Mỹ, G7 và NATO: Hành trình tìm lại đồng minh

DANH ĐỨC 22/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Một năm sau khi bị đánh giá là “lỗi thời” bởi chính tổng thống Mỹ lúc đó Donald Trump, G7 có vẻ đang hồi sinh. NATO và EU cũng thế, với “lái chính” là lão trượng Joe Biden!

Có thể nói không quá rằng 2020 là năm mà các quan hệ giữa Mỹ và G7, EU cùng một số tổ chức khu vực khác đã mất tăm, không chỉ do nước nào nước nấy “đóng cửa” tự lo thân trong đại dịch, mà còn bởi hậu quả tất yếu từ chính sách “nước Mỹ trước hết” của ông Trump và việc ông này tự trút bỏ những cam kết quốc tế của Mỹ. 

Ông Biden tập hợp lại các đồng minh ở hội nghị G7 Cornwall. Ảnh: The Telegraph

 

Cũng may là cuối cùng, sau khi thoát khỏi một âm mưu cướp chính quyền hôm 6-1 ở Washington, ông Biden đã có thể lên làm tổng thống và xây dựng lại quan hệ với các đồng minh, đầu tiên là nhóm G7, mà cần kíp nhất hiện nay là giải cứu các nước nghèo nhất khỏi đại dịch.

G7 khôi phục sứ mệnh

Chủ nhật 13-6, các lãnh đạo G7 và những khách mời Úc, Ấn Độ, Nam Phi, Hàn Quốc đã ra “Thông cáo chung Carbis Bay” thể hiện sự đồng tâm nhất trí về một số vấn đề bức bách mà thế giới đang phải đương đầu. 

Ngay đầu thông cáo, họ bày tỏ quyết tâm: “Chúng tôi, những lãnh đạo Nhóm G7, đã gặp nhau tại Cornwall vào ngày 11 đến 13-6-2021, quyết tâm đánh bại COVID-19 và xây dựng lại tốt hơn”.

Trong một thông điệp dài 14.000 chữ, G7 dành hơn 4.500 chữ để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Qua 26 đoạn văn nêu giải pháp kèm theo cam kết cung cấp 1 tỉ liều vắc xin, G7 cho thấy họ là tập thể nhóm nước duy nhất lúc này đang có những nỗ lực chung trước một đại họa của cả thế giới, trong khi các ông lớn khác chỉ đứng ngó hoặc hỗ trợ “tùy từng trường hợp” vì lợi ích riêng.

Chuyện chống COVID không chỉ là câu hỏi về nguồn vắc xin. 

Vắc xin COVID-19 và hỗ trợ cho chương trình COVAX là một nghị trình trọng tâm của G7 lần này. Ảnh: UNICEF

 

Trong tình hình mà không ít nước nay tự nhìn ra mình nghèo chớ chẳng giàu có hay ho tài giỏi gì, trần trụi trước COVID-19, xét nghiệm trên diện rộng không kham nổi, còn vắc xin vẫn đang ở phía chân trời, thì quyết tâm mà G7 thể hiện ở đoạn 12 còn hơn là một an ủi: 

“Chúng tôi sẽ tìm hiểu tất cả các giải pháp có thể nhằm đảm bảo các công cụ [chống] COVID-19 có giá cả phải chăng, sao cho các nước nghèo nhất dễ với tới, kể cả giải pháp sản xuất phi lợi nhuận, định giá bán minh bạch theo từng cấp hạng, đồng thời chia sẻ tỉ lệ sản xuất của các nhà sản xuất với cơ chế COVAX”.

Thật ra, xưa nay họ vốn đã là những nhà tài trợ quen mặt cho các nỗ lực toàn cầu. Những hứa hẹn của họ không phải do cưỡng bách, mà dựa trên sự tự nguyện của từng nước, như đúng bản chất “tự do” của câu lạc bộ nhà giàu này.

Với 1/3 tuyên bố chung tập trung vào việc đối phó COVID-19, lãnh đạo G7 ở thượng đỉnh Cornwall 2021 cho thấy họ đã trở lại với sứ mệnh mà những người tiền nhiệm từng đề ra ở thượng đỉnh G7 đầu tiên năm 1975. 

Tháng 12-2020, cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, người đã bày ra G7, qua đời. Ông đã để lại một di sản lớn lao và quan trọng.

Năm 1975 đó, ông Giscard d’Estaing cùng thủ tướng Đức lúc bấy giờ là Helmut Shmidt bày ra sáng kiến G6 với lãnh đạo 6 nước công nghiệp hóa lúc đó là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, và Ý, gặp nhau ở một nơi thoải mái, ít nghi thức ngoại giao, giảm bớt lễ lạt, để bàn về cuộc khủng hoảng dầu hỏa, đồng đôla và căng thẳng Đông-Tây.

Có ai ngờ được rằng ưu tư của các nước G6 năm 1975 - tìm kiếm năng lượng thay thế dầu hỏa - đến tháng 6-2021 này vẫn còn tiếp tục được hô hào: 

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết hiện tại về việc loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch kém hiệu quả vào năm 2025 và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng tham gia với chúng tôi... Chúng tôi sẽ tăng cường hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và không phát thải, giảm tiêu thụ lãng phí, thúc đẩy sự đổi mới trong khi duy trì an ninh năng lượng”.

Tổng thống Mỹ Biden, trong vai người cầm trịch không chính thức, dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi cũng đưa ra cam kết lịch sử là loại bỏ vĩnh viễn việc sử dụng tài chính công để hỗ trợ các dự án than đá không tinh chế trên toàn thế giới... ngay trong năm nay”.

Mở ngoặc đơn về chuyện nhiệt điện than này: Phải chăng đây là cơ hội cuối cùng để coi lại sách lược sản xuất điện, nhất là điện than? 

Câu chuyện trên là một trong nhiều thí dụ cho thấy vai trò “đầu tàu” của ông Biden và cho thấy sức sống mới của G7, khi nay nước lớn nhất, phát triển nhất, có sức nặng nhất, đã trở lại đầy đủ.

Sứ mệnh của G7 từ năm 1975 đến giờ là như thế, để trao đổi những vấn đề toàn cầu hướng tới một lợi ích chung, chứ không vị kỷ. 

Tương tự, điều mà báo chí nói là G7 nay muốn tăng đầu tư hạ tầng nhằm cạnh tranh với kế hoạch Vành đai con đường của Trung Quốc, có thể hiểu là sự khởi động một chương trình lẽ ra phải tiến hành từ hơn bốn năm trước - để mời chào một hệ thống không chỉ hạ tầng mà cả tín dụng, thương mại, lao động... khác với hệ thống tiêu chuẩn Trung Quốc.

Chương mới của NATO

Ông Biden phát biểu ở trụ sở NATO. Ảnh: AP

 

Từ London, sau khi khôi phục G7, lão trượng Biden bay sang Brussels để hồi sinh NATO. Tháng 7-2018, khối quân sự này từng chết điếng khi nghe “minh chủ” mới Donald Trump xét “biên nhận” đóng “niên liễm”: “Hoa Kỳ trả hết 90% chi phí bảo vệ châu Âu... Vậy thì NATO tốt cho quý vị hơn là cho chúng tôi... Quý vị phải đóng tiền thôi, phải trả hóa đơn thôi”.

Từ khi NATO thành lập ngày 4-4-1949 dưới trào tổng thống Mỹ Harry S. Truman trong khuôn khổ hiệp ước Washington, một kế hoạch quốc phòng song song với kế hoạch viện trợ kinh tế tái thiết châu Âu mang tên bộ trưởng ngoại giao Mỹ George C. Marshall, chưa bao giờ nghe một minh chủ của NATO ăn nói bằng giọng điệu con buôn như vậy.

Nhưng tình thế nay có vẻ đã khác, đứng giữa trụ sở NATO, ông Biden tái khẳng định vai trò “minh chủ” của Mỹ: 

“Liên minh xuyên Đại Tây Dương là nền tảng vững chắc trên đó chúng ta xây dựng an ninh tập thể và sự thịnh vượng chung. Quan hệ đối tác giữa châu Âu và Hoa Kỳ, theo quan điểm của tôi, vẫn là nền móng cho tất cả những gì chúng ta hy vọng đạt được trong thế kỷ 21, giống như chúng ta đã làm trong thế kỷ 20... Hoa Kỳ cam kết hoàn toàn gắn bó với liên minh NATO của chúng ta... Chúng tôi sẽ giữ vững niềm tin với điều 5 [điều khoản then chốt của NATO quy định việc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh]”.

Thông cáo chung NATO lần này, trong khi nêu ra các mối đe dọa, đã chỉ đích danh Nga và Trung Quốc, ngoài các đe dọa chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, các tác nhân nhà nước và phi nhà nước đang thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tìm cách phá hoại nền dân chủ trên toàn cầu, nạn di cư bất thường, và nạn buôn bán người. 

Nga và Trung Quốc được mô tả là “sự cạnh tranh có hệ thống từ các cường quốc quyết đoán và toàn trị... Các hành động gây hấn của Nga tạo thành mối đe dọa đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương... Ảnh hưởng ngày càng tăng và các chính sách quốc tế của Trung Quốc có thể nêu ra những thách thức mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết với tư cách là một liên minh... nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của liên minh”.

Về Nga, ông Biden giải thích: “Chúng tôi đã nói về những hành động gây hấn của Nga đe dọa NATO và an ninh tập thể của chúng tôi. Đó là lý do tại sao tôi đã gặp nhóm Bucharest 9 - các đồng minh phía đông - trước hội nghị thượng đỉnh này. Và hôm nay tôi cũng đã gặp lãnh đạo của ba quốc gia vùng Baltic: Estonia, Latvia và Lithuania”. 

Hai cuộc gặp đó tóm tắt tình hình địa chính trị Nga - NATO. Nhóm Bucarest 9 là Bulgaria, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia. Trong một góc nhìn nào đó, việc các nước này “sang sông” sau chiến tranh lạnh vẫn là khó nuốt trôi với Kremlin.

Còn về Trung Quốc, đoạn 55 của thông cáo NATO viết: “Những tham vọng được công khai và hành vi quyết đoán của Trung Quốc nêu ra những thách thức có tính hệ thống với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cùng các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”. 

Mâu thuẫn ở đây không chỉ là cạnh tranh địa chính trị: “Những chính sách cưỡng bức [của Trung Quốc] trái ngược với các giá trị cơ bản được ghi nhận trong Hiệp ước Washington làm chúng tôi quan ngại”.

Cụ thể theo NATO, “Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân với nhiều đầu đạn hơn và hệ thống phân phối tinh vi để thiết lập bộ ba hạt nhân [tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, và máy bay chiến lược mang bom và tên lửa hạt nhân]. Khác với các nước tiên tiến khác, Trung Quốc không minh bạch trong việc thực hiện hiện đại hóa quân đội và trong sách lược hợp nhất quân sự - dân sự từng được tuyên bố công khai”.

Tất nhiên, NATO cũng không phải một khối thuần nhất. Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh cố cựu và đông quân nhất của khối mấy năm qua, có vấn đề với Mỹ, và hơn năm nay, Hy Lạp, rồi cả Pháp, lâu lâu lại ngả nghiêng sang Nga. Thêm nữa, ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Âu, nhất là về kinh tế, chỉ đang ngày một lớn hơn, chứ không hề giảm bớt.

“Tour thượng đỉnh” của ông Biden có thể tạm coi là thành công trong việc tập hợp các đồng minh cùng chung một số quan ngại và nêu ra công khai điều đó. 

Một kết quả cụ thể trong cuộc “tái hồi Kim Trọng” này là việc EU và Mỹ đạt thỏa thuận chấm dứt tranh cãi liên quan tới vấn đề trợ cấp cho các tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và Boeing ngày 15-6, mở màn cho việc tháo gỡ chiến tranh thương mại giữa hai phía - di sản của thời Trump.

Ở tuổi 78, ba hội nghị thượng đỉnh, hai cuộc yết kiến nữ hoàng Anh và quốc vương Bỉ, hàng chục cuộc gặp song phuơng, lão trượng Biden tỏ ra lão luyện nhờ vốn liếng am tường các hồ sơ quốc tế và dầy kinh nghiệm ở cấp cao. 

Sau màn “đổ vỏ” cho người tiền nhiệm tạm coi như có điểm tốt, ông Biden sẽ còn phải thể hiện hơn thế nữa khi mặt đối mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva.■

Phản ứng của Nga và Trung Quốc

Tất nhiên, Trung Quốc và Nga không ngồi yên cho Mỹ và các đồng minh muốn nói gì thì nói. Người phát ngôn của của phái bộ Trung Quốc tại châu Âu ra tuyên bố trả lời các điểm tấn công của Mỹ, cho biết Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách phòng thủ quốc gia, và luôn đảm bảo việc hiện đại hóa quân đội là hợp pháp, công khai và minh bạch, theo Global Times 15-6.

Tờ này dẫn các con số của Trung Quốc để đáp trả: “Người phát ngôn phái bộ [Trung Quốc tại châu Âu] cho biết: Trong năm 2021, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 1,35 ngàn tỉ nhân dân tệ [209 tỉ USD], chiếm 1,3% GDP, ít hơn NATO nhiều. 

Ngược lại, liên minh NATO gồm 30 thành viên có tổng chi tiêu quân sự lên tới 1,17 ngàn tỉ USD, chiếm hơn một nửa tổng chi phí quốc phòng toàn cầu, và nhiều gấp 5-6 lần Trung Quốc”.

Những con số đó được đưa ra làm bằng chứng cho thấy sự “bá quyền” của Mỹ: “Thật rõ ràng trước mắt thế giới là các căn cứ quân sự trải khắp toàn cầu, và tàu sân bay của họ đang rong ruổi khắp nơi để phô trương cơ bắp quân sự”. Vì thế, kết luận là: “Trung Quốc không hề thể hiện những thách thức mang tính hệ thống [như chính Mỹ mới vậy]”.

Phát ngôn viên Trung Quốc tại phái bộ châu Âu cũng không quên nhắc mối hận cũ năm 1999: “Trung Quốc đã cam kết phát triển hòa bình, nhưng sẽ không bao giờ quên thảm kịch không kích đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư [năm đó, khi không kích Serbia, không quân NATO, cụ thể là Mỹ, đánh nhầm đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, khiến 3 người thiệt mạng và 27 người bị thương], cũng như những hy sinh về nhà cửa và sinh mạng của đồng bào chúng tôi”, để rồi cảnh cáo: 

“Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích phát triển của mình, đồng thời theo dõi sát sao các điều chỉnh chiến lược và chính sách của NATO đối với Trung Quốc... Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước bất kỳ thách thức mang tính hệ thống nào”.

Nga, bằng hệ thống báo chí đa dạng của mình, cũng đáp trả. Sputnik News 15-6 “đá giò lái” Tổng thống Biden bằng một tường thuật kiểu có thể đăng trên các báo trào phúng: 

“Một nhầm lẫn mới vừa mở rộng danh sách dài những sai sót mà Joe Biden đã phạm phải. Lần này, Tổng thống Mỹ đã ba lần lẫn lộn giữa Libya và Syria trong bài phát biểu trước G7. Từng nổi tiếng với nhiều sai sót, Tổng thống Mỹ đã làm hài lòng những người gièm pha ông ta... khi ba lần liên tiếp lẫn lộn Libya với Syria, trong lúc nói về khả năng hợp tác với Nga để cung cấp viện trợ nhân đạo cho các quốc gia bị xâu xé bởi nội chiến”.

Trong một diễn biến khác, Sputnik 15-6 loan tin một nhóm bác sĩ Ý và Nga đang nghiên cứu hiệu quả của vắc xin Sputnik V để chống lại một số đột biến ở virus corona. 

Các nhà khoa học Nga, đến Ý cách đây hai tuần, đang tiếp tục cùng đồng nghiệp ở Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Lazzaro Spallanzani, Rome, nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin Sputnik V với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. 

Hợp tác này ý muốn nói không chỉ có G7 hay Mỹ lo chuyện COVID của thế giới.

Tuy nhiên, thái độ của Nga, ngay trước thượng đỉnh Biden - Putin ở Geneva, là không quá nặng nề, rõ là để còn chừa đường đối thoại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận