bản này từng theo chân siêu sao Brazil suốt thời anh còn thi đấu cho đội bóng quê nhà Santos.

Tuy nhiên, những hợp đồng này cũng che giấu sự thật là bóng đá Tây Ban Nha đang trong tình trạng cực kỳ bi đát, tương tự nền kinh tế nước này. Những thương vụ cỡ Bale - Neymar đã khiến nhiều người không chú ý rằng mùa chuyển nhượng vừa rồi hàng loạt cầu thủ Tây Ban Nha phải đi đá thuê ở Pháp, Anh và Ý.

Rất nhiều CLB, với gia sản chỉ bằng cái búng tay của Real Madrid và Barcelona, phải bán những ngôi sao để trang trải nợ nần, hoặc đơn giản là để tồn tại.

Phóng to

Xấu trai thì không thể chơi cho Real!

Trở lại với vụ Bale, đó không phải là lần đầu tiên Real và ông chủ tịch Florentino Perez phá vỡ một kỷ lục chuyển nhượng trong sự ngạc nhiên của mọi người. Chính Perez đã bỏ ra 65 triệu euro cho Kaka (từ AC Milan năm 2008), rồi 93 triệu euro cho Cristiano Ronaldo (từ Manchester United năm 2008), và giờ là 100 triệu euro cho Bale. Tất cả những cầu thủ đó đều xuất sắc trên sân bóng, nhưng họ còn một điểm chung nữa: rất điển trai.

Perez không ngần ngại tuyên bố về chính sách chuyển nhượng của ông hồi năm 2003 khi Real Madrid từng có cơ hội mua được Ronaldinho - tiền đạo răng vẩu nổi tiếng là một trong những nghệ sĩ bóng đá được yêu mến nhất thế giới.

Ông giải thích: “Ronaldinho quá xấu. Không ý nghĩa gì khi mua cậu ta, không đáng. Cậu ta sẽ khiến thương hiệu của bạn chìm nghỉm. Giữa Ronaldinho và Beckham, tôi sẽ chọn Beckham cả trăm lần. Hãy xem anh ấy đẹp trai thế nào. Đó là đẳng cấp, là hình ảnh. Cả châu Á yêu mến chúng tôi vì có anh ấy. Trong khi Ronaldinho thì quá xấu”.

Thật vậy, Real bán được 8.000 áo đấu/ngày với tên Beckham khi cựu đội trưởng tuyển Anh chơi bóng ở Santiago Bernabeu giai đoạn 2003-2007. Với Ronaldo, CLB tuyên bố đã thu hồi toàn bộ 93 triệu euro qua các hợp đồng tài trợ và bản quyền hình ảnh chỉ trong năm đầu tiên sở hữu anh!

Mua một biểu tượng

Bài học ở đây là những đội bóng siêu hạng ở châu Âu, như Real Madrid và Barcelona, không chỉ mua cầu thủ. Họ mua một biểu tượng. Real đã phát hiện ra từ lâu và nhắc đi nhắc lại rằng việc họ sở hữu chín chiếc cúp C1/Champions League và 32 chức VĐQG không có ý nghĩa nhiều ở các thị trường mới của bóng đá như Viễn Đông và Mỹ, nơi người hâm mộ chỉ chú ý tới vầng hào quang hiện tại.

Đó là lý do tại sao khi siêu sao Messi của Barcelona đặt chân xuống phi trường Kuala Lumpur mùa hè vừa rồi, phái đoàn an ninh đi kèm anh có thể phải khiến ngay cả tổng thống Mỹ ghen tị. Đó là lý do tại sao họ bỏ ra những cái giá phi lý cho Neymar và Bale.

Ngôi sao Xứ Wales không chút tì vết, không bê bối, sống chung với cô bạn gái thanh mai trúc mã và là một người con hiếu thảo mỗi tuần đều về thăm cha mẹ, đã được chuẩn bị hoàn hảo để trở thành một biểu tượng. Hồi tháng 5, anh xuất hiện trong sự kiện hào nhoáng tại giải đua xe Công thức 1 ở Monaco.

Tháng trước, Bale lại lên trang bìa tạp chí Esquire. Ngay cả hành động ăn mừng bàn thắng bằng hình trái tim từ bốn ngón tay của anh cũng đã được đăng ký bản quyền (thật ngạc nhiên khi nó được cấp giấy chứng nhận). Nó có thể mang về cho Bale khoản tiền khó tin: gần 12 triệu euro/năm.

10 hợp đồng đắt giá nhất châu Âu mùa hè

1

Gareth Bale (Tottenham tới Real Madrid)

100 triệu euro

2

Edinson Cavani (Napoli tới Paris Saint-Germain)

64,5 triệu euro

3

Falcao (Atletico Madrid tới Monaco)

60 triệu euro

4

Neymar (Santos tới Barcelona)

57 triệu euro

5

Mesut Oezil (Real Madrid tới Arsenal)

50 triệu euro

6

James Rodriguez (Porto tới Monaco)

45 triệu euro

7

Fernandinho (Shakhtar Donetsk tới Manchester City)

40 triệu euro

8

Asier Illarramendi (Real Sociedad tới Real Madrid)

39 triệu euro

9

Mario Goetze (Borussia Dortmund tới Bayern Munich)

37 triệu euro

10

Gonzalo Higuain (Real Madrid tới Napoli)

37 triệu euro

“Mười năm trước, họ mua tôi với giá 75 triệu euro và tôi bảo rằng mình không đáng giá như thế. Ngày hôm nay, tôi muốn nói rằng một cầu thủ không trị giá như thế. Hai CLB thỏa thuận về giá và chẳng ai buộc ai làm điều gì đó. Đấy là bóng đá. Rủi thay, thật khó hiểu với những gì đang diễn ra khi phải trả giá đắt như thế” - Zinedine Zidane, trợ lý HLV Real Madrid Carlo Ancelotti, nói về hợp đồng 100 triệu euro của Gareth Bale.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận