TTCT - Vùng đất sình lầy, tận cùng Tổ quốc Cà Mau có một ngôi làng thật khang trang, không rác, không quán bia ôm, không ma túy... Và đặc biệt không ai rảnh việc. Phóng to Dãy 30 căn nhà mới trong dự án làng tái định cư Hố Gùi II vừa đưa vào sử dụng Chiều nắng sắp tắt nhưng thật khó tìm được người rảnh việc để hỏi thăm chuyện xóm làng. Cả ông trưởng ấp Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, Cà Mau) Phạm Hoàng Sang chỉ dành cho chúng tôi năm phút trò chuyện rồi phải cho cá lóc dưới ao ăn. Vợ ông cũng không thể ngồi lâu vì còn phải hoàn tất việc phơi ruốc với chị em ở cuối làng. Chỉ trẻ em mới rảnh rang Năm 2009, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ thêm một dự án tái định cư cho dân ven biển mang tên làng tái định cư Hố Gùi II, xây tiếp 150 căn nhà với quy mô lớn hơn, kiên cố hơn, trị giá lên đến 87 triệu đồng/căn (so với 25 triệu đồng ở dự án I). Đến tháng 6-2009, 30 căn hộ mẫu được bàn giao và hiện các đơn vị thi công tiếp tục triển khai 120 căn còn lại. Theo ước tính của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tổng giá trị đầu tư cho hai làng đến nay khoảng 1 triệu USD.Trên con đường dài gần 2km, thật khó để tìm thấy một bao nilông vứt trên đường, dưới mé kênh hay trong những bụi cỏ xanh rì. Chỉ có trẻ con là rảnh rang chơi đùa, toàn bộ người lớn dính hết vào công việc. Gần cuối làng có một người đàn ông đang ngồi uống trà trước cửa. Đó là ông Nguyễn Minh Triết, bí thư chi bộ ấp. Nhưng ông cũng không rảnh việc mà đang bán tạp hóa tại nhà. Trước nhà ông Triết có một nhóm chị em ngồi vá lưới vừa làm việc vừa nói cười rộn rã. Chị Hậu giải thích: “Ở đây ai cũng làm việc, mình ở không coi hổng giống ai”. Chỉ tay về hướng một bà lão đang phơi con ruốc, chị nói tiếp: “Như bà Tám đó, gần 60 tuổi mà không bao giờ thấy bả rảnh tay, buông cái này bắt cái nọ liền. Có việc làm cực nhưng mà vui anh ơi”. Bà Tám tên thật là Ngô Thị Thơm, 59 tuổi, ở nhà số 26. Bà ở cùng hai vợ chồng đứa con trai út. Hôm nay cũng như mọi hôm, con trai bà ra biển kiếm sống, bà đi phơi ruốc thuê, con dâu mới chuyển về từ xóm khác chưa rành việc ở làng này nhưng đã theo chị em học vá lưới từ sáng. Bà Tám nói: “Gia đình cô còn vất vả lắm, phải làm lụng không nghỉ tay mới mong đủ ăn. Nhưng so với hồi xưa khi chưa về với làng này thì sướng gấp trăm lần rồi”. Lớn lên trên vùng đất Năm Căn trong một gia đình nghèo khó, bà Tám kết hôn với một người chồng cũng nghèo nên bà tiếp tục những chuỗi ngày vất vả với cảnh ăn nhờ ở đậu làm thuê kiếm sống. Khi bà sinh đứa con thứ ba được hai tháng thì ông chồng bỏ đi. Bà nhớ lại: “Ở đậu hoài người ta cũng chán mình, má con ôm nhau ra cửa biển Hố Gùi sinh sống”. Ông Phạm Hoàng Sang nói thêm: “Chính gia đình tôi cũng vậy, hết đường sinh sống mới dạt ra cửa biển Hố Gùi dựng chòi, mò cua bắt ốc sống qua ngày. Đó cũng là tình cảnh chung của cư dân làng trước đây”. Những năm trước 2005, cả tỉnh Cà Mau xôn xao chuyện di dân khỏi các cửa biển. Cửa biển Hố Gùi lúc ấy là một nỗi nhức nhối của chính quyền địa phương. Nơi đây luôn có trên 200 hộ gia đình cất nhà sàn kiểu tổ chim ngoài cửa biển. Cứ sau một trận lốc hàng chục căn nhà sập bẹp. Chuyện cứu trợ diễn ra thường xuyên, trẻ con đói chữ đầy rẫy... Phóng to Vào làng không hề thấy rác xã bừa bãi Đổi thay từ một dự án Thế là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau cùng bắt tay với Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ triển khai dự án làng tái định cư cho dân cửa biển Hố Gùi với quy mô 205 căn hộ và hệ thống trường học, trạm y tế, chợ. Tổng giá trị đầu tư xây dựng làng gần 7 tỉ đồng, tính cả phần đối ứng của tỉnh là kết cấu hạ tầng (đường bêtông, điện nước). Ông Trần Thanh Liêm, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đến tháng 7-2005, trên 200 hộ dân ở cửa biển Hố Gùi được tặng nhà tại làng tái định cư. Nhưng nhiều năm sau đó, làng cứ trong cảnh rối ren bởi không có kế sinh nhai, một số người lén bỏ nhà, quay ra cửa biển cất chòi để mò cua bắt ốc”. Vậy điều gì đã làm làng thay đổi như hôm nay? Ông Liêm khẳng định nhờ sự hỗ trợ đến nơi đến chốn của Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ. Sau khi đầu tư hệ thống căn hộ, trường học, trạm y tế, chợ, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ còn đầu tư ngành nghề tạo việc làm cho dân làng thật sự an cư lạc nghiệp. Đã có 14 thanh niên được học nghề sửa chữa xe và máy nổ hiện đang sống bằng nghề. Hàng chục hộ khác được đào tạo nghề may. Đặc biệt là tất cả hộ dân được cho vay vốn ưu đãi để nâng cấp phương tiện khai thác biển, ngư cụ phát triển sản xuất. Ông Sang phấn khởi: “Nhìn chung đa số dân làng còn nghèo nhưng không còn ai thiếu đói như trước. Cá biệt có gần chục hộ vươn lên khá và giàu, tài sản bạc trăm triệu đồng”. Trong làng ai cũng chứng kiến sự vươn lên từng ngày của nhiều người. Ông Võ Văn Cho nhớ lại: “Khi mới về làng, chiếc ghe lưới 5 tấn của tôi tơi tả. Nó bể tùm lum, máy hư liên tục. Mấy lần tính bán ghe vì hết khả năng khôi phục, may nhờ Hội chữ thập đỏ có dự án cho vay tiền, khôi phục nghề biển”. Ông Cho được cho vay 30 triệu đồng mua máy mới, sửa ghe, nâng cấp ngư lưới cụ. Chỉ sau vài chuyến biển thắng lớn, ông đã nâng cấp căn nhà, cơi nới rộng hơn. Chỉ tính riêng gia đình ông đã giải quyết việc làm cho gần chục người trong làng bởi các công việc hậu cần nghề biển như vá lưới, đi ngư phủ, phơi ruốc, bốc vác hải sản... Hoặc như ông Hai Ánh, một “đại gia” nuôi cá đồng ở làng. Trước đây vì có ít đất sản xuất gia đình luôn gặp khó khăn, ông thường phải lội rừng kiếm thêm cua ốc mới đủ sống. Nhưng nay ông trở thành một điển hình về nuôi cá nước ngọt trên vùng đất mặn, được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chọn làm điển hình triển khai các mô hình nuôi thủy sản. Phóng to Khó tìm được một người lớn rảnh việc ở làng tái định cư Hố Gùi - Ảnh: Thu Hương Mừng vì con được đi học Đi kèm với việc đầu tư phát triển đời sống cho dân, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ cùng chính quyền địa phương vận động nhiều phong trào nâng cao đời sống tinh thần và văn hóa. Tiêu biểu và hiệu quả nhất là phong trào tự quản, bảo vệ môi trường. “Đến cuối năm 2009, làng bắt đầu sạch, xanh và thú vị nhất là ý thức của người dân. Thói quen không vứt rác bừa bãi đã hình thành, hiện 100% hộ gia đình ở làng có sọt rác, có hố tiêu hủy rác, nhà vệ sinh tự hoại. Làng không có tệ nạn từ ma túy, mại dâm, cờ bạc, số đề, kể cả tệ nhậu nhẹt bê tha như vẫn thường thấy ở các vùng dân cư ven biển” - ông Trần Thanh Liêm vui mừng kể. Chuyện học ở làng còn đáng mừng hơn khi trường THCS đang chuẩn bị khởi công. Chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ đã từng và đang thực hiện chương trình hỗ trợ 10kg gạo/hộ nghèo để bà con không buộc trẻ con bỏ học sớm. Chưa từng mơ đến chuyện cho con ăn học vì nghèo khó, không có trường gần, nay anh Bùi Minh Tuấn đã yên tâm. “Nhìn hai đứa con được đi học, tôi thiệt sung sướng lắm. Ông bà vẫn nói nghèo không sợ, chỉ sợ không có tương lai. Nay chúng nó đã có tương lai rồi” - anh tâm sự. Vợ chồng anh hiện vẫn chưa có công việc căn cơ ngoài làm thuê, nhưng không ai thấy anh để hai đứa con mình thiếu áo mới, tập sách khi đến trường. Con em của làng từ chỗ dốt nát, bỏ học sớm nay đã được đi học 100%. Ông trưởng ấp cho biết làng tái định cư đã có năm em vào đại học và năm em học THPT, học sinh tiểu học là 231 em. Ông Liêm nhận định: “Tất cả những hộ về sống ở làng tái định cư Hố Gùi nhân ái đó đều thể hiện một sự đổi thay rất mạnh mẽ trong lối sống, sinh hoạt, ý chí phát triển. Người ta như được thay đổi cuộc đời, nhiều người nói với chúng tôi rằng họ như được sinh ra lần hai”.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố lún nhanh nhất thế giới THANH HIỀN 22/11/2024 Nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố bị lún nhanh nhất thế giới.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.