TTCT - Nhà bình luận Belarus Gleb Shutov và tiến sĩ Đan Mạch Jan Oberg trò chuyện với TTCT về hai sự kiện quan trọng vừa diễn ra ở châu Âu cuối tuần quan. Ông Gleb Shutov - Ảnh nhân vật cung cấp Đó là Hội nghị thương đỉnh Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 4 đến 5-9 và đàm phán ba bên Nga - Ukraine - OSCE ở Minsk (Belarus) ký thỏa thuận ngưng bắn hôm 5-9. Mở đầu cho những diễn biến mới tuần qua là tuyên bố của Tổng thống Nga V. Putin về việc ông và tổng thống Ukraine đã điện đàm về một cuộc “ngưng bắn lâu dài”, thế nhưng không lâu sau đó thư ký báo chí của ông V. Putin là D. Peskov đã “nói lại” rằng hai bên chỉ thảo luận về “con đường tiến tới hòa bình”. Nên hiểu câu chuyện này thế nào? - Vấn đề là ở chỗ Nga không chính thức tham gia cuộc xung đột vũ trang ở Donbass (đông nam Ukraine). Hơn thế nữa, việc sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài hiện nay bị cấm, bởi ngày 25-6 Hội đồng liên bang (tức Thượng viện Nga), theo yêu cầu của tổng thống, đã rút lại việc cho phép ông V. Putin sử dụng quân đội ở nước ngoài. Nhưng bằng cách nào đó, một số binh sĩ Nga đã có mặt trên lãnh thổ Ukraine. Trong trường hợp một số lính bị Ukraine bắt làm tù binh, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố “các binh sĩ này đi lạc”. Còn nói về những lính Nga chết trên lãnh thổ Ukraine thì kênh 1 truyền hình Nga bình luận như sau: “Hôm nay thành phố Kostrom đã vĩnh biệt người lính dù Anatoli Travkin. Gần một tháng trước anh đến Donbass và đã tử trận. Anh không nói gì với vợ, người anh mới cưới không lâu trước khi ra đi, về quyết định của mình, cũng như với chỉ huy đơn vị anh đang phục vụ. Về chính thức, anh xin nghỉ phép”. Theo thủ tướng Cộng hòa tự trị Donetsk (DNR) A. Zakharchenko, hiện có 3.000-4.000 người tình nguyện Nga chiến đấu cho phía DNR. Vì Kremlin bác bỏ sự có mặt của Nga trong cuộc xung đột nên theo các quan điểm chính thức của Matxcơva, Nga không thể là một phía hòa giải và ông V. Putin chỉ có thể kêu gọi phe dân quân Ukraine ngưng bắn, cũng như kêu gọi thành lập một hành lang nhân đạo cho các binh sĩ Ukraine bị bao vây. Còn Ukraine thì đứng trên quan điểm là có việc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Nhưng từ sự cố “nói lại” nêu trên, liệu có thể nói Tổng thống V. Putin đang phải đối mặt với luồng chính kiến khác trong nước? - Việc sáp nhập Crimea vào Nga đã gia tăng uy tín của ông Putin. Tuy nhiên, các sự kiện ở Donbass cũng cho phép các đối thủ cạnh tranh với ông Putin thu thập vốn liếng chính trị. Cũng gia tăng các chỉ trích cho rằng ông Putin ủng hộ dân quân đông nam Ukraine chưa đủ mạnh. Còn có tin rằng các hoạt động ở DNR và LNR (Cộng hòa nhân dân Lugansk) chủ yếu được tài trợ bởi các nhà tài phiệt Nga, cụ thể là Konstatin Malofeyev và Viktor Vekselberg, những người mà quân đội riêng của họ đang thao dượt trên chính chiến trường ở Donbass. Nếu các thông tin này là xác thực thì xung đột ở Donbass về triển vọng có thể đe dọa an ninh quốc gia Nga, bởi sự hiện diện của các đội quân riêng của các nhà tài phiệt, được đào tạo và trải qua chiến tranh, tự thân nó đã là một mối đe dọa nhất định cho chính quyền liên bang. Đồng thời cũng đáng quan ngại tâm trạng ly khai trong chính nước Nga, qua cuộc diễu hành ở Siberia hay các hoạt động ở Kuban và Kaliningrad. Mối đe dọa phân lập ở Nga này có thể được nhận diện bằng việc ngày 9-5-2014, một điều khoản của bộ luật hình sự đã được đưa vào thực thi, theo đó những xách động công chúng cho hoạt động ly khai sẽ bị phạt tù tới 4 năm, còn kêu gọi ly khai bằng các phương tiện truyền thông, trong đó có Internet, có thể mất tự do tới 5 năm. Tức có khả năng một số thế lực sử dụng chiêu bài “phục hồi đế chế Nga” để kiếm vốn liếng chính trị trong cuộc khủng hoảng Ukraine, và như thế sẽ tạo thế cạnh tranh với Tổng thống V. Putin. Cuối cùng thì cuộc hòa giải xung đột Ukraine cũng diễn ra tại Minsk ngày 5-9. Các nhà bình luận cho rằng đây là tin tốt nhất từ khi nổ ra xung đột đến giờ, nhưng cũng có lo ngại về triển vọng rất mong manh của ngưng bắn? - Cuộc gặp ngày 5-9 đáng nói là ngoài ba bên Nga - Ukraine - Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), còn có các đại diện của DNR và LNR. Lần đầu tiên các đại diện Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với các đại diện cộng hòa tự xưng. Và thỏa thuận ngưng bắn có một điều khoản về chuẩn bị quy chế đặc biệt cho Donetsk. Tuy nhiên, cũng đã có các cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn của cả hai phía. Có thể nói trong điều kiện hiện nay, Kiev có hai cách: 1/ Tiếp tục chiến dịch quân sự và cuối cùng sẽ phải nhận về một Pridnestrovye mới (cộng hòa ly khai tự xưng thân Nga, là một dải đất nằm giữa sông Dniester và phía đông biên giới Ukraine với Moldova - TTCT) hay nói chung là phải chấp nhận mất Donbass. 2/ Ngồi vào đàm phán với các đại diện DNR và LNR về liên bang hóa. Chủ nhà cuộc họp Minsk là Tổng thống Belarus Lukashenko đã ưu tiên cho phương án hai: “Tất cả là ở chỗ các vùng Ukraine phải được độc lập nhiều hơn. Độc lập như thế nào? Cần phải ngồi vào bàn thương lượng và đưa điều khoản này vào hiến pháp. Còn gọi tên nó ra sao - phi tập trung hóa, liên bang hóa hay tự trị và ai được tự trị, điều đó chỉ là thứ yếu. Nhưng nó phải được bàn thảo không phải dưới tiếng đại bác, lằn đạn hay máy bay tiêm kích. Vấn đề là ở chỗ chấm dứt chiến sự”. Nhưng cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Wales diễn ra gần như cùng lúc với cuộc gặp ba bên ở Minsk, lại mang đến những kết quả không hòa hoãn. Thậm chí có lo ngại rằng đây là hội nghị thượng đỉnh trước chiến tranh lạnh? - Cuộc họp thượng đỉnh NATO lần này đã đi một bước về phía mà người Nga quan ngại nhất: Nga không muốn các căn cứ quân sự NATO ở Ukraine, nhưng giờ đây, với cái cớ “mối đe dọa Nga”, các nhóm cốt cán của lực lượng phản ứng nhanh NATO đã xuất hiện gần biên giới Nga - ở các nước Baltic, Ba Lan. Còn tại Estonia sẽ xuất hiện căn cứ không quân Mỹ. Về phía mình, Ukraine muốn NATO giúp, nhưng NATO chưa vội. Như theo lời Tổng thống Poroshenko, “khi Ukraine đáp ứng được các tiêu chí của một thành viên thì công dân Ukraine sẽ quyết định lúc nào Ukraine gia nhập (NATO), và như thế nào”. Rõ ràng việc tiến hành cải cách sẽ kéo dài và cũng hiển nhiên rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO vì cuộc tranh cãi lãnh thổ chưa giải quyết xong (quy chế của Crimea). Có thể nói cuộc khủng hoảng Ukraine và sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông đang được Mỹ sử dụng cho mục đích địa chính trị của mình. Các nhiệm vụ này khá hiển nhiên - thành lập từ nay đến cuối nhiệm kỳ của chính quyền Obama “hai vòng tròn”: các quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Và không chỉ là liên minh kinh tế mà còn là một hế thống mới do Mỹ dẫn đầu ở hai bán cầu. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các láng giềng của Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, trên nền của việc cắt giảm ngân sách quân sự, các láng giềng của Nga và Trung Quốc phải tự nhận trách nhiệm quân sự và tài chính. Thí dụ như để đối phó với Trung Quốc, Nhật phải tăng ngân sách quân sự, và để khống chế Nga, Ba Lan cùng các thành viên NATO khác phải tăng chi phí quân sự của mình. Còn học thuyết quân sự mới của Nga, khi Matxcơva cho hay sẽ thay đổi học thuyết quân sự của mình. Học thuyết 2010 đã không còn thích hợp như thế nào khiến Matxcơva phải chuẩn bị học thuyết mới? - Trong xã hội Nga hiện nay có thể quan sát thấy sự gia tăng tâm trạng chống Mỹ và phương Tây, thể hiện qua các hình thái khác nhau: từ việc đóng cửa chuỗi McDonald đến việc trên website của chi nhánh Nga thuộc Hiệp hội các nhà chính trị Nga (một tổ chức khá nghiêm túc) xuất hiện các đoạn phim hoạt hình cười nhạo thư ký báo chí Mỹ là bà Jen Psaki. Rõ ràng là với nhiều người Nga, Mỹ đã sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine như một cái cớ để dẫn tới sự cô lập quốc tế đối với Nga. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà điều phối Cơ quan các tổng thanh tra viên Bộ Quốc phòng Nga Y. Yakubov tuyên bố với Hãng Interfax về sự cần thiết phải đưa vào học thuyết quân sự điều khoản về đòn tấn công hạt nhân ngăn ngừa, rằng “trong văn kiện chiến lược này của đất nước phải nêu rõ ràng, trước nhất đối thủ có thể của Nga, điều không có trong học thuyết quân sự 2010. Theo tôi, đối thủ chính của chúng ta đó là Mỹ và khối NATO...”. Xin cảm ơn ông. Ông Jan Oberg Thiếu một ý nguyện hòa bình Một số trong chúng ta đủ lớn để cảm nhận nỗi đau thời Chiến tranh lạnh và chứng kiến hậu quả hôm nay của khúc khải hoàn phương Tây hậu 1989, việc coi thường tất cả những phương án đối trọng với NATO và việc NATO mở rộng nhờ sự tan rã của Liên Xô và việc giải thể khối Hiệp ước Warsaw mang tới. Ngày nay, chi phí quân sự của Nga chỉ bằng 8% của NATO... Dù nước Nga với Tổng thống V. Putin có thể có phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện nay - như sáp nhập Crimea và không bảo đảm tự trị cho những người không phải gốc Nga ở đó, nhưng quy tội cho Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine là một biểu hiện lệch lạc về chính trị. Nhưng để mở rộng NATO và đưa Ukraine vào quỹ đạo NATO thì người ta phải chỉ trích Nga và gọi đó là mối đe dọa lớn nhất mà để chống lại nó, phương Tây galăng sẽ ra tay bảo vệ Ukraine! Đó là một sự đánh lừa. Nga không muốn khởi sự chiến tranh ở Ukraine. Nó không nằm trong lợi ích Nga, Nga cũng không có khả năng chiến đấu với quân NATO và cán cân quân bình ngày nay càng kém hơn so với thời Chiến tranh lạnh. Nhưng người Nga buộc phải phản ứng khi NATO đưa quân tới sát biên giới họ, cũng như Washington sẽ phải làm thế nếu Nga đưa quân tới biên giới của Mỹ với chẳng hạn như Canada hay Mexico. Thế nhưng sau Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần qua, dự kiến NATO sẽ: - Thành lập nhóm tiên phong của lực lượng phản ứng nhanh. - Đặt vũ khí vào sẵn các vị trí ở các nước Đông Âu. - Triển khai 1.100 quân từ 13 nước kể cả từ Mỹ, Anh, Canada, Gruzia, Đức trong vòng hai tuần. - Tập trận với Ukraine trong tháng này. - Nhiều quốc gia đã cho phép máy bay NATO bay qua không phận, Thụy Điển và Phần Lan cũng đã ký các hiệp ước ủng hộ của nước chủ nhà... Tất cả những biện pháp này, không nghi ngờ gì, đều mang tác dụng ngược, là những bước leo thang cho thấy sự thiếu tôn trọng lợi ích của dân tộc khác, thiếu một ý nguyện hòa bình! JAN OBERG (giám đốc Quỹ nghiên cứu hòa bình xuyên quốc gia TFF) Tags: Ukraine
Những người hiến máu như ‘nhân viên đường dây nóng', bệnh viện gọi là đi DƯƠNG LIỄU 23/11/2024 Khác với những người hiến máu tình nguyện định kỳ, đối với người hiến máu mang nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype, họ như “đường dây nóng” của viện, sẵn sàng lên đường khi bệnh nhân cần máu.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Truyền thông Mỹ, Hàn: Lính Triều Tiên đã đến tiền tuyến Mariupol, Kharkov ở Ukraine UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Truyền thông Mỹ và Hàn Quốc đưa tin lính Triều Tiên được cử đến tham chiến ở vùng Kursk của Nga đã xuất hiện tại chiến trường Mariupol và Kharkov, Ukraine.