TTCT - Theo báo cáo triển vọng năng lượng quốc tế 2013 của Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới giai đoạn 2010 - 2040 sẽ tăng 56%, từ 524.000 triệu triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu) lên 820.000 triệu triệu Btu. Một tương lai với năng lượng sạch hoàn toàn có thể tới sớm hơn so với nhiều người vẫn nghĩ - Ảnh: renewablepowernews.comHầu hết mức tăng sẽ là từ các nước bên ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong đó Trung Quốc chiếm một phần áp đảo.Nhìn chung, các ưu tiên thực dụng của nhiều nước vẫn sẽ thắng thế so với các khuynh hướng sử dụng năng lượng sạch thay thế. Lượng phát thải khí CO2 từ nhiên liệu hóa thạch dự kiến tăng 46% lên 45 tỉ mét khối vào năm 2040, với phần lớn mức tăng là từ các nước đang phát triển.Câu chuyện của Trung QuốcTrong các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng nguyên tử tăng trưởng ở mức 2,5% mỗi năm trên toàn cầu, nhưng các nguồn năng lượng sạch và an toàn khác, bao gồm thủy điện, hiện tăng nhanh nhất khoảng 4% mỗi năm, sẽ chiếm khoảng 1/4 lượng tiêu thụ điện năng toàn cầu tính tới năm 2018, so với khoảng 20% vào năm 2011. Các nguồn năng lượng sạch khác không liên quan tới thủy điện được dự báo tăng khoảng 10% trong những năm tới và cứ bảy năm lại tăng gấp đôi, từ 4% tổng sản lượng điện toàn cầu năm 2010 lên gần 8% vào năm 2018, theo EIA.Tuy nhiên, năng lượng hóa thạch vẫn sẽ cung cấp hơn 70% nguồn nhiên liệu thế giới sử dụng (cho điện và giao thông) tới năm 2040, trừ khi Trung Quốc chuyển hướng. Nhưng nhiều chuyên gia dự báo rằng Trung Quốc sẽ bắt buộc phải chuyển hướng, khi các nguồn tài nguyên như dầu khí biển sâu ngày càng khan hiếm, khó thăm dò và khai thác, chưa kể rủi ro địa chính trị luôn tiềm ẩn.Nhưng cũng có những người nghĩ khác. “Triển vọng các nguồn năng lượng thay thế, chủ yếu là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, thay thế hoàn toàn than đá, khí đốt và dầu mỏ trên toàn cầu, theo tôi, là chắc chắn” - Jeremy Grantham, giám đốc quỹ đầu tư GMO Capital trị giá 100 tỉ USD, nói. Grantham dự báo tốc độ của sự thay đổi đó sẽ làm nhiều người ngạc nhiên và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những đầu tư ồ ạt vào việc tìm kiếm và khai thác năng lượng hóa thạch vẫn đang diễn ra.Trên đài truyền hình Mỹ CBS, Grantham bình luận: “Tôi rất ấn tượng với triển vọng của cuộc cách mạng nhiên liệu, nhiều khả năng sẽ chấm dứt nỗi lo của chúng ta về việc thiếu nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Ngay cả khi không có những đột phá quan trọng về mặt chi phí với năng lượng hạt nhân, triển vọng của các nguồn năng lượng thay thế như mặt trời và gió vẫn là khổng lồ. Câu hỏi chỉ là 30 hay 70 năm nữa, chúng ta sẽ thay thế hoàn toàn năng lượng hóa thạch cho giao thông vận tải”.Những tiên đoán can đảm của Grantham đi ngược lại với tư duy thông thường khi ngành nhiên liệu hóa thạch vẫn đang thống trị, nhưng được nhiều nhân vật tư duy đột phá ủng hộ, bao gồm giáo sư Tony Seba ở Đại học Stanford, người cũng tin rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị khai tử “chỉ trong vài thập kỷ nữa”.Grantham nói: “Tôi có cảm giác rõ ràng rằng những khoản đầu tư mới khổng lồ hiện giờ vào than đá và dầu mỏ có thể trở thành những tài sản chết trong tương lai, và những gì tôi chứng kiến vài năm qua càng khẳng định lòng tin đó. Tôi xin lấy ví dụ Trung Quốc. Nước này đang rất muốn hạn chế ô nhiễm do than đá và xăng dầu gây ra.Tình trạng sương mù dày đặc ở các thành phố lớn đã dẫn tới những cuộc biểu tình chưa có tiền lệ trong thời gian qua. Trung Quốc đơn giản là không thể chịu nổi cảnh các lãnh đạo kinh doanh cả người Trung Quốc lẫn người nước ngoài rời bỏ nước này chỉ vì sức khỏe của họ và của gia đình, cũng như những than phiền và phẫn nộ từ dư luận”.Mỗi năm ước tính có 650 tỉ USD được ngành nhiên liệu hóa thạch chi ra để tìm kiếm các mỏ dầu mới, và với Grantham, phần lớn trong số đó là các khoản tiền phí phạm.“Một số nước mới nổi, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, sẽ phải suy nghĩ nhiều về điều đó. Họ hiện đã có 200 triệu phương tiện giao thông, chủ yếu là xe máy, chạy điện, tương đương với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ở mức giá hiện tại hay cao hơn sẽ đạt đỉnh trong 10 năm nữa. Với giá các nhiên liệu thay thế rẻ hơn, chúng ta sẽ mất phần lớn các khoản đầu tư vào những công nghệ khai thác dầu mỏ đắt giá như các giàn khoan nước sâu... Mọi thứ có thể thay đổi nhanh hơn chúng ta nghĩ”.Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục dựa chủ yếu vào than đá và nhiên liệu hóa thạch như hiện nay, tới giữa thế kỷ tình hình tiêu thụ năng lượng ở nước này sẽ trở nên rất thiếu bền vững, theo một báo cáo khác của Quỹ năng lượng Mỹ công bố năm 2012. Nếu Trung Quốc sử dụng dầu mỏ và than đá với tốc độ hiện nay, khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ sẽ đạt 17 tỉ tấn/năm tới năm 2050, tương đương 60% lượng phát thải của thế giới và gấp ba lần mức hiện giờ của Trung Quốc.“Nếu xu hướng tiếp tục như hiện giờ, quy mô tiêu thụ năng lượng hóa thạch của Trung Quốc sẽ gây sửng sốt” - báo cáo với tựa đề “Những con đường phát triển cho một Trung Quốc carbon thấp tới năm 2050” bình luận.Các nhà nghiên cứu dự báo mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch như hiện nay sẽ khiến Trung Quốc đối mặt với các hậu quả của biến đổi khí hậu lớn hơn bất kỳ quốc gia nào, với các thành phố sầm uất ở bờ biển phía đông có thể bị nhấn chìm dưới biển và các vùng canh tác nông nghiệp chính đối mặt với những đợt hạn hán kéo dài.Dự báo các nguồn năng lượng sản xuất điện trên toàn cầu giai đoạn 2010-2040 của EIANguồn: eia.gov - Đồ họa: M.N.Bước ngoặt phía trướcTrong một hội thảo tháng 3-2014 ở Vancouver (Canada) về năng lượng mới, các chuyên gia dự báo “điểm bùng phát” của các nguồn năng lượng thay thế đã tới rất gần, khi số tiền đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái sinh khác sắp vượt qua đầu tư vào năng lượng hóa thạch trên quy mô toàn cầu.Ethan Zindler, chuyên gia về tài chính cho năng lượng mới của Tập đoàn Bloomberg, nói các nguồn năng lượng mới đang lớn mạnh tới mức không còn có thể gọi chúng là “năng lượng thay thế” nữa. “Chúng ta không còn cách xa ngày mà đầu tư vào năng lượng sạch vượt qua đầu tư vào năng lượng hóa thạch” - Zindler nói.Năm 2012, tổng đầu tư toàn cầu cho than đá và khí đốt (chưa kể dầu mỏ), những nguồn gây ô nhiễm lớn, vào khoảng 310 tỉ USD, theo Zindler, trong khi đầu tư vào năng lượng sạch là 225 tỉ USD. Quan trọng hơn, động cơ đầu tư không chỉ là các quan ngại môi trường mà là những “tính toán tài chính hoàn toàn lạnh lùng”, khi năng lượng sạch đang ngày càng trở nên rẻ hơn.Quỹ năng lượng sạch Canada ước tính chi phí chung cho các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn đã giảm 50% trong giai đoạn 2010-2013, từ 3,25 USD/watt xuống còn 1,55 USD/watt. Năm 2014 cũng được dự báo là năm mà số pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên toàn thế giới sẽ đạt mức kỷ lục. Một lần nữa, Trung Quốc lại dẫn đầu trong lĩnh vực này, với tổng mức đầu tư 61 tỉ USD trong năm 2013.Tuy nhiên, Zindler cho rằng đầu tư cho năng lượng sạch của Trung Quốc hiện vẫn là một quyết tâm chính trị hơn là một tính toán kinh tế, vì lo ngại của người dân với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở các thành phố lớn. “Dẫu sao, chính quyền Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu tham vọng và họ sẽ quyết tâm đạt được” - Zindler nói.Tham vọng không kém Trung Quốc là Ấn Độ, với những mục tiêu lớn cho năng lượng thay thế. Jeremy Rifkin, một nhà kinh tế lâu năm của Đại học Tufts (Mỹ), đã dự đoán: “Ấn Độ sẽ là Saudi Arabia trong lĩnh vực năng lượng thay thế và nếu theo đuổi một chính sách năng lượng sạch đúng đắn, Ấn Độ có thể trở thành một siêu cường thế giới”.Việc 40% hộ gia đình ở nông thôn Ấn Độ hiện không có điện lại là một lợi thế với nước này, bởi họ có thể cung cấp mới nguồn điện mặt trời cho các hộ gia đình, giảm được rất nhiều chi phí chuyển tiếp. Năm 2011, Ấn Độ đã đầu tư 10,3 tỉ USD cho năng lượng sạch, tăng 52% so với năm 2010, trong đó cho năng lượng mặt trời tăng từ 0,6 tỉ USD năm 2010 lên 4,2 tỉ USD chỉ một năm sau đó, theo số liệu từ Quỹ tài chính cho năng lượng của Bloomberg.Không chỉ ngày càng trở nên kinh tế hơn và có lợi cho môi trường, một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố ngày 11-5-2014 cũng cho thấy trên toàn cầu các ngành năng lượng mới tạo ra khoảng 6,5 triệu việc làm trong năm 2013. Nghiên cứu “Năng lượng tái tạo và việc làm: Đánh giá thường niên 2014” của IRENA cho thấy sự gia tăng ổn định việc làm liên quan tới năng lượng sạch trên toàn cầu, so với mức 5,7 triệu việc làm của năm 2012.Tổng giám đốc IRENA Adnan Z. Amin bình luận: “Với 6,5 triệu người trực tiếp hay gián tiếp có việc làm nhờ ngành năng lượng mới, ngành này cho thấy không còn là một ngành phụ trợ mà đã trở thành một ngành lớn ở quy mô toàn cầu. Những gợi ý trong báo cáo về một chuỗi giá trị mới đang hình thành trong ngành năng lượng là rất giá trị cho việc xây dựng các chính sách giúp tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế”.Báo cáo đã được trình bày ở hội nghị cấp bộ trưởng về năng lượng sạch tại Seoul (Hàn Quốc) vào đầu tuần trước với sự tham dự của 23 quốc gia. Tags: Năng lượngNăng lượng sạchNăng lượng hóa thạch
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Trung thu của học sinh Làng Nủ, chia kẹo cho những chỗ ngồi đã trống VŨ TUẤN 17/09/2024 Tết Trung thu ấm áp dù thiếu chị Hằng, chú Cuội và không có lễ rước đèn ông sao ở Trường tiểu học và trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), để học sinh Làng Nủ vơi đi nỗi nhớ bạn, nhớ nhà.
Cộng đồng 'truy tìm' chủ nhân túi nữ trang lẫn trong hàng cứu trợ của người dân Đà Nẵng THÁI BÁ DŨNG 17/09/2024 Trong lúc tiếp nhận, phân loại hàng cứu trợ của bà con Đà Nẵng gửi lên đồng bào vùng lũ Lào Cai, thành viên một nhóm thiện nguyện tá hỏa khi thấy một túi vàng nữ trang nằm lẫn trong thùng giấy.
Vĩnh biệt tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh Ðoàn 559 Bộ đội Trường Sơn ĐẬU DUNG 17/09/2024 Thông tin từ gia đình Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết, ông qua đời lúc 14h30 ngày hôm nay (17-9), thọ 97 tuổi.
Hành trình nữ sinh viên Đà Nẵng được tiếp sức đến trường thành 'Công dân danh dự Seoul' TRƯỜNG TRUNG 17/09/2024 Năm 2007, Lê Nguyễn Minh Phương là tân sinh viên nghèo nhận học bổng 'Tiếp sức đến trường' của báo Tuổi Trẻ khi trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.