Mục đích giáo dục không phải là thanh thế xã hội

DUY VĂN THỰC HIỆN 16/06/2011 01:06 GMT+7

Dạy con theo kiểu nào, đông hay tây?

Cách dạy con kiểu “mẹ hổ” không mới ở VN. Chúng tôi từng có câu: “Thương cho roi cho vọt”. Gần đây, nhiều bậc cha mẹ theo đuổi các phương pháp giáo dục thoáng hơn, tạm gọi là kiểu phương Tây (không ép nếu trẻ không thích, tạo cho trẻ nhiều tự do hơn trong việc chọn ngành và môn học).

Những bậc cha mẹ trẻ này có thể cảm thấy bối rối khi đọc mười nguyên tắc nuôi dạy con thành công của “mẹ hổ”, người không chỉ cấm con xem tivi, chơi điện tử mà còn cả việc họp nhóm và chỉ được chơi violin hay piano. Ông thấy thế nào?

Phóng to
David Pickus - Ảnh: michaelcaryphotos.com

- Bối rối thì tốt chứ. Tôi chỉ lo khi các bậc cha mẹ ở VN hoặc khước từ hoàn toàn các ý tưởng giáo dục phương Tây hoặc theo đuổi những phương pháp này một cách mù quáng mà không tìm hiểu xem chúng có hiệu quả không. Điểm mấu chốt, theo tôi, là cảm giác thật khó để làm cha mẹ tốt, và chúng ta phải cẩn thận đừng theo đuổi một công thức nào mà không cân nhắc hậu quả.

* Theo ông, đâu là những điểm mạnh, yếu trong phương pháp của “mẹ hổ”?

- Điểm mạnh nhất là cách dạy con phải coi trọng những môn khó, những môn đòi hỏi trí thông minh, sự chuyên cần và kiên nhẫn để lĩnh hội. Điểm yếu nhất là các phương pháp này khoe khoang về vị trí xã hội cao mà gia đình bà Chua đạt được trong xã hội Mỹ. Nó có thể thúc giục người ta nghĩ rằng mục đích của giáo dục là địa vị, thanh thế xã hội. Theo tôi, quan niệm sai lầm này có hại cho trẻ em.

* Đúng vậy. Độc giả chúng tôi đã cho rằng vấn đề không nằm ở thành tích mà ở mục tiêu giáo dục. Bà Chua đặt các mục tiêu thành tích lên trên trong việc nuôi dạy con nên đã chọn phương pháp ngặt nghèo như thế...

- Tôi đồng ý mục tiêu học tập là cực kỳ quan trọng và chúng ta không nên lên án một thanh niên học rất tốt nhưng không đạt được địa vị xã hội cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ bà Chua đã đưa ra một luận điểm hợp lý: việc học phải dẫn tới kết quả là một thành tựu đáng kể nào đó. Vì thế, không nên huyễn hoặc trẻ em rằng cố thổi được sáo cũng giống như có thể chơi sáo vậy.

* Các trường học, xã hội Mỹ đã thảo luận về “phương pháp mẹ hổ”. Ông kết luận gì về cuộc thảo luận này?

- Tôi không hoàn toàn hài lòng với cuộc tranh luận về quyển sách của bà Chua trong xã hội Mỹ bởi nó chỉ quẩn quanh ở đề tài bà Chua là người mẹ tốt hay xấu. Đọc quyển sách có thể dễ dàng tìm ra điểm yếu của bà ấy như một con người.

Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được quên rằng làm cha mẹ tốt thật sự khó. Vì thế, thay vì tranh luận về cá nhân “mẹ hổ”, cần phải nghĩ về xu hướng toàn cầu mà bà đại diện. Tức là phải tự hỏi chính mình một câu hỏi then chốt là điều gì sẽ xảy ra khi những đứa con của “cha mẹ hổ” lớn lên, liệu chúng có thể giải quyết được nhiều vấn đề mà thế giới phải đối phó không?

* Vậy theo giáo sư, những đứa trẻ được giáo dục theo cách “mẹ hổ” sẽ đối phó được hay không với những thách thức này?

- Chúng ta không thể nói về tương lai, nhưng ở một cấp độ nào đó tôi nghĩ các con “mẹ hổ” đã được trang bị tốt để đối phó. Bà Chua dạy các con để thành công trong cuộc sống, phải đặt ra những mục tiêu cao cả và nhận những trách nhiệm nghiêm túc. Đáng tiếc thay, nhiều trẻ em Mỹ không học bài học này.

Bà Chua cũng không dạy con vâng lời một cách thiếu suy xét, làm tổn thương hay ngược đãi kẻ khác chỉ vì mình không hài lòng. Những đứa trẻ này nhiều khả năng có những đóng góp tích cực cho thế giới.

Tuy nhiên, tôi vẫn có một mối lo. Bà Chua rõ ràng xem địa vị và sự thành công là một loại tưởng thưởng cho việc có đức có tài. Mà nhiều bậc cha mẹ từng biết mọi việc đâu phải lúc nào cũng vậy. Tôi lo rằng những đứa con “mẹ hổ” này sẽ không thể chống chọi được việc đôi khi thế giới trừng phạt bạn vì bạn làm điều đúng, rằng có lúc bạn phải học cách vượt qua được dư luận xã hội và một mình độc lập.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Nghiêm khắc và yêu thương

... Amy Chua không sai khi ép buộc con vào kỷ luật học tập, nhưng các ứng xử hà khắc khiến bà nhận không ít phản đối gay gắt của dư luận. Bà Chua chứng minh việc nghiêm khắc và trừng phạt đã giúp con bà đi đến thành công - đây là điều chắc chắn đúng - vì đã có kết quả cụ thể. Vì thế trong việc phủ nhận bà Chua, nếu không khéo chúng ta có thể phủ nhận cả một phương pháp.

Điều chúng ta quan tâm ở đây là làm thế nào để biết khi nào thì nghiêm khắc là đủ hay quá tay? Và liệu sự trừng phạt có phải là biện pháp hoàn hảo nếu con mình chắc chắn bị tổn thương?

Vì thế những gì bà Chua nói chỉ dừng lại là một phương pháp, trong khi đó giáo dục con trẻ chỉ bằng phương pháp không là chưa đủ mà còn phải kết hợp với cả tinh thần hiểu biết để chỉ bảo con học, cả sự chia sẻ để con có bạn đồng hành, cả lòng bao dung để con biết mình được chấp nhận, cả tính nghiêm khắc để con có nỗ lực, cả sự hi sinh để con có trách nhiệm.

Đây không phải là điều dễ dàng nhưng có bà mẹ nào khẳng định được việc dạy con là dễ dàng chưa?

__________

(*): David Pickus - giáo sư Đại học Arizona, trong chuyến sang VN làm việc vào cuối tháng 6 sẽ có cuộc giao lưu với độc giả nhân cuốn sách Khúc chiến ca của mẹ hổ được Alpha Book dịch và phát hành vào 20-6.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận